Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1 - PC/Console

Hãy cùng Mọt khám phá lịch sử của Graphic Adventure, một thể loại đã từng chinh phục game thủ mọi lứa tuổi, nhưng nay đã rơi vào quên lãng.

Space Quest, Day of the Tentacle, Gabriel Knight, Monkey Island, Myst – Đó là những cái tên mà bất kỳ game thủ đã có tuổi nào cũng có thể nhận ra, bởi một thời chúng là những siêu phẩm, là thước đo cho sự thành công của một trò chơi. Chúng thuộc về “graphic adventure,” một thể loại từng thống trị làng game trong những năm cuối của thế kỷ trước, và hoàn toàn bị nhấn chìm trong thế kỷ 21 dưới cơn lũ FPS. Trong loạt bài viết này, hãy cùng Mọt tìm về với những ngày xưa thân ái và xem lại toàn bộ lịch sử của dòng game graphic adventure.

Khởi nguồn từ dòng chữ

Đúng như tên gọi của nó, “graphic adventure” là những cuộc phiêu lưu được minh họa bằng hình ảnh. Nguồn gốc của nó đến từ… text adventure, một loại game còn cổ xưa hơn. Chúng là những trò chơi đã tồn tại từ tận những năm 1960, khi máy tính còn sơ khai và chỉ toàn chữ và chữ. Sau này, text adventure mới tiến bộ hơn đôi chút khi người ta nghĩ ra phương pháp sử dụng chữ để mô phỏng hình ảnh – một dấu chấm tượng trưng cho mặt cỏ, con trỏ hình chữ nhật là nhân vật chính, và các ký tự đặc biệt tạo nên các loại quái vật, địa hình… Trong hình dưới, bạn có thể thấy một ví dụ về text adventure: Rogue, tựa game đã tạo nên cả một thể loại “Rogue-like” còn tồn tại đến thời điểm này:

Graphic Adventure - lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1

Khi tìm về nguồn gốc của graphic adventure, chúng ta phải ghi công tựa game text adventure có tên Colossal Cave (hay còn gọi là Adventure) do Will Crowther, một lập trình viên kiêm nhà thám hiểm hang động phát triển vào năm 1975 trên nền tảng hệ máy tính PDP-10. Đến năm 1976, ông Don Woods, một nhà nghiên cứu của trường đại học Standford liên hệ Will Crowther xin phép nâng cấp trò chơi trên nền tảng các cỗ máy PDP-10 đặt tại Phòng thí nghiệm AI Stanford. Trong suốt 10 năm sau đó, Colossal Cave trở nên nổi tiếng và được chuyển thể sang rất nhiều hệ điều hành khác nhau.

Graphic Adventure - lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1

Ông Will Crowther, tác giả của Colossal Cave.

Trong số những fan của Colossal Cave, có một cặp vợ chồng là Ken và Roberta Williams, chủ của một công ty gia đình có tên On-Line Systems. Họ tìm thấy Colossal Cave một cách tình cờ, và từ nguồn cảm hứng có được khi chơi tựa game này, cả hai đã viết nên tựa game graphic adventure đầu tiên – Mystery House, trên hệ máy Apple 2 vào năm 1980. Nó vẫn chỉ là một tựa game text adventure, nhưng hút khách bằng những hình ảnh đơn sắc minh họa cho phần chữ. Một thời gian ngắn sau đó, họ lại làm nên Wizard and the Princess với phong cách tương tự, chỉ khác là lần này hình ảnh của trò chơi được bổ sung thêm màu sắc để trở nên sinh động hơn.

Graphic Adventure - lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1

Wizard and the Princess.

Chỉ với những hình ảnh như vậy, game thủ đã có thể thả trí tưởng tượng bay xa và cảm thấy như mình đang thực sự ở trong cuộc phiêu lưu. Wizard and the Princess “cháy hàng” ở tất cả mọi nơi, khiến hai vợ chồng nhà Williams cảm thấy hết sức hài lòng và quyết định chuyển hướng kinh doanh. On-Line Systems chuyển từ tư vấn sang phát triển game, và cái tên này sẽ góp một phần quan trọng vào lịch sử của thể loại graphic adventure suốt nhiều năm sau đó.

WSAD đã "đè bẹp" mọi đối thủ để trở thành chuẩn mực game bắn súng ra sao?
Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, WSAD đã đi từ "yên lặng vô danh" thành tiêu chuẩn mà mọi game bắn súng và game thủ của nó đều phải tuân theo.

Đến năm 1983, bước ngoặt thứ hai trong lịch sử của On-Line Systems mới xuất hiện. Đó là khi IBM tiếp cận On-Line System – đã đổi tên thành Sierra On-Line – với một bản hợp đồng khổng lồ giá 700.000 USD nhằm tạo ra một tựa game có khả năng tận dụng sức mạnh multimedia của hệ máy PCjr sắp ra mắt của họ. Sản phẩm của bản hợp đồng này là AGI, một ngôn ngữ lập trình được Sierra dùng để làm game cho đến năm 1988, và King’s Quest: Quest for the Crown, phiên bản đầu tiên của một series game vẫn còn tồn tại đến thời điểm hiện tại.

Graphic Adventure - lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1

Đồ họa giả 3D của King’s Quest: Quest for the Crown.

Dù PCjr của IBM… fail sấp mặt, King’s Quest lại cực kỳ thành công trong việc chiếm lĩnh trái tim của game thủ. Nó được chuyển hệ và làm lại trên nhiều hệ máy khác nhau và nhanh chóng chiếm lấy danh hiệu bestseller. Thành công của game một phần đến từ việc nó là tựa game đầu tiên hỗ trợ chuẩn 16 màu EGA, và cũng là tựa game đầu tiên có một thế giới giả 3D cho phép game thủ khám phá dưới góc nhìn người thứ ba, nơi mà nhân vật của bạn có thể di chuyển đến trước, ra sau các vật thể hoặc leo lên trên chúng. Được gọi là “hoạt hình tương tác,” King’s Quest đã thành công trong việc đưa các cuộc phiêu lưu từ trí tưởng tượng của game thủ lên màn hình, và mở ra một thời kỳ mới cho graphic adventure.

Chú chuột vào game

Vào năm 1984, hệ máy Macintosh của Apple được tung ra thị trường với màn hình độ phân giải cao, giao diện GUI và… chuột. Nó là tín hiệu cho một sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp máy tính, và một số nhà phát triển khôn ngoan nhận ra rằng đây là một cơ hội cho việc làm game. Silicon Beach Software là một trong những kẻ đi đầu khi tung ra Enchanted Scepters, tựa game adventure trỏ và nhấn đầu tiên ngay trong năm 1984. Nhờ vào con chuột, trò chơi này vượt qua được rất nhiều nhược điểm mà giao diện 2D giả 3D của King’s Quest mắc phải. Tuy nhiên, kẻ sáng tạo thực sự có lẽ là ICOM Simulations với tựa game Déjà Vu một năm sau.

Graphic Adventure - lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1

Phiên bản Macintosh của Déjà Vu.

Là sản phẩm đầu tiên trong series MacVenture, Déjà Vu có một giao diện hoàn toàn trỏ và nhấn, và không còn phụ thuộc vào các menu như Enchanted Scepters. Nó có nhiều cửa sổ cho một khung hình tĩnh, các lối ra của căn phòng, phần lời dẫn chuyện và một hệ thống túi đồ phân cấp cho phép bạn bỏ vật thể này vào trong vật thể kia. Bạn có thể dùng chuột để nắm, kéo và thả các vật thể từ khung hình vào kho đồ, và xem xét chúng để tìm ra các manh mối.

Déjà Vu lập tức trở thành một tựa game kinh điển bởi kịch bản khúc chiết và sự hài hước bén nhọn. Trò chơi nhanh chóng được chuyển hệ sang nhiều hệ PC khác và cả… NES từ Nhật Bản. Déjà Vu đạt được thành công lớn nhất trên NES sau khi giao diện đã được chỉnh sửa để phù hợp với độ phân giải thấp hơn và cách điều khiển bằng tay cầm. Thừa thắng xông lên, ICOM Simulations phát triển thêm nhiều tựa game khác cho series MacVenture, nhưng những kẻ nối nghiệp này chẳng thể nào so sánh được với người mở đường của thể loại graphic adventure: Sierra, vốn đang không ngừng tiến tới.

Graphic Adventure - lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1

Ken và Roberta Williams tại Game Award 2014.

(Còn tiếp)