Tôn Ngộ Không là nhân vật chính của Tây Du Ký, thế nhưng như tất cả đã biết thì trong tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, không chỉ một mình Ngộ Không là giống khỉ đặc biệt. Hẳn độc giả và khán giả của Tây Du Ký vẫn không quên phân đoạn khi Đường Tăng đã đuổi Ngộ Không đi thì bất ngờ xuất hiện một con khỉ từ đâu ra, giống Ngộ Không từ hình dáng, giọng nói cho đến pháp lực. Đây là một trong những ải khó khăn nhất mà thầy trò Đường Tăng phải trải qua để thỉnh được chân kinh.
Câu hỏi muôn thuở được đặt ra là, trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không hay Lục Nhĩ Mỹ Hầu mới thực sự là kẻ đã bị diệt trừ bởi bát vàng của Phật Tổ. Có thuyết âm mưu cho rằng, Tôn Ngộ Không thực sự là con khỉ đã chết bởi hắn không chịu nghe lời Như Lai nên đã tạo ra một Tôn Ngộ Không “biết vâng lời” nhằm thay thế con khỉ ngỗ ngược này.
Thực chất thì đây hoàn toàn chỉ là thuyết âm mưu, bởi sự thật được công nhận vẫn là Lục Nhĩ Mỹ Hầu mới là con khỉ bị diệt trừ chứ không phải là Tôn Ngộ Không. Tại sao? Hãy cùng nhớ lại hành trình của Tôn Ngộ Không sau khi được giải thoát khỏi Ngũ Hành Sơn và theo Đường Tăng đến Tây thiên thỉnh kinh.
Lúc đầu, Ngộ Không thực sự là một kẻ ngỗ ngược và Đường Tăng buộc phải kiểm soát Ngộ Không bằng cách niệm thần chú. Mỗi khi Tôn Ngộ Không mắc sai lầm, Đường Tăng sẽ trừng phạt đại để tự của mình bằng câu thần chú được Bồ Tát truyền lại, kinh điển nhất có lẽ chính là kiếp nạn ba lần đánh Bạch Cốt Tinh.
Nhưng điều kỳ lạ là, trước khi kiếp nạn Chân giả Mỹ Hầu Vương xảy ra, Đường Tăng đã niệm chú trừng phạt Ngộ Không rất nhiều lần. Thế nhưng ngay sau khi Lục Nhĩ Mỹ Hầu bị diệt trừ, Đường Tăng đã không còn làm hành động này với Ngộ Không nữa. Đây chính là một trong số những cơ sở để phân biệt Ngộ Không thật giả.
Có ý kiến cho rằng, Đường Tăng không còn niệm chú với Ngộ Không bởi đã không còn mắc lỗi, đã át được hoàn toàn tâm ma và một lòng hướng phật, hướng tới tính chân – thiện – mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với sự trưởng thành của Ngộ Không, không còn những dục vọng xấu xa, nó đã hoàn toàn bị loại bỏ và hết lòng bảo vệ Đường Tăng đến Tây thiên lấy kinh Phật.
Theo Sohu, trong Tây Du Ký, đặc biệt là kiếp nạn Chân giả Mỹ Hầu Vương không nên phức tạp hóa vấn đề này. Như Lai tuyệt đối không làm hại tới Ngộ Không, chỉ có thể là Lục Nhĩ Mỹ Hầu mà thôi. Bởi lẽ, có quan điểm cho rằng, con khỉ giả này thực chất chính là những dã tâm xấu xa trong lòng Ngộ Không và Ngô Thừa Ân cho rằng Tây Du Ký thực chất là tiểu thuyết tu tâm với khát vọng dẹp bỏ những dục vọng xấu xa. Khi những ham muốn xấu được loại bỏ, thì đó là lúc bạn đạt được Phật quả. Cũng giống như việc Lục Nhĩ Mỹ Hầu bị diệt trừ, tâm ma trong Ngộ Không cũng đã tan biến. Đây chính là nguyên nhân mà Đường Tăng không còn niệm thần chú trừng phạt đại đệ tử của mình nữa.