Từ hoài cổ cho tới siêu anh hùng: 7 xu hướng anime nổi trội nhất của năm 2017

(KenhTinGame) - Siêu anh hùng vốn không phải là một thứ gì thực sự mới lạ trong lĩnh vực anime, nhưng siêu anh hùng theo kiểu phương Tây với áo choàng, phục trang bó sát và biệt hiệu theo sức mạnh thì lại khác.

Là một ngành công nghiệp sản xuất lớn, anime Nhật Bản luôn có sự biến hóa và thay đổi qua từng năm tháng. Mỗi năm, người ta lại chứng kiến sự ra đời của hàng trăm tác phẩm mới thuộc đủ thể loại khác nhau từ hành động, giả tưởng, viễn tưởng cho tới hài hước, lãng mạn. Tất nhiên ở mỗi năm hay mỗi một giai đoạn nào đó, ta sẽ thấy có những kiểu anime nhận được sự yêu mến nhiều hơn và tạo thành một xu hướng. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một chút về 7 xu hướng anime đã và đang làm chủ năm 2017.

Hậu thảm họa: Anime ngày này dường như luôn tồn tại một thứ gì đó đau buồn, và đó là lí do các câu chuyện về con người sinh tồn trong bối cảnh thảm họa diệt vong cứ thế ra đời. Mỗi series lại có một cái nhìn khác nhau về thế giới tương lai, nhưng tất cả đều tập trung vào yếu tố vất vả sinh tồn trước những quái vật đáng sợ, môi trường khắc nghiệt hay thậm chí khám phá một thế giới toàn giống loài nửa người-nửa động vật. Một vài ví dụ: “Made in Abyss”, “Children of the Whales”, “Girls’s Last Tour”, “Kemono Friends”.


Thần tượng nam:Trải qua một giai đoạn thống trị của các show thần tượng nữ, giờ đây thần tượng nam mới là thứ hái ra tiền ở Nhật Bản. Nội dung của các series này chủ yếu xoay quanh quá trình thành lập, luyện tập và đi đến thành công vang dội một nhóm nhạc toàn nam giới, có rất nhiều bài hát ấn tượng. Một vài ví dụ: “Dynamic Chord”, “Dream Festival!”, “STARMYU”.


Dị thế giới: Câu chuyện “bị dịch chuyển sang một thế giới khác” vẫn là một xu hướng mạnh của mấy năm qua, nhưng đến năm 2017 thì nó đang có bước biến hóa và trở nên đa dạng hơn về mặt chủ đề lẫn nội dung. Không chỉ có sự tồn tại của những thế giới giả tưởng với sự hỗn loạn và toàn cảnh hành động bắt mắt nữa, ta còn có cả những series nhẹ nhàng, hài hước hoặc thậm chí dựa theo một bối cảnh lịch sử nhưng đã bị biến tướng. Một vài ví dụ: “In Another World With My Smartphone”, “Restaurant to Another World”, “Saga of Tanya the Evil”.


Hoài cổ: Anime vẫn rất thích gợi nhớ khán giả về những tháng ngày vinh quang xưa cũ của nó, bất kể là thời điểm 10, 20 hay thậm chí 30 năm trước. Các series kiểu này thường là một phần mới tiếp theo, hoặc tái khởi động của một thương hiệu hết sức nổi tiếng nào đó trong quá khứ, qua đó vừa chiều lòng lượng fan cứng vừa thu hút thế hệ khán giả mới. Một vài ví dụ: “Berserk Mùa 2”, “Magical Circle Guru-Guru”, “Infinit-T Force”, “Hell Girl: Fourth Twilight”.


Nữ quái vật: Trong năm ngoái, thể loại này đã rơi vào tình trạng tạm ngưng, nhưng đến năm 2017 thì nó đã quay trở lại với không ít series gây được sự chú ý. Mô típ quen thuộc của những series kiểu này là có đủ thành phần nhân vật nữ từ dễ thương loli tới gợi cảm được dung hợp với một dạng quái vật đáng sợ nào đó, kiểu rồng chẳng hạn, cố gắng sinh sống một cách bình thường trong thế giới con người. Một vài ví dụ: “Miss Kobayashi’s Dragon Maid”, “A Centaur’s Life”.


Siêu anh hùng kiểu phương Tây: Siêu anh hùng vốn không phải là một thứ gì thực sự mới lạ trong lĩnh vực anime, nhưng siêu anh hùng theo kiểu phương Tây với áo choàng, phục trang bó sát và biệt hiệu theo sức mạnh thì lại khác. Có lẽ dưới sức ảnh hưởng và thành công của các bộ phim siêu anh hùng thời gần đây, các nhà sản xuất anime Nhật Bản cũng trở nên cởi mở hơn với đề tài này và cho ra đời những series siêu anh hùng của riêng mình. Một vài ví dụ: “My Hero Academia”, “The Reflection”.


Em gái: Một xu hướng anime khác tiếp tục cho thấy sức ảnh hưởng trong năm nay chính là kiểu “em gái tôi dễ thương quá đi, thương đến … yêu luôn được ấy”. Thể loại anime này chủ yếu có nội dung lãng mạn, hài hước và một chút ecchi để đưa khán giả đến đủ mọi tình huống quái gở đến đỏ mặt nóng tai bởi những nhân vật em gái “không thể tồn tại ở thế giới thực”. Một vài ví dụ: “Eromanga Sensei”, “A Sister’s All You Need”.