Cyberpunk 2077 chắc hẳn đang là cái tên được săn đón nhiều nhất trên mạng lúc này. Được giới thiệu là một game thuộc thể loại nhập vai góc nhìn thứ nhất, Cyberpunk hứa hẹn sẽ kế thừa những ưu điểm sáng giá của “người đàn anh” The Witcher 3, cũng như tạo ra những nét riêng của mình với thể loại Cyberpunk đầy quyến rũ. Là một trong những dự án tham vọng nhất của ông lớn CD Projekt RED (CDPR), sau gần 8 năm trời phát triển, cùng với đó là bao thăng trầm trong quá trình sản xuất, cuối cùng thì trò chơi cũng nhận về trái ngọt khi “tẩu tán” thành công 8 triệu bản game chỉ sau vài ngày ra mắt.
Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trang tin lớn trên thế giới đều đã đưa ra đánh giá của mình cho tựa game của ‘Chim Đỏ”. Tin vui cho những ai đang mong ngóng tựa game này là giờ đây họ đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Trên trang Metacritic, Cyberpunk 2077 có điểm số đánh giá trung bình là 90 – một con số vô cùng ấn tượng đến từ 53 trang tin lớn nhỏ.
Nhìn chung, Cyberpunk được hầu hết các nhà phê bình khen ngợi về đồ họa được chăm chút tỉ mỉ và vô cùng hoành tráng. Ngoài ra, lối kể chuyện được nối tiếp từ series The Witcher cũng là một điểm mạnh của tựa game này với chuỗi nhiệm vụ phụ được hoàn thiện cẩn thận. Trong quá trình trải nghiệm, bạn sẽ trải qua nhiều khung bậc cảm xúc khác nhau, từ nhẹ nhàng sâu lắng với tuyến nhân vật đáng nhớ cho tới bùng nổ và phấn khích với những pha hành động mãn nhãn. Một điểm trừ lớn xuất hiện trong các bài đánh giá là việc game xuất hiện khá nhiều bug, gây ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm của người chơi.
Có thể điểm số 90 đối với nhiều người là chưa đủ thuyết phục, nhất là đối với một game tầm cỡ như thế này. Thế nhưng cũng đừng quên là phần lớn đánh giá đều phàn nàn về lượng bug khổng lồ xuất hiện trong Cyberpunk 2077. Nếu có thể, hãy tự mình trải nghiệm trò chơi để tìm cho mình câu trả lời thích đáng.
Chắc hẳn bạn đã biết tới với khái niệm “review bomb”. Đây là cách mà một bộ phận game thủ phản ứng với nhà phát hành khi không hài lòng với một tựa game nào đó. Hiểu nôm na là những game thủ này sẽ lên trang đánh giá và “tặng” cho tựa game đó hàng loạt điểm số “đỏ chót” (điểm số dưới trung bình). Nạn nhân mới đây nhất của “review bomb” chính là tựa game độc quyền nhà Sony – The Last of Us 2. Ở thời điểm mới ra mắt, có những lúc user score của trò chơi còn không “lết” được đến 4. Phần lớn các đánh giá này đều chỉ trích The Last of Us 2 một cách thiếu cơ sở. Đồng ý rằng có rất nhiều vấn đề xoay quanh cốt truyện của tựa game, thế nhưng tôi tin rằng không có trò chơi nào tệ đến mức phải nhận những điểm số “nực cười” như 0 hay 1 cả. Đấy là còn chưa kể đến những yếu khác như gameplay và âm nhạc, thứ mà theo tôi, The Last of Us 2 đã làm thực sự tốt. Nói như vậy để bạn đọc thấy được hành động “thả bom review” này đôi khi cũng rất “lố bịch”.
Sau khi ra mắt chính thức, Cyberpunk 2077 đã mang tới nhiều tin vui cho “cha đẻ” CD Projekt Red. Ngoài thành công về doanh số ra thì trò chơi cũng được rất nhiều người khen ngợi về chất lượng. Đây cũng có thể coi là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của nhà làm game tới từ Ba Lan. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực kể trên, trò chơi còn nhận được vô số chỉ trích tới từ người hâm mộ. Trên trang Metacritic, Cyberpunk 2077 đang phải hứng chịu những đợt “review bomb” ồ ạt. Tuy chưa đến mức “thảm hại” như đứa con tinh thần của Naughty Dog, thế nhưng điểm số 6.6 user score cũng khiến nhiều fan hâm mộ của tựa game này lo ngại. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng đa phần những điểm số “đỏ lòm” trên trang này đều phê bình Cyberpunk 2077 một cách “sáo rỗng”. Chỉ trích gay gắt nhưng lại không đưa ra được những bằng chứng rõ ràng. Phần lớn chỉ cố gắng xoáy sâu vào những điểm trừ như bug hay glitch để “vùi dập” tựa game.
Có thể thấy, việc một bộ phận người hâm mộ không hài lòng với Cyberpunk 2077 có thể do tựa game này gặp phải nhiều vấn đề về kỹ thuật. Một nguyên nhân nữa xuất phát từ những kỳ vọng quá lớn của cộng đồng dành cho trò chơi này. Cyberpunk 2077 là một tựa game hay, nhưng chừng đó có vẻ đó vẫn là chưa đủ để đáp ứng những tiêu chuẩn “trên trời” của nhiều người. Kỳ vọng quá nhiều rồi đến khi sản phẩm không được như mong đợi, họ quay lưng lại với tựa game mà mình từng yêu thích. Ngoài ra, hiệu năng của trò chơi cũng là một vấn đề khiến nhiều người tỏ ra thất vọng. Cấu hình quá cao khiến họ không thể trải nghiệm tựa game cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới những đánh giá tiêu cực này.