Trong cuộc đời chơi game của mình, có những game Mọt tui bị nghiện âm nhạc của nó như Legend of Dragoon, Chrono Cross, Metal Gear Solid,… nhưng có một game mà đến giờ tui vẫn luôn bị ám ảnh bởi ca khúc mở đầu thì có lẽ đó chính là Suikoden 3 trên PS2. Nhớ về hệ máy PlayStation 2 (PS2) thì có lẽ đây là nơi thai nghén và đào tạo ra nhiều anh tài nhất khi hàng loạt những dòng game nổi tiếng và trở thành huyền thoại trên hệ máy này như Final Fantasy X, Shadow of the Colossus, Okami, Kingdom Heart, Tenchu 3… Hầu như vào ngày đó, PS2 là một cuộc lột xác ngoạn mục về hiệu năng, về tốc độ xử lý của CPU,… nói chung là một sát thủ phần cứng theo đúng nghĩa. PS2 làm cho game thủ đang từ thời hồng hoang chuyển sang thời hiện đại. Nói không ngoa chứ lúc đó dù có đầu tư một con PC khủng với cấu hình mạnh hơn PS2 vẫn chưa chắc chơi hiển thị được đồ họa chuẩn như trên PS2.
Ngoài ra một cái cốt yếu chính là các trình giả lập chơi PS2 trên PC lúc bấy giờ cũng còn chưa được chuẩn mực lắm nên nói chung là không có PS2 sẽ không có các game hay mà chơi được. Mọt tui từng hết hồn con chồn khi nghe lời đồn rằng có một tổ chức nào đó ở xứ sở dầu mỏ đặt mua hơn 2,000 cái máy PS2 chỉ để tạo ra một môi trường mạng nội bộ riêng nhằm trao đổi thông tin, lúc đó nghe đâu là bên Sony Playstation còn kiếm chuyện xù kèo vì sợ tổ chức đó mua về rồi trao đổi thông tin nhạy cảm thì bỏ xừ. Nói ra để mọi người có thể hiểu được sức mạnh của cỗ máy PS2 vào thời điểm nó ra mắt kinh khủng đến thế nào.
Mọt đến với PS2 là nhờ vào sự sung túc về mặt tài chính của gia đình, còn đến với Suikoden 3 là do một đại ca mua cho nhân dịp sinh nhật thứ 20 của mình. Hồi xưa thì ở Việt Nam dĩa không có khái niệm hệ US hay ASIA hay EU gì đâu, vì đa phần là dĩa crack chơi trên các máy đã được mod chip hết. Thời đó một cái dĩa gốc đem từ nước ngoài về nhiều khi chi phí gộp vào nó lên tới hơn trăm USD mà… bỏ vô máy ở Việt Nam chơi không được, nên hầu hết là dân tình ở Việt Nam toàn chơi hàng đã bẻ khóa thôi. Mà thời đó cũng phân biệt đẳng cấp của dĩa crack nhé, đĩa crack hồi xưa cũng được làm rất đẹp mã, in hình lên dĩa đàng hoàng, lắm lúc còn không phân biệt được đâu là dĩa crack đâu là dĩa xịn nữa kìa. Tùy theo độ tinh xảo của dĩa và game mới hay cũ mà giá dao động từ 30k – 120k.
Lần đầu tiên khi bỏ dĩa Suikoden vào chơi, tui đã choáng ngợp vì đoạn nhạc hiệu trước khi bước vào màn hình chính của nó. Đã từng có một thời, tui bỏ ra vài tháng trời chỉ để tìm lời bài hát này, nhưng cuối cùng mới biết là nó chỉ là những lời tụng niệm do nhóm nhạc Himekami trình bày mà thôi. Nhân tiện nếu ai chưa biết tên bài nhạc mở đầu thì nó có tên là Ai wo koete có nghĩa là Tình yêu vượt thời gian. Còn Himekami là nhóm nhạc new-age của Nhật Bản, được thành lập năm 1980 bởi nhà soạn nhạc Yoshiaki Hoshi với tên Himekami Sensation nhưng về sau đã rút gọn thành Himekami kể từ năm 1984.
Quay trở lại vấn đề chính thì Suikoden 3 là phần thứ ba nằm trong hệ liệt gồm 5 phần do Konami sản xuất và phát hành. Cái tên Suikoden dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Huyễn Tưởng Thủy Hử Truyện khi các nhà sản xuất đã vay mượn ý tưởng từ một trong tứ đại danh tác để làm nên dòng game này. Điều đó đồng nghĩa với việc nội dung xuyên suốt của bất kỳ phiên bản nào game thủ đều có khả năng thu phục 107 nhân vật đồng hành (cộng nhân vật chính nữa chúng ta sẽ có 108 anh hùng Lương Sơn Bạc). Có thể nói đây là dòng game có lượng nhân vật đồng hành đồ sộ nhất trong lịch sử của thế giới game. Các bạn có thể tham khảo về cốt truyện của game tại ĐÂY nhé.
![Game và hành trình tìm lại giấc mơ thuở ấu thơ – Phần 6](https://media.motgame.vn/2019/05/Kujimatowa/chrono-trigger-2-368x207.jpg)
Nói riêng về Suikoden 3, theo cảm nhận chủ quan của Mọt tui thì đây là phiên bản hay nhất của dòng game này. Vốn dĩ đã từng chơi Suikoden 2 trước đó nên tui cũng không quá trông đợi vào phần đồ họa của game. Nhưng Suikoden 3 có thể là phần game được đầu tư về phần hình ảnh tốt nhất trong cả series. Đây cũng là game cuối cùng mà cha đẻ của phần 1 và 2 là Yoshitaka Murayama thực hiện, có lẽ vì thế mà sau phiên bản thứ ba này, dòng game Suikoden tuột dốc không phanh về doanh số bán ra khiến hãng Konami quyết định chấm dứt series nhập vai huyền thoại này trong im lặng. Ngoài chuyện hình ảnh, âm thanh được trau chuốt cực kì tỉ mỉ ra thì phần nội dung của Suikoden 3 được đầu tư thật sự chất lượng.
Game đưa ra 3 tuyến nhân vật và bạn có thể bắt đầu bằng bất cứ tuyến nhân vật nào mà bạn muốn, đây là bản duy nhất trong game cho bạn được lựa chọn 3 nhân vật chính, các phiên bản còn lại bạn chính là người giải cứu thế giới ngay từ lúc đầu. Và trong lúc chơi thì từng sự kiện trong game sẽ được giải thích, tháo bỏ từng nút thắt mà bạn gặp phải trong game. Điều này đem lại một cảm giác cực kỳ tò mò và háo hức cho người chơi khiến bạn đắm chìm mãi trong thế giới của Suikoden. Đó là chưa kể đến đặc sản của dòng game này chính là hệ thống nhiệm vụ phụ vô cùng tận. Nội chuyện bạn phải thu phục đủ 108 nhân vật đồng hành đã là một thử thách không nhỏ chứ đừng nói gì đến chuyện tìm hiểu thêm nhiều bí mật khác. Nếu mà Suikoden được làm lại chắc hẳn sẽ nằm trong những game cày trophy cực khổ nhất quả đất.
Suikoden cũng là một trong những dòng game có lượng lớn fan trung thành và trường tồn theo năm tháng mặc dù phiên bản cuối cùng của game là Suikoden Tierkreis được phát hành cho hệ máy Nintendo DS vào năm 2008, hơn 10 năm trước đây. Mọt tui nhớ có một kỷ niệm với Suikoden 3 chính là vì quá nhập tâm chơi game mà nhốt mình trong phòng liền gần 2 ngày, đến lúc tắt máy lăn quay ra ngủ, người nhà lại không biết mô tê thế nào vì cửa phòng đang khóa, lại nghĩ thằng này chắc hút chích gì đây báo hại tui phải mất hơn 1 tuần chỉ để giải thích vì ham chơi game mà quên ăn nhậu, à nhầm ăn uống.
Thời gian có lúc thăng trầm, nhưng những con game mà ta đã đam mê thì luôn sống mãi trong tim!