Có thể nói, Free Fire là một trong số những tựa game có sự đầu tư rất lớn khi mà Garena không tiếc tiền để hợp tác với những thương hiệu lớn. Hẳn cư dân mạng vẫn không thể quên Garena đã chịu chơi như thế nào khi ký hợp đồng quảng bá Free Fire với Sơn Tùng M-TP và có hẳn một nhân vật Skyler mang thương hiệu “sếp” vào tựa game bắn súng sinh tồn này.
Garena tất nhiên, đưa nhân vật Skyler ra toàn cầu nhưng đó chưa phải là giới hạn của sự “chịu chơi” của Free Fire. Hãy nhớ trước đó, cả thế giới đã ngỡ ngàng như thế nào khi ngay cả một thương hiệu đình đám, nổi tiếng toàn thế giới như Ronaldo cũng đã là gương mặt đại diện quảng bá cho tựa game này. Và cũng giống như Sơn Tùng M-TP, Ronaldo cũng có nhân vật của riêng mình, thậm chí còn vô cùng bá đạo với cái tên Chrono.
Ronaldo cũng xuất hiện trên VTV để khen Free Fire nức nở. Ví dụ như sau "Tựa game Free Fire đại diện cho lí tưởng sống của tôi, tôi luôn muốn trở thành người đứng đầu trong mỗi lĩnh vực mình tham gia!".
Mới đây thôi, Venom 2 còn dành cả một phân cảnh để có sự xuất hiện của Free Fire, giống như một hình thức “tri ân” sự hợp tác giữa bom tấn điện ảnh và bom tấn game mobile sinh tồn toàn cầu này. Thế nhưng, phản ứng của cộng đồng mạng tại Việt Nam thì lại hoàn toàn trái ngược. Đa phần đều đồng ý với quan điểm rằng, Garena đúng thật là chịu chơi và chịu chi để hợp tác với Venom 2 hay Ronaldo.
Chưa hết, tiềm năng của Free Fire thực sự to lớn và số tiền tựa game này thu về cũng đủ giúp bản thân luôn nằm trong Top 10 game mobile có doanh thu cao nhất thế giới hàng tháng. Free Fire thành công là vậy, nhưng lại tạo nên sự ác cảm đối với người chơi Việt. Lý do không hoàn toàn đến từ lối chơi “sơn súng” đặc thù của tựa game này mà có lẽ đến từ một bộ phận game thủ “trẻ trâu” là chủ yếu.
Với việc là game sinh tồn quốc dân, hướng đến sự đơn giản trong gameplay nên không khó hiểu khi Free Fire có rất nhiều người chơi “nhí” và đây cũng chính là vấn đề nhức nhối của tựa game này. Ngay cả những streamer nổi tiếng của Free Fire cũng nhiều lần ngán ngẩm với độ “trẩu” của một bộ phận game thủ Free Fire (đương nhiên không phải tất cả).
Mới đây, Garena cũng đưa ra một chiến dịch để lên án hành động như “xin kim cương”, vốn là vấn nạn đến từ chính người chơi trẻ trâu. Cụ thể, với lượng người chơi nhỏ tuổi chiếm đông đảo, rất nhiều hành động tiêu cực như lăng mạ, gây chia rẽ được diễn ra không chỉ ở trong game mà còn ở trên các diễn đàn, hội nhóm. Chính điều này đã khiến cho cộng đồng Free Fire thường xuyên xảy ra bất đồng và chia rẽ với hàng loạt drama.
Không những vậy, vấn nạn sản xuất nội dung “bẩn” liên quan tới Free Fire cũng đang bị lên án mạnh mẽ. Rất nhiều YouTuber, streamer có tiếng đã liên tục đăng tải những video có nội dung không lành mạnh lên mạng xã hội và mắc phải vô vàn chỉ trích của cộng đồng mạng.