Game kinh dị Việt và cảm hứng từ những chuyện rùng rợn có thật

Khoảng thời gian gần đây, game kinh dị Việt tuy không quá xuất sắc nhưng vẫn có nhiều bước tiến vượt trội với chất liệu từ những câu chuyện ma có thật ngoài đời. Và hôm nay, hãy cùng nhà Mọt điểm lại các tựa game kinh dị đã và đang chuẩn bị ra mắt thời gian sắp tới cũng như những câu chuyện của họ nhé.

Thần Trùng, truyền thuyết về sinh vật có thật

Do Đụt Studio phát hành vào tháng 9 năm 2022, Thần Trùng kể câu chuyện về một chàng thanh niên xui xẻo thuê trúng một căn nhà có vong và bị hồn ma sống trong căn nhà truy đuổi. Cuối cùng, sau bao phen khóc không thành tiếng, chàng trai ấy đã thành công vén lên bức màn bí ẩn về sự ra đi uất hận của hồn ma, cũng như quá khứ u ám đang bao trùm bên trong căn nhà. Mọt cũng từng làm một video phân tích cốt truyện chi tiết rồi, các bạn có thể xem lại để ủng hộ Mọt nhé.

Và đúng như tên trò chơi, Thần Trùng được lấy ý tưởng từ một loài sinh vật cùng tên trong truyền thuyết Việt Nam. Từ thuở xa xưa, bên Bắc Quốc từng tồn tại 12 con quỷ “Thập Nhị Thời Thần”, chuyên tàn sát những người có họ hàng với người mất vào giờ xấu. Không thể để chúng tiếp tục gây hại cho dân lành, một đạo sĩ đã quyết định đứng ra, sử dùng trận “Thiên la địa võng” khống chế 12 con quỷ rồi nhốt chúng vào một cái hòm lớn, sau đó đậy nắp, dán bùa rồi vứt xuống sông.

Chiếc hòm xuôi theo dòng nước trôi ra biển, sau đó lại bị sóng đánh dạt vào vùng biển nước ta. Ngày nọ, có một người ngư tên Tín ra biển đánh cá thì vô tình vớt được chiếc hòm rồi giải thoát cho 12 con quỷ. Từ đấy, lũ quỷ này tràn vào nước ta. Vì đám này chuyện bắt hồn những người có thân nhân mất vào giờ xấu, nên dân ta gọi chúng là “Thần Trùng”.

Thật ra, có rất nhiều giả thuyết về hình dáng thật sự của Thần Trùng. Theo quan niệm “Thập Nhị Thời Thần” thì có tất cả 12 Thần Trùng sở hữu hình dạng của 12 con giáp ứng với 12 địa chi trong năm. Chúng thường sẽ có hình dạng thân người đầu thú, riêng Thần Trùng ngày Mão thì tùy áo quan niệm của nước ta hoặc Trung Hoa mà sẽ có đầu thỏ hoặc đầu mèo. Mỗi khi có nhà nào đấy qua đời vào giờ xấu, thì Thần Trùng của giờ đấy sẽ xuất hiện để kéo những người thân của họ theo cùng, gây ra hiện tượng một nhà có nhiều người qua đời cùng một lúc.

Thiết kế chưa có tên (81).jpg


Còn theo quan niệm dân gian nước ta, Thần Trùng lại là một con chim mỏ đỏ có thân người thường, hay bay đến những ngôi mộ mới đắp, dùng mỏ mổ liên tục vào quan tài. Người ta bảo rằng, mỏ của loài chim này rất cứng, nên mỗi khi mổ, linh hồn người đã khuất cư ngụ trong ngôi mộ đấy sẽ đau đớn quằn quại, cuối cùng chịu không nổi phải khai ra họ tên người thân để Thần Trùng bắt hồn. Thế nên, dân ta còn gọi hiện tượng này là “Thần Trùng khảo mã”.

Theo kinh nghiệm ông bà xưa truyền lại thì muốn đuổi Thần Trùng có rất nhiều cách, chẳng hạn như mời thầy về trừ tà, cúng kiếng, hoặc gửi vong lên chùa để nhốt lại. Còn theo khoa học thì hiện tượng gia đình có nhiều người cùng qua đời trong một thời gian ngắn là do cộng hưởng trường năng lượng và sóng điện từ mang tính dòng họ. Và trong trò chơi, bạn cũng sẽ thấy hình tượng Thần Trùng xuất hiện không quá rõ ràng, nhưng chính sự hiện hữu nửa giả nửa thật như thế lại làm chúng ta có cảm giác gần gũi đến lạ, đúng không?

Cỏ Máu, vụ án có thật

Ngoài Thần Trùng thì “Cỏ Máu” của Tega Studio cũng là một tựa game kinh dị lấy bối cảnh miền Tây Việt Nam. Và dù không được Tega Studio nhắc đến nhiều trong trò chơi, nhưng thông qua những tình tiết của “Cỏ Máu”, ta có thể thấy, tựa game dựa trên vụ án “Thiên Linh Cái” xảy ra ở tỉnh Đồng Tháp vào cuối những năm 1990.

Theo những người dân thời đó kể lại thì vào ngày đó, họ nhìn thấy một chiếc ghe xuất hiện trên dòng rạch Mã Trường ở xã Tân Bình. Chủ ghe là Phạm Văn Tuấn, được biết đến với cái tên Hai Tửng, tự nhận mình là một thầy thuốc và xin được chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Dân địa phương thấy gã này tốt bụng, chữa bệnh không lấy tiền thì quý lắm, nên sau một thời gian lênh đênh trên sông, Hai Tửng đã được người dân cho mượn tạm một mảnh đất nhỏ để cất chòi.

Thiết kế chưa có tên (82).jpg


Đến cuối tháng 5 năm 2000, chị Trần Thị Phượng nghe danh Hai Tửng không chỉ chữa bệnh mà còn biết làm phép, trừ tà, nên đến xin bùa rồi biến mất từ đấy. Người nhà chị Phượng thấy chị lâu quá chưa về thì tỏa ra tìm kiếm, rồi phát hiện chị đang bị phân hủy gần mảnh đất gần nhà thầy Hai Tửng.

Lúc này, người ta mới biết Hai Tửng sát hại chị Phượng, thực hiện hành vi giao cấu rồi phi tang thê thỉ. Nhưng bất ngờ hơn là, chị Phượng không phải nạn nhân duy nhất của thầy Hai. Sau một thời gian dài tìm kiếm, người ta mới tìm thấy được thê thỉ của những nạn nhân khác.

Đa phần họ đều là nữ giới, bị mất đầu. Hai Tửng bảo gã dùng họ để luyện bùa thiên linh cái, nhằm sở hữu sức mạnh có thể giúp gã hô mưa gọi gió. Không ai biết phép thuật trong lời Hai Tửng nói có thật hay không, người ta chỉ biết đến tận khi Hai Tửng bị đưa ra pháp trường, thứ tà thuật đấy không thể cứu gã thoát khỏi họng súng của người thi hành án.

Tai Ương, siêu phẩm chờ ngày ra mắt

Một cái tên khác mà tôi cực kỳ, cực kỳ mong chờ trong danh sách những tựa game kinh dị Việt là Tai Ương của Beaztek Studio. Theo thông tin đến từ nhà phát hành, thì họ sẽ sớm cho ra mắt bản Early Access của tựa game vào cuối tháng 8 này. Đến lúc đó tôi chắc chắn sẽ làm một video trải nghiệm và đánh giá game, các bạn nhớ đón xem nhé.

Thiết kế chưa có tên (83).jpg


Quay lại với chủ đề chính ngày hôm nay thì, Tai Ương lấy cảm hứng từ đâu? Chà, theo cá nhân tôi, tựa game này được dựa trên những câu chuyện về các căn chung cư ma ám, nhưng vụ chung cư thì tôi nói nhiều rồi, giờ nhắc lại chán lắm, nên ta sẽ đến với một nguồn cảm hứng khác. 

Trong trailer mới nhất được Beaztek Studio công bố tại ngày hội Manga Comic Con Việt Nam 2023, ta có thể thấy chủ đề của trò chơi còn xoay quanh một ngày sinh nhật, có lẽ trong quá khứ, có một sự kiện kinh hoàng nào đấy đã xảy ra vào ngày đó. 

Nếu để ý thì ta sẽ thấy, trên bánh sinh nhật ghi ngày 4 tháng 4, mà theo quan niệm của các nước châu Á thì số 4 không phải một con số may mắn. Nên, việc Beaztek Studio chọn ngày này làm một mốc sự kiện cho trò chơi như ngầm nói rằng, đây sẽ là ngày mở đầu cho mọi kịch của Tai Ương.

Nghe hơi xa rời so với những trailer đầu tiên nhỉ? Vì trong trailer đầu tiên, studio đã chọn ca khúc “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” làm điểm nhấn, chứ không phải ca khúc “Chúc mừng sinh nhật” như hiện tại. Nhưng biết đâu, hai sự kiện này có liên quan đến nhau thì sao? Vậy nên, ta không thể bỏ qua giả thuyết Beaztek dựa trên câu chuyện về ca khúc “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” được.

Thiết kế chưa có tên (84).jpg


“Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” hay “Chuyện tình người thiếu nữ tên Thi” được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác cho một nàng vũ nữ tên Kim Lệ Thi. Và ngoài ca khúc trên, cố nhạc sĩ còn viết thêm hai ca khúc khác ít nổi tiếng hơn cho nàng vũ nữ là “Mối Tình Bất Diệt” và “Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng”.

Cả ba ca khúc này đều xoay quanh câu chuyện nàng Lệ Thi thuở còn đang tuổi trăng tròn. Nàng khi đó xinh đẹp, rực rỡ và thuần khiết như một đóa hoa chớm nở, được nhiều người săn đón, theo đuổi, nhưng trái tim nàng lại trót trao cho một người nghệ sĩ đã có gia đình. Biết rằng đấy là một cuộc tình ngang trái, nàng Lệ Thi đã quyết định ra đi để chôn sâu thứ tình yêu sai trái ấy. Nhưng đến một sáng mùa đông nọ, nàng đã nằm lại trên một tấm nệm lá vàng, ở nơi rừng sâu không người biết đến.

Câu chuyện này dựa trên chuyện tình có thật của nàng Lệ Thi, nhưng nó lại không được lãng mạn và thi vị như thế. Thời đầu thập niên 70, khi Kim Lệ Thi với 15 tuổi, nàng vũ nữ tài hoa đã vô tình đem lòng yêu một người nghệ sĩ có gia đình trong cùng đoàn hát. Nhưng, không ra đi rồi nằm lại trên lá vàng như lời hát của cố nhạc sĩ, Lệ Thi đã trót mang thai đứa con của người tình.

Thiết kế chưa có tên (85).jpg

Mẹ của cô vì không thể chấp nhận điều đó nên đã đưa con mình đi giải quyết hậu quả. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, vì còn quá trẻ tuổi, Lệ Thi đã vĩnh viễn nằm lại trên bàn phẫu thuật. Tôi tự hỏi, liệu có phải, câu chuyện trong Tai Ương có dựa trên một bi kịch tương tự Lệ Thi hay không? Vì trên chiếc bánh sinh nhật xuất hiện trong trailer, tôi nhìn thấy cái tên “Nhật Huyên” thường chỉ dành cho con gái. Bạn nghĩ thế nào về ý tưởng này? Hãy để lại bình luận bên dưới cho tôi biết nhé.

Đồng Cỏ Lau và chuyện cung đường tai nạn giao thông

Cái tên tiêu biểu cuối cùng trong danh sách game kinh dị Việt tôi ấn tượng là Đồng Cỏ Lau. Tôi từng làm video về phần Prologue của tựa game này rồi, các bạn có thể xem lại để ủng hộ tôi nhé. Và dù chưa chính thức ra mắt, ta vẫn có thể thấy, Đồng Cỏ Lau có lẽ dựa trên nguồn cảm hứng về những hồn ma qua đời do tai nạn giao thông.

Theo kinh nghiệm của những người đi trước ở quê tôi kể lại, thì những người mất vì tai nạn sẽ được xếp vào dạng chết oan. Chính vì qua đời quá đột ngột, còn chất chứa nhiều tâm nguyện chưa thành, họ sẽ khó bề siêu thoát và liên tục lảng vảng ở nơi mình đã qua đời.

Và ở quê bạn, hay bất cứ đâu có lẽ đều sẽ có một số cung đường được xem là điểm nóng của những vụ tai nạn giao thông. Theo khoa học, người ta cho rằng việc nhiều người qua đời trên đoạn đường đấy là vì họ không thể làm chủ tốc độ, hoặc lái xe lúc say xỉn, đoạn đường khó đi, vân vân… Còn theo hướng tâm linh, người ta lại nói những vụ tai nạn đấy đều do ma quỷ gây ra.

Thiết kế chưa có tên (86).jpg

Ông bà ta quan niệm, những người chết oan, hồn ma không thể siêu thoát vì còn vương vấn cõi trần, bị giam ở nơi mình đã qua đời nên không thể về với cửu huyền thất tổ. Nếu muốn đầu thai, họ phải kéo một người chết để thế chỗ mình. Chính vì lẽ đó nên khi chạy xe về khuya đúng cung đường đấy, những người hợp vía sẽ bị ma quỷ che mắt hoặc hù dọa, dẫn đến tai nạn rồi qua đời. Thế rồi linh hồn của họ sẽ lại thế chỗ cho ma quỷ, và vòng tuần hoàn lại tiếp tục một lần nữa.

Đương nhiên, có người tin, cũng sẽ có người không, nhưng những cánh tài xế chuyên chạy xe đường khuya hầu hết đều tin vào câu chuyện này vì họ đã từng trải qua những sự kiện tâm linh đấy ít nhất một lần. Và dù là người theo thuyết vô thần, thì nếu để ý bạn sẽ thấy trên các xe chở hàng, xe khách chạy đường đêm, chỗ ghế lái luôn treo hình phật hoặc ảnh Chúa như một lá bùa hộ mệnh, phù hộ họ đi đường bình an. 

Có rất nhiều câu chuyện về những cung đường bị ám thường xảy ra tai nạn. Đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến khúc đèo Bảo Lộc hoặc quốc lộ 1A, nơi được xem là điểm đen của các vụ tai nạn. Nếu có dịp đi ngang đây vào buổi sáng, nhìn sang hai bên đường, các bạn sẽ thấy những ngôi miếu nhỏ thấp thoáng ở bụi cỏ.

Thiết kế chưa có tên (87).jpg

Những ngôi miếu đấy là do người dân lập cho những người không may chết trẻ trên đoạn đường này để mong linh hồn họ không tiếp tục quấy nhiễu. Một số tài xế nói rằng, vào buổi đêm, nếu chạy xe trên những đoạn đường đặc biệt, họ phải xuống thắp nhang cho ngôi miếu nếu muốn bình an chạy qua đoạn đường đó. Đương nhiên, cũng có một vài người không tin nên không làm. Trong số họ sẽ có người không gặp gì và xem đấy chỉ là chuyện mê tín, cũng có người gặp tai nạn rồi qua đời. Những người may mắn sống sót thì kể lại, họ đã nhìn thấy bóng một đứa trẻ vụt qua đầu xe trước khi vụ tai nạn xảy ra.

Những câu chuyện ma có thật

Vậy nên có thể thấy, những tựa game kinh dị Việt đa phần đều dựa trên những câu chuyện cực kỳ gần gũi với chúng ta, bởi nó có thể dễ dàng khơi gợi nỗi sợ của cánh game thủ Việt. Trong bốn tựa game trên, ta sẽ thấy nguồn cảm hứng đến từ chuyện ma về các vụ tai nạn, vụ án có thật, truyền thuyết dân gian, hay những ca khúc đáng sợ. Nhưng, bạn có nhận ra rằng, vẫn còn một đề tài ám ảnh mọi thế hệ học sinh mà chưa nhà làm game nào khai thác chưa?

Đúng vậy, tôi đang nói đến những câu chuyện ma xảy ra trong trường học. Không biết các bạn thế nào, nhưng, trong suốt 12 năm đi học rồi thêm 4 năm đại học, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện liên quan đến trường mình. Và tiện đây, để tôi kể cho bạn nghe hai sự kiện kỳ lạ mà tôi gặp lúc còn học đại học.

Vụ này diễn ra vào khoảng thời điểm tôi đang làm luận văn. Các bạn thấy tôi lên đây chém gió về game thế thôi, chứ ngành của tôi thì nằm bên tự nhiên và thường làm việc trong phòng thí nghiệm. Ngành của tôi chia làm nhiều khoa, và mỗi khoa thì có phòng thí nghiệm riêng ở các tầng trong tòa nhà. 

Thiết kế chưa có tên (88).jpg

Phòng của khoa tôi nằm dưới tầng trệt, nó là một khu khép kín hình chữ nhật, ở giữa có khoảng sân nhỏ, nằm hơi biệt lập với không gian bên ngoài. Thông thường, trường không để sinh viên ở lại làm luận văn khuya đâu, nhưng vì đợt đấy ảnh hưởng của dịch nên thời gian làm luận văn của bọn tôi bị giảm lại, trường mới mở cửa cho làm tới tầm 10 giờ tối.

Ngày hôm đó là tầm 9 giờ 30, lúc đó mấy đứa phòng khác cũng tranh thủ về hết rồi, nên cả dãy chỉ còn mình phòng của tôi sáng đèn. Bởi vì còn kẹt thí nghiệm nên tôi phải ở lại làm khuya, còn những bạn khác đã về hết, nên nói trắng ra cả khu đó chỉ có mình tôi thôi.

Không gian trong phòng thí nghiệm buổi tối thì hơi lạnh, cả khu cũng yên ắng đến lạ, âm thanh duy nhất tôi nghe thấy chỉ có tiếng cọt kẹt của mấy cái máy trong phòng giữ mẫu. Cả ngày ngồi trong phòng thí nghiệm nên tôi cũng mệt, chỉ mong làm thí nghiệm cho xong để về nên cũng không có tâm trạng để sợ.

Trong phòng thí nghiệm của khoa tôi sẽ có một phòng nằm ở bên hông, chuyên dành cho các thí nghiệm cần vô trùng. Vì phòng đó hơi khuất nên có mấy vụ sinh viên vào đó làm thí nghiệm bị bảo vệ khóa cửa nhốt lại vì tưởng không có ai trong phòng rồi. Tối đó tôi cũng ôm đồ vào đấy làm thí nghiệm, đang làm được phân nửa thì nghe tiếng cửa kéo cọt kẹt phát ra ở phía ngoài nên phải bỏ đồ xuống chạy ra xem, nhỡ đâu bị nhốt thì tối đó tôi khỏi về luôn.

Thiết kế chưa có tên (89).jpg

Nhưng lúc tôi nhìn ra thì không có ai cả, cánh cửa vẫn ở vị trí cũ. Lần đầu tôi nghĩ mình nghe lầm nên cũng thôi, bỏ vào trong làm tiếp. Tuy nhiên, tiếng cót két ấy cứ vang lên ba lần như thế, nghe cực kỳ giống có ai đang kéo cửa rồi khóa lại chứ không phải tiếng máy móc, nhưng mỗi khi tôi nhìn ra thì lại không thấy ai, âm thanh đó cũng biến mất.

Tôi có ra hẳn ngoài cửa để kiểm tra thì trời không có gió nên không thể có việc cửa bị gió thổi, những phòng thí nghiệm trong cả khu đều đã tắt đèn, thứ duy nhất còn sáng là phòng tôi và đèn hành lang. Vậy bạn nghĩ âm thanh tôi nghe thấy là gì?

Không chỉ tôi mà bạn tôi cũng từng gặp trường hợp tương tự, cái hôm ở lại làm thí nghiệm khuya, nó cũng nghe rất rõ có người gọi tên mình từ phía sau. Không phải kiểu chỉ gọi tên, mà gọi thẳng kiểu Hưng ơi, Hưng ơi rất nhiều lần. Nhưng nó không dám kiểm tra, cũng không dám quay lại nhìn, bởi vì trước khi vào làm nó biết, cả khoa về hết chỉ còn mình nó thôi. Nếu là bảo vệ đi tuần thì sao người ta lại biết nó tên Hưng?

Ngoài ra, không phải hiện tượng lạ, nhưng trước khi làm luận văn, thầy hướng dẫn có bảo bọn tôi ban đêm ở lại mà nghe có người chạy giỡn ngoài chỗ sân ghế đá cũng đừng ngạc nhiên. Vậy nên cả đám cũng hơi rén. Cả phòng tôi làm thí nghiệm có tất cả 8 người, trước khi làm thí nghiệm, có 4 đứa hùa nhau mua đồ về cúng, trong đó có tôi, kiểu tâm linh một tí ấy. Kết quả, 4 đứa bọn tôi làm luận văn khá suôn sẻ, còn 4 người kia không phải thí nghiệm bị hỏng thì cũng là kết quả sai vào phút chót phải làm lại từ đầu, bạn nói xem, có trùng hợp không?

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~