Sau khi theo bước lực lượng Đồng Minh ở chiến dịch D-Day với phe Mỹ và những nhiệm vụ tối mật của người Anh cùng với sự hy sinh của đại úy Price, game thủ đã phần nào thấy được sự khốc liệt của chiến tranh và nghĩa vụ của những quân nhân. Tuy nhiên chỉ đến chuyển sang phe Hồng Quân thì nỗi ám ảnh đáng sợ nhất trong thế chiến thứ hai mới được lột tả hoàn hảo thông qua cốt truyện Call of Duty (2003).
Theo cốt truyện Call of Duty (2003) chiến dịch đầu tiên của Hồng Quân Xô Viết bắt đầu vào lúc 11h trưa ngày 18-9-1942, khi đó game thủ sẽ bị ném vào giữa trận Stalingard để có những trải nghiệm chân thật nhất về cuộc chiến vệ quốc vĩ đại qua góc nhìn của hạ sĩ Alexei Ivanovich Voronin.
Không giống binh nhì Martin từng trải qua đợt huấn luyện nghiêm khắc ở căn cứ quân sự Tocoa, Mỹ hay binh nhì Evans được một chỉ huy tài ba như đại úy Price hướng dẫn tận tình, Voronin vốn là một nông dân trẻ tuổi có cuộc sống rất bình thường tại một làng quê hẻo lánh đâu đó trong nước Nga. Anh không quá hứng thú với binh nghiệp nhưng khi tổ quốc cần vẫn lên đường nhập ngũ. Voronin tiếp cận trận chiến đầu tiên trong đời binh nghiệp bằng cách vượt sông Volga trên một xà lan cũ kỹ cùng những thanh niên vừa nhập ngũ giống mình. Toàn bộ những chiếc xà lan chở các chiến sĩ Hồng Quân di chuyển sang bên kia bờ sông Volga đều được tiếp đón bằng loạt đạn từ phi cơ Luftware và pháo cối của quân Phát Xít nên chiếc xà lan của Voronin cũng không ngoại lệ.
Voronin đổ bộ thành công trước khi chiếc xà lan bị đánh chìm bởi bom của kẻ địch nhưng hiện thực tàn nhẫn lại tiếp tục trêu đùa anh khi Hồng Quân không cách nào chuẩn bị đủ súng đạn để trang bị cho toàn quân thế nên vũ khí sẽ được chia theo từng nhóm 2 người (1 người được phát Mosin Nagant, 1 người được phát 5 viên đạn). Sau khi nhận 5 viên đạn Mosin Nagant từ viên sĩ quan chỉ huy, Voronin và những người lính Hồng Quân trẻ chỉ có 2 lựa chọn: ”Một là tử chiến với hỏa lực là súng máy của quân Phát Xít và hy sinh anh dũng, hai là quay lưng bỏ chạy nhưng không biết có thoát khỏi rừng mưa đạn không”. Voronin may mắn gặp được hạ sĩ Borodin, nhờ những hướng dẫn khi di chuyển cũng như phối hợp cùng nhau cả hai băng qua hỏa lực cực mạnh của quân Phát Xít để liên lạc pháo binh, dọn đường đưa Hồng Quân đến thẳng Quảng Trường Đỏ (Red Square).
13h cùng ngày, Voronin tiếp cận Quảng Trường Đỏ (đến tận lúc này hành trang duy nhất của Voronin là 5 viên đạn Mosin Nagant). Lúc này Voronin tình cờ gặp hạ sĩ Makarov, cả 2 quyết định sẽ men theo một hướng khác hòng chiếm được vị trí thuận lợi hơn. Họ tìm được và sử dụng súng bắn tỉa để hạ gục nhanh 2 sĩ quan chỉ huy phe địch, nắm lấy cơ hội tuyệt hảo đó pháo binh Hồng Quân nhanh chóng pháo kích phá hủy 2 xe tăng cũng như đông đảo quân Phát Xít đang trấn thủ vòng ngoài.
Lúc này Makarov trao cho Voronin một nhiệm vụ mới là đến gặp thiếu tá Zubov của trung đoàn bộ binh số 13 để báo cáo tình hình chiến sự. Băng qua chiến hào, nhà ga với hàng loạt chốt chặn của quân Phát Xít xen lẫn phế tích của những thứ từng được mệnh danh là thành phố tuyệt đẹp của Châu Âu. Voronin cuối cùng cũng gặp được thiếu tá Zubov ở hầm trú ẩn, dĩ nhiên với chiến công trợ giúp giúp Hồng Quân chiếm lại Quảng Trường Đỏ, Voronin lập tức được thăng chức từ một binh lính nông dân tại địa phương lên cấp hạ sĩ, tuy nhiên chưa kịp ăn mừng thì anh lại nhận thêm một nhiệm vụ mới.
13h ngày 9-11-1942, hạ sĩ Voronin nhận nhiệm vụ chiếm đóng một căn hộ có vị trí phòng thủ đắc địa đối diện nhà máy xay ngũ cốc trên phố Penzenskaia. Lúc này anh được trao một khẩu PPSH-41 hẳn hoi với một ít đạn chứ không phải 5 viên Mosin Nagant đầy nghèo túng như trước. Để dễ dàng tiếp cận và chiếm đóng tòa nhà, Voronin cùng đồng đội chọn cách xâm nhập bằng hệ thống cống ngầm dưới lòng thành phố Stalingrad để tránh lính bắn tỉa cũng như xe cơ giới của quân Phát Xít. Vượt qua chặng đường cần thiết, Voronin gặp thượng sĩ Pavlov cùng đội của ông, cả hai đồng ý phối hợp đánh chiếm ngôi nhà nhằm cản bước quân Phát Xít trong quá trình chiếm đóng Stalingrad.
Bằng việc sử dụng binh nhì Kovalenko làm mồi nhử (ai đó phù hộ cho anh ta), Voronin lần lượt bắn hạ đến 7 tay súng bắn tỉa của đối phương. Phần việc còn lại của Pavlov chính là dọn dẹp sạch bọn lính Đức đang chiếm đóng tòa nhà. Sau đó theo phân công của Pavlov, Voronin sử dụng súng chống tank đánh trả từng đợt tiến công của quân Phát Xít trước khi Hồng Quân kịp thời đưa quân tiếp viện đến. Đây là nhiệm vụ có thật trong lịch sử khi thượng sĩ Pavlov cùng 3 người lính dưới quyền đã thành công chiếm giữ và phòng thủ liên tục trong 3 ngày 3 đêm trước sự tấn công dữ dội của quân Phát Xít. Đến tận ngày nay ngôi nhà trong nhiệm vụ của Pavlov vẫn nằm yên vị bên bờ sông Volga với tư cách một di tích lịch sử huyền thoại, là minh chứng sống động cho sự ngoan cường của những người lính Hồng Quân trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.
Nhiệm vụ tiếp theo của Voronin diễn ra vào lúc 10h30’’ ngày 17-1-1945 ở Vác-xa-va, Ba Lan. Voronin giờ đây thăng hàm thượng sĩ và nhiệm vụ của anh là hành quân cùng trung đoàn tiên phong 150 để chiếm đóng một gara sửa chữa xe tăng của Phát Xít giữa lòng thủ đô. Sau khi chiếm được nơi này, Voronin và đơn vị tiếp tục nhiệm vụ dọn dẹp quân Phát Xít xung quanh đó để mở đường hội quân cùng đội xe tăng số 4. 13h45’’ ngày 26-1-1945, do đơn vị lính xe tăng thiếu sĩ quan chỉ huy có kinh nghiệm nên Voronin được lâm thời chỉ định hành quân trên 1 chiếc T34-85 cùng đội xe tăng số 2 tiến đến sông Oder nhằm giải phóng thị trấn nhỏ ven sông. Tại đây Voronin không chỉ hạ hàng loạt chiến xa của quân Đức mà còn phá hủy hoàn toàn hệ thống pháo phòng không bảo vệ thị trấn.
Cũng trong thời gian này thất bại của Phát Xít đã đến rất gần khi Mỹ cùng quân Đồng Minh càng ngày càng thọc sâu vào biên giới nước Đức. Trong khi lực lượng hải quân của chúng (Kriegmarine) bị không quân của phe Đồng Minh ném bom hủy diệt hoàn toàn. Còn nhớ việc đại úy Price cùng Evans từng trà trộn vào chiến hạm Tirpitz và lấy được tấm hải đồ của Kriegmarine không? Ngoài ra dự án siêu vũ khí có khả năng thay đổi cục diện chiến tranh mang tên V2 của Hitler cũng bị quân Đồng Minh phá hủy (nhiệm vụ cuối cùng của phe Anh). 11h ngày 30-4-1945, Hồng Quân mở chiến dịch cuối cùng (Berlin 1945) nhằm kết thúc số phận của quân Phát Xít bằng việc cắm cờ lên nóc tòa nhà Reichstag, theo cốt truyện CoD, Voronin chính là người lính được nhận nhiệm vụ vinh quang này.
Khi lá cờ đỏ của Xô Viết tung bay trên nóc tòa nhà quốc hội Reichstag cũng là lúc cuộc chiến ác liệt nhất lịch sử nhân loại được vẽ nên dấu chấm tròn trong Call of Duty (2003). Đây cũng là khoảnh khắc đầy xúc cảm khi đan xen giữa sự khốc liệt của chiến tranh lẫn niềm tự hào vì bảo vệ được quê hương đất nước thông qua góc nhìn của người lính Hồng Quân. Đặc biệt nếu phần chơi Anh, Mỹ game thủ đều nhận được hướng dẫn hoặc chỉ thị rõ ràng từ cấp trên, thì ở phần chơi Liên Xô nhiệm vụ của người lính lại phức tạp hơn rất nhiều khi bạn phải tự mình đưa ra quyết định. Đối với Kênh Tin Game, câu chuyện của người lính Hồng Quân không chỉ lột tả chân thực sự khốc liệt của chiến tranh mà nó còn để lại nhiều cảm xúc trái chiều mà tui không tiện nêu ra vì lý do nhạy cảm. “Friendly fire will not be tolerated” chỉ một câu nói ngắn gọn trong game nhưng đọng lại quá nhiều điều khiến người ta cảm thấy thổn thức.
- Cốt truyện Call of Duty – P.1: Binh nhì Martin và chiến dịch D-Day
- Cốt truyện Call of Duty – P2: Vĩnh biệt đại úy Price
- Cốt truyện Call of Duty – P3: Cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của Liên Xô