Chơi game PC và những điều sẽ khiến cho người ta phát điên nếu chúng xuất hiện - PC/Console

Dù là một game thủ “PC Master Race,” Mọt tui vẫn nhìn thấy rất nhiều điều đáng ghét trên hệ máy yêu thích của mình và muốn chia sẻ chúng với bạn đọc.

Những phần mềm “ngoại đạo”

Bởi PC là một nền tảng mở, các nhà phát hành game có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn với game thủ PC mà không cần phải bận tâm đến chính sách của bất kỳ ai. Trong khi game phát hành trên PlayStation và Xbox chỉ có thể được phát hành theo đúng quy định của Sony và Microsoft và không đi kèm bất kỳ một thứ “đầu thừa đuôi thẹo” nào, game trên PC thường đi kèm cả núi phần mềm khác mà game thủ không mong muốn.

Đầu tiên là những phần mềm chống hack trong các tựa game có yếu tố online. Mọt không phản đối sự tồn tại của chúng bởi chúng phần nào đảm bảo trải nghiệm của game thủ trong các trận đấu online, nhưng rất nhiều khi chúng lại xung đột với những thứ Mọt cần sử dụng cho công việc hoặc những tựa game khác. Thời còn chơi Vindictus, một phần mềm VPN Mọt sử dụng để “trèo tường” vào server Vindictus Bắc Mỹ bị Easy Anti Cheat của Ghost Recon Wildlands nghi là đồ đểu, và thế là nó không cho Mọt bật Wildlands khi còn giữ VPN trong máy. Sau vài email qua lại với đội ngũ hỗ trợ của Easy Anti Cheat và Ubisoft, Mọt tui đành phải tìm một giải pháp VPN khác cho cuộc chơi Vindictus của mình.

Chơi game PC và những điều sẽ khiến cho người ta phát điên nếu chúng xuất hiệnChơi game PC và những điều sẽ khiến cho người ta phát điên nếu chúng xuất hiện

Phần mềm chống cheat Vanguard gây tranh cãi lớn đầu năm nay.

Bên cạnh đó, không ít phần mềm chống gian lận cũng có cách hoạt động khá mạnh tay, gây lo ngại cho game thủ. Vanguard của tựa FPS Valorant do Riot phát triển hay mhyprot2 của Genshin Impact là các ví dụ – Mọt tui đã có cả đống bài viết về những phản ứng của game thủ và các tranh cãi xoay quanh các công cụ chống gian lận này. Tương tự các công cụ chống hack, các phần mềm DRM cũng thường xuyên bị chỉ trích bởi game thủ nghi ngờ chúng ảnh hưởng đến hiệu năng của PC, ngốn tài nguyên của máy tính và những rắc rối khác. Denuvo là kẻ bị chỉ trích nhiều nhất bởi trong khi các nhà phát hành game tin tưởng phần mềm này, ngay cả những game thủ chơi game bản quyền cũng ghét bỏ nó và ăn mừng mỗi khi nghe tin Denuvo bị gỡ khỏi trò chơi.

Launcher là một điều phiền hà khác. Các nhà phát triển game ngày càng lộng hành khi ngay cả những studio chỉ có vài ba tựa game cũng làm Launcher riêng của mình, dẫn đến việc game thủ có 7749 launcher khác nhau trên máy. Điều này khiến Mọt tui rất đau đầu: mỗi khi thấy một tựa game nào đó có vẻ hấp dẫn, Mọt sẽ phải mở Google lên tìm xem trò chơi được bán ở đâu, Steam, Epic, GOG, Itch.io, do nhà phát triển tự phát hành trên web hay trên một launcher riêng lẻ nào đó.

Chơi game PC và những điều sẽ khiến cho người ta phát điên nếu chúng xuất hiệnChơi game PC và những điều sẽ khiến cho người ta phát điên nếu chúng xuất hiện

GOG Galaxy 2.0 gom các launcher về một mối.

Đôi khi những Launcher này thậm chí còn hoạt động như một lớp bảo vệ bản quyền mới chồng chéo lên các phương thức khác, gây lãng phí tài nguyên máy tính của những game thủ chơi game bản quyền trong khi các game thủ chơi bản crack không phải bận tâm đến điều này. Thật may mắn là với GOG Galaxy 2.0, game thủ có thể gộp hết các Launcher phổ biến về một mối, giảm thiểu sự phiền hà khi có quá nhiều Launcher trên PC của mình dù nó vẫn không giải quyết được vấn đề ngốn dung lượng hay tài nguyên.

Những tựa game chuyển hệ kém chất lượng

Đây là một trong những điều khiến Mọt không thể nào hiểu nổi khi chơi game trên PC. Việc phát triển game chắc chắn được thực hiện trên PC, nhưng lại có những nhà phát triển chẳng thèm bận tâm đến việc làm một bản PC xứng đáng cho tựa game của mình. Những dấu hiệu rõ rệt nhất cho các tựa game thuộc loại này bao gồm FOV (góc nhìn) bị cố định ở mức thấp và không thể điều chỉnh gây chóng mặt, các nút điều khiển được hiển thị sẵn toàn tròn vuông tam giác thay vì Space Ctrl Shift Enter, số khung hình bị khóa đâu đó ở mức… 30, hay giao diện được tối giản cho phù hợp với console / mobile.

Năm điều đáng ghét nhất khi chơi game PCNăm điều đáng ghét nhất khi chơi game PC

Có thể bạn không nhớ, nhưng Dark Souls PC là một bản port tồi tàn.

Thật vậy, bốn yếu tố trên là những điều khó chịu nhất với một game thủ PC. Góc nhìn thấp khiến không ít game thủ cảm thấy chóng mặt, đặc biệt là trong những tựa game FPS đa nền – các nhà phát triển thường gò game thủ PC vào góc nhìn của console bởi một lẽ đơn giản là… lười, hoặc để “đảm bảo sự công bằng” cho trải nghiệm multiplayer. Các nút điều khiển console chỉ khiến game thủ PC phải bực mình vì họ phải đoán mò xem trong số 104 nút trên bàn phím của mình, đâu là nút bấm đúng. “Bấm ■ để ăn hàng”? $#^$, bố đang chơi trên PC và *** có cái nút đó!

Việc khóa khung hình ở mức thấp càng không cần phải nói: trên các PC cấu hình mạnh và tần số quét cao, nó khiến game thủ nhìn rõ từng khung hình và làm suy giảm trải nghiệm của họ. Điều này xảy ra thường xuyên nhất trên những tựa game hành động vốn được phát triển cho console và được chuyển hệ sang PC sau đó, chẳng hạn Horizon Zero Dawn vừa ra mắt gần đây có một số động tác trông giật cục vì chỉ có 30 khung hình/giây. Lý do của điều này là vì trong các tựa game hành động, nhà phát triển phải quy định sẵn động tác nào có tác dụng gì trong khung hình thứ mấy, và việc mở khóa lên 60 FPS hay cao hơn sẽ buộc họ phải làm lại từng động tác một và rất mất thời gian.

Năm điều đáng ghét nhất khi chơi game PCNăm điều đáng ghét nhất khi chơi game PC

Không ít game thủ phải tìm kiếm sự giúp đỡ trong hang sói của Tomb Raider (2013).

Hang sói (Wolf Cave) trong Tomb Raider 2013 là một ví dụ cho việc giao diện tối giản làm game thủ bực mình. Khi Lara bị một con sói to tướng cắn vào chân, game hiển thị hai biểu tượng nhỏ chỉ sang hai bên trái phải nháy cực nhanh ở góc màn hình, khiến game thủ không rõ đây là nút mũi tên hay A và D và bấm quá nhanh thay vì chậm rãi theo nhịp. Mọt tin chắc không ít game thủ đã bị con sói cắn chết chục lần vì hai nút bấm này, chưa kể các biểu tượng chấm than và bàn tay sau đó cũng rất dễ nhầm lẫn trong tình huống QTE căng thẳng.

Cựu chủ tịch Rockstar lập studio làm game cạnh tranh với GTA để "trả thù"
Sau khi kiện Take-Two vì tìm cách đuổi mình khỏi Rockstar, cựu chủ tịch Rockstar đã trở lại lập studio mới để làm Everywhere, đối thủ của GTA.

Sự mất tích của những tính năng hữu ích

Trong sự nghiệp chơi game của mình, Mọt tui đã chứng kiến sự “qua đời” của rất nhiều tính năng hữu ích trên PC. Những tựa game hỗ trợ chơi LAN giờ là hàng hiếm có khó tìm, khiến trải nghiệm multiplayer phần nào rối rắm hơn và kém đi khi cả nhóm bạn cùng ngồi một chỗ. Các game bắn súng multiplayer có bot cũng vắng hẳn, và gần như tất cả các tựa game bắn súng có multiplayer ngày nay đều đổ xô theo thể thức “eSports” 5vs5. Các server custom cũng dần biến mất, và các nhà phát hành cứ ép game thủ phải chơi trên những server của họ kể từ khi Call of Duty 4: Modern Warfare ra đời.

May mắn là chúng ta vẫn còn có các tựa game của Valve như Team Fortress 2, Left 4 Dead 2, CSGO hay một số ngôi sao sáng như Halo The Master Chief Collection. Những tựa game này vẫn còn có LAN, vẫn có bot để bạn bắn một mình, vẫn có thể browse qua một danh sách server dài dằng dặc. Và đặc biệt, chúng vẫn cho phép game thủ tạo server custom để chơi đủ thứ chế độ vui nhộn mà cộng đồng modder nghĩ ra chứ không cần phải đu bám theo thể thức eSports cứng nhắc mà không phải ai cũng đam mê.

Năm điều đáng ghét nhất khi chơi game PCNăm điều đáng ghét nhất khi chơi game PC

Một tính năng khác ít khi được sử dụng hơn nhưng vẫn rất hữu ích là chia màn hình khi chơi co-op tại chỗ. Điều này gần như là bất khả thi với game PC hiện đại, mặc dù số lượng game thủ sở hữu nhiều màn hình ngày một nhiều ra. Tuy nhiên nếu chịu khó lùng sục tìm kiếm, game thủ có thể bắt gặp những công cụ hết sức hữu ích có thể đáp ứng được nhu cầu chơi game chia màn hình của mình chẳng hạn Universal Split Screen. Công cụ này hỗ trợ Minecraft, Borderlands 3, Don’t Starve Together, Left 4 Dead 2, Sven, Factorio, Prison Architect, Stardew Valley,… Bên cạnh đó, tính năng Steam Remote Play Together cũng rất hữu ích cho những game thủ muốn trải nghiệm tính năng này.

Tiền ảo

Cứ như đùa, nhưng tiền ảo là một trong những thứ làm Mọt tui bực mình nhất khi chơi game PC. Lý do của điều này rất đơn giản: khoảng năm 2017-2018 khi chiếc GTX 960 đã bắt đầu có dấu hiệu “đuối” trước những tựa game mới, Mọt tui muốn lên đời 10xx nhưng vào thời điểm đó cơn sốt tiền ảo đang diễn ra, và card đồ họa trên thị trường bị vét sạch. Những chiếc card hiếm hoi còn sót lại có giá tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi, khiến Mọt tui quyết định giữ lại GTX 960 cho đến tận cuối năm 2019 mới nâng cấp. Bởi những đồng tiền ảo đã khiến Mọt phải hoãn cái sự sung sướng ấy lại (lời thoại của lão Quềnh trong phim Đất và người), Mọt tui trở nên ghét tiền ảo từ dạo đấy.

Năm điều đáng ghét nhất khi chơi game PCNăm điều đáng ghét nhất khi chơi game PC

Xử lý lỗi

Đây chính là điều đã huấn luyện game thủ PC thành những bậc thầy giải đố của làng game. Bởi đặc trưng có vô vàn cấu hình và cách cài đặt phần mềm, bất kỳ một tựa game nào cũng sẽ gặp lỗi không chạy được trên một dàn PC nào đó, ở một góc nào đó trên thế giới. May mắn là trong thời đại internet, game thủ có thể tìm kiếm phương thức khắc phục vấn đề một cách dễ dàng bằng nhiều phương thức khác nhau, từ trực tiếp gửi ticket cho nhà phát hành đến các cộng đồng game thủ đông đảo trên Steam, Facebook, Reddit,…

Đó là còn chưa kể đến những lỗi phần cứng khiến game thủ vò đầu bứt tai mà chẳng hiểu tại sao. Một ngày đẹp trời nào đó bạn sẽ mở PC lên để chơi game, nhưng quạt không quay, main không bíp bíp, màn hình không hiển thị, gear mất tín hiệu và đủ thứ trời ơi đất hỡi khác. Nếu may mắn, chiếc PC sẽ trở lại bình thường sau khi bạn đổi vị trí các thanh RAM hoặc cắm lại các dây cáp, còn nếu xui xẻo thì bạn sẽ phải nói lời chia tay với một hay vài linh kiện đắt tiền và thay thế chúng bằng những món mới có giá gần bằng hoặc vượt cả một chiếc console.

giải đốgiải đố

Một vấn đề khác hơi lạ lùng là bởi game trên PC có khả năng tương thích ngược siêu tốt, nhiều tựa game vài chục năm trước vẫn chạy được trên các PC được tạo thành từ các linh kiện mới nhất và những hệ điều hành hiện đại nhất nhưng lại gặp những lỗi khác nhau. Từ đơn giản như card đồ họa quá mạnh khiến game hiển thị không chuẩn (Freelancer) đến độ phân giải màn hình quá cao khiến cửa sổ game trông bé tẹo, những vấn đề thuộc dạng “first world problem” này khiến game thủ vừa yêu vừa hận PC. Các game thủ console ít khi gặp phải vấn đề này, bởi console hoặc hỗ trợ tương thích ngược hoàn toàn (Xbox Series X), hoặc chỉ tương thích ngược với một số game nhất định (PS5) và game thủ chẳng cần bận tâm đến những tựa game nằm ngoài danh sách tương thích ngược đó.

Lời kết

Và đó là những điều mà Mọt tui ghét nhất trong vai trò là một game thủ PC. Vẫn còn nhiều điều đáng ghét khác trên hệ máy này, nhưng chúng không đến nỗi khó ưa như những điều đã được kể lại bên trên. Còn bạn, bạn ghét nhất điều gì khi chơi game PC? Hãy chia sẻ cùng Mọt tui và bạn đọc khác trong phần bình luận bên dưới nhé.