10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game

Với sự đa dạng về hoạt động, sản phẩm của ngành công nghiệp game, chúng ta rất dễ nhầm tưởng rằng họ có nhiều cái sướng, lợi thế lắm…

Không phải lúc nào làm game cũng sung sướng, đặc biệt là trước sức ép cạnh tranh ở cả hai thị trường AAA và Indie. Nếu là game thủ, bạn có thể sẽ nghĩ ngành công nghiệp game cũng đơn giản như sản xuất hàng hóa thông thường, làm sản phẩm và kiếm lời thôi, nhưng thực tế có thể khác xa so với bạn nghĩ đấy. Xem thử những điều người thường dễ ngộ nhận về ngành công nghiệp game theo tổng hợp của gameranx nhé:

1: Làm game Indie rất đơn giản, nhẹ nhàng

game-1 10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game 1

Game dù là dạng 2D, đồ họa 8-bit và âm thanh Midi đi nữa thì cũng không phải đã dễ dàng để hoàn thành được, vì độ phức tạp của nó vẫn phụ thuộc vào quá trình code các tính năng, điều khiển, màn chơi… chưa kể phần thiết kế sprite cho nhân vật, hình nền, item, HUD, UI… cũng mất thời gian không kém so với các tựa game AAA lớn. Nên là một game Indie có mất cả năm để phát triển cũng không có gì là quá lạ, trừ phi nhóm lập trình “lười” quá mà thôi.

2: Đã làm game thì phải biết lập trình

game-2 10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game 2

Đúng là coding chiếm một vai trò quan trọng trong quá trình làm game nhưng một trò chơi không thể chỉ dựa vào mã lệnh, nó còn phải có đồ họa, giao diện và âm thanh để thể hiện trước các giác quan người chơi nữa. Nên nếu có mù tịt về lập trình thì bạn vẫn có thể gia nhập ngành công nghiệp game nhờ các kĩ năng khác của bản thân, kể cả chỉ là người test game cũng ok tuốt.

3: Ai làm trong ngành game cũng rất giàu có

công nghiệp game

Điều này rõ ràng không đúng, kể cả khi một game trông có vẻ “hút máu” tới mấy đi nữa thì không có nghĩa là toàn bộ số tiền ấy sẽ vào tay nhóm phát triển – những cửa hàng trực tuyến như Steam, Origin, Uplay đều đã “ăn” phần nào món lợi đó, tiếp đến là các NPH rồi phần còn lại mới tới tay nhóm phát triển, đôi lúc chả còn là bao. Tất nhiên những tựa game AAA đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu USD có thể giúp một nhóm phát triển game nào đó phất lên nhanh chóng, nhưng với thị trường chung thì các nhà làm game cũng chỉ gọi là kiếm ăn đủ sống dư dả một chút mà thôi.

4: Nếu bạn chơi game tệ thì làm game chắc cũng tệ không kém

game-4 10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game 4

Đây là một luận điểm mang tính chất bắc cầu mà khá nhiều người nghĩ nó hẳn phải đúng, nhưng sự thật thì chơi game và làm game là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn. Dễ thấy nhất là bạn có thể chơi game hành động dở ẹc vì phản xạ tay-mắt không nhanh nhạy, nhưng cái đầu bạn lại bay bổng, tưởng tượng cực siêu để góp nên một cốt truyện hoành tráng cho một game nhập vai, chiến thuật nào đó – rõ ràng là bạn vẫn thành công đấy thôi? Trước đây thì các nhà làm game thường phải kiêm luôn nhiệm vụ test game của họ, nhưng nay thì đã có các đội ngũ QA làm hộ nên họ cũng không cần đóng vai game thủ nữa.

5: Game giờ toàn bị xé lẻ thành DLC để hút máu

game-5 10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game 5

Có lẽ do ngày càng nhiều game chạy theo mô hình DLC để tăng lợi nhuận nên người ta mới nghĩ các nhà làm game “cố tình” mổ xẻ bản full thành nhiều mảnh để hút máu tối đa – nhưng không hẳn, vẫn có rất nhiều game sử dụng DLC để thêm vào cốt truyện, các chế độ chơi mới hoàn toàn (Giống kiểu GTA 4 và 2 bản Episodic). Đây là vấn đề chúng ta cần xem xét kĩ lưỡng với từng game một chứ không thể đánh đồng toàn diện vì tính phức tạp của nó.

6: Làm game Indie thì quá tự do, tha hồ bay bổng

game-6 10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game 6

Không chịu ảnh hưởng của NPH gây áp lực nên các công ty game Indie tha hồ mà chế tác game của họ theo ý muốn phải không? Đúng là họ hoàn toàn có quyền, nhưng làm được hay không lại là chuyện khác – tài nguyên hệ thống không đủ, trình độ designer, soạn nhạc chưa tới hay đơn giản là thiếu tiền mua asset, các công cụ hỗ trợ… làm hạn chế rất nhiều sức sáng tạo bay bổng của game Indie mà các nhà phát triển thường phải chấp nhận.

7: Những dòng game giải trí thì không đáng xếp hạng

game-7 10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game 7

Do game ngày càng phức tạp, phong phú về thể loại, gameplay… nên có nhiều người cho rằng những tựa game nhỏ lẻ, đơn giản… không xứng đáng được xếp hạng vì chúng không tốn nhiều công sức và không thể hiện được sự lớn mạnh của ngành công nghiệp game. Nhưng thực tế những game casual kiểu này, đặc biệt trên nền tảng mobile, lại rất được ưa chuộng vì tính giải trí cao, không gây căng thẳng đầu óc và dễ tiếp cận, ai cũng chơi được. Nên là chúng vẫn rất cần có mặt trong các bảng xếp hạng game hay để làm phong phú thêm lựa chọn của người chơi.

8: Game không thể thành công nếu thiếu các NPH lớn

game-8 10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game 8

Trước kia thì các NPH lớn đóng vai trò quan trọng giúp game được truyền tải nhanh ra thế giới, đồng thời họ cũng đóng vai trò đỡ đầu cho nhóm phát triển, hỗ trợ kinh phí, các công cụ… để hoàn thành game thuận lợi hơn. Nay thì với sự phát triển của cửa hàng online và mạng xã hội, các nhóm làm game Indie cũng có thể dễ dàng đưa sản phẩm của mình tới tay game thủ và tạo dựng được danh tiếng mà không phải lo tìm “người đỡ đầu” nữa. Và thông qua các chương trình kickstarter, các fan cũng có thể gây quỹ hỗ trợ cho nhóm phát triển ưa thích của họ khi game gặp tình trạng cạn vốn.

9: Mỗi game chỉ có một “tượng đài” gắn liền với nó

game-9 10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game 9

Nhắc tới một game thì người ta hay nhắc tới người đứng đầu dự án, phát triển chính hoặc người nêu ý tưởng và ngộ nhận rằng “đó chính là người làm tất cả để tạo nên sự thành công của game” – thực tế thì chẳng mấy game quy mô nhỏ tới trung có thể hoàn thành bởi một cá nhân cả, cho nên dù có công lớn mấy chăng nữa thì cá nhân đó cũng chỉ “nổi” về cái tên, với vai trò đại diện chung cho nhóm phát triển mà thôi, chứ game vẫn là công sức chung của nhiều người mà.

10: Các nhà làm game chẳng quan tâm chữa lỗi, bug… cho sản phẩm của họ

game-10 10 điều dễ bị ngộ nhận về ngành công nghiệp game 10

Vấn đề luôn bị phàn nàn nhiều nhất ở các tựa game PC và dẫn đến việc nhiều người nghĩ rằng NSX “bỏ rơi” đứa con của mình ngay khi ra mắt, chẳng quan tâm chữa lỗi làm gì khi đã thu đủ lợi nhuận. Hãy hiểu cho rằng không ai muốn game mình bỏ công sức làm ra bị nhiều lỗi cả, và NSX nào cũng có team test game kĩ lưỡng trước khi tung ra. Khổ cái là ban đầu vài chục người chơi thử thì không có lỗi, sau khi game ra mắt thì hàng trăm, hàng ngàn người cùng chơi mỗi người mỗi kiểu nên mới tìm ra lỗi mà NSX bỏ sót, chưa kể những vấn đề trục trặc liên quan tới phần mềm, phần cứng nữa. Thay vì phàn nàn, các bạn hãy ráng bỏ chút thời giờ báo cáo lại lỗi để NSX kiểm tra và khắc phục thì hơn đấy.