Nếu như đã từng xem một các bộ phim anime được phát hành dài tập, chắc hẳn bạn cũng biết về thời lượng và độ dài của chúng rơi vào khoảng chừng từ 23 - 25 phút. Thế nhưng, thời lượng của những tập phim này thực chất còn ngắn hơn thế, bởi vì các nhà làm phim thường dành từ 3 tới 5 phút cho các đoạn nhạc đầu phim và cuối phim, hay còn gọi là OP - ED (Opening - Ending). Nhiều người tự hỏi rằng, những thứ này có thật sự cần thiết hay không, khi nó chiếm một khoảng thời gian không nhỏ trong mỗi lần lên sóng?
Thực chất, các đoạn OP - ED là điều rất cần thiết của các bộ phim anime, thậm chí nó đã trở thành một truyền thống và là một phần của nền văn hóa 2D. Do đó, chắc chắn các nhà làm phim đều có lý do xác đáng để đưa những đoạn nhạc này vào các tập phim. Họ có thể đưa ra nhiều lý giải khác nhau, nhưng chủ yếu bao gồm các yếu tố dưới đây:
1. Giảm giá thành sản xuất mỗi tập phim
Như chúng ta đã nói, mỗi tập phim hoạt hình Nhật Bản thường chiếm sóng khoảng 30 phút trên truyền hình. Trong đó, mỗi tập phim sẽ có độ dài khoảng 25 phút, 5 phút còn lại trong khoảng thời gian này thường là để dành cho việc quảng cáo trên truyền hình - một yếu tố rất quan trọng để các nhà sản xuất có thể thu hồi vốn và kiếm lợi nhuận.
Một số bộ phim như One Piece thậm chí còn "dã man" hơn, ngoài 2 đoạn nhạc đầu và cuối thì còn chèn thêm vài phút tóm tắt lại tập trước.
Các đoạn nhạc mở đầu phim và cuối phim thường được chiếu đi chiếu lại nhiều lần, nhưng các nhà sản xuất chỉ phải làm nó 1 lần mà thôi. Các đoạn OP - ED càng dài, các họa sĩ sẽ phải làm việc ít hơn cho mỗi tập phim, từ đó giảm tải được khối lượng công việc của họ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất anime hiện đại thường có xu hướng sẽ thay thế các đoạn nhạc này khoảng 12 - 15 tập một lần.
2. Một hình thức quảng bá cho các công ty thu âm và các ca sĩ
Bên cạnh việc rút ngắn thời lượng mỗi tập phim, các đoạn nhạc này còn được dùng để quảng bá ca khúc mới của các nghệ sĩ, ca sĩ cũng như công ty thu âm tại xứ sở hoa anh đào.Nếu như đoạn OP - ED càng dài, ca sĩ sẽ càng có lợi khi người xem được tiếp xúc với ca khúc của họ nhiều hơn và có thể tạo được tiếng vang lớn.
Có thể kể đến một số tác phẩm âm nhạc có được sự thành công rực rỡ nhờ vào việc sử dụng phương pháp này như ca khúc Unravel trong Tokyo Ghoul hay Guren No Yumiya của Attack on Titans. Cả hai ca khúc này đều có được số lượng đĩa và bản nhạc bán ra vào dạng đắt khách tại Nhật Bản.
3. Giúp người định hình được nội dung và màu sắc của bộ phim
Ca khúc trong bộ phim "Lời nói dối tháng Tư" được thể hiện Goose House.
Vài tập phim mở đầu sẽ cho bạn biết bối cảnh của bộ phim, nhưng chúng có cho bạn biết toàn bộ câu chuyện trong phim không? Dĩ nhiên là không có nhà sản xuất nào làm điều đó cả. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng đoạn nhạc đầu phim để báo trước cho người xem về các diễn biến trong tương lai, đồng thời hé lộ cho người xem một số cảnh hấp dẫn và giới thiệu thiết kế của các nhân vật trong phim.
Thêm nữa, nhiều fan anime cũng thích xem qua các đoạn nhạc mở đầu phim để đánh giá xem bộ phim này có gây được hứng thú với họ hay không. Còn nếu như họ đã xem hết bộ phim, chắc chắn những đoạn nhạc OP - ED sẽ giúp họ cảm nhận lại bộ phim lần nữa và cũng là lời chào kết thúc tuyệt vời của các nhà sản xuất anime với khán giả.