Một trong những lí doQuân Vương Bất Diệt (The King: The Eternal Monarch) nhận về nhiều ý kiến trái chiều là câu chuyện giả tưởng mang phong cách của những bộ phim Hàn cũ với mô típ "hoàng tử - lọ lem" điển hình trong khi bối cảnh hai thế giới song song được xây dựng khá rắc rối. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận gửi gắm trong bộ phim là không ít tham vọng và quan điểm cá nhân mạnh mẽ của biên kịch Kim Eun Sook, liệu những điều đó có xứng đáng để biên kịch này "mạo hiểm rating" để thực hiện Quân Vương Bất Diệt?
Quân Vương Bất Diệt: Không đơn thuần là câu chuyện tình yêu li kì mà hàm chứa ước mơ của Kim Eun Sook?
Khán giả đã theo dõi Quân Vương Bất Diệt đến thời điểm này hẳn đã nhận ra bộ phim không phải một tác phẩm phù hợp thị hiếu số đông. Ở thời đại mà khán giả chỉ thích xem những chuyện tình mang tính thực tế, Kim Eun Sook vẫn trung thành với mô típ tình yêu "hoàng tử - lọ lem" như một cách đi ngược xu hướng đại chúng. Ở thời đại khán giả quan tâm nhiều đến phim hiện thực xã hội, Kim Eun Sook vẫn thích ma thuật, truyền thuyết và xuyên không cũng như câu chuyện mang tính vĩ mô về một vương quốc, một đế chế.
Đáng nói hơn, Quân Vương Bất Diệt đã bộc lộ rất nhiều chi tiết đậm mùi chính trị hay "bóc phốt" xã hội được tổ biên kịch gửi gắm trong cách xây dựng hình ảnh Đại Hàn Đế Quốc - bản "song trùng" của Đại Hàn Dân Quốc. Đại Hàn Đế Quốc sở hữu GDP đứng thứ 4 thế giới nhờ sở hữu đất hiếm, có xung đột chính trị với Nhật Bản nhưng không chịu nhún nhường mà sẵn sàng nã súng cảnh cáo khi tàu đối phương tiến vào lãnh hải nước mình. Nữ thủ tướng Seo Ryung (Jung Eun Chae) xuất thân từ gia đình không khá giả nhưng vẫn có thể ngồi ở vị trí quan trọng và đối đầu với những ánh mắt nghi hoặc từ nội các phần lớn là nam giới. Đại Hàn Đế Quốc nghe qua như thể một phiên bản được "lí tưởng hóa" của Hàn Quốc hiện đại vậy.
Việc xây dựng một nữ thủ tướng giữa nội các đa phần nam giới là dụng ý đề cao nữ quyền của Kim Eun Sook.
Cảnh thủy chiến giữa Đại Hàn Đế Quốc và Nhật Bản ở tập 6 như hàm ý phô diễn năng lực quân sự của Hàn Quốc.
Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên Kim Eun Sook khai thác chính trị ngầm sau những thước phim. Mr. Sunshine cũng từng "trầy trật" với đề tài khó ngấm và nhiều vấn đề chính trị gây tranh cãi nhưng cuối cùng vẫn thành công vang dội. Hay Hậu Duệ Mặt Trời cũng xoáy vào đề tài quân nhân, ca ngợi quân đội Hàn Quốc đến mức một bộ phận khán giả quốc tế khó chịu. Kiểu đề tài vĩ mô này tạo không gian cho biên kịch "múa bút" nhưng đồng thời đã đang dần trở nên kém hấp dẫn với khán giả vì thiếu tính thực tế.
Hậu Duệ Mặt Trời và Mr. Sunshine cũng hàm ẩn quan điểm chính trị nhất định của biên kịch.
Từ Arthdal Chronicles đến Vagabond và Quân Vương Bất Diệt: Những biên kịch "mạo hiểm rating"
Tình hình của Quân Vương Bất Diệt không khỏi gợi liên tưởng đến Vagabond (Lãng Khách) lên sóng năm 2019. Cũng được gắn mác "siêu bom tấn" nhiều tháng trước khi lên sóng, được ngợi khen vì teaser đậm chất hành động tiệm cận Hollywood, thậm chí các diễn viên còn "nói vui" rằng kì vọng phim sẽ phá mốc rating 30%. Kết quả, Vagabond quả thật đã gây được chút tiếng vang, nhưng cả rating lẫn độ hút truyền thông đều kém xa mong đợi và kịch bản cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều.
Vagabond chỉ ghi điểm phần hành động, còn kịch bản cũng bị không ít khán giả chê bai.
Hay như trước đó nữa, Arthdal Chronicles (Arthdal Niên Sử Kí) cũng qui tụ dàn diễn viên khủng, kinh phí đầu tư khổng lồ và rầm rộ với những mỹ danh "Game of Thrones của châu Á" hay "tác phẩm kết hợp thần thoại và dã sử 20 năm có một" để rồi sau đó thành công không như mong đợi nếu không muốn nói là "bom xịt" dù cũng thu hút được lượng khán giả nhất định.
Tạo cả một thế giới mới với rất nhiều chi tiết rối rắm, Arthdal Chronicles không thành công như mong đợi.
Điểm chung của Arthdal Chronicles, Vagabond hay Quân Vương Bất Diệt đều là chọn khai thác những đề tài "đao to búa lớn". Arthdal Chronicles như thể được sản xuất là để chứng minh Hàn Quốc cũng có thể tạo nên một đế chế dã sử của riêng mình, Vagabond ghi dấu ấn với mật độ hành động dày đặc không thua gì phim Hollywood, nay Quân Vương Bất Diệt cũng mang đến một đế chế song song nơi hội đủ những điểm biên kịch "mơ ước". Việc mong muốn truyền tải hết những tham vọng và tưởng tượng của mình đã chừng như khiến các biên kịch và đạo diễn kiên trì với những phim khó nhằn bất chấp nguy cơ bị khán giả "ghẻ lạnh".
Vậy rating có thật sự quan trọng đến vậy với các biên kịch chỉ muốn thể hiện thông điệp cá nhân?
Câu trả lời chắc chắn là có. Rating không đơn thuần là một con số, nó thường xuyên đi kèm với độ thảo luận và sức truyền tải nội địa. Một bộ phim rating càng cao chứng tỏ càng nhiều người theo dõi, như thế mới dẫn đến nhiều chủ đề được đưa ra mổ xẻ và nhiều dụng ý của biên kịch và đạo diễn được khán giả khám phá. Càng nhiều người theo dõi, những điều biên kịch muốn truyền đạt mới càng được lắng nghe, thế thử hỏi có ai lại không muốn phim mình viết ra, sản xuất ra có được tỉ lệ người xem ấn tượng tại chính quê nhà?
Không thể trách khán giả "không biết thưởng thức", không thể đơn giản bảo rằng khán giả chỉ quen xem những bộ phim không cần suy nghĩ nhiều nên mới thấy những tác phẩm như Quân Vương Bất Diệt, Arthdal Chronicles hay Vagabond khó hiểu. Bản thân biên kịch Kim Eun Sook từng nói "một kịch bản không thể được coi là hay nếu như khán giả không chấp nhận nó, nếu chỉ viết để thỏa mãn mỗi bản thân mình thì đó chỉ là một cuốn nhật ký thôi" khi hồi tưởng lại cái kết hụt hẫng khiến khán giả phẫn nộ của Lovers in Paris năm nào. Mỗi biên kịch chắc chắn đều muốn bộ phim của mình chạm được đến nhiều khán giả, mà muốn thế thì tự họ phải nghiêm khắc hơn với cách triển khai ý tưởng của mình.
Quân Vương Bất Diệt đã vướng "sương sương" gần nửa tá lỗi thiết kế.
Quân Vương Bất Diệt đã đi được nửa chặng đường và bắt đầu chính thức "vào guồng". Những tranh cãi và chỉ trích đã qua không hề vô lý, biên kịch rõ ràng có ý tưởng nhưng cách triển khai kịch bản có vấn đề, chưa kể đến khâu biên tập chưa được hoàn hảo khiến phim liên tục vướng tranh cãi về lỗi thiết kế và kĩ xảo trong những tập phim vừa qua. Còn việc biên kịch Kim có "cứu" được tác phẩm lần này của mình để chứng minh cho khán giả thấy "biên kịch vàng" vẫn thành công với một thể loại khó nhằn và gây tranh cãi như cách bà đã làm được với các tác phẩm trước đây hay không, hãy để những tập tiếp theo của Quân Vương Bất Diệt trả lời.
Quân Vương Bất Diệt sẽ tiếp tục lên sóng lúc 20:00 giờ Việt mỗi thứ sáu, thứ bảy trên SBS và được cập nhật trên Netflix sau đó.