Từ trước tới nay, mâu thuẫn giữa game thủ và NPH không phải là chuyện hiếm, đặc biệt là liên quan đến vấn đề quyền lợi giữa người chơi là điều thường xuyên xảy ra. Mới đây, một sự việc đáng tiếc như thế lại diễn ra liên quan tới game thủ của tựa game Rohan M do VTC Game đồng phát hành tại thị trường Việt Nam thời gian gần đây.
Cụ thể, một game thủ Việt đã đăng đàn cho biết tài khoản của mình đột ngột bị quá do có dính líu tới việc giao dịch, trao đổi Rubi trong Rohan M giữa hai tài khoản với nhau. Phía VTC Game trả lời cho rằng, tài khoản này bị khóa do có giao dịch với những người hoàn tiền trong game (tức là mua Ruby sau đó yêu cầu Refund, có thể là trên kho tải Google Play).
Tuy nhiên, điều khiến game thủ này bức xúc đó chính là cách trả lời của VTC Game về việc bị khóa tài khoản. Cụ thể, người chơi này cho rằng, việc Rubi "dơ hay bẩn" thì game thủ không thể xác định được. "Chức năng game chứ đâu phải người chơi nạp lậu hay hack...việc cấm và treo acc phải rõ từ nguồn chứ ko phải chém từ ngọn như thế này... Cảm nghĩ của người chơi đầu tư hơn 1500 usd từ trang chủ của VTC mà bị NPH coi thường là vây...Hy vọng game sẽ kiếm được nhiều người chơi tâm huyết...", game thủ này bức xúc cho biết.
Tiếp đó, hình ảnh được cho là câu trả lời từ VTC Game trên Fanpage Rohan M như sau "Những quyết định như khóa tài khoản đều do phía NPH Playwith (đơn vị chủ quản, đồng phát hành Rohan M tại Việt Nam cùng VTC Game) chịu trách nhiệm. Vì vậy bạn có thể liên hệ qua email trên để làm rõ nhé. Như mình đã nói với bạn ở trên, việc cấm tài khoản là do phía NPH Playwith quyết định". Sau câu trả lời này, game thủ chỉ còn biết than thở "Đây là câu trả lời chính thức từ ad VTC, ngoài thu tiền còn lại không có trách nhiệm".
Nhiều người chơi cũng đồng tình với hoàn cảnh của game thủ này khi cho rằng, vấn đề kiểm tra nguồn gốc của Rubi trong Rohan M phải do phía NPH chịu trách nhiêm. "Người bug không bị phạt lại đi phạt người mua", một quan điểm được bày tỏ.
Đây cũng là một trong những bài học đối với game thủ khi thực hiện các giao dịch ảo trên mạng xã hội, đặc biệt liên quan tới các tựa game online hiện nay bởi nguồn gốc của vật phẩm đôi khi rất khó để xác định. Đặc biệt với những kẻ lừa đảo luôn có chiêu mua trên App Store hoặc Google Play sau đó thực hiện lệnh cashback, những người thực hiện giao dịch với các tài khoản này rất dễ bị "dính chàm".
Hơn thế nữa, kể từ ngày 15/4/2020 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực và chính thức cấm người chơi mua bán tài khoản, vật phẩm trong game. Theo nghị định, không chỉ là các tài khoản game, mọi vật phẩm ảo trong game cũng không được phép mua bán và quy đổi ra tiền thật. Do vậy, đa phần người chịu thiệt ở đây là người chơi khi không tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua bán, trao đổi qua game.