Meme “máy tính của bạn có chạy được game X không” khởi đầu từ Crysis, siêu phẩm FPS mà nhà phát triển Crytek tung ra hồi năm 2007 qua câu hỏi “Can it run Crysis”. Trò chơi này có tiếng là sát phần cứng và từng một thời được dùng làm thước đo sức mạnh của các cỗ máy tính mới cũng như các linh kiện CPU, card đồ họa mới.
Lý do mà nó nặng khá dễ hiểu: ngoài việc được nhồi nhét đủ mọi công nghệ đồ họa mới nhất thời bấy giờ, Crytek dự đoán rằng trong tương lai, những CPU đời mới sẽ có tốc độ xung nhịp của nó ngày càng tăng vượt trội và vì thế Crysis được thiết kế để đón đầu xu hướng này. Tuy nhiên như các bạn đã biết, tốc độ xung nhịp của CPU ngày nay tăng chậm lại khi cả Intel lẫn AMD đều chuyển hướng sang tạo những CPU nhiều nhân hơn và để các nhân này chia sẻ tác vụ tính toán với nhau.
Và kết quả là chúng ta có một tựa game khủng khiếp mà tận 13 năm sau ngày nó phát hành, những CPU, GPU tầm thấp vẫn gặp khó khăn trong việc chạy game một cách mượt mà, và chỉ những con “quái thú” như RTX 2080 Ti mới có thể đỡ được Crysis ở độ phân giải 4K. Đó là còn chưa kể đến những bản mod cải thiện đồ họa mà cộng đồng game thủ làm ra cho trò chơi với mục tiêu đẩy chất lượng hình ảnh của game lên cao hơn nữa, và sát phần cứng hơn nữa.
Nhưng bởi Crysis 1 đã có tuổi và hai phiên bản kế tiếp không xứng tầm với danh tiếng của ông anh do bị “downgrade” để chạy được trên console, cộng thêm việc trò chơi không còn được cập nhật, danh hiệu sát thủ phần cứng của Crysis nay đã phai mờ. Giờ đây, có vẻ nó sẽ phải nhường lại danh hiệu đó cho một tựa game đầy bất ngờ: Minecraft, một tựa game cũng rất có tuổi từ Mojang và Microsoft.
Thật vậy, nếu game thủ không chạm tới những bản texture pack hay mod shader của Minecraft, ngay cả một máy tính cấu hình “cà khổ” không có card đồ họa rời vẫn có thể “chiến” game mượt mà vì game chỉ toàn những khối vuông có phần thô kệch và vân bề mặt đơn giản. Nhưng một khi game thủ muốn tìm cách cải thiện đồ họa của Minecraft, họ sẽ rơi vào một mê cung của đủ kiểu mod và tinh chỉnh khác nhau, từ đơn giản như tăng số lượng chi tiết trên các khối vuông từ 16×16 lên 32×32 (và đến… 2048×2048 nếu bạn muốn), thay đổi shader của game để đạt được những hiệu ứng nước sóng sánh, lá cây đung đưa, sức mạnh xử lý cần thiết để chạy mượt trò chơi sẽ tăng nhanh một cách chóng mặt.
Vẫn chưa hết, vì Minecraft còn có thể sát phần cứng hơn nữa. Trong tuần này, game thủ thế giới sẽ lại có dịp hỏi nhau “máy của bạn có chơi nổi Minecraft không” khi bản cập nhật mới của trò chơi ra mắt. Có tên “Minecraft with RTX,” đây là bản cập nhật sẽ bổ sung hiệu ứng ray-tracing thời thượng vào Minecraft vốn đã được Microsoft công bố từ tháng 8/2019 tại Gamescom.
Khi cài đặt phiên bản này, game thủ sẽ nhận được những hiệu ứng ánh sáng được làm lại hoàn toàn từ A đến Z, cộng thêm nhiều thay đổi khác về hình ảnh. Trò chơi nay sẽ tính toán các tia sáng, hiệu ứng phản chiếu, đổ bóng, độ sâu hình ảnh… hoàn toàn trong thời gian thực bằng cách ứng dụng công nghệ ray tracing của NVIDIA. Sự khác biệt của trò chơi khi được ứng dụng công nghệ này đã được thể hiện trong trailer bên dưới:
Hãy để Mọt điểm sơ qua về những công nghệ mới được đưa vào Minecraft qua bản cập nhật này. Đầu tiên, nó sẽ mở ra một cơ hội mới cho việc thể hiện chất liệu của các vật thể trong game. Nếu như trong Minecraft gốc, một vật thể chỉ có hai thuộc tính là màu sắc và độ trong suốt thì trong Minecraft with RTX, nó sẽ có… 6. Bốn thuộc tính mới được bổ sung là chiều cao (không phải của vật thể, mà của bề mặt vật thể), độ sần sùi, khả năng phát sáng và ánh kim loại. Bốn thuộc tính mới này cùng với hai thuộc tính cũ sẽ giúp game thủ tạo ra những vật phẩm và bề mặt mới chân thực hơn, chẳng hạn nước có khả năng chiết xạ ánh sáng, các viên ngọc lóng lánh hay sàn gỗ bóng lộn, từ đó xây dựng nên những công trình đẹp mắt hơn rất nhiều.
Hiện tại, những game thủ tự tin cỗ máy của mình đủ sức “chiến” Minecraft with RTX sẽ có thể tham gia vào giai đoạn beta của game khởi đầu vào ngày 16/4 tới. Khác với phiên bản gốc chỉ cần 2GB RAM, card đồ họa onboard và CPU i3 đời cũ, Minecraft with RTX đòi hỏi game thủ phải có CPU i5 trở lên, tối thiểu 8GB RAM và card đồ họa RTX của NVIDIA. Bản cập nhật này tạm thời cũng chỉ được tung ra cho phiên bản Minecraft trên Windows 10 được bán trên Microsoft Store, còn game thủ chơi bản Java sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa. Sau khi giai đoạn thử nghiệm hoàn tất, Minecraft with RTX sẽ được tung ra miễn phí cho tất cả những game thủ đang sở hữu trò chơi.
Như vậy, Minecraft sẽ thay thế Crysis để trở thành sát thủ phần cứng mới trong thời gian tới. Dù vậy, rất có thể Minecraft sẽ không giữ được danh hiệu này quá lâu bởi theo những gì mà Mọt được biết, Crytek và EA đang có âm mưu làm một điều gì đó và đã liên tục úp mở về nó qua một số trailer lẫn tweet. Theo các manh mối mà họ tung ra, Mọt tin rằng rất có thể chúng ta sẽ được thấy một bản remaster của Crysis được công bố trong năm nay.