Milk Outside a Bag of Milk: Khi waifu tâm thần đi mua sữa

Milk Outside a Bag of Milk Outside a Bag of Milk là câu chuyện về thế giới kỳ lạ của một cô bé bị mắc chứng tâm thần phân liệt.

Milk Bag 1 (Milk Inside a Bag of Milk Inside a Bag of Milk)

Khung cảnh đầu tiên trong game là hình ảnh vô cùng mờ nhòe cộng với thứ âm nhạc kỳ dị. Mọi thứ chỉ gồm ba tông màu đỏ, đen và tím trông rất ảo ma Canada. Lúc này nhân vật chính, Milk-chan của chúng ta đang luyện tập cách giao tiếp với người lạ. Cô đang tập giao tiếp để lúc xuất hiện tại sự kiện bớt căng thẳng? Hay tập lại bài diễn văn cho buổi phát biểu tại bữa tiệc nào đó? Không hề, thật ra cô chỉ đang luyện tập để chuẩn bị cho việc… vào tiệm tạp hóa mua sữa mà thôi.

“Xin chào, có ai ở đó không ạ…”

“Xin chào, cho cháu…”

“Xin chào, cháu muốn mua… ”

Sau nhiều lần cố gắng nhưng rốt cục vẫn không thể tập trung nên Milk-chan đã tưởng tượng rằng mình là một nhân vật trong game và nhờ người chơi giúp đỡ cô đi mua sữa. Thời gian thì gấp rút chỉ còn đúng một tiếng nữa là cửa hàng sẽ đóng cửa. Milk-chan vừa đi vừa luyện tập nhưng vẫn chưa thể thốt ra được một câu chào hỏi nào hoàn chỉnh nào sau 19 lần cố gắng. Lúc này cô nhận ra mình đang đi chân cao chân thấp, một chân của Milk-chan đang giẫm trên cỏ trong khi chân còn lại ở dưới lòng đường.

Nếu là người bình thường, hiển nhiên sẽ lựa chọn đi hẳn xuống đường cho khỏe hoặc mất nết hơn thì cứ dẫm bừa lên cỏ. Nhưng nếu lựa chọn như vậy thì quá đơn giản, Milk-chan quyết định tăng độ khó bằng cách đếm những bước chân trên cỏ và những bước chân dưới đường sao cho số bước chân trên cỏ và số bước dưới đường bằng nhau mới thôi. Rảnh ghê á. Do Milk-chan có thể phá vỡ bức tường thứ tư để tương tác với người chơi nên chúng ta sẽ có lựa chọn là động viên hoặc la mắng Milk-chan, tùy vào lựa chọn của người chơi mà cảm xúc của cô bé sẽ thay đổi. 

Sau khi mải mê với việc đếm số bước chân vô nghĩa vừa rồi, lúc đến tiệm tạp hóa Milk-chan chỉ còn 15 phút để mua hàng. Cô bé gặp một người với vẻ ngoài kì lạ với cái đầu trông như con chim, cô bé hỏi người đó chỗ để mua sữa trong tiệm tạp hóa nhưng người lạ kia không trả lời mà chỉ nói đi nói lại một chữ “O”. Milk-chan rất hoảng sợ, cô giải thích với người chơi rằng cô bé rất sợ chữ “O” bởi những gì liên quan đến chữ “O” đều làm cô bé bị ám ảnh. Trong lúc hoảng loạn cô bé trả lời lại người kì lạ bằng chữ “O” thì hắn bỏ đi. Sau một hồi loay hoay, cuối cùng cô bé cũng mua được sữa. 

Đến quầy tính tiền thì cô gặp một cảnh lạ lùng khác, nhân viên thu ngân này trông rất quái dị nhìn rất giống người ngoài hành tinh, hắn không cho cô bé mang sữa đi. Dù Milk-chan có năn nỉ, cầu xin hay thậm chí cô bé còn nói rằng nếu không mua được sữa thì mẹ của cô sẽ giết cô thì tay nhân viên thu ngân kì lạ vẫn nhất quyết không cho cô bé đáng thương lấy sữa. Người chơi có thể giúp cô bé bằng cách nhắc khéo cô bé hãy trả tiền cho thu ngân thì sẽ được mang sữa về. Rời khỏi cửa hàng tạp hóa, Milk-chan đi ngang qua một trạm xăng và bắt đầu suy nghĩ về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất như việc tự ví bản thân là một cây kem chẳng hạn. 

Do quá tập trung vào chuyện thả hồn trên mây khi đang đi bộ trên đường, suýt nữa Milk-chan bị xe tải đâm nếu không có sự can thiệp của người chơi. Nhưng có vẻ tâm hồn của cô bé vẫn còn ở khá cao khi cứ đinh ninh rằng cô thấy một con gấu lớn khổng lồ chạy ngang qua mặt chứ đó không phải một chiếc xe tải. Trên đường đi Milk-chan cũng tâm sự với người chơi rằng cô đang phải uống rất nhiều thuốc để chữa bệnh. Có lẽ chơi quá nhiều thuốc đã khiến cô có khả năng điều khiển thực tại thay đổi theo ý muốn của mình. Điển hình như lúc cô bé cảm thấy hôm đó bỗng dưng muốn khóc thì trời sẽ đổ mưa tầm tã theo đúng những gì đang diễn ra trong tâm trạng của cô bé.

Milk-chan cũng tiết lộ với người chơi rằng bản thân đang sống trong một gia đình không hạnh phúc khi cha của mình đã nhảy lầu tự tử nên cô bé luôn bị ám ảnh bởi điều đó. Về đến căn hộ, cô không bước vào nhà của mình ngay mà thường leo ra ban công đứng hóng gió một chút rồi mới đi vào. Lúc vào nhà Milk-chan gặp mẹ mình, bà ta nhìn có vẻ rất vô hồn và thậm chí là hơi đáng sợ. Milk-chan chào mẹ nhưng bà ta không thèm chào hỏi cô bé.

Bà ta hỏi có mua được sữa không, cô bé nói “Vâng thưa mẹ”.

Bà ta hỏi thuốc chữa bệnh có tác dụng không, cô bé nói “Vâng thưa mẹ”.

Bà ta bảo cô bé đi ngủ đi, cô bé nói “Vâng thưa mẹ”.

Và rồi…

Trò chơi cứ thế mà kết thúc không đầu không đuôi. Chuyện quái quỷ gì đã xảy ra với Milk-chan trong Milk Inside a Bag of Milk Inside a Bag of Milk vậy? Như thường lệ, sau phần tóm tắt game các bạn đang nóng lòng chờ Mọt phân tích toàn bộ câu chuyện. Nhưng mà khoan đã, đó mới chỉ là phần 1 của Milk Bag. Phần 2 của Milk Bag diễn ra ngay sau khi phần 1 kết thúc. Nên chúng ta hãy cùng đến với Milk Bag 2 luôn một thể rồi sau đó Mọt sẽ phân tích toàn bộ câu chuyện cho các bạn dễ nắm bắt nhé. Cùng đến với Milk Outside a Bag of Milk Outside a Bag of Milk nào!!!

Milk Bag 2 (Milk Outside a Bag of Milk Outside a Bag of Milk)

Milk Bag 2 bắt đầu ngay sau khi Milk Bag 1 kết thúc, Milk-chan bước chân vào căn hộ của cô, ngay lập tức cô cảm thấy có nhiều cái bóng quan sát và đi theo cô. Milk-chan vội vã chạy vào phòng thì bị hình bóng đáng sợ của mẹ cô chặn đường, bà ta bắt đầu nắm chặt cánh tay của Milk-chan. Mặc kệ sự gào thét của cô bé, bà ta tiếp tục siết chặt tay rồi dùng ngón tay sắc nhọn của mình bơm chất độc gì đó vào khiến toàn thân Milk-chan run rẩy, nóng bừng, các mạch máu phập phồng như muốn nổ tung. Milk-chan bắt đầu nôn mửa ra một chất lỏng màu trắng. Lúc này bà mẹ bắt đầu bóp cổ cô bé mặc cho Milk-chan đau đớn và gào thét. Bà ta bắt cô bé hứa sẽ không bao giờ được uống sữa nữa.

Sau màn tra tấn vừa rồi, Milk-chan bước vào phòng để vệ sinh thân thể một cách hời hợt rồi nói chuyện với người chơi một lát. Cô bé tưởng tượng ra những suy nghĩ của mình biến thành bầy đom đóm bay khắp căn phòng, mỗi con đom đóm tượng trưng cho một dòng suy tư của cô. Trong khi đang ngắm nhìn chúng bay lượn, cô bé đột nhiên cảm thấy cổ mình bị bóp nghẹt, cô cố gắng vùng vẫy nhưng rồi đành bất lực chịu chết. Milk-chan bất ngờ choàng tỉnh dậy, thì ra vừa rồi là do cô tưởng tượng, Milk-chan nói hình như mình vừa được trải nghiệm cảm giác của cái chết nhưng cũng không chắc lắm. Lúc này những con đom đóm biểu hiện cho tư duy của Milk-chan cũng đã bay mất.

Thấy vậy cô bé yêu cầu người chơi phải tìm chúng cho cô và không bình luận thêm lời nào về sự việc kỳ lạ vừa xảy ra. Trong quá trình tìm kiếm những chú đom đóm tư duy của Milk-chan, cô dần tiết lộ thêm về quá khứ của mình. Chẳng hạn như việc cô thường xuyên lên mạng chơi game, thích vẽ tranh hay đã từng được đi học như bao đứa trẻ khác. Khi người chơi giúp Milk-chan tìm ra được những chú đom đóm, chúng sẽ lần lượt chui vào tai Milk-chan và bò lên não cô bé, trở lại thành những dòng suy nghĩ trong đầu cô bé. Kết thúc quá trình tìm kiếm, Milk-chan ra ngoài ban công đứng chơi một lúc rồi cô thấy mình rơi khỏi ban công. 

Lúc đang rơi Milk-chan nghĩ rằng mình sẽ nhanh chóng đáp đất và thế là hết, mọi thứ sẽ chấm dứt nhanh gọn. Nhưng thực tế khi vừa tiếp xúc với mặt đất thì cô bé choàng tỉnh lại, hóa ra lại là mơ tưởng bậy bạ chứ không phải chết thật. Đây là lần thứ hai trong ngày Milk-chan nhìn thấy và tiếp cận với cái chết của chính mình. Trở lại phòng của Milk-chan, lúc này cô bé nói với người chơi rằng cô muốn đi ngủ và rồi cô bé dần chìm vào giấc ngủ. Lúc này game sẽ có tổng cộng 5 ending khác nhau, mỗi ending là một giấc mơ của Milk-chan trong lúc cô đang ngủ.

Có 2 yếu tố chính dẫn đến các giấc mơ này: Thứ nhất tùy thuộc vào số lượng đom đóm tư duy mà người chơi tìm lại được cho Milk-chan và thứ hai tùy thuộc vào số lần Milk-chan tưởng tượng ra cái chết của chính mình. Sau khi mơ thấy 1 trong 5 giấc mơ Milk-chan sẽ giật mình tỉnh dậy và bật khóc rồi cô bé ngước mặt lên trời, sau đó vô cùng hoảng sợ khi nhìn thấy một hình tròn màu đen và… hết game. Điều này có nghĩa là dù có 5 ending khác nhau nhưng kết thúc cuối cùng cũng chỉ có một. Mỗi ending đều rất hack não và cực kỳ khó hiểu nên bây giờ chúng ta sẽ đi vào phân tích từ từ mọi thứ trong game như vậy sẽ dễ hiểu hơn rồi mới xem và phân tích từng ending nhé.

Giải thích sự thật về Milk-chan

Để giải thích cho mọi thứ trong Milk Bag 1 và Milk Bag 2 đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ về nhân vật chính của câu chuyện, một cô bé bị hội chứng tâm thần phân liệt. Sở dĩ cô bé không cho chúng ta biết tên của cô ấy là vì người bị bệnh tâm thần phân liệt thường ngại giao tiếp, không muốn tiếp xúc hay làm quen với người khác cũng như không muốn người khác hiểu rõ về mình. Đồng thời họ cũng không thích tham gia vào các hoạt động cộng đồng, có chiều hướng suy giảm các chức năng xã hội. Điều này giải thích cho việc tại sao cô bé cứ phải luyện tập đi luyện tập lại đến 19 lần chỉ để nói hoàn chỉnh một câu rất đơn giản với cả trẻ con là: “Xin chào, cháu muốn mua một hộp sữa” nhưng cuối cùng vẫn không thể nói được. 

Người bị bệnh này còn có những hành động và suy nghĩ thiếu tổ chức, không có mục đích rõ ràng. Thể hiện qua việc cô bé đếm số bước chân của mình trên cỏ và số bước chân dưới lòng đường để làm cho chúng bằng nhau. Mọi thứ trong game với người bình thường có vẻ kỳ quái nhưng phần nào đó chính là thế giới thông qua góc nhìn của một người bị tâm thần phân liệt, mọi cảnh vật đều méo mó, kỳ quặc và trừu tượng. Cuộc sống của họ rất khó khăn, như chúng ta đã thấy trong phần 1 của game, nội chỉ có một việc đơn giản là đi đến tiệm tạp hóa để mua sữa uống cũng phải trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ và mất gần cả tiếng đồng hồ mới hoàn thành. 

Giả sử nếu không có sự giúp đỡ của người chơi thì 99% cô bé cũng không thể tự mua sữa thành công. Vậy người chơi là nhân vật nào trong câu chuyện đó? Câu trả lời là không ai cả, người chơi không tồn tại hay nói chính xác hơn là nội tâm của cô bé đã tự tưởng tượng ra một người bạn ít nói để hướng dẫn cô bé vượt qua những khó khăn. Tại sao cô bé phải làm vậy? Bởi vì cô bị hội chứng tâm thần phân liệt, không có khả năng năng quyết đoán, không có động lực để làm bất cứ điều gì. Để giải quyết vấn đề, cô cần phải tự lừa dối bản thân rằng mình chỉ đang làm theo sự hướng dẫn của người bạn nào đó mà thôi. Mình không tự quyết định hay suy nghĩ điều gì cả.

Lý do vì sao cô bé bị như vậy có thể nói đó là do tác động của gia đình. Nếu bạn chưa quên thì trong Milk Inside a Bag of Milk Inside a Bag of Milk có đề cập đến việc gia đình cô trải qua nhiều biến cố dữ dội. Cha của cô không rõ do làm ăn thất bại hay bị áp lực gia đình dẫn đến trầm cảm và cuối cùng ông chọn cách nhảy lầu để kết thúc mọi chuyện. Còn mẹ của cô sau chuyện kinh khủng đó cũng bắt đầu xuất hiện triệu chứng của bệnh tâm thần nhẹ khi thờ ơ, vô cảm với mọi thứ xung quanh, bao gồm đứa con gái của mình. Đó là lý do vì sao bà mẹ trong mắt cô bé nhìn rất vô hồn và đáng sợ và cũng giải thích cho việc khi Milk-chan về nhà và chào mẹ, bà ta chẳng thèm đáp lại.

Ở phần 2 chúng ta thấy cảnh bà mẹ túm lấy cô bé và bơm chất độc vào người cô khiến cô bé la hét và nôn mửa rồi bảo cô không được uống sữa nữa. Giả thuyết của Mọt cho đoạn này là chúng ta đã biết cô bé bị tâm thần phân liệt nên hay bị ảo giác và mọi thứ xung quanh cô đều méo mó và biến dạng. Người mẹ không thật sự bơm chất độc vào người cô bé mà trong thực tế bà ta chích thuốc trị bệnh cho cô thôi. Còn tại sao bà ta lại bảo cô bé không được uống sữa nữa thì cũng khá dễ hiểu, giống như lúc nhỏ chúng ta uống nhiều nước ngọt quá rồi sâu răng hay gì đó thì chắc hẳn phụ huynh của chúng ta sẽ tức giận và la mắng “Lần sau không được uống nước ngọt nữa!”.

Nhưng nói như vậy thì giả thuyết này lại xung đột với việc bà mẹ tỏ ra thờ ơ khi cô bé về nhà. Nếu bạn có suy nghĩ nào hợp lý hơn, đừng ngại hãy chia sẻ với Mọt ở phần bình luận. Còn những lần cô bé thấy cái chết của chính mình có ý nghĩa gì? Theo như Mọt tìm hiểu thì những người bị tâm thần phân liệt thường có xu hướng tự hủy hoại bản thân nên đôi khi cô bé nghĩ đến cái chết của chính mình. Còn một điều nữa là những người bị bệnh này thường có cảm giác luôn có ai đó theo dõi và quan sát mình, đó là lý do mà cô bé tưởng tượng ra những cái bóng luôn đi theo rình rập cô bé.

Còn tại sao cô bé lại sợ chữ “O”. Giả thuyết của Mọt là ở căn hộ khu cô bé sống có một cái giếng trời rất to hình tròn có thể thấy được khi cô bé ra ngoài ban công đứng. Theo Mọt nghĩ đó là nơi mà cô bé chứng kiến cảnh tự sát của cha mình, điều này khiến cô bị ám ảnh và bất cứ lúc nào khi về đến căn hộ cô cũng ghé qua để nhìn một hồi mới vào nhà. Chúng ta đã hiểu được phần nào thế giới qua góc nhìn của cô bé nhân vật chính và như đã hứa, Mọt sẽ giải thích ý nghĩa của những ending trong Milk Bag 2. Bên cạnh đó theo giả thuyết của Mọt thì các ending trong Milk Bag 2 thể hiện rất rõ ràng từng khía cạnh khó khăn mà người bị bệnh tâm thần phân liệt phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày.

Ending thứ 1 tái hiện lại toàn bộ những gì mà cô bé đã trải qua trong phần 1 nhưng với một góc nhìn khác. Thay vì trong phần 1 cô bé là người đi mua sữa còn người chơi là một nhân vật do cô bé tưởng tượng ra để giúp cô bé thêm tự tin. Ở ending này, cô bé vào vai người giúp đỡ một đứa trẻ khác tên là Treska đi mua sữa, mọi chuyện sẽ diễn ra như phần 1. Cô giúp Treska đến tiệm tạp hóa, Treska không thể giao tiếp với người lạ, Treska không thể tính tiền tại quầy thu ngân sau đó Treska đi đến trạm xăng … cuối cùng Treska nói rằng cô bé chẳng giúp được gì cho Treska. Ending này mang ý nghĩa là cho dù có sự giúp đỡ của người khác, bệnh tình của cô vẫn tồn tại, bằng chứng là câu nói cuối cùng của Treska “Cô chẳng giúp được gì cả”. Điều này thể hiện sự nghiêm trọng của chứng tâm thần phân liệt, dai dẳng và khó chữa.

Ending thứ 2 thể hiện sự cô đơn của cô bé khi cô mơ thấy mình bị nhốt trong một căn phòng không có lối thoát. Cả căn phòng chỉ còn một cánh cửa mà khi cô cố gắng chạm vào cánh cửa thì nó lại càng chạy xa, cô bé đã thử lao mình vào cánh cửa cũng không với tới được. Rồi sau đó cô thấy mình tỉnh dậy ở một cánh đồng hiu quạnh, không có bất kỳ một nhánh cây hay hòn đá nào cả. Tất cả chỉ là một đồng cỏ bất tận thế là cô bé bị mắc kẹt trong môi trường thoạt nhìn rất bao la nhưng thực tế đó là sự cô lập. Ending này nói lên sự cô độc và tuyệt vọng của người bệnh khi họ bị mắc kẹt trong chính thế giới nội tâm rộng lớn của mình và không cách nào thoát ra được.

Trong ending thứ 3 cô bé mơ thấy những câu nói được trích dẫn trong những vở kịch, các bài hát và nhiều đoạn văn từ sách báo. Ending này thể hiện triệu chứng thường thấy ở người bệnh là luôn có sự hoang tưởng liên hệ, luôn tin tưởng rằng tất cả mọi thứ ở xung quanh đang nói về họ hoặc liên quan đến họ theo ý nghĩa tiêu cực.

Ending thứ 4 là ending quái dị nhất, trong ending này cô bé mơ về những buổi sáng cô thức dậy đi học và luôn thấy mình trong gương nhìn thật kỳ cục vì nghĩ rằng mọi người sẽ đánh giá vẻ bề ngoài của cô khi cô đến trường. Ending này thể hiện sự hoang tưởng của người bệnh rằng lúc nào cũng bị theo dõi và đánh giá.

Trong ending thứ 5 cô bé luôn nói về sự lạc lõng và thế giới xung quanh cô như thiếu thiếu một cái gì đó. Cô không cảm thấy vui hay buồn, không cảm thấy như vậy là tốt hay xấu và không có gì có thể giúp thay đổi được sự vô vị này. Ending này thể hiện sự vô cảm, một trong những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt bao gồm sự suy giảm hoặc mất các chức năng cảm xúc, giảm khả năng trải nghiệm niềm vui.

Kết

Tổng kết lại, có thể thấy Milk Inside a Bag of Milk Inside a Bag of Milk và Milk Outside a Bag of Milk Outside a Bag of Milk là tựa game khắc họa chi tiết những gì mà người bị bệnh tâm thần phân liệt phải trải qua đồng thời nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh tâm lý này.

Nếu các bạn có bạn bè hay người thân có những dấu hiệu như trên Mọt khuyên các bạn thuyết phục họ đến thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt và hãy cố gắng hết sức để ở bên và dành thật nhiều thời gian tốt đẹp cho họ. Vì giống như cô bé Milk-chan, dù có vẻ ngại giao tiếp nhưng thực tế họ luôn cô đơn và luôn mong muốn có một người bạn ở bên động viên và trò chuyện cùng mình.

UPDATE NGAY lịch đăng video mới trên Kênh Tin Game Channel vào 19h30 thứ 3 - 5- 7 - Chủ Nhật hàng tuần nào.

Ngoài ra cũng nên ghé thăm fanpage Gosugamers Vietnam khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video… vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN.

Cuối cùng bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?