Trụ Vương tên thật là Tử Thụ, là vị vua cuối cùng của đời nhà Thương. Nói đến Trụ Vương, người ta không thể không nhắc tới những tội ác tày trời của vị vua này: Nhục Lâm – Tửu Trì – Lộc Đài – Sái bồn – Bào lạc. Tuy nhiên, trong tác phẩm “Phong Thần diễn nghĩa”, ngoài bản tính hoang dâm vô độ, nhân vật này lại từng là vị hoàng đế anh minh, văn võ song toàn.
Hình tượng Trụ Vương trên màn ảnh
Theo Sina, gần đây bộ phim điện ảnh “Phong Thần: Yêu loạn Thương quốc” là phần đầu tiên trong “Phong Thần tam bộ khúc” đang gây sốt các rạp chiếu Trung Quốc với doanh thu 1,8 tỷ NDT (gần 6 nghìn tỷ đồng). Trong đó, vai diễn Trụ Vương của nam nghệ sĩ Phí Tường là một trong những yếu tố thu hút người xem tới rạp và được nhận xét là "Trụ Vương điển trai nhất màn ảnh".
Đạo diễn Ô Nhĩ Thiện đã khéo léo cải biên nhân vật và câu chuyện, khai thác các vai diễn ở góc độ mới lạ, chi tiết hơn. Trong đó, Trụ Vương Ân Thọ do nam diễn viên Phí Tường thể hiện không chỉ là kẻ hoang dâm vô đạo mà còn hiện lên như vị anh hùng dũng mãnh thiện chiến, có tài thao lược, giỏi biện luận và âm nhạc. Do đó, nhân vật Trụ Vương trở nên hấp dẫn với khán giả. Các phân cảnh như Trụ Vương đánh trống cho Đát Kỷ múa hay cảnh tắm dưới nước đều được lan truyền mạnh mẽ trên các mạng xã hội Trung Quốc.
Ngoài ra, đạo diễn Ô Nhĩ Thiện cũng không ngần ngại xây dựng những cảnh quay để nam diễn viên khoe cơ bắp cuồn cuộn. Theo Phí Tường chia sẻ, khi đóng vai Trụ Vương, ông phải luyện tập vất vả để giảm cân và có thân hình săn chắc. Thậm chí, nam nghệ sĩ thức từ 3h sáng để tập gym, phục vụ vai diễn. Với chiều cao 1,9 m và ngoại hình nam tính, gương mặt cương nghị khiến vai diễn Trụ Vương tràn đầy sức hút. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa Trụ Vương và Đát Kỷ trong phim cũng được đánh giá cao. Đát Kỷ trong “Phong Thần” không phải yêu quái được Nữ Oa phái xuống trần mê hoặc vua Thương, mà là hồ ly bị nhốt 500 năm, được Trụ Vương giải cứu. Vì vậy, nàng đem lòng yêu Trụ Vương ngay từ lần gặp đầu tiên.
Cảnh tắm dưới nước của Trụ Vương (Phí Tường) và Đát Kỷ "gây sốt" màn ảnh Hoa ngữ.
Trụ Vương vô đạo vẫn được lãnh chức Phong thần
Trên thực tế, hậu thế chỉ quen nhắc tới Trụ Vương như một vị vua ích kỷ, độc ác, mà quên mất rằng, ông ta từng là một vị vua anh minh văn võ song toàn. Trong "Sử ký" của Tư Mã Thiên, trong những năm đầu tại vị, Trụ Vương có khả năng vượt qua những người bình thường, nhanh trí và dễ nóng nảy. Ông đủ thông minh để giành chiến thắng tất cả các cuộc tranh luận và đủ mạnh để săn thú hoang với hai bàn tay trần của mình. Trụ Vương bổ sung thêm đất vào lãnh thổ của Thương bằng cách chiến đấu với các bộ lạc xung quanh, bao gồm cả tộc Đông Di ở phía đông. Như vậy, có thể thấy rằng Trụ Vương là một vị vua lỗi lạc văn võ toàn tài vào thuở mới lên ngôi.
Lúc mới lên ngôi, Trụ Vương là vị vua anh minh, văn võ song toàn.
Mọi biến cố xảy đến bắt đầu từ khi Trụ Vương tới đền thờ bà Nữ Oa để dâng hương và trót đề thơ bất kính với vị nữ Thần này. Theo “Phong thần diễn nghĩa”, khi Trụ Vương đến miếu Nữ Oa dâng hương, thì bỗng nhiên cuồng phong, lốc xoáy ùn ùn kéo đến. Người xuất hiện trước mắt Trụ Vương là thánh tượng Nữ Oa, dung mạo giản dị thanh nhã, trang phục màu ngọc bích nhẹ nhàng trong gió. Trụ Vương vừa nhìn thấy, thần hồn lập tức điên đảo, sắc tâm khởi lên. Nữ Oa muốn báo ứng Trụ Vương ngay lập tức. Thế nhưng, khi tới cung điện thì bị hào quang cản trở.
Theo mệnh trời, nhà Thương vốn đã đến thời diệt vong, chỉ là số còn chưa hết, còn có hai mươi tám năm nữa, nên dù thần thông quảng đại như Nữ Oa cũng không thể trái mệnh. Tuy nhiên, lòng vẫn căm tức không nguôi, bà cho gọi 3 tiểu yêu nơi gò Hiên Viên xuống trần mê hoặc Trụ Vương, hủy diệt nhà Thương. Từ đó, cuộc chiến Tam giới phong thần cũng chính thức mở ra. Vì số mệnh của Trụ Vương, ông bắt buộc phải chìm đắm trong sắc dục.
Vì bị "hồ ly tinh" Đát Kỷ dụ dỗ, Trụ Vương khiến quốc gia bị bại vong.
Tuy suốt ngày rượu chè, háo sắc nhưng Trụ Vương không hề suy nhược sức lực. Ông vẫn mặc giáp xông ra tử chiến với quân Tây Kỳ, sức mạnh không thể xem thường. Tiếc là không đấu nổi với cả vạn quân, Trụ Vương thua trận, lúc đó mới hối hận muộn màng, đứng trên lầu cao tự thiêu kết thúc cơ nghiệp nhà Thương.
Bảng Phong Thần là có định số, thu thập đủ số hồn phách thì mới phong Thần. Trong “Phong Thần diễn nghĩa” có rất nhiều lần các vị Thần tiên biết trước là một nhân vật nào đó sẽ lên bảng Phong Thần nên cử họ lâm trận, để họ bị giết chết, từ đó hồn phách bay lên bảng Phong Thần. Điều đó cũng có nghĩa là những người trong định số như Trụ Vương được kể là có công trong màn diễn Phong Thần. Ngay đến Thân Công Báo cũng ứng kiếp mà sinh vẫn được phong làm Phân thủy tướng quân, coi việc thủy triều tại Đông Hải. Vì vậy, việc Trụ Vương có tên trong bảng Phong Thần cũng không quá nhạc nhiên.