LƯU Ý: Bài viết có spoil tình tiết của phim.
Màn ra mắt của Wonder Woman 1984 chính là điều mà nền điện ảnh thế giới đếm ngược từng giây để chờ đợi. Giữa tình hình rối ren của dịch bệnh và đau thương thì tựa phim mới nhất của DC chính là điểm sáng truyền đi khát vọng và những điều tích cực. Chuyến hành trình tiếp theo của chị đại Diana (Gal Gadot) sau 66 năm kể từ khi rời tộc vẫn có yếu tố gay cấn, hành động mãn nhãn. Thế nhưng, lấn chiếm xuyên suốt gẩn 3 tiếng của phim lại là những cuộc đấu trí và rao giảng về đạo đức, điều mà có thể làm khán giả đại chúng ngán ngẩm so với kì vọng về tính giải trí của một tựa phim siêu anh hùng.
Wonder Woman đối mặt với bài toán "Người ấy và tôi, em chọn ai?", suýt khuất phục trước lời ngọt của đàn ông
Những phút đầu của Wonder Woman 1984 mang đến bối cảnh chính, không phải là nước Mỹ, không phải là sự lầm than của dân chúng, mà là sự cô đơn của Diana. Cô vẫn sống nhưng không thôi nguôi ngoai về mối tình đầu. Trên bàn vẫn đặt kỷ vật tình yêu - chiếc đồng hồ đeo tay, có cả bức ảnh cô về thăm gia trang nhà người yêu, những chi tiết rất nhỏ nhưng đủ cho thấy một trái tim trinh nguyên đang cằn cỗi của cô khi sống trong thế giới loài người. Đó là cho đến khi cô, Barbara Minerva/ Cheetah (Kristen Wiig) và Maxwell Lord (Pedro Pascal) gặp Phiến đá cổ được đồn đại là có thể biến điều ước trở thành sự thật.
Diana và Barbara đều bị Phiến đá tác động đến cuộc sống
Maxwell Lord bất chấp mọi thứ để truy tìm Phiến đá
Wonder Woman 1984 sử dụng điểm hiểm hóc chết người của việc "cầu được ước thấy" để chơi đùa với tâm trí của dàn nhân vật. Diana trở thành nạn nhân sau khi Maxwell Lord thành công chi phối được cô bằng sự trở lại của Steve Trevor (Chris Pine). Giờ đây, Diana buộc phải lựa chọn giữa hai người đàn ông, một bên là sống trọn đời trọn kiếp với người mình yêu, còn một bên là chặn đứng kẻ thù đang lăm le thâu tóm thế giới. Tình yêu và công lý, đâu mới là ưu tiên trên hết của "bóng hồng" nhà Justice League lần này?
Điều ước có lại Steve của Diana đã thành sự thật
Đối mặt với một tên ác nhân mạnh mồm như Maxwell Lord, Wonder Woman cần nhiều hơn chỉ là đánh đấm hay Thòng lọng Sự thật. Cô còn phải đưa ra những quyết định khó khăn, buộc phải hi sinh vì lợi ích chung lớn lao. Các nhân vật của Wonder Woman 1984 đều phải đánh đổi chỉ vì muốn lời ước hóa hiện thực, để rồi chính sự ích kỷ cá nhân đã khiến nhân loại lầm than. Từ đó, một triết lý sống hay ho xuất hiện: đừng quá ảo tưởng với những thứ hào nhoáng, vĩ mô mà quên đi hạnh phúc nhỏ nhoi xung quanh mình. Các nhân vật của Wonder Woman 1984, thực chất chẳng có ai hoàn toàn tốt hay xấu. Họ đều là nạn nhân của tham vọng, của ước muốn mà không biết được "an eye for an eye", có nhận thì ắt có trả. Chỉ có những ai chịu buông bỏ tạp niệm thì mới có thể tỉnh ngộ và bước đi tiếp.
Để được sống với ước vọng của mình, các nhân vật buộc phải đánh đổi
Rong ruổi suốt 3 tiếng chỉ để giới thiệu một năng lực phụ của Wonder Woman, cú lao dốc gây hẫng của đoạn kết
Wonder Woman sở hữu nhiều năng lực hơn chỉ là một á thần có hàng nghìn năm kinh nghiệm chiến đấu. Cô có khả năng tiếp thu văn hóa rất nhanh, lại thông thạo hàng trăm ngôn ngữ lớn nhỏ. Bên cạnh đó, còn một thứ mà Diana, sau nhiều năm cọ xát với nền văn minh nhân loại, cũng đã thành thục và rất giỏi - kỹ năng đàm phán. Trong truyện tranh, đây là chiêu thức Wonder Woman sử dụng với đối thủ trước khi phải dùng đến món đòn vũ lực. Bởi lẽ, Công chúa Themyscira vẫn chuộng hòa bình và công lý, mong rằng bạo lực càng giảm thiểu được chừng nào hay chừng đó. Và đó chính là cách mà cô dập tắt các phản diện trong Wonder Woman 1984.
Wonder Woman rất giỏi đàm phán, nhưng dùng nó làm sức mạnh chính thì khó làm thỏa lòng khán giả
Việc đẩy kỹ năng đàm phán lên làm "chiêu cuối" của Wonder Woman 1984 vốn hợp lý nếu xét về tính mạch lạc của cốt truyện, thế nhưng chắc chắn không thể làm thỏa mãn khán giả. Ai mà chẳng muốn một cuộc giao tranh mãn nhãn về nghe lẫn nhìn ở hồi cuối của một phim siêu anh hùng. Trong khi đó, Wonder Woman và Maxwell Lord lại... đấu võ mồm với hàng loạt thông điệp nghìn năm văn vở. Wonder Woman 1984 đã có thể hoành tráng hơn nếu không chỉ mang bộ giáp Golden Eagle thần thánh lên màn ảnh chỉ để thấy nó hết bị cào nát lại vô lực trước cơn bão thao túng của phản diện chính.
Đó là chưa kể, phần cuối của Wonder Woman 1984 lại giống như một clip tuyên truyền của các tổ chức thiện nguyện. Nó tươi đẹp, nó tích cực, nó truyền cảm hứng, chẳng ai phản đối cả. Tuy nhiên, nó... sến thì là thật. Cảnh các người dân đối mặt với camera, đồng thanh rút lại lời ước chẳng khác nào các thông điệp về nhân quyền mà chúng ta được xem trên TV hay MXH. Đúng là Wonder Woman 1984 đã mang lại một bầu không khí lạc quan, tươi đẹp giữa lúc thế giới đang khá ngổn ngang, thế nhưng xét riêng về vị trí của một bom tấn màn ảnh thì hồi 3 như một cú hụt hơi sâu mà Wonder Woman 1984 đã xây dựng khá ổn ở 2 hồi đầu.
Các cảnh hành động trong phim khá đỉnh nhưng ít
Phim cũng lồng ghép yếu tố hài hước khá duyên dáng và nhẹ nhàng
Tình yêu của Diana và Steve là tâm điểm vỡ òa của cảm xúc, sự hi sinh cao cả của chị đại khiến bao trái tim run rẩy
Ngay từ trong trailer, khán giả có thể thấy Steve Trevor đã trở lại sau 66 năm "nằm mồ". Chắc chắn là không phải được đông đá như anh Steve nhà nào đó, tình đầu của Diana đã hồi sinh nhờ vào chính cô nàng. Chính điều ước lớn nhất, ám ảnh nhất của cô suốt nhiều năm nay đã mang anh trở lại, dĩ nhiên là có sự tác động của phản diện Maxwell Lord. Thế nhưng, dù cho đó là sai trái, là xuyên tạc sự thật thì Steve và Diana vẫn hạnh phúc bên nhau, dù cho nó chỉ diễn ra ngắn ngủi.
Tình cảm của Diana và Steve càng thêm ngọt ngào ở phần 2
Anh chàng phải làm quen với thế giới mới như cách mà anh dẫn dắt Diana 66 năm trước
Tình yêu của Diana và Steve vốn đã được yêu thích khôn cùng từ phần 1. Giờ đây, mọi thứ lại lặp lại nhưng khá trái ngược với câu chuyện của 66 năm về trước. Diana giờ phải chỉ bảo Steve về sự đổi thay, mới lạ của thế giới, cho anh xem ngành hàng không đã phát triển đến mức nào. Đến lúc này, nụ cười mới hiện hữu thường trực trên môi Diana, khác xa với dáng vẻ lạnh lùng của cô từ đầu phim. Steve và Diana "phát đường" liên tục, ngọt ngào từ giường ngủ đến tận ngoài phố. Song, hạnh phúc từ ước vọng hão huyền đương nhiên không thể kéo dài lâu, và Diana buộc phải đối mặt với sự thật rằng cô không thể có anh mãi mãi.
Phim không thiếu những phút giây tình tứ của cặp đôi nhà Wonder Woman
Nhưng chung quy, thế giới vẫn cần được giải cứu
"I can save today, you can save the world" (Anh sẽ giải cứu ngày hôm nay để em giải cứu thế giới mai sau) - câu thoại nổi tiếng được Steve đề cập lại một lần nữa ở Wonder Woman 1984 đã khiến Diana khóc cạn nước mắt. Nữ thần Chiến binh không chỉ cô đơn mà còn yếu đuối hẳn (về thể chất lẫn tinh thần) khi có được Steve và sắp sửa mất anh một lần nữa. Phân đoạn cô buộc phải đưa ra sự lựa chọn sau cùng chắc chắn sẽ khiến ai khi xem cũng nức nở. Cảm giác mất đi người mình yêu nhất, rồi lại có được lại anh sau mấy chục năm, rồi lại trở về với thực tại đau đớn, nghe qua đã thấy kinh hãi thì Wonder Woman còn đau đớn đến mức nào khi là người trực tiếp trải nghiệm nó. Đây chắc chắn là tuyến câu chuyện hấp dẫn, nhiều lớp lang và thậm chí lấn át cả phần nội dung chính của phim.
"Anh ước mình có thêm thời gian", nhưng tiếc là điều ước này của Steve cũng có giới hạn
Kết: Wonder Woman 1984 chưa xuất sắc nhưng đủ ổn, đáng xem và đáng ngẫm
Wonder Woman 1984 ít hành động, nhiều lý lẽ nhưng sau cùng, đây là một dự án đặc biệt và đáng xem vào dịp cuối năm. Bộ phim chắc chắn là nguồn cảm hứng cao đẹp và ý nghĩa về tình yêu, tình thân và đỉnh cao của công lý. Không chỉ đại diện cho sức mạnh và bản lĩnh của phái nữ, Wonder Woman còn là biểu tượng của lẽ phải, của một thế giới hòa bình và thịnh vượng trong truyện tranh DC. Vì vậy, nếu đang khá uể oải với cuộc sống và muốn tạm quên đi một năm 2020 khá đau thương thì Wonder Woman 1984 - một sản phẩm tươi sáng hiếm hoi của DC - chắc chắn sẽ làm bạn thỏa mãn.
Trailer chính thức của Wonder Woman 1984
Wonder Woman 1984 đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Nguồn ảnh: Warner Bros.