Một tựa game khi được bán ra với giá 30 – 60 USD, nó phải bảo đảm sẽ thỏa mãn game thủ được trải nghiệm gameplay, đồ họa và cốt truyện. Tùy vào phong cách của từng hãng phát triển nên mỗi yếu tố kể trên có thể được tập trung hơn. Tuy nhiên, đó là với những game AAA làm cho hệ PC/Console. Còn với game mobile, một mảng đánh vào tệp người dùng hoàn toàn khác, liệu nó có thực sự cần đẩy mạnh hơn vào phát triển cốt truyện không?
Từ trước tới nay, yếu tố khiến game mobile bị “kỳ thị” nặng nhất có lẽ là phần cốt truyện. Rất nhiều game thủ thượng đẳng cho rằng những ai chơi game trên di động đều không xứng đáng là game thủ bởi…trò chơi không có cốt truyện đi sâu vào lòng người chơi (???). Rõ ràng xây dựng một câu chuyện đầy plot twist, các nhân vật đáng nhớ hay những câu nói đầy ám ảnh không phải thế mạnh của các nhà làm game di động. Và theo tôi, các game trên di động cũng không cần thiết phải chạy đua phát triển cốt truyện với PC/Console làm gì cả.
Chi phí luôn là vấn đề với các nhà làm game mobile
Một tựa game muốn có cốt truyện hay, bên cạnh có một nhà biên kịch giỏi, họ phải có dàn diễn viên thực lực (lồng tiếng hoặc mo-cap), đủ sức để ngấm được kịch bản rồi sau đó truyền tải lại cho người chơi. Nhưng ngay cả khi có kịch bản tốt, diễn viên giỏi, các nhà phát triển game mobile cũng chưa chắc phát triển được phần cốt truyện cho trò chơi trên thiết bị di động.
Muốn lột tả được thần thái của một diễn viên, rồi đưa vào trong game, chúng ta cần phải có công nghệ motion capture. Tuy nhiên, hãy nhìn lại chi phí phát triển một trò chơi di động, giá bán ra cũng như nguồn thu lợi nhuận mà các hãng có được mà xem. Tôi tin rằng có những nhà phát triển game mobile thậm chí còn chẳng đủ tiền để mời một diễn viên chứ đừng nói là xây dựng một cả một câu chuyện lớn cho trò chơi, rồi dùng công nghệ mo-cap tạo ra những trường đoạn game đậm chất điện ảnh.
Giá của một trò chơi di động thường rơi vào 100 – 200 ngàn, còn lại hầu hết hãng game đều phát hành dưới dạng miễn phí rồi thu lợi nhuận bằng việc chèn quảng cáo. Nhưng có những game thủ có thói quen cứ chơi game trên điện thoại là…auto tắt mạng để đỡ hiện quảng cáo. Có những hãng game di động họ chia sẻ rằng lợi nhuận thu về của một trò chơi mà đủ để phát triển tiếp các dự án khác đã là tốt lắm rồi, chưa cần nói tới việc kiếm tiền nuôi thân.
Nếu để nói về những trò chơi có ngân sách siêu khủng thì đó thường là những game MMO. Khi hãng phát triển, phát hành họ nhìn ra được trò chơi đó có thể thu tiền trong một thời gian dài, họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền đầu tư cực kỳ lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi có số vốn lớn, họ cũng để dành cho marketing, phát triển item hoặc giai đoạn sau của game hay sử dụng công nghệ mới nhất tập trung vào đồ họa và gameplay, chứ cũng không quá đầu tư mạnh tay vào xây dựng cốt truyện.
Chi phí luôn là vấn đề lớn với các nhà làm game mobile. Tôi nghĩ nếu anh em game thủ đòi hỏi các trò chơi di động có một cốt truyện xứng tầm PC/Console, vậy các bạn có sẵn sàng bỏ ra 60 USD để mua game di động không?
Vẫn lại là câu chuyện thói quen người dùng điện thoại
Suy đi tính lại, câu chuyện game mobile không đầu tư mạnh vào cốt truyện vẫn là do thói quen của người dùng điện thoại. Bạn có thể dễ dàng ngả người ra ghế sofa và thưởng thức game trên console, hay thoải mái chơi game trên PC, nhưng khi tất cả mọi thứ nghe – nhìn – điều khiển tích hợp vào một chiếc điện thoại nhỏ xinh, câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Cho dù ngày nay, công nghệ màn hình điện thoại phát triển hơn rất nhiều, kích thước màn cũng to hơn hẳn nhưng nó vẫn không thể đem lại trải nghiệm đã như khi chơi game trong phòng khách với cái TV to đùngh được. Việc nhìn vào màn hình điện thoại trong một thời gian dài nhanh mỏi mắt hơn nhiều so với việc nhìn màn hình máy tính hay tivi. Do đó, hầu hết người chơi game mobile đều không thể chơi trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, người dùng mobile khi chơi game không có thói quen đang chơi phải ngừng lại một khoảng thời gian để xem phim. Tôi tin chắc rằng rất nhiều trò chơi mobile có cốt truyện tốt nhưng khi nút skip hiện lên, vẫn chẳng có ai muốn ngồi xem cho hết đoạn cắt cảnh cả. Ngay cả bản thân tôi cũng đã từng như vậy, khi chơi game mobile mà có một đoạn phim cutscene hiện lên, tôi liên tục chạm vào màn hình để bỏ qua. Dường như khi chơi game di động, bản tính kiên nhẫn của game thủ bị giảm đi rất nhiều, chúng ta muốn một trò chơi nhanh – gọn, có thể chơi lập tức mà không phải chờ đợi gì.
Bạn có bao giờ đem điện thoại vào nhà vệ sinh để chơi game khi đang “giải quyết nhu cầu nặng”? Chắc chắn là có rồi. Hay như bạn đã bao giờ tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi giữa giờ, chờ xe bus để lôi điện thoại ra chơi game chưa? Tôi tin là cũng có luôn. Điểm mạnh của game mobile là sự tranh thủ. Người dùng hoàn toàn có thể tranh thủ được 5 tới 10 phút để chơi game nhẹ nhàng, đơn giản giết thời gian. Do đó, chẳng ai muốn tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi đó để chơi một game yêu cầu phải thẩm thấu cốt truyện, hay ngồi xem phim cả.
Việc xây dựng một cốt truyện game tốt yêu cầu phải có những đoạn phim cắt cảnh. Đối với đa số người dùng mobile, việc ngồi xem cutscene chẳng khác nào ngồi xem 30 giây quảng cáo mà hãng phát triển chèn vào cả. Nó cực kỳ khó chịu và người chơi chỉ muốn skip qua thật nhanh còn chơi tiếp.
Nếu thói quen người dùng điện thoại đã như vậy, việc đầu tư phát triển cốt truyện cho trò chơi di động xứng tầm PC/Console thực sự không cần thiết.
Tạm kết
Trong hàng ngàn trò chơi trên 2 nền tảng Android và iOS, tôi chắc chắn rằng không ít tựa game có đầu tư chất xám vào cốt truyện. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí và công nghệ, chúng được truyền tải theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta cũng chẳng thể nào đòi hỏi được quá nhiều ở những trò chơi có giá chỉ vài chục ngàn, thậm chí là còn phát hành free.
Điểm mạnh của game mobile từ trước giờ vẫn vậy, tập trung chủ yếu vào phần gameplay. Hầu hết các nhà làm game sẽ cố gắng tạo ra một trò chơi đơn giản, dễ tiếp cận với tất cả người dùng điện thoại di động. Cho tới vài năm trở lại đây, các hãng game AAA để ý tới tiềm năng của smartphone nên mới bắt đầu đưa một số trò chơi Battle Royale, MOBA hay một số tựa game indie từ PC/Console sang mobile. Lẽ dĩ nhiên trong số đó có những game có cốt truyện thực sự hấp dẫn, như Life is Strange, Valiant Hearts: The Great War chẳng hạn.
Nhưng đó là vấn đề các hãng game PC/Console port game sang di động để kiếm thêm lợi nhuận. Còn để game mobile nói chung có chất lượng cốt truyện như PC/Console? Tôi không dám nói là game mobile sẽ không bao giờ thay đổi bởi tất cả phụ thuộc vào nhu cầu, thói quen của người dùng. Nếu người dùng chịu thay đổi, các nhà làm game cũng sẽ thay đổi theo. Còn hiện tại, việc tập trung đầu tư vào cốt truyện cho game mobile chưa thực sự cần thiết lắm.