Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội thảo
Ngày 28/12/2017, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo “Đánh giá hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử 2017”, nhằm đánh giá tổng quát về hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng trong thời gian vừa qua, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng phát triển tại Việt Nam.
Chủ trì hội thảo có ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, thành phần tham dự là các doanh nghiệp đang kinh doanh trong nước và các cơ quan ban ngành liên quan.
Vẫn “nóng” chuyện quản lý game xuyên biên giới
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc công ty VTC Intecom tiếp tục đặt ra vấn đề về việc quản lý các game nước ngoài cung cấp xuyên biên giới hiện nay. Dẫn số liệu thực tế ông Hưng cho biết, theo chia sẻ từ đại diện Google, số lượng người dùng tại Việt Nam tải các game trong nước cung cấp trên kho ứng dụng này chỉ chiếm 26% trong khi đó game nước ngoài cung cấp chiếm tới 74%. Trong khi các cơ chế quản lý hiện nay chỉ siết chặt doanh nghiệp trong nước còn doanh nghiệp nước ngoài không bị quản lý vẫn phát triển bình thường, khiến cho doanh nghiệp trong nước rất thiệt thòi.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, giám đốc VTC Intecom phát biểu tại hội thảo
Việc các game nước ngoài hoạt động thông qua các kho ứng dụng như Google, Apple…khiến cho việc thất thu thuế của nhà nước ngày càng lớn hơn, vì thế cơ quan quản lý cần có các chính sách để quản lý, bởi doanh nghiệp nước ngoài đang thu tiền ở thị trường trong nước thì bắt buộc phải đóng thuế ở đây.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quốc Thắng, CEO của CMN Online cũng lo ngại về con số game nước ngoài đang được cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam. Việc game trong nước chỉ chiếm 26% trong khi game nước ngoài chiếm tới 74% lượt tải của người dùng là một vấn đề lớn, cơ quan quản lý cần xem lại.
Thanh toán: Telco chiếm doanh thu quá lớn, Google và Apple chèn ép
Đại diện VNG đặt ra vấn đề thanh toán tại hội thảo
Thanh toán game trở thành một đề tài “nóng” tại buổi hội thảo và đa phần các doanh nghiệp đều cho rằng các nhà mạng đang chiếm doanh thu quá lớn.
Cụ thể, theo đại diện VNG, tại Việt Nam đang tồn tại 5 hình thức thanh toán cho game online là thanh toán qua thẻ nhà mạng, SMS, thu hộ qua thẻ thanh toán quốc tế, sử dụng các cổng thanh toán trung gian như ví điện tử và nhà phát hành tự phát hành thẻ để thu (chỉ một số nhà phát hành lớn).
Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới doanh thu qua thẻ của nhà mạng hiện nay chiếm rất lớn trong lĩnh vực thanh toán game khi tính cả SMS lên tới gần 65%, một điều trái ngược, bởi trên thế giới hay ngay tại Trung Quốc tỉ lệ này chiếm rất ít, họ chủ yếu thanh toán qua ví điện tử. Đây là một vấn đề cần xem lại trong bối cảnh xã hội đang thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.
Một điều nữa đại diện của VNG cũng đặt ra là việc Google và Apple bắt buộc các nhà phát hành phải sử dụng kênh thanh toán riêng của mình mới được đưa game lên (hiện thanh toán qua Google và Apple chiếm 13-15%), nếu không sử dụng phương thức thanh toán của họ sẽ không được đưa game lên, vì thế cơ quan quản lý cần có các biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp trong nước tránh bị chèn ép.
Và theo đại diện VNG, để giải quyết vấn đề thanh toán, cơ quan quản lý cần ban hành quy định cụ thể cho hoạt động phát hành thẻ thanh toán trò chơi điện tử trên mạng. Có các chính sách thúc đẩy sử dụng thẻ ngân hàng, ví điện tử để tiến tới mục tiêu xã hội không dùng tiền mặt.
Ông Phạm Quốc Thắng, CEO CMN phát biểu tại hội thảo
Cũng theo ông Thắng việc dùng thẻ viễn thông thanh toán quá nhiều cũng nảy sinh nhiều vấn đề như lừa đảo trên mạng, và do thanh toán bằng thẻ viễn thông thì không có hóa đơn, doanh nghiệp lại phải đi mua hóa đơn gây ra các vấn đề thất thu về thuế…Chính vì thế theo ông Thắng nên có phương án hạn chế thanh toán game bằng thẻ của nhà mạng, khuyến khích các thẻ thanh toán doanh nghiệp…
Ông Phạm Quốc Thắng, CEO của CMN Online cũng đặt ra vấn đề về tỉ lệ ăn chia qua việc dùng thẻ cào của nhà mạng để thanh toán cho game. Cụ thể theo ông Thắng nhà mạng đang lấy tỉ lệ quá lớn doanh thu khi thanh toán cho game, doanh nghiệp làm ra 100 đồng thì nhà mạng ăn hết gần 20 đồng.
Hiện thanh toán cho 1 game nhà mạng ăn doanh thu từ 18-20%, nếu tính các chi phí như tiền bản quyền game (chiếm 20-25%), chi phí marketing (chiếm 35-45%) tính ra doanh thu một game nhà phát hành thu về chỉ còn 13-15%, trong đó khấu hao nhân sự, vận hành…khoảng 10%, thì lợi nhuận thu về chỉ còn 3-5%, con số quá ít.
Về vấn đề Google và Apple bắt doanh nghiệp phải sử dụng phương thức thanh toán của họ khi đưa game lên kho ứng dụng, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Intecom chia sẻ thêm, doanh nghiệp trong nước bị chèn ép rất nhiều, thậm chí bắt buộc phải dùng khi doanh nghiệp trong nước không thể đàm phán được với họ. Theo ông Hưng, cơ quan quản lý cần có tiếng nói, tạo một kênh đối thoại cho doanh nghiệp trong nước để có thể ngồi lại với họ để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển.
Trước những vấn đề “nóng” trong quản lý game online ở trên, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông sau khi tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp sẽ rà soát lại. Theo đó, các vấn đề thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ xử lý sớm để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, doanh nghiệp khi thấy các bất cập trong quản lý cần ý kiến trao đổi ngay với cơ quan chức năng bằng nhiều hình thức, chứ không phải là để tổ chức hội thảo như thế này mới ý kiến… để sớm được hỗ trợ giải quyết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần lưu ý về cách truyền thông để xã hội có cái nhìn khác hơn về game online, bởi mặc dù hiện cách nhìn về game đã có chuyển biến nhưng vẫn cần được truyền thông nhiều hơn nữa, đặc biệt là công tác tự truyền thông từ các doanh nghiệp ra xã hội.
Theo Lê Mỹ, Ictnews
XB lúc 4:44, 28/12/2017