Kể từ thời Flappy Bird gây chấn động internet thế giới cách đây vài năm, cho đến nay ngành sản xuất game Việt Nam vẫn cứ “lẹt đẹt” mãi không có những sản phẩm mang tính đột phá thị trường dù đã có không ít sự hỗ trợ từ nhiều sự kiện đầu tư hay những cuộc thi làm game.
Nhiều startup đến rồi đi mà vẫn chưa tìm thấy cộng đồng của riêng mình. Quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện vốn và định hướng phát triển. Thế nhưng đó vẫn là những vấn đề có thể giải quyết được không sớm thì muộn. Duy chỉ có việc thay đổi nhận thức của cộng đồng người chơi, là nan giải và thực sự chẳng biết đến khi nào mới “sáng” và văn minh đúng nghĩa.
Hô hào ủng hộ rất ghê, nhưng chỉ thích chơi “chùa”
Mỗi khi có một tựa game Việt mới được sản xuất, phản ứng đầu tiên của cộng đồng game thủ là khen ngợi, hô hào ủng hộ game nước nhà vớ thái độ rất nhiệt tình. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày phát hành game, những game thủ dạng này thường sẽ là những người đầu tiên đòi hỏi quyền lợi dù chẳng nạp bao nhiêu tiền vào game hay thậm chí còn tìm cách crack game.
Để ý sẽ thấy khá nhiều trường hợp như vậy không chỉ trong game Việt mà có cả những tựa game khác. Chi trả cực thấp nhưng luôn đòi hỏi phải được phục vụ như VIP. Khi không được đáp ứng bắt đầu “ăn vạ” bằng cách dọa nghỉ game, quay ra chỉ trích NPH.
Hay so sánh và đòi hỏi game Việt phải “xịn” như game ngoại
Đặc điểm chung hiện nay của khá nhiều game thủ Việt đó là tâm lý “sính ngoại”. Cứ game Việt Nam làm là “auto” gắn mác nhái tính năng game khác, so sánh với những tựa game đang cực thịnh hiện nay.
Tất nhiên đã là người chơi thì có quyền kì vọng vào những sản phẩm game chất lượng nhất. Thế nhưng nếu đã như thế thì làm ơn đừng sử dụng từ “ủng hộ” game Việt. Vì họ đâu biết được công nghệ làm game của chúng ta đi sau các nước phát triển bao nhiêu năm? Hay những khó khăn của Developer Việt khi sản xuất game?
Xem thêm:
Vô Nhai Tử và Dương Đỉnh Thiên bất ngờ lộ diện Hoàng Kim “1 shot 1 kill” cực bá đạo trong game Việt
Quen thói “cưỡi ngựa xem hoa”, thiếu kiên nhẫn
Tình trạng này thường gặp phải ở những game thủ hay nhảy server và thích chơi thử game mới. Trên thực tế họ chẳng mấy khi gắn bó với một trò chơi quá tháng đầu tiên. Thay vào đó họ luôn thay đổi game, server để tìm cơ hội đua Top.
Họ không hề biết rằng chính việc nhảy server, nhảy game quá nhiều khiến họ chẳng có mấy kiến thức về trò chơi đó cả. Càng cố đua Top lại càng thụt lùi, nhất là trong các tựa game chiến thuật cần người chơi đào sâu suy nghĩ, tìm tòi khám phá. Từ đó bắt đầu nản, rồi quay ra đòi quyền lợi, không được lại “ăn vạ” bằng cách dọa nghỉ game.
Tạm kết
Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay nhiều quốc gia có nền sản xuất game phát triển khác đều đi lên từ những sản phẩm thô sơ đầu tiên, nhận được sự ủng hộ của thị trường trong nước rồi mới vươn ra thế giới như hiện nay. Việt Nam dù xuất phát điểm chậm hơn các thị trường phát triển, thế nhưng tài năng của người Việt trong sản xuất game là không thể phủ nhận khi có rất nhiều nhân sự người Việt làm cho những công ty game hàng đầu thế giới hiện nay như Gameloft, AE Game, Riot Game…
Nếu như môi trường làm game Việt nhiều ưu đãi hơn, cộng đồng game thủ văn minh hơn và có ý thức thì có lẽ một tương lai không xa, những người Việt trẻ có thể tự hào sản xuất game Việt mà không phải tha phương xứ người, góp phần đưa văn hóa Việt đến năm châu bốn bể. Thế nhưng hi vọng đó sẽ mãi chỉ nằm trên những câu chữ này nếu ngay hôm nay chẳng có ai thay đổi, chẳng có ai hành động để hiện thực hóa.