Khi nhắc đến đề tài học đường, hẳn khán giả sẽ nghĩ ngay đến những bộ phim thanh xuân vườn trường trong sáng, đáng yêu với những tình cảm nhẹ nhàng nhưng cũng đầy cảm xúc. Tuy nhiên, những năm gần đây, các bộ phim với đề tài trường lớp những tưởng sẽ dành cho khán giả tuổi teen mới lớn lại trở nên đầy khốc liệt, khai thác những khía cạnh nhức nhối về bạo lực học đường, mang đến một xã hội thu nhỏ đầy những âm mưu đen tối cùng cốt truyện khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Đặc biệt, sau thành công của Girl From Nowhere(Cô Gái Đến Từ Hư Vô),Extracurricular(Hoạt Động Ngoại Khóa) càng củng cố thêm phần nào nhận định về xu hướng phim học đường kịch tính hiện tại. Những năm trở lại đây, thị hiếu của người xem ngày càng trở nên khó đáp ứng hơn. Chính vì thế, các nhà làm phim cũng thay đổi dần diện mạo điện ảnh của mình, chủ động đánh vào những vấn đề nóng của xã hội, lột trần bộ mặt đáng sợ của các vấn nạn học đường và đưa vào phim những nội dung mới lạ hơn.
“Girl From Nowhere” mang lại những cảnh quay chân thật về bạo lực học đường, sự bắt nạt, ganh ghét và bản chất xấu xí nhất của mỗi con người.
Từ bạo lực học đường và những âm mưu đen tối khiến khán giả bàng hoàng
Hoạt Động Ngoại Khóa xoay quanh câu chuyện gai góc, đen tối về cậu nam sinh Oh Ji Soo (Kim Dong Hee). Ẩn sau vẻ ngoài ưu tú, giỏi giang của cậu là một đường dây mại dâm vị thành niên khiến khán giả không khỏi rùng mình.
Những đồng tiền dơ bẩn của Oh Ji Soo (Kim Dong Hee).
Không chỉ đáng sợ và nhạy cảm ở đường dây mua bán trẻ vị thành niên, Hoạt Động Ngoại Khóa còn khiến người khác ám ảnh về những nỗi bất hạnh của các nhân vật, những uất ức dồn nén người ta vào bước đường cùng và những cách kiếm tiền bất chấp thủ đoạn của những con người mù quáng.
Hoạt Động Ngoại Khóa khiến khán giả nhớ lại Cô Gái Đến Từ Hư Vô: mượn một thế lực bí ẩn để bóc trần những sự thật đáng sợ chốn học đường. Từ bạo lực đến hiếp dâm, những ganh ghét và ghen tuông đủ sức khiến một người muốn thủ tiêu đồng loại của mình bằng những cách thức dã man nhất. Khi khám phá ra sự thật cay đắng rằng sự thù ghét chính là động lực lớn nhất của con người, khán giả cũng giật mình nhận ra bộ phim chính là lời cảnh tỉnh dành cho một bộ phận giới trẻ ngày nay: sa lầy vào vùng tối của những ganh ghét và tệ nạn.
“Girl From Nowhere” có chứa những hình ảnh và giọng cười gây ám ảnh tột độ của Nanno (Chicha Amatayakul).
Cũng chính thức ra mắt mới đây, School 2015: Who Are You - bản remake Thái Lan của bộ phim Hàn Quốc cùng tên - xoay quanh hai chị em song sinh lạc nhau từ nhỏ bị cuốn vào vòng xoáy của bạo lực học đường. Phiên bản mới này sẽ đánh vào vấn nạn học đường nhiều hơn và khai thác một cách chân thật hơn những bí mật đen tối của hội học sinh trong trường.
Những vết bầm tím rỉ máu trên gương mặt xinh đẹp của cô nữ sinh khiến khán giả không khỏi xót xa trước thực trạng đáng sợ này.
Đến sự suy đồi đạo đức ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng
Thử tưởng tượng một trường học mà nơi đó, điểm số không quyết định được mức độ tài giỏi của một học sinh, thay vào đó là khả năng chơi bài của họ. Đó là nội dung chính của bộ phim Kakegurui - Compulsive Gambler (Học Viện Cá Cược). Chuyện gì sẽ xảy ra nếu học sinh đến trường không phải để học mà để tổ chức cá cược vô bổ, bất chấp thủ đoạn và chấp nhận hy sinh mọi thứ cho một ván cờ, thậm chí biến người khác trở thành nô lệ vì họ đã thua cuộc chơi?
Nghe nội dung thì thú vị, nhưng “Kakegurui - Compulsive Gambler” lại vô cùng khốc liệt và suy đồi.
Không chỉ điện ảnh châu Á, mà cả châu Âu và thế giới cũng có những bộ phim học đường đầy bạo lực và ám ảnh. Có thể kể đến 13 Reasons Why (13 Lý Do Tại Sao). Không chỉ đề cập đến bạo lực học đường, bộ phim còn xoay quanh những vấn đề nhạy cảm khác như tự tử, tình yêu đồng giới, hiếp dâm, xâm phạm quyền riêng tư và những sự tổn thương tinh thần khủng khiếp mà một học sinh phải trải qua để rồi cuối cùng phải tự kết liễu mạng sống của mình và để lại 13 cuốn băng nói về 13 người trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định đau thương đó của cô.
“13 Reasons Why” từng gây ám ảnh một thời với những người đang lâm vào bi kịch chốn học đường và phải chịu uất ức đến mức muốn chấm dứt mạng sống của mình.
Hoặc như bộ phim Elite (Ưu Tú) của điện ảnh Tây Ban Nha. Ưu Tú có vẻ không quá xa lạ đối với khán giả của xứ sở Bò Tót, nhưng nó lại khá “sốc” đối với khán giả châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, khi là phim học đường nhưng hầu như lại chẳng có gì liên quan đến việc học. Mỗi tập của Ưu Tú đều tràn ngập cảnh nóng, chất kích thích, những bữa tiệc thâu đêm, thậm chí có cả cảnh giết người và những thác loạn trong thế giới của tiền và quyền lực.
Là phim học đường nhưng còn lâu mới học!
Những bộ phim kể trên đã khiến khán giả tự hỏi rằng, phải chăng phim học đường hiện tại đã trở nên quá bạo lực, đen tối, đầy “drama” kịch tính? Và trong bối cảnh những bộ phim trần trụi như vậy ngày càng được ưa chuộng, liệu chúng ta có nên lo ngại về những ảnh hưởng không tốt của chúng đối với giới trẻ hiện nay?
Thăm dò ý kiến
Bạn nghĩ sao về những bộ phim học đường mang màu sắc đen tối?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Extracurricular hiện đã phát hành trên Netflix.