Một tựa game với lối chơi tương tự như Five Nights at Freddy’s có lẽ không phải là thứ nhiều người mong đợi ở một series như Alien. Nhưng Alien: Blackout vẫn là một trải nghiệm khá lạnh gáy, đặc biết với phong cách thiết kế hình ảnh và âm thanh đậm chất khoa học viễn tưởng retro cực kì phù hợp.
Gọi Alien: Blackout là một tựa game kính dị sinh tồn có lẽ là hơi quá. Tựa game giống như một cuộc chơi trốn tìm hơn, với nhiều nhiệm vụ bao gồm chỉ huy phi hành đoàn của bạn tránh đụng độ với những con xenomorph bằng cách sử dụng các máy tính theo dõi. Lồng tiếng được thực hiện rất tốt, đặc biệt với nhân vật chính Amanda Ripley (con gái của Ellen Ripley và cũng là vai chính trong Alien: Isolation năm 2014), và cũng có một cốt truyện kha khá để bạn khám phá so với mặt bằng chung của game mobile, mặc dù kịch bản vẫn khá đơn giản và không có nút thắt hay tình tiết gì quá bất ngờ. Điều mà bạn nên mong chờ là những phút giấy căng thẳng khi phát hiện một con xenomorph và tìm cách bảo phi hành đoàn của bạn trốn đi, nhưng cũng còn lâu mới bằng được sự kinh dị đến từ những tựa game sinh tồn thật sự.
Trong suốt thời gian chơi bảy level mà game cung cấp, bạn phải đưa ra những quyết định sống còn về việc làm thế nào để sử dụng năng lượng dự trữ một cách hiệu quả; bật máy lên để dò tín hiệu quái vật, đóng cửa để ngăn chúng xông vào hay là đóng ống dẫn khí để ngăn xenomorph xơi bạn trước khi đồng đội bạn trốn thoát. Đôi khi bạn sẽ lâm vào những tình huống ngàn cân treo sợi tóc, như khi một con xenomorph tiến đến gần hai cửa, cả hai đều có người và bạn chỉ có thể đóng một trong hai.
Đồ họa của Alien: Blackout nhìn rất tuyệt vời. Nhân vật phi hành đoàn chuyển động có hơi cứng, nhưng xenomorph thì vẫn đáng sợ như mong đợi, nhất là khi nó tấn công bạn từ ống thông gió, vồ lấy mặt bạn và game over. Hiệu ứng hạt (film grain) trên camera tạo cảm giác retro rất đúng điệu, trong khi bản đồ dù có hơi đơn giản, vẫn có đủ thông tin cần thiết để bạn thực hiện những thao tác mang tính chất sống còn.
Nhưng thứ mà có lẽ bạn sẽ nhận ra nhanh, đó là AI của kẻ địch không thực sự thông minh cho lắm. Bạn có thể đóng và mở cửa một căn phòng liên tục để dụ xenomorph và nhìn nó chạy đi chạy lại trong vô vọng trong khi bạn có một trận cười vỡ lỡ. Và một khi bạn đến gần cuối game, không có lí do gì để không dùng thành viên phi hành đoàn của bạn làm mồi nhử nữa, có lẽ trừ việc nếu như bạn muốn nghe họ hét ở chất lượng âm thanh cao. Bạn chỉ cần một người sống sót để qua màn, và việc này dẫn đến cái cảm giác rằng chiến thắng đó hơi nửa vời.
Tuy vậy, mọi thứ còn lại diễn ra khá ổn. Vì xenomorph có thể di chuyển rất nhanh và hoàn toàn vô hình, cái trò đóng mở cửa sẽ không hiệu quả mãi mãi. Nếu như kẻ địch tiến đến gần bạn quá, bạn sẽ phải cắt điện toàn bộ để đóng cửa thông gió cho đến khi nó rời đi, nhưng những cái cửa đó tự động sẽ tự động mở ra nên cũng không có nhiều kịch tính cho lắm. Nếu như bạn không thấy quá khó, toàn bộ trải nghiệm game sẽ diễn ra trên dưới hai giờ đồng hồ.
Sau khi hoàn thành, bạn có lẽ sẽ không có nhiều lí do để chơi lại. Tựa game khá tốt trong việc giới thiệu tới người chơi một vài câu đố thú vị trong việc điều khiển phi hành đoàn và chạy trốn người ngoài hành tinh, nhưng những câu đố này đa phần một màu và không có sự đa dạng. Một khi bạn đã biết cách giải, thì việc vượt qua chúng là rất dễ dàng. Nhưng thành thật mà nói, thì Alien: Blackout là một tựa game giá 5$ và không micro-transaction, và có lẽ bạn cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn được.
Tổng kết:
Ưu điểm:
Đồ họa ưa nhìn
Lồng tiếng chuyên nghiệp
Gameplay kịch tính phong cách Five Nights at Freddy’s
Nhược điểm:
AI của kẻ địch yếu kém
Giá trị chơi lại thấp
Điểm: 6,5/10
Theo IGN