"Manh nha" từ năm 2018 với phim mở đầu xu hướng là Quỳnh Búp Bê, chủ đề khai thác cuộc sống và những khó khăn, mảng tối của các ngành nghề khác nhau trong xã hội đang ngày càng được các biên kịch, đạo diễn Việt khai thác nhiều hơn. Từ Quỳnh Búp Bêđến Lửa Ấm(2020), các khối ngành đặc trưng, có chuyên môn cao đang lần lượt bước lên sóng truyền hình.
Quỳnh Búp Bê mở đầu xu hướng phim "ngành - nghề"
Làng phim truyền hình những năm gần đây trở nên khá đa dạng. Chỉ cần ngồi ở nhà, khán giả đã có thể trải nghiệm những đặc thù của khá nhiều công việc khác nhau trong cuộc sống. Một số vô cùng gai góc, khó hình dung như cuộc sống thật của các cô gái "ngành" trong Quỳnh Búp Bê. Những phim khác lại mang đến những câu chuyện căng thẳng xoay quanh cuộc đấu tranh với mặt tối, tiêu cực trong ngành phá án, điều tra từ Mê Cung và Sinh Tử. Hay thậm chí chỉ là câu chuyện tưởng như đơn giản, nhưng lại lắm vấn đề được miêu tả một cách vô cùng thú vị, hài hước trong ngành buôn bán online được Nàng Dâu Order(2019) thể hiện.
Trong năm 2020, cùng một mùa phim cuối năm có tới 3 sản phẩm truyền hình lên sóng cùng lúc mang chủ đề "nghề nghiệp". Lửa Ấm mang đến góc nhìn về cuộc sống, mối nguy hiểm mà những người lính cứu hỏa, bác sĩ phải đối mặt hàng ngày. Bánh Mì Ông Màu khai thác công việc bán những chiếc bánh mì kẹp thịt đậm chất đường phố, hay Vua Bánh Mì bản Việtxoáy vào quá trình làm ra những chiếc bánh Tây thơm ngon, đầy màu sắc v.v... Như vậy đủ thấy sự "rôm rả" của xu hướng làm phim mới này. Nhưng vấn đề là liệu xu hướng mới này có thể lôi cuốn được khán giả không?
Cao Minh Đạt trong "Vua Bánh Mì" bản Việt
NSƯT Thanh Nam trong "Bánh Mì Ông Mầu".
1. Những khó khăn của phim "ngành nghề"
Trái với chủ đề gia đình, các sản phẩm khai thác khía cạnh công việc, ngành nghề khó tạo được sự đồng cảm của khán giả. Những tình huống quen thuộc trong phim gia đình như: ngoại tình, mẹ chồng - nàng dâu... là những vấn đề ai cũng gặp phải mỗi ngày. Trong khi đó, những rắc rối chuyên môn riêng của mỗi ngành dường như khá xa lạ đối với người xem. Ví dụ như nếu không làm trong ngành điều tra, hay khối ngành liên quan quản lý địa phương v.v... thì bạn sẽ chẳng cảm nhận được gì từ tình tiết của Sinh Tử. Những vấn đề được đề cập dường như quá xa vời khỏi sự hứng thú, quan tâm của người xem.
"Sinh Tử" khai thác khối ngành khá xa lạ với số đông khán giả
Vậy với yếu tố "ngành nghề" đảm nhận sự mới lạ, các bộ phim thuộc dòng chủ đề này cần phải tìm một cách nào đó để lôi kéo khán giả. Đơn thuần là vì không phải ai cũng hứng thứ trải nghiệm với những điều mới lạ. Hoặc đơn giản, có người xem phim truyền hình chỉ để thư giãn, hoặc tìm kiếm những điều quen thuộc.
Mạnh Trường trong vai một kiểm soát viên, chuyên đi điều tra tiêu cực trong "Sinh Tử"
2. Phim khó "hot" hay chưa có cách để "hot"?
Để cảm thụ dòng phim chủ đề "ngành nghề", người xem phải đón nhận với những tiêu chí, mong đợi khác với dòng phim gia đình. Đầu tiên phải công nhận, những khía cạnh mới, thú vị có thể thấy ở xu hướng làm phim mới này. Đó là những đặc thù chỉ có ở mỗi công việc khác nhau trong xã hội, tiếp đó là đến sự hy sinh của mỗi người để sinh tồn với nghề. Minh chứng rõ ràng nhất phải kể đến Quỳnh Búp Bê. Câu chuyện về những "cô gái ăn sương" mỗi lần đi tiếp khách, mối quan hệ của họ với các "tú ông, tú bà" cực kỳ tàn khốc và khiến khán giả chú ý theo dõi.
Quỳnh Búp Bê khai thác một "ngành" rất được quan tâm
Đồng thời, yếu tố gia đình càng phải được xen kẽ mạnh mẽ đối với các phim khai thác chủ đề ngành - nghề. Luôn có một cán cân giữa công việc - đời tư mà mỗi người phải giữ cân bằng. Đối với các chuyên viên, những người làm các công việc đòi hỏi hy sinh như các bác sĩ, nhân viên cứu hộ phải cân bằng điều đó như thế nào? Nhìn vào cách mỗi nhân vật cân bằng hai cán cân đó, sẽ là một cách hưởng thủ thú vị khi xem những bộ phim ngành nghề. Ví dụ như trong Lửa Ấm, là một đội trưởng của đội cứu hỏa, Minh (Trương Minh Quốc Thái) phải vật lộn với nguy hiểm mỗi ngày để giải cứu người bị nạn. Nhưng ngược lại cuộc sống cá nhân của anh cũng vô cùng phức tạp. Ngọc (Thu Quỳnh) - bạn gái cũ của Minh trở về từ nước ngoài "giành bố" lại cho con gái, cướp Minh khỏi gia đình anh đang có với vợ con. Thế là ngoài việc lao đầu đi chiến đấu với lửa mỗi ngày, Minh phải chiến đấu thêm cho cả hạnh phúc gia đình mình.
Minh là đội trưởng đội cứu hỏa trong "Lửa Ấm"
Nhưng ngoài cuộc sống công việc, đời tư của anh cũng vô cùng rối rắm
Tuyến kịch bản trở nên đa dạng hơn khi có yếu tố thứ hai tham gia vào mạch chuyện chính, khiến cho những tập phim ngành - nghề thú vị và có nhiều gia vị hơn. Điều này giúp phim tránh khỏi vấn đề "khô khan" khi lỡ tay sa đà vào những yếu tố nghề nghiệp quá nặng.
3. Một phim ngành - nghề hay cần phải có những yếu tố gì?
Dòng phim chủ đề ngành - nghề dễ trở thành phim tài liệu - hư cấu nếu quá tập trung vào việc miêu tả những yếu tố đặc thù của các nghề. Vì thế, để đảm bảo độ hấp dẫn, thu hút người xem thì phim ngành - nghề phải mang đến sự đa dạng trong nội dung. Tức là áp dụng cả những yếu tố như gia đình, hài hước v.v... xen kẽ với yếu tố ngành - nghề bởi vốn dĩ. Nàng Dâu Order của Lan Phương là một sản phẩm dễ xem. Bởi phim đã biết xen kẽ giữa chuyện làm nhà văn, vừa buôn bán online của Lam Lam (Lan Phương) với yếu tố gia đình. Ngoài chuyện lo lắng cho sự nghiệp, đối mặt với những tin tức không hay trên mạng xã hội, Lam Lam còn phải đối phó với bà nội chồng cực kỳ quá quắt và cô "em gái mưa" chai mặt của chồng - Nguyệt Anh (Quỳnh Kool).
"Nàng Dâu Order" cũng nói về khía cạnh công việc bán hàng online nhưng chủ yếu tập trung khai thác yếu tố gia đình
Chuyện cân bằng giữa hai yếu tố nghề - nghiệp và yếu tố phụ cũng khá quan trọng. Nếu quá "lậm" kể chuyện nghề nghiệp, phim có thể trở nên khô khan rồi đánh mất khán giả. Ngược lại, nếu quá lậm các yếu tố tình cảm, gia đình đi kèm thì sản phẩm có thể trở thành phim gia đình, hoặc ngôn tình mà không còn đúng bản chất phim ngành - nghề ban đầu nữa.
Nhìn chung, xu hướng phim ngành - nghề còn đối mặt với nhiều điểm khó. Thứ nhất là khó thể hiện, thứ hai là khó tiếp cận với người xem. Tuy nhiên nếu thực hiện thành công, xu hướng làm phim truyền hình về đề tài ngành - nghề này sẽ có thể rất thú vị. Bởi vì dòng phim này kích thích sự tò mò của khán giả, chưa kể còn chuẩn bị cho người xem tâm lý luôn đón nhận sự mới mẻ, dọn đường cho những chủ đề khác lạ hơn sau này. Tóm lại, làm phim ngành nghề là đáng tuyên dương nhưng phải biết kết hợp giữa yếu tố công việc với con người, đường dây tâm lý và cả diễn xuất. Không nên cố gắng nhồi nhét quá nhiều chuyên ngành vào một bộ phim, ôm đồm quá nhiều thứ mà quên đi rằng phải có con người thì mới có ngành nghề!
Nguồn ảnh: Tổng hợp