Thời khắc chuyển giao của các hệ console từ thế hệ thứ 7 lên 8 quả thật là quãng thời gian không mấy sáng sủa cho dòng game Assassin’s Creed. Trước đó có thể nói series game về Hội Sát Thủ đã trải qua một giai đoạn hoàng kim với hàng loạt các tựa game chất lượng như AC 2/Brotherhood/Revelations, AC3 và AC4 Black Flag trên cả hai hệ máy PS3 và Xbox 360. Không quá khi nhận định rằng các tựa game trên đã góp công lớn định hình chỗ đứng cho thương hiệu chủ lực của Ubisoft trong thế giới game. Dù vậy như đã nói ở trên, trong khoản thời gian khi các hệ console bắt đầu bước chân lên next-gen (PS4/Xbox 1) mà cụ thể ở đây là năm 2014, dòng game Assassin’s Creed đã phải trải qua những vấp ngã đầy đau đớn. Trong năm đó Ubisoft đã cho ra mắt tới hai phiên bản Assassin’s Creed, Unity và Rogue, thế nhưng tiếc thay cả hai đều bị đánh giá là những sản phẩm thất bại bởi rất nhiều lí do khác nhau.
Thời gian trôi qua, đã sáu năm kể từ khi hai tựa game trên được phát hành và cũng kể từ đó series AC đã chứng kiến một sự thay đổi lớn trong gameplay khiến cho bản sắc của một AC ngày xưa gần như không còn. Trong khi đang chuẩn bị đón chờ các hệ máy next-gen tiếp theo cùng với phần game AC mới mang tên Valhalla, có lẽ sẽ rất hợp lý khi chúng ta cùng nhìn nhận lại một trong hai tựa game bị đánh giá thấp của series, Assassin’s Creed Rogue. Vấn đề đầu tiên của Rogue chính là nó là một tựa game hạng B chứ không phải thuộc hàng flagship như Unity, và Ubisoft cũng chẳng hề muốn giấu diếm điều này. Trong khi Unity đóng vai trò là tựa game đưa dòng game lên các hệ máy next-gen với hàng loạt cải tiến về gameplay, đồ họa thì ngược lại Rogue chỉ đơn thuần là sự tiếp nối những gì Assassin’s Creed đã làm trong những năm trước và đây cũng chính là điểm trừ lớn nhất của Rogue.
Nói về những điểm khác nhau cụ thể giữa Unity và Rogue ta có thể thấy rằng hai phần game trên mặc dù đều mang cái tên Assassin’s Creed thế nhưng mỗi bản đều hướng đến những đối tượng khách hàng khác nhau. Unity đem đến cho người chơi cảm giác mới mẻ với công nghệ đồ họa tiên tiến, dàn nhân vật mới toanh, bối cảnh thời kì cách mạng Pháp đầy hấp dẫn cùng hệ thống combat có chiều sâu còn Rogue thì lại nhắm đến các fan lâu năm thông qua bằng cách xào nấu lại những thứ đã từng xuất hiện trong AC3 và AC Black Flag và chỉ thay vào đó là một cốt truyện mới. Chính vì không đem lại nhiều sự cải tiến như Unity nên game thủ không mấy mặn mà với Rogue và điều này khiến cho game giống như một bản spin-off không hơn không kém mặc dù nó nằm trong mạch truyện chính của dòng game.
Assassin’s Creed Rogue giống như một phần DLC mở rộng hơn là một bản game chính
Tuy vậy Rogue vẫn có ít nhiều những ưu điểm đáng để ghi nhận, và một trong số đó chính là cốt truyện của game. Thay vì vào vai một nhân vật thuộc Hội Sát Thủ đối đầu với Templar như các phần trước, trong Rogue chúng ta sẽ được chứng kiến cuộc chiến giữa hai phe phái trên thông qua góc nhìn của Shay Cormac, một sát thủ vì không còn tin vào những lí tưởng của Hội nên đã quyết định gia nhập Templar. Mặc dù diễn biến cốt truyện trong AC Rogue có lúc hơi lủng củng nhưng không thể phủ nhận hành trình thay đổi của Shay từ một con người nguyện trung thành với Hội Sát Thủ sang một nhân vật cấp cao của Templar hấp dẫn game thủ một cách kì lạ. Những mâu thuẫn trong nội tâm của Shay khi phải đối đầu với những người bạn cũ và đồng thời là kẻ địch của mình trong khi anh ta đang tìm chỗ đứng mới tại Templar đã giúp cho câu chuyện của Rogue có một vị trí rất đặc biệt trong lòng của người hâm mộ. Bên cạnh đó, nhờ vào việc tận dụng tốt các nhân vật quan trọng từng đã xuất hiện trong AC3/AC4 Black Flag như Achilles, Haytham Kenway, Adéwalé…v…v nên Rogue thật sự có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các phần game trên thành một mạch truyện hoàn chỉnh. Đó là chưa kể ending của game cũng dính dáng trực tiếp đến Unity khiến cho Rogue là một tựa game AC không thể bỏ qua.
Nói về gameplay của Rogue, mặc dù kế thừa hầu như toàn bộ công thức của các phần game trước thế nhưng cũng khá khen cho Ubisoft khi họ cũng đã chịu khó thiết kế lại lối chơi sao cho phù hợp với một nhân vật đặc biệt như Shay Cormac. Với vai trò là một thành viên của Templar, đa phần các nhiệm vụ chính cũng như phụ của game giờ đây đều xoay quanh việc làm thế nào để ngăn chặn hoạt động của Hội Sát Thủ thay vì tự tay thực hiện chúng như trước. Bên cạnh đó những thứ bên lề quen thuộc như thủy chiến, khám phá, thu thập báu vật…v..v cũng đều được các nhà làm game trau chuốt đến độ gần như hoàn hảo. Cũng khá dễ hiểu bởi những nét gameplay trên vốn đã được làm rất tốt tại các phần game trước rồi, sang đến Rogue thì NSX chỉ cần cải tiến lại dựa trên khung sườn có sẵn mà thôi.
Công bằng mà nói, khi chơi lại AC Rogue trong thời điểm hiện tại, tác giả cảm thấy tựa game này thật sự không đáng để nhận về nhiều chỉ trích giống như hồi nó mới được ra mắt. Dù vậy có một sự thật không thể phủ nhận rằng tại thời điểm trò chơi được phát hành, nhiều người đã bắt đầu cảm thấy bắt đầu ngán ngẩm series này bởi kiểu vắt sữa kinh khủng của Ubisoft và Rogue tự bản thân nó cũng chẳng mang đến nhiều thay đổi cho công thức chung của dòng game. Tuy vậy với một cốt truyện mang đầy tính đột phá, tựa game trên thật sự là một phần mở rộng đáng giá dành cho những ai là fan ruột của dòng game Assassin’s Creed cũng như cho những người đang tìm kiếm lại hương vị cũ khi xưa của thương hiệu trên.