* Lưu ý: Bài viết này có thể “Spoiler” một phần về nội dung của trò chơi, các bạn có thể cân nhắc trước khi đọc.
Với những ai đang chờ đợi ngày ra mắt của God of War, một lời khuyên chân thành từ người viết đó là các bạn hãy chuẩn bị hầu bao đi, đây thực sự là một siêu phẩm mà bạn không nên bỏ lỡ trong năm 2018.
Dưới bàn tay tài hoa của đội ngũ phát triển đến Santa Monica, hình tượng về Kratos vẫn được khắc họa rõ nét với tình cách ngang tàn, sức mạnh đội trời đạp đất và quan trọng hơn cả là khí chất phi thường của một vị thần bất khả chiến bại.
Tuy nhiên, nếu so sánh với hình tượng Kratos hiện nay với các phiên bản trước đó, người chơi dễ dàng có thể nhận ra một sự thay đổi mang tính then chốt. Đó là sự trưởng thành. Với vẻ ngoài của một người đàn ông ở tuổi trung niên, giờ đây Kratos luôn mang bên mình trách nhiệm về gia đình (cụ thể là cậu con trai Atreus).
Chiến thần của ngày nào giờ đã không còn oán hận, điên cuồng và hiếu chiến nữa. Thay vào đó là sự chững chạc và điềm tĩnh đáng kinh ngạc. Điều này có thể thấy rõ trong phân cảnh giao chiến đầu tiên của game. Khi bị kẻ lạ mặt khiêu khích, Kratos đã phải cảnh báo đến 3 lần (“Hãy rời khỏi nhà của tao”) trước khi động thủ. Nếu như hoàn cảnh đó xảy ra với “Thần chiến tranh” Kratos trước đây, kẻ lạ mặt kia đã tan xác ngay sau ánh mắt xấc xược đầu tiên rồi.
"Mày không muốn cuộc chiến này ? "
Mày làm tao vô cùng thất vọng đấy. Lại đây nào
Hãy nói những gì tao muốn và sự sự đau khổ này sẽ kết thúc (Đương nhiên Kratos sau đó cũng chả nói gì và cho gã lạ mắt kia biết thế nào là kết thúc của sự đau khổ).
Với tư cách là một vị thần, có lẽ thời gian hay tuổi tác không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự trưởng thành của Kratos. Ngay từ đầu game, nhà sản xuất đã cho người chơi chứng kiến cảnh tiễn đưa vợ Kratos. Có thể thấy ở đây một sự mất mát, u uất và giằng xé. Kéo suốt từ phần 1 (ở Hy Lạp) cho đến phần mới nhất (ở Bắc Âu), cuộc đời của Kratos là những chuỗi ngày đau khổ khi lần lượt phải chứng kiến những người thần yêu nhất phải rời xa, từng người, từng người một. Nếu như trên thân thể Kratos có bao nhiêu vết sẹo do chinh chiến thì tâm hồn ông ta cũng có từng đấy nỗi u uất không thể xóa nhòa.
Ở cuối phần 3, Kratos đã tự sát sau khi đánh bại Zeus. Tuy nhiên bằng một cách kỳ diệu nào đó, chiến thần vẫn sống cho đến tận ngày hôm nay. Nếu bánh xe lịch sử là một thứ gì đó được sắp đặt từ trước thì có lẽ mọi lý do cho sự tồn tại của Kratos trong thế giới Bắc Âu đều chỉ tập trung vào một nhân vật mà thôi. Đó chính là Atreus, người thân duy nhất còn sống của Kratos.
Xâu chuỗi lại tất cả hành động của Kratos trong phiên bản lần này, có thể thấy chúng đều có mục đích rõ ràng là bảo vệ Atreus. Trong các màn chơi, mỗi lần Atreus gặp nguy hiểm là Kratos lại lập tức biến thành trạng thái cuồng nộ để giải vây. Không những vậy, trong mỗi quan hệ giữa Kratos và Atreus, chiến thần của chúng ta luôn đóng vai một người cha nghiêm khắc và khắt khe. Tất cả những thứ đó đều chỉ xuất phát từ một mong muốn duy nhất đó là Atreus có thể trưởng thành và đủ sức mạnh để tồn tại được trong thế giới đầy nguy hiểm này.
8 năm, đây thực sự là một khoảng thời gian dài với bất kỳ ai trong chúng ta. Với từng đó thời gian, một cậu nhóc có thể trở thành một người đàn ông thực thụ, cô nữ sinh năm nào có thể trở thành bà mẹ một con, hay dễ hình dung hơn thì nó là cả một chặng đường đủ đề Apple phát triển từ Iphone 3G đến Iphone X... Thời gian giúp chúng ta trưởng thành. Không chỉ với riêng Kratos, sự trưởng thành này còn thể hiện rõ ràng qua phong cách làm game của Santa Monica và cả ở bản thân mỗi người chơi nữa.
8 năm để chờ đợi một siêu phẩm, chờ đợi sự trở lại của một trong những nhân vật game có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Dài, rất dài, tuy nhiên nó xứng đáng và chắc chắn sẽ không làm bất kỳ ai phải thất vọng.
Game thủ Việt đang phát cuồng vì “bảng điểm toàn 10” của God of War 2018