Trong bất cứ tựa game nào của Riot, việc sử dụng ngôn từ tiêu cực, gây tranh cãi và bất bình là điều cần cực kỳ hạn chế. Dù hành vi này không nghiêm trọng như các vấn đề hack, cheat… thế nhưng để xây dựng hình ảnh một cộng đồng văn minh, thân thiện thì đây luôn là vấn đề đáng chú ý. Sau nhiều năm ra mắt, Riot đã bổ sung tính năng tố cáo hành vi xúc phạm, tỏ thái độ thù địch vào hầu hết mọi sản phẩm của họ. Đáng nói nhất phải kể tới Valorant, sử dụng phần mềm Riot Vanguard để “quét” người chơi xấu cực kỳ nhanh nhạy.
Tất nhiên, mức phạt cho hành vi tiêu cực trong chat & đàm thoại cũng vô cùng đa dạng. Nếu nhẹ, game thủ có thể bị cấm chat. Nếu nặng hơn và không có dấu hiệu hối cải, người chơi đó có thể bị cấm chơi, thậm chí là khoá nick và không thể đệ đơn trình báo. Thậm chí, Riot còn lập hẳn một danh sách các từ khoá “cấm” sử dụng trong thi đấu. Bởi lẽ họ biết rằng, dù không thể loại bỏ hoàn toàn thành phần tiêu cực, nhưng ít nhất hành động này có thể răn đe các hành vi lăng mạ, đe dọa, quấy rối hoặc xúc phạm qua hệ thống trò chơi.
Rõ ràng, việc người chơi thi thoảng lỡ để “mồm” đi hơi xa là câu chuyện không hiếm gặp. Thậm chí, dù biết rõ bản thân sẽ chịu thiệt thòi nhưng họ thà chấp nhận lĩnh án còn hơn để cơn giận trôi qua. Mới đây, câu chuyện của một game thủ Việt bị cấm tới 2 tuần chính là một ví dụ rõ nét. Theo chia sẻ, do đã “sấy” đồng đội bằng những câu từ “mỹ miều” nên anh chàng mới bị hưởng mức án nặng như vậy.
Theo danh sách mức độ xử phạt mà Riot cung cấp, bản án nặng nhất chính là cấm chơi từ 7 ngày tới vĩnh viễn. Thời hạn này sẽ gia tăng dần sau mỗi cảnh cáo vi phạm hoặc nếu nhận về quá nhiều tố cáo trong cùng một thời điểm. Có thể khẳng định, việc “tu tâm dưỡng tính” là quá trình khó khăn ở Việt Nam - server có mức độ cạnh tranh căng thẳng nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, mỗi người chơi vẫn cần ý thức và từ từ sửa đổi nếu không muốn phải chịu thiệt thòi.