Phiên bản thứ 23 của một trong những series game đua xe lâu đời nhất thế giới, Need For Speed hóa ra là một nồi lẩu thập cẩm. Cốt truyện với những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, trốn tránh cảnh sát để trừng trị những tên tội phạm tham lam khác chẳng khác gì series phim The Fast and The Furious, trong khi thế giới mở của game cùng những pha tông xe chứ không còn là đua xe này chẳng khác gì công thức đã khiến Burnout thành công gần chục năm về trước.
Trong game, bạn vào vai Tyler Morgan, một tay đua với phong cách chẳng khác gì nhân vật của Paul Walker. Anh chàng của chúng ta cố gắng kiếm tìm những cơ hội lớn thay vì chỉ cố gắng kiếm vài đồng lẻ qua những cuộc đua vặt vãnh ngoài đường phố. Mục tiêu của nhân vật chính là hạ bệ The House, một tổ chức tội phạm lớn thao túng cả thành phố Fortune Valley, một phiên bản Las Vegas giả tưởng giữa lòng sa mạc Nevada. Để làm được điều này, Tyler phải bắt đầu từ những cuộc đua đường phố do The House tổ chức bất hợp pháp.
Cốt truyện của game, giống như mọi phiên bản Need For Speed khác, dường như cũng chỉ để làm nền cho những pha cầm lái cua khét mặt đường nhựa của game thủ mà thôi. Thực sự thì cũng không chê trách được vì nếu cốt truyện quá phức tạp, nó sẽ thành game hành động nơi bạn được ra khỏi chiếc xe và cầm súng làm vài đường đạn y hệt GTA. Nếu quá phức tạp, EA Ghost sẽ chẳng làm cách nào kết nối được tất cả lại để tạo ra một tựa game có chiều sâu. Không nên quá khắt khe với họ.
Bạn hoàn toàn có thể phần nào lờ đi những nhiệm vụ cốt truyện để thong thả thưởng thức game, hoàn tất những cuộc đua và tìm kiếm cho đủ những món linh kiện hoàn thiện cỗ xe trong mơ của bạn, từ chỗ nó chỉ là đống rác tìm được ngoài sa mạc, biến thành một cỗ máy tốc độ để hạ bệ mọi đối thủ trong game. Ấy là chưa kể, khoảng thời gian độ xe và tùy chỉnh chế độ lái để drift mượt nhất cũng khiến chúng ta bỏ hàng giờ đồng hồ trước màn hình, nên cốt truyện có thể tạm gác sang một bên để thưởng thức cách chơi vốn đã định hình được tên tuổi của EA Ghost sau phiên bản Need For Speed 2015 rất thành công.
Những ý tưởng tạo nên thành công của Need For Speed: Payback đều đã có trong những phiên bản trước, chưa kể Burnout Paradise, tuyệt phẩm của Criterion Games, tựa game "đâm xe" đầy thử thách và đã tay ra mắt năm 2007. Bản đồ Fortune Valley là một bàn cờ với đầy những ngã tư nơi những sòng bạc, nhà hàng, khu dân cư tọa lạc. Cảm giác phóng vun vút trên những con phố, nhấp phanh nhả ga để drift hay đóng hết bình nitrous để vượt đối thủ không khác một chút gì so với Burnout cả.
Trong khi đó khu vực sa mạc lại là những con đường thẳng tắp với các cây xăng cho phép bạn sửa chữa lại chiếc xe trong tích tắc. Với engine Frostbite, những hiệu ứng hình ảnh vẫn là thứ tạo ra Adrenaline dồn lên não người chơi, kích thích họ thực hiện những pha ôm cua hay tông xe chẳng thua gì phim hành động cả.
Hình ảnh đẹp, và cách chơi cũng rất dễ làm quen. Nó không đòi hỏi bạn phải lái như những tay đua thực thụ như Gran Turismo hay Forza, và đó là thứ khiến Need For Speed dành cho tất cả mọi người. Cách lái vẫn vậy, và sự trở lại của những chiếc xe cảnh sát khiến từng cuộc đua trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Nhưng thay vì biến cảnh sát trở thành cơn ác mộng của người chơi như trong Most Wanted 2005, Need For Speed: Payback dường như chỉ để những người thực thi pháp luật làm nền khi chỉ cần tông vài cái họ đã bị văng khỏi đường đua rồi.
Rõ ràng, Need For Speed: Payback là một tựa game áp dụng những công thức đơn giản nhất tạo ra thành công của một tựa game đua xe arcade. EA rất biết cách tạo ra bình mới rượu cũ nhưng không gây nhàm chán một chút nào cho người chơi cả.