Xuyên suốt vài thập kỷ, khán giả đại chúng đã quá đỗi quen thuộc với dòng phim siêu anh hùng, gây mê hoặc cùng những pha đánh đấm mãn nhãn, hoành tráng. Họ là những nhân vật được xây dựng với hình tượng cao cả, không ngại hiểm nguy để mang đến hòa bình cho người dân. Tuy nhiên, định nghĩa “phản anh hùng” (anti-hero) vẫn còn khá mơ hồ đối với số đông người xem phim. Phản anh hùng là một nhóm người đứng giữa ranh giới giữa cái thiện và ác, “nửa nạc nửa mỡ”, từng vùng vẫy trong vũng bùn tội ác hay bi kịch để rồi trỗi dậy với tư cách là “anh hùng sa ngã”. Thể loại phim phản anh hùng vài năm trở lại đây đã thu hút lượng lớn người hâm mộ nhờ câu chuyện có phần hấp dẫn hơn mô típ hiệp sĩ cứu dân thường của anh hùng thuần túy.
Venom, lần đầu ra mắt màn ảnh rộng với tư cách là phản diện chính trong Spider Man 3 (2007), giờ đây đã mở ra một góc nhìn khác về quái vật ký sinh trùng không gian này. Được trải qua quá trình “cải tạo đạo đức” bởi Sony Pictures, quái vật ký sinh trùng không gian khét tiếng giờ đây chiếm trọn trái tim công chúng nhờ hình ảnh ngô nghê, thiện lương khi cộng sinh với nhà báo Eddie Brock (Tom Hardy), “kề vai sát cánh” đối đầu với những ác nhân máu mặt khác. Ở Venom: The Last Dance (Venom: Kèo Cuối), người hâm mộ sẽ được chứng kiến sự kết thúc của một hành trình đáng nhớ, đầy cảm xúc, vui có buồn có giữa “bộ sậu” Eddie và Venom, đồng thời là màn “chào sân” cho kẻ thù truyền kiếp của Spider Man “đường đường chính chính” đặt chân tới vũ trụ MCU dưới trướng nhà Chuột.
Hành động kịch tính, trứng phục sinh tràn màn hình
Nối tiếp sự kiện dang dở ở phần 2, Eddie và Venom giờ đây đang bị truy nã toàn quốc bởi chính phủ Mỹ nhờ “mớ bòng bòng” cặp đôi để lại sau cuộc giao tranh với Carnage. Tại đây, bộ phim hé lộ danh tính của Knull, một ác thần hung hiểm, tàn bạo đã tồn tại trước cả khi vũ trụ được khai sinh. Bị chính những đứa con Symbiote cầm tù tại Klyntar, Knull kêu gọi Xenophage, thiên địch của chủng loài Symbiote, tới Trái Đất truy lùng Venom.
Khỏi phải nói, Venom: The Last Dance đã chiêu đãi “con dân” Marvel một bữa tiệc hành động đầy mãn nhãn, hoành tráng. Những pha rượt đuổi từ 2 phe phái, chính phủ Mỹ và Xenophage nhắm tới “cặp đôi hoàn cảnh” đem đến sự phấn khích tột đồ mà khán giả mòn mỏi chờ đợi trong 3 năm. Bộ phim được đẩy lên cao trào khi hội anh em Symbiote đã được hé lộ trong trailer cùng góp sức chống lại hung thần Xenophage. 1 điểm cộng cho hậu truyện thứ 3 của Venom khi vẽ nên một hiện thực đẫm máu nhưng thực tế trong cuộc chiến sinh tử, nơi cái chết chực chờ giăng bẫy cả những nhân vật được yêu thích.
Đồ họa, kỹ xảo đều được thực hiện một cách hoàn hảo, mang đến những thước phim vô cùng sống động, đặc biệt khi máy quay lia tới Xenophage, dẫu biết tất cả chỉ là sản phẩm của CGI. Kỹ thuật quay từ xa cũng được thực hiện trong cuộc trốn chạy khỏi Xenophage và binh đoàn của Strickland, đưa khán giả vào chuyến hành trình gay go, kịch tính giữa không gian sa mạc bao la rộng lớn. Đáng chú ý, tổ chế tác còn sử dụng máy quay phản trọng lực kết hợp với tay cầm chống rung, bắt trọn từng chuyển động xúc tu của mảnh Symbiote chừng vài phân dưới mặt đất tới một Venom cao 2m7 trong hình dạng “full giáp”.
Trứng phục sinh đầu tiên và cũng là chủ đề xuyên suốt 107 phút của bom tấn nhà Sony Pictures chính Khu Vực 51 (Area 51). Trên thực tế, nơi đây là một căn cứ quân sự bí mật ở Nevada, Mỹ, là tâm điểm của nhiều tin đồn và thuyết âm mưa được lan truyền trên MXH, liên quan đến UFO, công nghệ quân sự tiên tiến và thậm chí là nghiên cứu về người ngoài hành tinh. Chính phủ Mỹ chỉ xác nhận sự tồn tại của khu vực này vào năm 2013, nhưng nhiều thông tin về hoạt động bên trong vẫn được giữ kín.
Quả trứng phục sinh đầy thú vị khác được đề cập một cách chóng vánh chính là kiệt tác 2001: Space Odyssey của thiên tài Stanley Kubrick liên quan tới thuyết âm mưu về màn kịch tỷ đô của Neil Armstrongs. Ngày 20/7/1969, Neil Armstrongs lê những bước chân đầu tiên Mặt Trăng - Nước Mỹ đạt được một trong những kỷ lục vĩ đại nhất lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của phi hành đoàn Apollo 11 nhanh chóng bị cho là bịp bợm, thậm chí sự kiện này còn được gọi là “Trò lừa đảo vĩ đại của Mỹ” (Great American Lie). Vô số suy đoán tin rằng xứ cờ hoa đã dàn dựng phim trường để thắng thế trong đường đua vào vũ trụ ở thế kỷ trước. Tất nhiên đây chỉ là giả thuyết, chưa có bằng chứng nào được xác thực để chứng minh những nhận định 1 chiều kia là đúng.
Yếu tố gây cười gánh phim
Tom Hardy là nam thần sexy vạn người mê, nổi tiếng qua những bộ phim hành động, đấu đá nghẹt thở. Vì lẽ đó, nhân vật Eddie cũng không làm khó được anh vì… cũng chẳng đòi hỏi nhiều về mặt diễn xuất. Eddie lôi thôi, nhếch nhác, cả bộ phim cũng chỉ quanh quẩn một dáng vẻ lầm lì, chán đời. Tom Hardy chỉ cần đi đi lại lại, bốp chát với Venom vài câu và cứ đẹp trai thôi là cũng tròn vai rồi.
Điểm cộng là “chemistry” giữa cặp “oan gia” vô cùng ăn ý và duyên dáng. Người tung kẻ hứng, cả 2 đưa đẩy nhau, quăng 1 “rổ” miếng hài khô (dry humour) trong khi biểu cảm trên khuôn mặt không có tí thay đổi nào, tạo ra những tình huống khiến khán giả cười nghiêng ngả. Sợi dây liên kết của họ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ công sinh nữa mà còn phát triển thành tình anh em chí cốt, vào sinh ra tử.
Điểm trừ là Venom có vài phân cảnh còn khá gồng, gượng ép, tưởng gây cười nhưng lại “phản chủ” đau đớn. Thành ra, những câu đùa như vậy lại thêm phần sượng trân, thậm chí gây rùng mình. Một số nhân vật thừa thãi không cần thiết cho vào bộ phim như gia đình hippie Martin Moon. Sự nhiệt tình, hiếu khách của họ không có chút tác động nào tới việc phát triển tâm lý Eddie và Venom, hay tạo ra bước ngoặt nào nổi bật. Phân cảnh hồi tưởng của tiến sĩ Teddy Payne về quá khứ cũng không kém phần lạc quẻ, khiến đoạn cuối của bộ phim trở nên bị đứt mạch cao trào.
Hồi kết dễ đoán và chưa trọn vẹn
Ban đầu, đoạn after-credit trong Venom: Let There Be Carnage cho thấy Eddie và Venom dịch chuyển tới Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU). Tới after-credit trong Spider-Man: No Way Home, cả hai trở về vũ trụ Sony, song vô tình bỏ sót lại một phần nhỏ Venom tại MCU. Tới Venom: The Last Dance, phân mảnh Venom lại bị thu thập bởi binh sĩ Strickland (Chiwetel Ejiofor) trong quán rượu của Ted Lasso (Cristo Fernández), một nhân vật thuộc MCU nhà Chuột. Tại sao bộ phim được đặt tại vũ trụ SSU mà phân cảnh này lại "rẽ ngang" sang MCU? Liệu đây là những biến thể ở một vũ trụ song song hay đơn giản chỉ là một cục sạn "siêu to khổng lồ" khác? Với đa số người hâm mộ, chi tiết này là phi logic và không thể xảy ra, gây nhiễu loạn tuyến thời gian và đa vũ trụ.
Điểm vô lý khác là khi Venom giải thích cho Eddie nghe về sự nguy hiểm của loài Xenophage, và việc Venom không thể biến hình 100% để tránh hậu hoạ xảy ra. Ấy thế mà gã nhầy nhụa ký sinh lại không ngần ngại bật chế độ “full giáp” để… nhảy múa, "phiêu" theo khúc nhạc, "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" như thể Xenophage chưa từng xuất hiện.
Tuy nhiên, dấu chấm hết cho một hành trình đầy cảm xúc giữa Eddie và Venom được đội ngũ sản xuất phim xây dựng và thực quá nhanh chóng và qua loa. Ở đây, thứ tình bạn đẹp đẽ, thấu hiếu, gắn bó đó vẫn là điểm sáng giữa khung cảnh tối tăm, hỗn loạn, nhưng chưa được bao lâu thì đạo diễn đã chuyển ngay tới plot twist không ai chờ mong. Thành ra, một trong những cảnh quay đã có thể lấy đi nhiều nước mắt nhất lại trở thành phân đoạn đơn điệu, rời rạc, thậm chí gây cợt nhả.
Chấm điểm: 3/5
Dẫu biết cuộc vui nào rồi cũng sẽ đến lúc tàn, hồi kết có thể đoán trước nhưng khó mà tránh được. Tình bạn của Eddie và Venom trở nên bền chặt qua những giây phút chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Tuy là phần cuối cùng nhưng Venom: The Last Dance lại chính là chiếc chìa khoá mở ra nhiều cơ hội hơn cho vũ trụ SSU. Tên ác thần Knull chắc chắn sẽ tái xuất và hứa hẹn sẽ mang bóng tối tới Trái Đất, mở đường cho cuộc chinh phạt của hắn trong tương lai. Không những vậy, hồi kết của thương hiệu đình đám này rất có thể là chiếc cầu nối giữa Disney và Sony Pictures, lịch sử liệu có lặp lại nếu cái bắt tay giữa 2 ông lớn giải trí diễn ra 1 lần nữa như Spiderman: No Way Home?
Venom: The Last Dance không phải là một bộ phim tệ vì đây là một sản phẩm điện ảnh thuần giải trí, một món quà tri ân không chỉ tới một thương hiệu đỉnh cao từng cứu vớt SSU trong tình trạng hấp hối mà còn tới bộ phận khán giả đã luôn theo dõi và ủng hộ Venom. Phần thể hiện của dàn cast không quá xuất sắc nhưng tổng thể bộ phim vẫn là dự án chỉn chu về mặt hình ảnh, âm thanh. Chỉ đáng tiếc là phần kịch bản của Kelly Marcel vẫn chưa được chặt chẽ và chắc tay, nhồi nhét quá nhiều chi tiết dẫn đến việc Venom: The Last Dance còn khiên cưỡng để đặt dấu chấm hết cho trilogy này.