Khung cảnh đêm tối tĩnh mịch của làng Thơm Rơm bị xé tan bởi một đám cháy ngùn ngụt. Từ phía bên kia con rạch, người ta chỉ đứng im lìm quan sát ngọn lửa điên cuồng thiêu đốt một ngôi nhà. Rồi lời thủ thỉ của một cô gái vang lên: "Chồng đang làm gì? Em biết chồng chẳng bao giờ tới đây coi cháy. Em sẽ kể lại, không sót thứ gì".
Người vợ kể cho chồng nghe về vẻ đẹp của ngọn lửa hết lần này đến lần khác thiêu đốt ngôi nhà mà vợ chồng người đàn bà anh thầm thương đang sống. Giọng cô đều đều, không che giấu được sự mỏi mệt và xen cả chút hờn giận của người đàn bà không được thương yêu. Từ cái cách cô say mê miêu tả vẻ đẹp của ngọn lửa hung tàn, người xem dường như đã biết mình sắp phải đối mặt với một câu chuyện quá đỗi bất thường.
Đó là khúc khai màn của Tro Tàn Rực Rỡ, tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, được anh nhào nặn nên từ hai truyện ngắn Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao, được trao giải Khinh khí cầu Vàng của LHP Ba châu lục tổ chức tại Pháp.
Những người phụ nữ cam chịu bị đọa đày vì tình yêu
Trong Tro Tàn Rực Rỡ, Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling) là vợ Dương (Công Hoàng) nhưng lúc nào cũng chỉ là kẻ vô hình trong mắt chồng. Trái tim Dương chưa bao giờ phai nhạt hình bóng Nhàn (Phương Anh Đào), ngay cả khi Nhàn đã yên ấm bên Tam (Quang Tuấn). Dương và Hậu phải lấy nhau cũng chỉ vì đã đi quá giới hạn trong cơn say sau đám cưới của Nhàn.
Số phận càng khoét sâu vào vết thương lòng của Hậu khi ngày ngày cô phải chứng kiến cuộc sống gia đình ấm êm của Nhàn và Tam, còn mình thì lủi thủi một mình vì chồng bỏ đi làm ăn xa biền biệt. Sự ghen tị của cô với Nhàn dần chuyển từ sự ghen tuông sang mặc cảm - mình thì vụng về mà Nhàn vừa đẹp vừa khéo, lại có người chồng thương yêu hết mực. Thế nhưng, số phận thích trêu ngươi lại liên tiếp giáng xuống những tai ương, buộc chặt cuộc đời hai người phụ nữ trong một vòng tròn luẩn quẩn.
Hậu và Nhàn như hai người đứng ở hai phía của một cây cầu, một bên khổ đau một bên hạnh phúc. Bộ phim chính là hành trình họ bước về phía nhau, lướt qua nhau, để rồi sau cùng, tráo đổi vị trí cho nhau lúc nào không ai hay. Người ngỡ hạnh phúc lại chìm trong đau khổ, kẻ tưởng mãi sầu đau lại thấy hy vọng nhen lên. Trong đám cháy của tình yêu điên cuồng và mù quáng, bất chấp tất cả để chồng vui, một người đã biến thành tro tàn rực rỡ rồi tan vào hư vô, còn người kia lại như đốm lửa âm ỉ, chỉ chờ làn gió thổi vào để bùng lên.
Người đàn bà khổ sở vì tình thứ ba của Tro Tàn Rực Rỡ là Loan (NSƯT Hạnh Thúy). Thuở thiếu niên, chị từng bị một gã đàn ông trong xóm xâm hại rồi dìm xuống con kênh suýt chết. Gã đàn ông (Thạch Kim Long) bị pháp luật trừng trị, Loan sống sót nhưng cũng thành hâm dở, nát rượu. Chị khổ sở vì nỗi cô đơn tới độ đong đưa với người đàn ông cô đơn duy nhất không ai đoái hoài ở Thơm Rơm là… một sư thầy chưa rũ được hồng trần (Mai Thế Hiệp).
Ngày kẻ hại đời Loan quay về, làng xóm ngỡ chị sẽ hóa điên, sẽ xé xác hắn cho hả giận. Nhưng người đàn bà, bị giằng xé giữa mối hận thù cô không còn nhớ rõ và nỗi cô đơn lẻ bóng gặm nhấm tâm can từng ngày, đã không thể cưỡng lại ước mơ về một hạnh phúc lứa đôi. Ảo mộng ấy được chị xây dựng trên chính đám tro tàn của quá khứ đau thương, với kẻ từng một lần hại mình suýt chết.
Nếu câu chuyện của Hậu và Nhàn vẽ lên một bức tranh hôn nhân đày ải con người, thì Loan, ở phía ngược lại, cho thấy cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì hơn khi ta… không có chồng. Ba bức chân dung họa lại ba người phụ nữ tuy không giống hệt nhau về đường nét, bố cục hay chủ thể, nhưng đều dùng chung bảng màu tạo thành từ những sắc độ dữ dội của ngọn lửa tình yêu thiêu đốt tâm can.
Lấy câu chuyện tình yêu tay ba của Hậu, Nhàn và Dương làm trung tâm, đất và người trong Tro Tàn Rực Rỡ tiếp tục mở rộng theo cả chiều dài thời gian lẫn chiều sâu không gian. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng ê-kíp đã rất kỳ công trong việc phục dựng những góc nhỏ thôi, nhưng sống động trong nếp sinh hoạt của con người miền Tây. Ta có một đám cưới ồn ã như cuộc nhậu cuối chiều, một đám rước dâu bằng xuồng máy, những mái nhà xây sát bên sông. Ở đó, người ta mưu sinh bằng nghề bán quán, làm chuối ép khô, đốt than, đánh cá…
Tất cả được bao bọc, dẫn dắt bởi nước. Có lúc nó sẽ là con sông dẫn tới ngôi nhà của Hậu, của Nhàn, tới ngôi chùa Thổ Sầu cùng một chuyện tình éo le khác với một nhà sư, một người đàn bà khùng và một người đàn ông từng tù tội. Khi khác, nước lại thành mặt biển rộng hút tầm mắt nơi Dương tự cô lập mình khỏi cuộc hôn nhân đầy sự ép buộc. Cái ao tù cạnh lò đốt than hay đầm nước mặn tù túng xét cho cùng cũng là sự phản chiếu trái tim vỡ vụn, u mê trong nỗi đau và khát khao hủy diệt của Tam.
Sự loay hoay khi kể lại truyện của Nguyễn Ngọc Tư bằng ngôn ngữ điện ảnh
Xem Tro Tàn Rực Rỡ, khán giả có thể cảm nhận được nỗi đau và cả sự bế tắc mà mỗi nhân vật phải mang trong lòng. Đôi khi, phim cũng chiêu đãi họ tiếng cười thông qua những câu thoại chân chất thật lòng đúng kiểu có gì nói vậy. Nhưng cười đấy để rồi khóc đấy khi bộ phim nào phải một câu chuyện cổ tích để rồi "họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi".
Nỗi bất hạnh sừng sững trước mặt như một ngôi nhà cháy, còn hạnh phúc lại chỉ mơ hồ như một lời hứa hẹn "trời nắng lên" hay hình ảnh chiếc xuồng máy đơn sơ lạc lõng giữa biển rộng. Hết phim, còn đọng lại trong lòng khán giả là một nỗi trống vắng. Nỗi trống vắng hoang hoải đến từ cảm xúc buồn thương cho những thân phận trên màn ảnh, và cả sự bối rối khi không thể nào nắm bắt trọn vẹn nội dung tác phẩm.
Về tổng thể, bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sáng rõ về mặt thông điệp và nhất quán trong đường dây cảm xúc. Nó kể cho khán giả nghe một câu chuyện, mà có lẽ đã chẳng còn gì mới với người yêu văn Nguyễn Ngọc Tư: Những người phụ nữ miền sông nước tràn đầy sức sống, hừng hực tình yêu và sắt son chung thủy trở thành nạn nhân của chính những đức tính ấy, âm thầm chịu đựng và phục dịch người đàn ông bạc tình.
Thế nhưng, khi bắt tay triển khai thông điệp ấy thành một câu chuyện, hay nói cách khác, nỗ lực chuyển tải những câu chữ thành hình ảnh, bộ phim đã gặp phải không ít rào cản. Cả hai nguyên tác văn học đều được xây dựng bám sát vào mạch cảm xúc của nhân vật - Tro Tàn Rực Rỡ hoàn toàn là lời tự sự của người vợ với chồng còn Củi Mục Trôi Về là dòng chảy suy nghĩ luân phiên giữa nhà sư, người cựu tù và người đàn bà điên - không dễ để rạch ròi thành những dòng mô tả thời gian, địa điểm, hành động của nhân vật dưới góc nhìn điện ảnh.
Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Tư viết rất ít thoại. Để nhân vật trên trang sách của chị nói ra được điều gì đó, cần rất nhiều đoạn văn phía trước giúp sức nhào nặn câu từ, hình thành ý tưởng. Nói cách khác, những câu thoại này đều là một sự chắt lọc, ý tại ngôn ngoại, nói ít hiểu nhiều. Có không ít phân đoạn trên phim, chính lời thoại trong sách được trích dẫn nguyên vẹn từ sách lên màn ảnh đã giúp nêu bật được thần thái của nhân vật.
Phim điện ảnh Tro Tàn Rực Rỡ đã cố gắng tái hiện lại hai đặc trưng này, và bước đầu đã tạo ra được một không gian mà trong đó, mỗi người đàn ông đều như đang giấu mình trong một chiếc bong bóng; dù cho người phụ nữ của họ có cố gắng cách nào cũng chẳng thể xuyên qua. Cảm giác lạc lõng, cô độc từ cả hai phía hoàn toàn có thể nhìn thấy, và cảm nhận được.
Bộ phim cũng có những thêm thắt để làm rõ ý đồ trong vài phân cảnh - như chuyện mưu sinh của Tam hay tương tác giữa Hậu và Nhàn. Nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ để lấp đầy những khoảng trống sự kiện trong mạch truyện, hay lý giải cho việc vì lý do gì một lời thoại lại được cất lên. Bên cạnh đó, việc kịch bản xếp mọi sự việc ở mức độ quan trọng tương đương mà không có tình tiết hay phân cảnh mang tính đột phá cũng khiến phim tựa một bố cục mờ nhạt vì không rõ chính phụ.
Điều này dẫn đến việc khi xem, khán giả dễ cảm nhận Tro Tàn Rực Rỡ lan man, rời rạc, khó nắm bắt diễn biến. Sau cùng, để có thể hiểu trọn vẹn bộ phim, lựa chọn sáng suốt của khán giả phải chăng là tìm đọc chính nguyên tác tiểu thuyết đã ươm mầm cho tác phẩm ra đời?
Ảnh: CJ