Nhiều người khai thác dữ liệu đã lên tiếng tố cáo trò chơi Escape Factory từ hãng Fntastic, hãng game đã tạo ra "cú lừa lớn nhất năm 2023" The Day Before, đang có dấu hiệu "ngựa quen đường cũ", đặc biệt trong mảng tái sử dụng các tài nguyên có sẵn. Cho những ai chưa biết, The Day Before là một trò chơi được quảng bá rộng rãi với các đoạn trailer khá ấn tượng, nhưng sau khi phát hành gần như không một ai có thể chơi được nó trọn vẹn, và bản thân nó cũng hầu như chẳng có gì để chơi.
Chỉ trong vòng 4 ngày sau khi mở bán, trò chơi đã phải rút khỏi các kênh phát hành trực tuyến, và đóng cửa server trong vòng 1 tháng. Nhiều người tin rằng Fntastic đã phải đóng cửa hoàn toàn sau màn ra mắt đầy thảm họa, thế nhưng hóa ra hãng lại âm thầm phát triển một dự án khác mang tên Escape Factory, thậm chí còn sẵn sàng đi gọi vốn trên Kickstarter, với "mong muốn" game thủ sẽ cho trò chơi này cơ hội thứ hai.
Nhưng có vẻ như các nhà phát triển chưa thể từ bỏ thói quen cũ, khi mới đây người dùng Twitter bsimser đã chia sẻ một bài đăng dài trên diễn đàn chính thức của Steam, tiết lộ việc tìm thấy các yếu tố "asset flipping" và mã miễn phí trong bản chơi thử.
"Asset Flipping" trong giới phát triển game được định nghĩa là hành vi sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có để làm game thay vì tự mình dựng nên chúng. Theo bsimser, mã nguồn được dùng cho mạng lưới hạ tầng, lobby và cơ chế tìm trận trong Escape Factory đều được lấy từ một mã nguồn Unity thử nghiệm miễn phí, có thể tải về từ Github và vốn được dùng để học cách tạo ra các trò chơi multiplayer, chứ không phải để ra mắt sản phẩm thực sự. Ngoài ra, một số tài sản từ trò chơi được cho là không phải do chính tay nhà phát triển làm ra, mà thay vào đó lấy từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nguồn miễn phí và thử nghiệm.
Trước đây, nhiều người chơi đã phát hiện ra The Day Before sử dụng những tài sản từ Unreal Marketplace thay vì tự làm, và lịch sử dường như đang lặp lại với Escape Factory. Sau khi bsimser tiết lộ thông tin này trên Steam, bài đăng đã bị gỡ xuống, được cho là bởi Fntastic, đồng thời bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề này trên kênh Discord của nhà phát triển cũng đều bị gỡ bỏ.
Với việc Fntastic đặt ra kỳ vọng huy động được nguồn vốn hơn 15000 đô-la Mỹ thông qua Kickstarter để triển khai dự án, và mong muốn đạt tới hơn 700 ngàn đô-la để mở khóa tối đa các tính năng, nhiều người chắc chắn không hài lòng trước phát hiện này.
Mặc dù nhìn theo một góc độ khác, có khả năng một vài tài sản trong bản chơi thử được dùng tạm thời cho đến khi các tài sản thực sự có thể được phát triển hoặc được cấp phép hợp lệ. Nhưng điều đó đi ngược lại với khẳng định của Fntastic khi nói rằng mọi thứ đều được các nhà phát triển tự tay làm để lấy lại lòng tin của game thủ. Chắc chắn hãng sẽ phải tìm cách giải quyết những vấn đề này nhanh nhất có thể, nhưng kể cả như vậy có lẽ đã quá muộn để tìm kiếm cơ hội thứ hai cho Escape Factory.