Như chúng ta đều biết trong Detention, Phương Nhuế Hân là một học sinh ít nói, sống khép kín, vì lẽ đó dù có thành tích học tập tốt cùng bối cảnh gia đình giàu có nhưng cô ta vẫn không có bạn bè gì tại trường trung học Thúy Hoa. Điều này được chứng tỏ rất rõ ràng khi gia đình có sự xung đột, Nhuế Hân chỉ âm thầm gặm nhấm nỗi đau mà không biết chia sẻ cùng ai. Đến khi có sự xuất hiện của thầy Trương Minh Huy, thế giới nội tâm đầy u ám của cô mới sống động với những màu sắc hết sức rực rỡ. Đáng buồn thay, do vấn đề thời cuộc những con người yêu nhau đã không thể bên nhau thậm chí còn gián tiếp khiến người mình yêu nhất thiệt mạng. Sau đó nhiều năm, một linh hồn bị đày đọa tại ngôi trường đổ nát vẫn cứ ngày ngày thức tỉnh với ký ức mơ hồ cùng với quá trình tìm lại bản ngã để chấm dứt sự thống khổ một lần và mãi mãi hay tiếp tục chấp nhận một lần nữa “luân hồi”.
Đó là phần nội dung chính mà người ta sẽ được khám phá khi trải nghiệm Detention, tựa game kinh dị lấy bối cảnh học đường có đồ họa không quá xuất sắc của Red Candle. Tuy nhiên nếu chỉ xét đơn thuần về mặt cốt truyện cùng các yếu tố tâm linh trong văn hóa Á Đông thì đây lại là một trò chơi khiến người ta phải nghiền ngẫm rất nhiều. Rõ ràng những ai từng trải nghiệm qua hai phiên bản của The Coma sẽ thấy nhiều nét quen thuộc trong tựa game do Red Candle sản xuất nhưng Detention vẫn có nét đặc trưng rất riêng khiến người ta không thể nào dễ dàng quên lãng, cho dù đã trải nghiệm trò chơi khá lâu.
8/ Phương Nhuế Hân là nạn nhân của bạo lực học đường
Xuyên suốt Detetion người ta chỉ thấy trò chơi nói về những ẩn ức trong tâm trạng của Nhuế Hân vì sự bất ổn trong gia đình. Đó quả là một bi kịch khi ai nhìn vào cũng ước ao cuộc sống của cô nữ sinh nhà giàu khi nhà mặt phố, bố làm to đúng nghĩa. Nhưng bên trong tổ ấm ngỡ như hoàn mỹ đó lại là một người cha tham lam, ăn hối lộ không ghê mồm và xem sự chung thủy chả khác gì một tờ giấy lộn. Mẹ của Nhuế Hân lại là một phụ nữ thuần Á Đông thế nên bà cũng chỉ biết cam chịu, quá lắm mới bật lại vài lời và đó là lúc cha của cô ta thể hiện sự vũ phu của mình. Ở trường ngoài mối quan hệ với thầy Minh Huy, cô giáo Thúy Hàm và cậu bạn học Trọng Đình, Detention không mô tả các mối quan hệ khác của cô nữ sinh. Tuy nhiên hình ảnh bàn học cùng chiếc đàn piano vấy máu có thể là ẩn dụ cho việc Nhuế Hân là nạn nhân của bạo lực học đường. Đây là điều rất dễ hiểu bởi tâm lý ghét nhà giàu học giỏi của đám học sinh trẻ trâu, ngoài ra Nhuế Hân sống khá nội tâm nên càng dễ trở thành con mồi cho lũ đó.
9/ Bát cơm cắm hai chiếc đũa và cách vượt qua con ma
Dọc đường Nhuế Hân có thể tìm thấy những bát cơm được cắm hai chiếc đũa thẳng đứng phía trong. Theo truyền thuyết thì ngạ quỷ, dã quỷ hay quỷ đói là cách gọi của dân gian để chỉ những con ma hay những linh hồn phiêu dạt không nơi nương tựa, không người thờ cúng hoặc chết vì đói khát bệnh tật. Với quan niệm tại một số quốc gia Á thì các cô hồn dạng này không (hoặc chưa) được cõi nào tiếp nhận nên không thể siêu thoát, đồng thời chúng cũng không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Chính vì lẽ đó các con ma đói phải lang thang và chịu đói rét hoặc quấy rối người sống để kiếm miếng ăn. Người ta tin rằng suốt tháng 7 và đặc biệt là vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch những linh hồn từ dưới âm phủ, gồm cả linh hồn của tổ tiên và những cô hồn dã quỷ sẽ quay về dương thế vì ngày đó Phong Đô thành mở cửa để mọi linh hồn tự do ra vào. Từ đó mới có tục lệ cúng cô hồn trong rằm tháng Bảy (Tết Trung nguyên). Khác với tổ tiên sẽ có mâm thờ cúng riêng đầy trang trọng trên bàn bàn thờ đặt trong nhà, đám quỷ đói chỉ có một bát cơm trắng với hai chiếc đũa được cắm thẳng đứng đặt tại những góc khuất ngoài đường. Trong Detention, Nhuế Hân có thể dùng những bát cơm như vậy để thu hút sự chú ý của những con ma sau đó nín thở vượt qua mà không kinh động đến chúng.
10/ Lúc đi ngang sân khấu múa rối sẽ có hình ảnh lạ
Thay vì những con rối phổ thông Nhuế Hân sẽ thấy có ba con rối với những tư thế và trang phục khác nhau. Con rối bị trùm đầu rõ ràng ẩn dụ hình ảnh của Trương Minh Huy khi ông ta bị phán tử hình vì đã có những hoạt động chống lại chỉ thị của chính phủ trong giai đoạn White Terror. Trong khi có con rối mặc bộ đồ sĩ quan màu đen cầm súng chĩa vào Trương Minh Huy không ai khác chính là giám thị Bạch. Tay cựu quân nhân vẫn giữ được sự sắc bén ngày nào thế nên chỉ với tờ giấy có danh sách các thành viên do Nhuế Hân cung cấp ông ta có thể bắt trọn ổ nhóm đọc sách dù họ đã cố gắng phi tang chứng cứ. Cuối cùng con rối bị treo ngược là hình ảnh ám chỉ của Ngụy Trọng Đình khi cậu học sinh bị bắt đi cải tạo.
11/ Hình bát quái với màu đen lấn át treo tại phòng khách nhà Nhuế Hân
Theo truyền thuyết bát quái được sáng tạo bởi Phục Hy là 8 quẻ được sử dụng trong Đạo giáo với ý nghĩa đại diện cho các yếu tố cơ bản của vũ trụ, có thể xem đây là chuỗi tám khái niệm có liên quan với nhau. Mỗi quẻ gồm ba hàng, mỗi hàng là nét rời (hào âm) hoặc nét liền (hào dương), tương ứng đại diện cho âm hoặc dương. Tại Việt Nam, với các gia đình gốc Hoa, bát quái được xem như một vật phẩm phong thủy mang lại cát tường dùng để treo trước cửa nhà tránh tà ma cùng những điều không may mắn. Trong một cảnh của Detention, chúng ta có thể thấy bát quái treo tại phòng khách nhà của Nhuế Hân nhưng thật kỳ lạ khi có nó không có sự cân bằng âm dương giữa hai màu trắng đen mà phần đen (Âm) hoàn toàn lấn át. Đây là ẩn dụ cho thấy mẹ của cô sau thời gian dài cam chịu sự vũ phu và không chung thủy của chồng mình sẽ trả thù bằng cách báo cho chính quyền về hành vi tham nhũng của ông ta. Con số 629 tìm thấy trong bát quái cũng có ý nghĩa riêng khi ẩn dụ Phương Nhuế Hân chính đang mắc kẹt trong tình huống tiến thoái lưỡng nan (không thể đi đầu thai), cần sử dụng trí tuệ để giải quyết vấn đề đó (chấp nhận nhìn thẳng vào lỗi lầm của bản thân và sám hối).
12/ Hình bóng thầy Minh Huy ngồi trên thuyền trong thư viện
Vướng mắc lớn nhất trong tâm trí của Nhuế Hân vẫn chính là ông thầy giáo đẹp trai này bất chấp cô ta cũng bị ảnh hưởng vì những bất ổn trong gia đình. Theo đó lời giải cho sự siêu thoát của hồn ma Phương Nhuế Hân chính là thầy Minh Huy chứ không ai khác. Cô yêu thích ông ta bằng tất cả lòng chân thành đầy non nớt của một thiếu nữ vừa biết mùi đời nhưng sau đó cũng căm thù ông đến tận xương tủy vì cho rằng thầy Minh Huy cũng trăng hoa không khác gì cha của mình. Tất nhiên mọi hiểu lầm sau đó đã được làm sáng tỏ và lúc này Nhuế Hân chỉ còn cách tự sát vì không đủ lòng can đảm đối mặt với tội lỗi do bản thân gây ra. Hình ảnh thầy Minh Huy ngồi trên thuyền giữa thư viện là ám chỉ rất rõ ràng, Nhuế Hân chỉ có thể vượt qua sông Vong Xuyên nếu cô ta chấp nhận nhìn thẳng vào tội lỗi trong quá khứ của mình. Trong good ending của Detention, quả nhiên cô ấy có thể đi đầu thai chuyển kiếp nếu hành động đúng như gợi ý đó.
13/ Lệnh ân xá của Ngụy Trọng Đình
Theo thông tin trên tờ giấy, họ Ngụy ra đời vào năm Dân quốc thứ 39 (1950). Thời gian được ân xá khỏi trại giam là năm Dân quốc thứ 81 (1992), cùng với dữ kiện cậu học sinh này bị bắt giữ khi học lớp 12 (khoảng 16 tuổi) thế nên quãng thời gian bị giam giữ tổng cộng khoảng 26 năm. Lúc Ngụy Trọng Đình trở về ngôi trường đổ nát, bề ngoài của ông ta rõ ràng đã bước vào thời kỳ trung niên và từ các số liệu đó chúng ta có thể khẳng định lúc này Ngụy đã 42 tuổi.
14/ Trò chơi phát hành đúng 30 năm sau khi thiết quân luật kết thúc
Detention chính thức phát hành vào ngày 17 tháng 1 năm 2017. Mốc thời gian này không có gì đặc biệt với chúng ta nhưng với người dân tại Đài Loan, đây là thời điểm đáng ghi nhớ bởi 17/1 là ngày mất của Tưởng Kinh Quốc, một trong những người đồng ý kết thúc giai đoạn thiết quân luật tại Đài Loan. Tưởng Kinh Quốc cũng là người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia của Đài Loan thế nên trong Detention nếu có thấy tấm gương vỡ có bóng ai đó di chuyển bên trong cùng một người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, đội nón đen đưa tay lên miệng làm dấu hãy im lặng “Shhh” thì đây là hình ảnh ẩn dụ cho việc cha của Phương Nhuế Hân đã bị đặc vụ áp giải đi thẩm vấn vì tội phản quốc.
- Detention và những chi tiết đầy tính ẩn dụ xuyên suốt trò chơi – P.1
- Detention và những chi tiết đầy tính ẩn dụ xuyên suốt trò chơi – P.Cuối