Alone in the Dark: Nhìn lại dòng thời gian trong game

Tiếp nối thành công của các phiên bản làm lại như Resident Evil và Dead Space, Alone in the Dark đã khiến fan vô cùng phấn khích khi công bố sẽ ra mắt mắt bản remake vào tháng 10 năm nay.

Cái tên Alone in the Dark có lẽ xa lạ với những game thủ ở thời điểm hiện tại, nhưng vào những năm thập niên 90, tựa game này từng được vinh danh là “mẹ đẻ” của thể loại game kinh dị, ám ảnh kinh hoàng của game thủ thời điểm bấy giờ. Và nếu bạn có xem video “Top game kinh dị sắp ra mắt năm 2023” của tôi thì sẽ biết, Alone in the Dark sắp chính thức hồi sinh vào tháng 10 năm nay.

Vậy nên, trong video hôm nay, chúng ta sẽ cùng xem qua phần mở đầu của bản làm lại sắp ra mắt vào tháng 10 và ôn lại dòng thời gian của Alone in the Dark để chuẩn bị tinh thần cho tháng 10 nhé! Trước khi vào vấn đề chính, các bạn đừng quên cho Mọt tôi một lượt like, share, ai chưa nhấn đăng ký thì mau đăng ký kênh để không bỏ lỡ khi Mọt tôi lên video nha, giờ thì bắt đầu luôn nào!

Có gì trong bản làm lại của Alone in the Dark?

Mở đầu bản làm lại, ta sẽ nhìn thấy một căn phòng chất đầy những con búp bê sứ với đôi mắt vô hồn. Cô bé Grace đang ngồi làm mặt nạ giấy giữa phòng, bỗng tiếng cọt kẹt dưới nhà thu hút sự chú ý của cô bé. Không thể lờ đi thứ âm thanh kỳ lạ, Grace quyết định xuống nhà kiểm tra, nhưng lại không thấy gì ở đó.

Cánh cửa căn nhà mở tung, có lẽ đám quạ đã bay vào đây làm loạn. Grace bước đến gần, nhưng cánh cửa đã đóng sầm lại trước mắt cô bé. Cảm thấy khó hiểu, Grace đi đến mở cửa, cảnh bên trong lại là phòng tắm chứ không phải ngoài sân.

Thiết kế chưa có tên (25).jpg

Grace cảm thấy khó hiểu vì sự việc kì lạ trước mắt, cô bé cô mở những cánh cửa khác và được dẫn đến phòng làm việc của một người đàn ông tên Jeremy. Khó hiểu hơn là, Jeremy túm lấy Grace và nói gì đó về việc các điệp viên đang theo dõi anh ta.

Nhận ra Grace không hiểu mình đang nói gì, Jeremy tỏ ra thất vọng và muốn chuyển một lá thư cho cháu gái của anh ta là Emily Hartwood đang sống ở New Orleans. Dù không hiểu gì đang diễn ra, nhưng nhìn thấy bộ dáng lúng túng của Jeremy, Grace vẫn đề nghị để mình gửi hộ. Lạ thay, khi Grace vừa viết xong địa chỉ thư thì quay lại đã chẳng thấy Jeremy đâu, tuy vậy, vì là một cô bé vô tư nên Grace nhún vai mặc kệ và quyết định sẽ tự đi gửi thư một mình. 

Sau khi đi qua nhiều căn phòng khác nhau, khung cảnh xung quanh Grace bỗng thay đổi và trở nên u ám, nhưng Grace vẫn chẳng hề để tâm đến điều đó, mà tiếp tục đi đến nơi gửi thư. Trong lúc cô bé đang cất tiếng gọi người phụ trách phòng thư thì một con quái vật bỗng xuất hiện sau lưng Grace và trò chơi kết thúc tại đây.

Sự lột xác ngoạn mục hay chỉ là lớp vỏ bên ngoài?

Chưa xét đến cốt truyện mà chỉ nói riêng về mặt đồ họa thì Alone in the Dark đã có sự thay đổi đáng kể so với những năm 1992, từ đồ họa 3D được dựng bằng những khối pixel cơ bản trở thành các khối 3D cực kỳ chỉn chu. Cũng đúng thôi, với tình trạng đào thải không ngừng của ngành công nghiệp game thì phải thay đổi bắt kịp với thời đại, đặc biệt là đồ họa, nếu bây giờ tựa game vẫn đi theo lối mòn đồ họa của năm 1992 thì khó mà thu hút được người chơi mới.

Thiết kế chưa có tên (26).jpg

Trong bản game năm 1992, Alone in the Dark không có phần mở đầu, thay vào đó, ta sẽ vào thẳng vai hai nhân vật là Emily Hartwood hoặc thám tử Edward Carnby, nhận được lá thư từ người buôn đồ cổ với nhiệm vụ tìm cây đàn piano cũ nằm trên gác xếp của dinh thự Derceto bỏ hoang sau khi chủ nhân dinh thự - Jeremy Hartwood kết thúc cuộc đời mình trong chính căn nhà đó.

Nghe đến đây bạn đã thấy kì lạ rồi đúng không? Nếu Jeremy đã qua đời, vậy tại sao cô bé Grace trong phần mở đầu của bản remake năm nay lại nhìn thấy Jeremy, hay thậm chí còn đưa thư giúp anh ta? Lời giải đáp sẽ nằm trong phần sau của video, còn giờ, hãy tiếp tục nói về sự đặc biệt của Alone in the Dark trong lần làm lại này.

Trong bản lần này, nhân vật chính của chúng ta, tức cháu gái của Jeremy - Emily Hartwood và thám tử Edward Carnby được lấy cảm hứng từ nữ diễn viên Jodie Comer và nam diễn viên David Harbor. Theo chia sẻ từ nhà phát hành, họ không những tham khảo vẻ ngoài của Jodie và David mà còn mời hai người này lồng tiếng trong trò chơi.

Và nếu bạn không biết thì Jodie Corner là người thủ vai nhân vật Villanelle của loạt phim kinh dị Killing Eve, từng giành giải thưởng của viện Hàn lâm Anh. Còn David thì từng thủ vai Jim Hopper trong series phim truyền hình Stranger Things của Netflix. Cá nhân thì tôi rất thích ngoại hình của David, nên nếu tạo hình của ông được dùng để xây dựng nhân vật thám tử Edward trong Alone in the Dark thì tôi mạnh dạn chấm 10 điểm tạo hình trước, còn game hay dở thế nào thì tính sau.

Thiết kế chưa có tên (27).jpg

Thật ra chỉ phần mở đầu thì chưa đủ để tôi nêu cảm nhận về âm nhạc trong game, nhưng tôi đặc biệt thích các bản jazz cổ điển của châu Âu, vậy nên khi thấy nhà sản xuất tiết lộ rằng, trò chơi sẽ được thêm thắt các bản nhạc jazz mang màu sắc ma mị trong khung cảnh tăm tối, tôi sẽ tạm cho âm nhạc là một điểm cộng, còn sau này ra mà nhạc không thỏa mãn được thì tôi trừ điểm sau.

Có một điều thú vị mà tôi thích trong phần mở đầu là chi tiết căn phòng của Grace. Nếu bạn là một người thường xem phim kinh dị Mỹ, đặc biệt quen mặt với Annabelle thì tôi chắc chắn bạn sẽ không thấy thoải mái khi nhìn thấy hàng loạt con búp bê sứ được đặt trong trò chơi.

Tuy đây gần như là một phân cảnh thoáng qua, nhưng việc mở đầu với mấy con búp bê thế làm cá nhân tôi, nhấn mạnh là cá nhân tôi thấy lạnh gáy. Cơ mà ngay sau đó cái sự lạnh đó đã bay đi mất vì sự ngờ nghệch thậm chí hơi vô tri của cô bé Grace.

Ý tôi là, tôi không rõ nhà sản xuất đang muốn làm gì trong phần mở đầu, giới thiệu sự xuất hiện của Grace và những hiện tượng kỳ lạ bên trong lâu đài để làm người chơi hứng thú ư? Lý thuyết nghe thì cũng hay đấy, nhưng kết thúc phần mở đầu, trong não tôi chỉ còn đọng lại mỗi sự vô tri của Grace chứ chẳng hề có chút gì là hứng thú hết.

Thiết kế chưa có tên (28).jpg

Kiểu như, tôi biết chuyện gì cũng có lý do của nó, nhưng nếu tôi là một người lần đầu chơi Alone in the Dark thì chắc chắn, tôi sẽ cảm thấy Grace một là bị vô tri, hoặc hai là liệt dây thần kinh cảm xúc, nói chung là hơi xàm. Bởi vì, thôi nào, đứa trẻ bình thường nào lại tỏ ra bình thường trong cái hoàn cảnh bất bình thường ấy chứ?

Tôi hiểu, có thể nhà sản xuất đang muốn tạo ra một Grace thú vị, vô tư đến mức đáng sợ, hoặc cô bé đang che dấu bí ẩn gì đó, nhưng cách diễn đạt của họ có vẻ hơi sai (hoặc do tôi thấy thế). Nên cảm xúc duy nhất đọng lại trong phần mở đầu của tôi chỉ là một câu, con bé này có vấn đề về nhận thức à?

Có một số tựa game được xem là kinh điển của những năm trước 2000 với lựa fan đông đảo, nhưng có một số tình tiết cũ nếu áp vào thời đại này thì chắc chắn nó sẽ không được ưa chuộng cho lắm. Nói đâu xa, ví dụ gần nhất là cô nàng Ashley trong Resident Evil 4 Remake, chi tiết thì các bạn có thể xem lại video “Remake và bản gốc của Resident Evil 4 có gì khác nhau” của tôi lúc trước, còn ngắn gọn thì, bạn nghĩ nếu Capcom vẫn giữ cái nết của Ashley như trong bản Original thì liệu cái tên Ashley trong bản Remake có tạo tiếng vang lớn như thế hay không? Câu trả lời thì có, nhưng là có cái nịt.

Thiết kế chưa có tên (29).jpg

Game thủ ở mỗi thời kỳ sẽ có những nhận thức khác nhau, vậy nên, tôi hy vọng trong bản hoàn thiện vào tháng 10, phía Pieces Interactive sẽ có những điều chỉnh hợp lý để tạo ra các nhân vật ấn tượng, chứ không phải chỉ đổi mỗi cái vỏ, bê nguyên xi cái sườn lên lại và để nó ra sao thì ra.

Điểm lại timeline của series Alone in the Dark

Trước khi kết thúc video, tôi muốn cùng các bạn điểm lại dòng thời gian của các phần thuộc series Alone in the Dark để khi game ra chúng ta đỡ bỡ ngỡ, nên các bạn đừng vội tắt video ở đây nhé. Đến thời điểm hiện tại, series Alone in the Dark có tất cả 7 phần game chính trên PC, tính cả phần remake sắp ra mắt vào tháng 3 năm nay.

Đầu tiên là ba phần game Alone in the Dark 1 - 2 và 3 ra mắt năm 1992, 1993 và 1994. Bản game năm 1992 là bản mở đầu của series game Alone in the Dark, và nối tiếp sau đó là hai phần game thứ 2 và 3 với cùng một nhân vật chính là thám tử Edward Carnby, và đôi lúc là Emily Hartwood. 

Trong bản đầu tiên, nhân vật chính sẽ dấn thân vào cuộc hành trình tại căn nhà bỏ hoang của Jeremy vào năm 1924. Đến bản Alone in the Dark năm 1993, trò chơi lại lấy bối cảnh là giáng sinh năm 1924, nhân vật chính nhận được yêu cầu giải quyết một vụ bắt cóc cô gái trẻ tên Grace Saunders, và manh mối dẫn anh ta đến dinh thự cổ “Hell’s Kitchen” của một tay xã hội đen khét tiếng ở California.

Thiết kế chưa có tên (30).jpg

Nghe đến đây, chắc bạn cũng thấy lạ là tên Jeremy và Grace lại nằm trong hai phần khác nhau mà không phải một? Cá nhân tôi nghĩ rằng, nhà sản xuất đang muốn kết hợp cả hai phần game này lại và cho ra một câu chuyện mới với bối cảnh là những năm 1924. Nếu sự thật là như thế, vậy có lẽ ta không cần phải lo Alone in the Dark đi theo lối mòn của những phần game trước nữa.

Tiếp tục sang phần 3, lấy bối cảnh vào năm 1925, nhân vật chính tiếp tục dấn thân vào một vụ mất tích của đoàn phim ở thị trấn ma Slaughter Gulch nằm ở sa mạc Mojave. Sang đến phần game ra mắt năm 2001 mang tên “Alone in the Dark: The New Nightmare”, nhân vật chính sẽ phải đích thân điều tra sự ra đi của người bạn thân nhất Charles Fiske và đặt chân đến hòn đảo Shadow. Trong phần này, bối cảnh đã chuyển từ những năm 1900 sang năm 2001, đồng thời cũng giải thích về xuất thân và thân phận thật sự của nhân vật chính, nhưng tôi sẽ không spoil đâu.

Bản game Alone in the Dark ra mắt năm 2008 thuật lại câu chuyện ở công viên trung tâm của New York. Còn bản game Alone in the Dark: Illumination năm 2015 thì xảy ra tại thị trấn khai thác mỏ Lorwich. Mỗi phần game là những câu chuyện riêng biệt xoay quanh nhân vật chính chủ yếu của chúng ta là thám tử tư Edward Carnby, nên để tránh spoil hết nội dung từng phần thì tôi chỉ nêu sơ thế thôi, còn nếu muốn tìm hiểu sâu thì hãy để lại bình luận bên dưới cho tôi biết nhé, nếu có nhiều bạn ủng hộ thì ngại gì mà triển, nhỉ?

Và dù nghe qua cốt truyện của Alone in the Dark chỉ toàn điều tra phá án, nhưng thế giới của tựa game này lại được xây dựng theo vũ trụ Lovecraft huyền bí của HP Lovecraft, và được lấy cảm hứng rất nhiều từ loại hình tôn giáo Voodoo bí ẩn của cộng đồng người châu Phi, sự bụi bặm của văn hóa miền viễn Tây và các tác phẩm khoa học kinh của nghệ sĩ HR Giger.

Thiết kế chưa có tên (31).jpg

Đó là lý do tại sao trong bản remake của Alone in the Dark, ta lại thấy sự hiện diện của những sinh vật không thuộc thế giới loài người. Vậy nên nếu là một người có đam mê với những thế giới đen tối, hắc ám cùng các sinh vật kỳ dị của vũ trụ Lovecraft, tôi nghĩ bạn sẽ không thể bỏ qua Alone in the Dark, còn nếu bạn không có đam mê đó thì có thể chờ xem video phân tích cốt truyện của tôi vào tháng 10 để có đam mê nhé~

Giờ thì, đó cũng là kết thúc cho video ngày hôm nay, nếu thích video này, hãy để lại một like, share và bình luận để Mọt tôi có động lực làm tiếp những video tiếp theo. Còn nếu chưa theo dõi Mọt thì bạn đừng quên nhất vào nút đăng ký và nút chuông bên dưới để không bỏ lỡ những video của bọn tôi trong tương lai nhé, giờ thì xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong video sau.

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ bài viết hay về game nhé~