Vào cái thời điểm mà bài viết này lên sóng, thì chúng ta vẫn chưa thể biết chắc được liệu Cyberpunk 2077 có ra mắt đúng hạn, mặc dù ngày 12/12 đã là gần lắm rồi. Không ai có thể nhớ nổi Cyberpunk 2077 đã delay bao nhiêu lần, người ta chỉ lờ mờ hình dung được là nó ra mắt lần đầu cách đây khoảng 7 năm gì đó, sau đấy là hàng dài dằng dặc các thể loại tạm trễ, tạm hoãn, tạm ngưng và tạm dừng không ai đếm nổi nữa.
Nhưng tất nhiên núi cao thì còn có núi cao hơn, Cyberpunk 2077 delay như vậy nhưng vẫn chưa ăn thua với các game dưới đây, tất nhiên chúng ta không bàn tới mấy thể loại “huyền thoại” như Duke Dukem “Forever”, vì ít ra các game dưới đây vẫn ra mắt thành công mặc dù hơi lâu.
Persona 5
Dòng game Persona bắt đầu nổi tiếng ở thị trường phương Tây ở bản 3, nó bùng nổ ở phần 4 (2008), liên tiếp được bầu chọn là game nhập vai hay nhất, nhưng cũng phải nhõn 8 năm sau tức 2016, thì người hâm mộ mới được chạm tay vào Persona 5. Thực tế Persona 5 đã được lên kế hoạch ngay sau phần 4 tức 2008, nó được tập trung toàn diện vào năm 2011, sau khi Catherine ra mắt thành công.
Vào lúc đỉnh điểm, Persona 5 có một đội ngũ lên tới gần 100 người cùng hoạt động, trong đó bao gồm 15 người viết kịch bản, 15 lập trình viên, khoảng 45 nhân viên thiết kế đồ họa, chưa tính rất nhiều hạng mục lằng nhằng ngoài lề khác. Sở dĩ Persona 5 bị delay dã man như vậy vì nhóm thiết kế gặp vấn đề trong lúc phát triển, ban đầu họ dự tính đưa yếu tố thời gian thực vào game, sau đó lại muốn thêm phần đàm phán (Negotiation) đặc trưng của Megami Tensei – theo yêu cầu của fan.
Hơn nữa vào thời điển mà Persona 5 ra mắt, thì nó bị vướng giữa thời điểm chuyển đổi giữa 2 hệ máy, vòng đời của PS3 gần hết và PS4 ra mắt. Các lập trình viên của Persona 5 gặp vấn đề rất nhiều, do phải chuyển đổi phần cứng. Một điều nữa là Persona sử dụng engine mới hoàn toàn, cộng thêm gần 1000 event mới cho game, khiến thời gian phát triển dài ra dằng dặc, cơ mà ít nhất nó cũng ra mắt thành công.
South Park: The Stick of Truth
Hành trình của South Park: The Stick of Truth khá là epic, ý tưởng đầu tiên xuất hiện khi 2 đồng sáng lập (Trey Parker và Matt Stone) của sê-ri hoạt hình South Park liên hệ với Obsidian Entertainment, nhằm gợi ý một tựa game South Park riêng. Paker là fan bự của Obsidian Entertainment, đặc biệt là các nhập vai như Fallout: New Vegas hay Skyrim, anh ta còn hứng chí tới nỗi làm một cái kịch bản, dài tới 500 trang để sẵn.
Sau một loạt các thể loại về bản quyền thì South Park: The Stick of Truth được lên kế hoạch, sau đó game được giao cho THQ phát hành, một nước đi sai bét từ đó về sau. Vào tháng 5/2012 tên gọi chính thức của game được công bố, nhưng ngay sau đó thì THQ lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Quyền phát hành của South Park: The Stick of Truth bị đem ra đấu giá, thậm chí Obsidian Entertainment còn không biết cho tới khi nó được thông báo rộng rãi.
Tựa game này được Ubisoft mua lại với giá 3,2 triệu USD, ngay lập tức nó bị yêu cầu sửa đổi, lịch phát hành bị dời lại 6 tháng, tựa game bị phàn nàn là “quá tốn tiền để phát triển”. Những màn mè nheo, lằng nhằng và phỏng vấn qua lại sau đó cuối cùng cũng xong xuôi, game được ra mắt vào tháng 4/2014, chấm dứt một màn phiêu lưu hú hồn và delay mệt nghỉ, Cyberpunk 2077 phải gọi bằng cụ.
Legend Of Zelda: Breath Of The Wild
Ý tưởng về một game thế giới mở được lên kế hoạch sau bản The Legend of Zelda: Skyward Sword vào năm 2011, khổ nỗi trước đó Nintendo chưa bao giờ làm game thế giới mở cả, thế là họ phải thử nghiệm thêm với The Legend of Zelda: A Link Between Worlds vào năm 2013, cũng như mượn ý tưởng rất nhiều thông qua Skyrim.
Ban đầu tựa game mới dự định vẫn thiết kế nhân vật 2D, nhưng để sau đó các lập trình viên muốn nó thực tế hơn, với các hiệu ứng vật lý hoàn hảo. Ừ thì thế là chúng ta phải làm thêm một đống thứ nữa, nó “no hope” tới mức trong quá trình phát triển, có những lúc các lập trình viên đi vào một khu vực trong game, chỉ để thấy hàng đống vật thể bị thổi bay lên trời. Breath Of The Wild ban đầu được thiết kế cho màn hình cảm ứng của Wii U, nhưng việc phải nhìn qua lại giữa màn hình và gamepad sẽ gây xao nhãng cho game thủ, thế là tính năng này bị bỏ qua.
Kể cả khi game được chuyển sang Nintendo Switch thì mọi việc vẫn chưa hết, Nintendo muốn tạo ấn tượng cho game thủ, vì đây là game đầu tiên có lồng tiếng ở các đoạn cắt cảnh. Ấn tượng ở đây là chúng ta có tới 8 ngôn ngữ và phụ đề khác nhau, với việc game thủ có thể trộn lẫn chúng lại tùy sở thích. Vẫn chưa hết vì tới phần âm nhạc, khi nó được yêu cầu phải viết và trình diễn bằng Piano, sao cho hòa vào môi trường xung quanh. Từng đó thứ ngốn thêm 5 năm nữa, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng, vì Legend Of Zelda: Breath Of The Wild có lẽ là game Zelda thành công nhất, trong toàn bộ lịch sử của cả Nintendo.
Crackdown 3
Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2014, với vị thế là game độc quyền cho Xbox One. Thậm chí lúc đó Crackdown 3 còn đang trong giai đoạn khởi điểm, nhưng sếp lớn Phil Spencer đã bắt đầu nghĩ tới việc sử dụng tính năng cloud computing. Game tập trung vào việc phát triển và phá hủy thành phố, với hiệu ứng vật lý cho phép người chơi hủy diệt bất kì vật thể nào trên màn hình.
Trailer chính thức vào năm 2015, tính năng cloud computing được trình diễn cho thấy hiệu quả, khi nó đem lại công suất mạnh hơn tới 20 lần so với việc chơi trên máy Xbox One đơn lẻ. Cái vấn đề ở đây là cloud computing và các hiệu ứng hoành tráng như vậy, chỉ áp dụng được cho multiplayer, còn phần chơi chiến dịch, chơi đơn bất kể ra sao vẫn không thể so sánh được như kì vọng.
Crackdown 3 được dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2016, sau đó nó được dời sang 2017 để trùng với ngày ra mắt của Xbox One X, để rồi lằng nhằng tới tận tháng 8 và tiếp tục delay tới quý 3/2018. Mà đó thực ra đã hết đâu, vì ngày xuất hiện cuối cùng của nó bị đẩy sang tới tận tháng 02/2019, chừng đó thời gian đủ để người ta quên luôn Crackdown 3 là game gì, thành ra mặc dù cực kỳ tham vọng, nhưng điểm số của nó chỉ dừng ở mức trung bình.
Final Fantasy XV
Cái vấn đề chính khiến Final Fantasy XV bị delay lâu tới vậy 1 phần do Square Enix không tính toán hết được khả năng của mình, chưa kể họ còn bới ra một đống thứ từ cái tựa game chính này. Để hiểu được vụ lằng nhằng này, chúng ta phải nói về cái thứ bắt đầu với Final Fantasy Versus XIII (tên gốc của FF XV), nó nằm cùng se-ri với hai tựa game khác là Final Fantasy XIII và Final Fantasy Agito XIII.
Trong số này thì Final Fantasy XIII được ra đời hoàn chỉnh, còn Final Fantasy Agito XIII lại bị đổi tên thành Final Fantasy Type-0 và phát hành cho PSP chứ không phải Playstation 3 nữa. Sự thành công của Final Fantasy XIII khiến nhân lực của Final Fantasy XV bị cắt xén, kinh phí được dồn cho các anh em của nó, đến nỗi tận 5 năm sau ngày công bố game vẫn đang trong giai đoạn… tiền phát triển (25% tiến độ).
Vấn đề này làm nảy nòi một vấn đề khác là đội ngũ thiết kế muốn thay đổi cốt truyện của game, nếu là một fan của tựa game này thì hẳn các bạn cũng biết việc Final Fantasy XV có tuyến nhân vật khác hẳn lúc đầu công bố.
Một lý do khác là khi thế hệ console mới của Sony sắp lên kệ (Playstation 4), tới năm 2013 Final Fantasy Versus XIII chính thức được đổi tên thành Final Fantasy XV, trở thành một dòng chính thống và chuẩn bị thành cái tên đỉnh để đẩy doanh số cho Playstation 4. Lượng tài nguyên khổng lồ được tập trung về cho game, họ lại phải đổi mới tựa game này cho phù hợp với dòng console mới, kể cả lối chơi, hình ảnh lẫn cốt truyện, khỏi phải nói mất thời gian thế nào.
Đến 2015 thì thông tin phát hành của Final Fantasy XV xuất hiện, nhưng cũng phải tốn hơn 9 tháng nữa thì game mới chính thức ra lò sau hơn 10 năm thai nghén chờ đợi. Giờ thì bạn đã thấy Cyberpunk 2077 mới có nhõn 7 năm thôi đã là hạnh phúc, còn cái FF XV này thì phải là 10 năm đấy.