Liệu các nhà sản xuất có đang xem trọng game AR một cách thái quá? - PC/Console

Danh tiếng của Dragon Quest rồi sẽ bị hủy hoại bởi sự coi trọng thái quá game AR hay Square Enix sẽ “dạy” cho Niantic Labs một bài học mô phạm kinh điển về cách để hút máu mà nạn nhân vẫn mỉm cười toại nguyện nơi chín suối?

Trở thành cơn sốt bởi phát súng khai cuộc của Niantic

Trước khi ra mắt Pokémon GO quả thực chẳng ai biết Niantic Labs là thằng quái nào cả. Field Trip chỉ là một ứng dụng nhỏ giúp gợi ý dịch dịch vụ dựa trên địa điểm của người sử dụng. Ingress khá khẩm hơn một chút khi được mệnh danh là tựa game AR (augmented-reality/thực tế ảo tăng cường) đầu tiên của hãng thế nhưng rốt cục đây cũng vẫn chỉ là game indie chơi miễn phí, thu tiền dựa vào hoạt động mua sắm của game thủ. Tình cảnh của Niantic sau đó còn tương đối chật vật khi họ công bố sẽ phát hành Endgame: Proving Ground, ứng dụng kết hợp trò chơi mà game thủ có thể trải nghiệm ở bất kỳ nơi nào trên thế giới với một đường dây mạng internet cơ bản. Nghe có vẻ đầy hứa hẹn nhưng cuối cùng Endgame: Proving Ground chẳng bao giờ ra mắt và Niantic cũng không nhắc nhở gì đến dự án này nữa.

Liệu các nhà sản xuất có đang xem trọng game AR một cách thái quá?

Sau những thất bại cùng vài các sản phẩm bình thường chỉ đủ sức giúp NSX sống lay lắt, cuối cùng Niantic đã tìm ra chân mệnh thiên tử của đời mình khi quyết định thực hiện Pokémon GO. Phối hợp cùng Nintendo và The Pokémon Company, Pokémon GO chính thức ra mắt lần đầu tại Úc, New Zealand và Hoa Kỳ vào tháng 7/2016 trước khi nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu vào cuối năm đó. Sự bành trướng của Pokémon GO thật sự kinh khủng khi Apple Store công bố rằng Pokémon GO trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong nhiều tháng liền trước khi bị Super Mario Run đánh bại. Thành tích đáng gờm nhất của trò chơi chính là đạt hơn 100 triệu lượt tải trong tháng và nhiều thống kê chỉ ra rằng game thủ dành nhiều thời gian cho Pokémon GO hơn là trên Facebook, Twitter, Snapchat, Tinder và Instagram.

Về mặt nào đó Pokémon GO đối với Niantic Labs cũng giống như huyễn tưởng cuối cùng mà Hironobu Sakaguchi đã trải qua khi thực hiện nên siêu phẩm kinh điển Final Fantasy vậy. Có một điểm giống nhau giữa hai tựa game này đó là chúng đều thành công và mang đến cho nhà sản xuất cả danh lẫn lợi để tiếp tục đầu tư nhiều sản phẩm khác. Tuy nhiên nếu ngài Sakguchi tiếp tục thành công với các tựa game đáng chú khác ngoài thương hiệu Final Fantasy như Chrono Trigger, Bahamut Lagoon, Xenogears, Legend of Mana… thì đội ngũ sản xuất tại Niantic Labs dường như chưa định hướng được tiếp theo công ty nên phải làm gì và làm thế nào. Harry Potter: Wizards Unite, sản phẩm mới nhất mà hãng kết hợp cùng Warner Bros. Interactive Entertainment, WB Games San Francisco và Portkey Games lại là một game AR kiểu cũ khi cho game thủ đi khắp nơi và tương tác với những thứ quen thuộc trong bộ truyện cùng tên. Điểm khác biệt chính là Pokémon được thay thế bằng phù thủy, sinh vật huyền bí và lũ Giám Ngục.

Minecraft Earth: Khi Microsoft muốn đánh bại Pokémon Go
Minecraft Earth không phải là một phiên bản chuyển hệ trên mobile, mà nó là một tựa game thực tế tăng cường (AR) chất chứa tham vọng của Microsoft.

Giữ đúng thông lệ cũ, Niantic Labs chỉ mới cho chạy thử nghiệm Harry Potter: Wizards Unite dưới hình thức giới hạn theo khu vực nhưng khác với danh tiếng lẫy lừng của Pokémon GO – trò chơi từng khiến hàng trăm nghìn game thủ phải tìm mọi cách fake IP của New Zaeland để đăng nhập do giới hạn khu vực phát hành, tựa game AR lấy đề tài phù thủy lại không nhận được đánh giá tích cực cho lắm. Vẫn biết đây chỉ là giai đoạn thử nghiệm, mọi thứ vẫn có thể chỉnh sửa trước khi ra mắt hay kỳ tích Pokémon GO rất khó được lặp lại nhưng trước sự kỳ vọng quá cao của nhiều người, khả năng Harry Potter: Wizards Unite biến thành cú vấp chân hay vết nhơ trong lịch sử tồn tại và phát triển của Niantic Labs vẫn tồn tại xác suất cực lớn. Có lẽ thành tích hơn 1 tỷ lượt download của Pokémon GO (theo thống kê của Business Insider vào năm 2019) sẽ là trớ chú đáng sợ mà bất kỳ sản phẩm tiếp theo nào của Niantic Labs khi ra mắt cũng phải trải nghiệm rồi.

Miếng bánh có thật sự lớn để chia cho mọi người?

Bỏ qua sự thành bại của Harry Potter: Wizards Unite và Niantic labs sẽ xử lý vấn đề đó thế nào, chúng ta hãy cùng nhau thảo luận một chút về câu hỏi: Liệu game AR có đang bị các nhà sản xuất xem trọng một cách thái quá? Chẳng nói đâu xa Square Enix mới đây vừa hé lộ tin tức studio dưới quyền của họ mang tên colopl đang hoàn tất những khâu cuối cùng của một mobile game AR mang tên Dragon Quest Walk. Theo dự kiến của SE, giai đoạn Closed Beta của trò chơi sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng 6 năm nay cho game thủ sử dụng hệ điều hành Android và iOS tại Nhật Bản, riêng game thủ thế giới sẽ phải chờ bởi họ chưa quyết định có phát hành trò chơi này trên toàn cầu hay không. May thay ngoài đoạn trailer giới thiệu NSX cũng không keo kiệt khi cung cấp cho chúng ta khá nhiều thông tin tại buổi họp báo ra mắt.

Liệu các nhà sản xuất có đang xem trọng game AR một cách thái quá?

Thông qua những gì mà đoạn phim trình diễn, có thể thấy lối chơi của Dragon Quest Walk chẳng khác gì nhiều so với Pokémon GO trước đây hay Harry Potter: Wizards Unite vừa kết thúc giai đoạn chơi thử được vài hôm cả. Theo một cách rõ ràng mà thậm chí người ít quan tâm đến game nhất cũng có thể hiểu – miễn là ai đó đủ kiên nhẫn ngồi giải thích lại cho họ, lối chơi của Dragon Quest Walk sẽ phát triển theo cách chẳng khác gì các bậc đàn anh của nó từng thực hiện. Bạn cũng sẽ bật điện thoại lên, đi dạo loanh quanh, tiếp cận các địa danh trên bản đồ, nơi chắc chắn thường phát sinh các sự kiện khác nhau và tìm cách giải quyết chúng. Ngoài ra đoạn clip còn cho thấy game thủ được xây dựng một nơi trú ẩn cá nhân theo kiểu thực tế ảo và để giữ chân người chơi lại trong game lâu hơn căn phòng/lãnh địa/vùng kiểm soát (bạn thích gọi nó là gì thì tùy) này có thể trang bí bởi nhiều món linh tinh mà bạn thu thập trong lúc đi bộ loanh quanh trong Dragon Quest Walk.

Chi tiết về trò chơi vẫn chưa được công bố kỹ lưỡng nhưng ít nhất, như đã nói ở trên, đây chẳng khác gì một phiên bản Pokémon GO được thay bọn pet bằng quái vật trong thương hiệu Dragon Quest cả. Việc các trò chơi lấy cảm hứng từ đối phương chẳng hề mới mẻ và Niantic Labs cũng chẳng được phép độc quyền game AR nên Square Enix cảm thấy có thể kiếm tiền từ thể loại này nên nhảy vào cũng chẳng có gì kỳ lạ. Nhưng hãy nhớ một điều là Niantic Labs có Harry Potter đồ, có game AR đồ nhưng khi hai thứ hot kết hợp cùng nhau sản phẩm lại bị người chơi chỉ trích không thương tiếc bởi sự cũ kỹ và thiếu sáng tạo. Ngay đến kẻ tiên phong thổi bùng ngọn lửa của game AR là Niantic Labs còn bị chửi SML như vậy, sẽ có bao nhiêu phần trăm cơ hội để SE kiếm chác trong địa hạt game AR cùng Dragon Quest Walk đây? Không phải Mọt tui không có lòng tin tin vào khả năng của nhà sản xuất Nhật Bản, chỉ là từ cuối năm 2017 đến nay đã có hàng trăm con game ăn theo trào lưu AR mà Niantic Labs tạo ra nhưng kết quả thật sự là thảm đến mức không nỡ nhìn.

Tất nhiên Square Enix không phải là hạng đèn đã cạn dầu và bài tẩy nắm trong tay họ cũng chẳng ít nhưng sau 4:30 biết ai cười ai khóc đâu. Danh tiếng của Dragon Quest rồi sẽ bị hủy hoại bởi sự coi trọng thái quá game AR hay NSX này sẽ “dạy” cho Niantic Labs một bài học mô phạm kinh điển về cách để hút máu mà nạn nhân vẫn mỉm cười toại nguyện nơi chín suối đây? Tất cả sẽ có câu trả lời khi Dragon Quest Walk chính thức ra mắt, hãy cùng chờ xem! Minecraft Earth cũng đang chờ nè!