Điểm mặt những tựa game của các “ông lớn” mà chẳng mấy ai còn nhớ

Những "ông lớn" ngành game cũng đã từng là một studio nhỏ bé, bài viết này dùng để ghi nhớ những tựa game thuở sơ khai đã chìm vào lãng quên.

Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên, mọi thứ trên thế giới này đều có khởi đầu của riêng nó và tất nhiên là điều này cũng đúng với nghành công nghiệp game. Trong những lúc rảnh rỗi, sau khi soi tường Facebook của crush xong thì Mọt rất thích tìm hiểu lịch sử phát triển của các studio và nhà làm game nổi tiếng.

Khi lướt tới những trang cuối cùng trong danh sách những trò chơi mà họ đã làm ra, Mọt đã tìm thấy rất nhiều tựa game rất kỳ lạ, từ một trò chơi đi màn với chú chim cánh cụt dễ thương cho tới một tựa game bắn robot dở tệ. Dưới đây là những trò chơi được những “ông lớn” trong ngành game làm ra từ rất lâu rồi nhưng lại chẳng mấy ai nhớ tới.

BioWare – Shattered Steel, 1996

Thường được biết tới với những loạt game RPG đình đám như Mass Effect và Baldur’s Gate, chẳng mấy ai biết được rằng tựa game đầu tiên mà BioWare làm ra lại là trò chơi bắn robot góc nhìn thứ nhất với cái tên Shattered Steel.

Tựa game này được lấy bối cảnh trái đất hậu tận thế khi mà con người đang đứng ở bờ vực tuyệt chủng. Shattered Steel khá giống với loạt game MechWarrior khi sử dụng cơ chế chiến đấu góc nhìn thứ ba và cho phép người chơi tùy chỉnh robot, tuy nhiên trò chơi này không được game thủ yêu thích lắm vì gameplay quá đơn giản, chỉ xoay quanh mấy màn chiến đấu không não. 

BioWare đã ghi nhận những lời đánh giá này vào sâu trong tim để rồi ba năm sau phát hành Baldur’s Gate, một tựa game RPG với cốt truyện cực kỳ phức tạp và cuốn hút mà không ai dám chê là không não nữa.

Bethesda Softworks – The Terminator, 1991

Khi nghe tới cái tên Bethesda, có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ rằng The Elder Scrolls (1994) là game đầu tiên mà studio này làm ra. Thật ra thì vào năm 1991, ba năm trước khi The Elder Scroll được phát hành thì Bethesda đã ra mắt The Terminator, một trò chơi thế giới mở mà ít ai biết tới.

The Terminator là tựa game đầu tiên chuyển thể từ loạt phim Terminator, được đặt trong bối cảnh trung tâm thành phố Los Angeles chỉ rộng có hơn 15 kilomet vuông nhưng vào thời điểm bấy giờ, đây là một thành tựu kỹ thuật đáng kinh ngạc. Người chơi sẽ nhập vai vào anh chàng Kyle Reese hoặc T-800 để đuổi theo mục tiêu qua các con phố, né tránh cảnh sát và ăn trộm ô tô. Hừm, xét theo một khía cạnh nào đó thì tựa game này có thể coi là tiền thân của loạt game Grand Theft Auto.

Hideo Kojima – Penguin Adventure, 1986

Mọt đã rất ngạc nhiên khi biết rằng tựa game đầu tiên mà “cha đẻ” của Death Stranding, Hideo Kojima tham gia sản xuất lại là một trò chơi cực kỳ dễ thương với tên gọi Penguin Adventure. Trong game, bạn sẽ điều khiển chú chim cánh cụt Penta trong chuyến hành trình tìm kiếm quả táo vàng để chữa bệnh cho nàng công chúa chim cánh cụt Penguette.

Dù cốt truyện cực kỳ đơn giản nhưng điều thú vị nằm ở chỗ Penguin Adventure có rất nhiều kết thúc khác nhau, trong đó có cả cái kết mà Penguette nhắm mắt xuôi tay nữa. Có lẽ tựa game này đã truyền cảm hứng cho Kojima khi ông làm ra Metal Gear Solid vào 11 năm sau, trong game cũng có kết thúc xấu khi mà một nhân vật phải chết đi.

Blizzard Entertainment – Blackthorne, 1994        

Bây giờ thì Blizzard chỉ tập trung vào việc phát triển Warcraft, Diablo và Overwatch, nhưng khi tìm hiểu sâu về “ông lớn” ngành game thì Mọt đã tìm thấy những trò chơi rất thú vị nhưng dường như đã bị Blizzard lãng quên. 

Một trong số đó là Blackthorne, tựa game nhập vai màn hình ngang kết hợp giải đố và bắn súng, kỹ thuật hoạt họa Rotoscope khiến chuyển động của nhân vật cực kỳ mượt mà. Với phong cách khá tương tự như Flashback, trò chơi rất thịnh hành vào những năm nửa cuối thập niên 90, Blackthorne đã nhận được nhiều lời khen ngợi về bầu không khí cực u ám, hành động đã tay và chất lượng hình ảnh tuyệt vời.

Creative Assembly – FIFA International Soccer, 1993

Thường được biết đến với loạt game chiến thuật lừng danh Total War, nhưng khi mới được thành lập vào năm 1987, Creative Assembly lại phải kiếm sống qua ngày bằng việc chuyển game (porting) từ các nền tảng như ZX Spectrum và Amiga lên PC. Sau khi đã xây dựng danh tiếng với những bản port chất lượng, Creative Assembly được thuê để làm phiên bản MS-DOS những game thể thao của EA vào năm 1993, trong đó có FIFA International Soccer.

Tất nhiên là FIFA đã trở thành một hiện tượng toàn cầu rồi, với khoảng 325 triệu bản game đã được bán ra theo dữ liệu được cập nhật vào năm 2021. Mọt cảm thấy thật thú vị khi mà studio đã làm ra một trong những thương hiệu game chiến thuật nổi tiếng nhất thế giới, cũng từng góp sức làm ra thương hiệu game bóng đá đình đám FIFA.

Hironobu Sakaguchi – The Death Trap, 1984 

Tiếp đến là cha đẻ của loạt game Final Fantasy, trò chơi đầu tiên mà ông làm ra có tên là The Death Trap, một tựa game phiêu lưu text-based. Khi vừa gia nhập Square, studio game khi đó mới được thành lập, ông Hironobu đã nghĩ rằng mình sẽ làm việc văn thư mà thôi, vì vậy ông đã rất ngạc nhiên khi được bổ nhiệm làm nhà sản xuất game. 

The Death Trap chỉ được phát hành ở Nhật Bản, vì vậy nên cũng chẳng được nhiều người biết tới. Được đặt trong bối cảnh một quốc gia Châu Phi vô danh, người chơi sẽ nhập vai vào một điệp viên với nhiệm vụ giải cứu một nhà khoa học đã bị bắt cóc. Đây cũng là trò chơi đã đánh dấu lần đầu tiên mà ông Hironobu hợp tác với ông Nobuo Uematsu, nhà soạn nhạc lâu năm của Final Fantasy.  

Rocksteady Studios – Urban Chaos: Riot Response, 2006

Tên tuổi của Rocksteady gắn liền với thương hiệu game Batman, nhưng ba năm trước khi studio này phát hành tuyệt phẩm Arkham Asylum thì họ đã cho ra đời tựa game bắn súng Urban Chaos: Riot Response.

Trong game, bạn sẽ điều khiển nhân vật Nick Mason, một thành viên của biệt đội cảnh sát chống bạo động T-Zero. Các băng đảng đã chiếm lấy một thành phố và bạn được cử đến để “đối phó” với chúng, nhưng thường thì “đối phó” nghĩa là giết. Ờm, phải nói thật là cái ý tưởng về việc cảnh sát đi tuần khắp thành phố rồi sử dụng vũ lực để dập tắt bạo loạn không được nhiều người yêu thích cho lắm, đặc biệt là với những sự kiện vừa xảy ra.

id Software – Shadow Knights, 1991

Trước khi khiến cả thế giới biết tới với Doom, id Software đã làm ra khá nhiều trò chơi, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Wolfenstein 3D và loạt game Commander Keen. Nhưng Shadow Knights, một tựa game hành động đi màn được lấy cảm hứng từ Ninja Gaiden, đã bị lãng quên hoàn toàn.

Thật ra thì điều này cũng đúng thôi, Shadow Knights là một tựa game side-scrolling khá bình thường, chẳng có gì nổi bật so với các trò chơi khác vào thập niên 90 cả. Trong bài viết kỷ niệm 20 năm ngày id Software được thành lập, nhà đồng sáng lập John Romero đã nói rằng Shadow Knights là một trong số mười một trò chơi mà họ đã làm ra chỉ trong một năm, nhà phát hành Softdisk đã trả 5000 đô cho mỗi game. Dù không phải là một tựa game xuất sắc nhưng Shadow Knights vẫn có giá trị lịch sử khá thú vị đấy chứ.

Shinji Mikami – Who Framed Roger Rabbit , 1991

Trước khi định hình thể loại game sinh tồn kinh dị với Resident Evil vào năm 1996, ông Shinji Mikami từng thiết kế một trò chơi dựa trên bộ phim Who Framed Roger Rabbit cho hệ máy Game Boy.

Tựa game phiêu lưu với góc nhìn từ trên xuống này mang người chơi đến với Toontown, tránh né kẻ thù trong khi tìm kiếm các vật phẩm để mở khoá thêm nhiều phần của thành phố. Who Framed Roger Rabbit khá đơn giản, cũng giống như phần lớn những trò chơi khác trên Game Boy, tuy nhiên việc được làm ra bởi bàn tay của Shinji Mikami đã biến nó trở thành một phần thú vị trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp game. 

Đôi khi chúng ta cũng nên dừng lại một chút để nhìn lại quá trình phát triển của ngành công nghiệp game, các studio đã làm ra những trò chơi với đồ hoạ tuyệt mỹ hay cốt truyện xuất sắc cũng đã từng khởi đầu với một trò chơi nhỏ bé. Để tìm hiểu thêm về những trò chơi đã có đóng góp quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp game,các bạn có thể tìm hiểu thêm về những tựa game nổi bật nhất đầu thế kỷ 21 tại đây.

Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.