Nếu có cơ hội thì tôi cũng muốn nuôi thử một con pet trong game và đặc biệt là game kinh dị, vì chưa nói tới độ ngầu lòi thì bọn chúng cũng cực kỳ đa dạng về chủng loại, với đủ các đặc tính hiếm có khó tìm bảo đảm khiến cho chủ nhân nở mày nở mặt khi sở hữu.
Zombie Dog (Cerberus) – Resident Evil
Chó là người bạn thân nhất của con người, câu nói này chắc chắn đúng từ ngoài đời tới trong game, cho nên ứng viên đầu tiên trong danh sách này chắc chắn phải là những con chó Zombie hay Cerberus trong Resident Evil. Bạn hẳn sẽ nghĩ trong hằng hà sa số các thể loại quái vật ngầu lòi của seri này, thì mấy con chó có vẻ không xứng đáng cho lắm, nhưng nghĩ lại chút đi vì chúng ta đang chọn thú cưng chứ không phải vũ khí sinh học hủy diệt hàng loạt nhé.
Licker cũng bò bốn chân nhưng nó bị mù và là Zombie bị đột biến chứ không phải thú, Hunter thì khá hay ho và biết nghe lời đó nhưng bọn này giống máy móc hơn là sinh vật, Tyrant thì thôi bỏ qua một bên vì cái đám đó còn chẳng thể gọi là “Pet” được nữa. Suy đi tính lại thì Cerberus là lựa chọn hợp lý nhất, chúng có hình dạng thân thuộc, dễ nuôi dễ nghe lời đi kèm kích thước trung bình, có thể xem là một con chó bình thường cũng được nếu bỏ qua vấn đề máu me trên người.
Cerberus có thể làm được tất cả những gì mà một con pet có thể làm, nó cực kỳ hiếu động cho các trò chơi ngoài chơi như ném và bắt, vô cùng quấn chủ vì chỉ cần nhớ mùi một lần thôi là sẽ bám theo tới chết, hoàn toàn không biết sợ hãi và cực kỳ trung thành. Nhưng nếu xét theo phạm trù một con pet trong game kinh dị thì Cerberus có lẽ chỉ thích hợp để làm cảnh, kiểu như bạn có thể nuôi nó như một con chó giữ nhà thông thường, vuốt ve tương đối và chơi đùa cùng chứ còn chiến đấu thì hơi tệ.
Đồng ý là Cerberus có thể nhảy xa tới trên 3 mét và ngắm thẳng cổ họng con mồi mà cắn xé, nhưng kể cả đã có đột biến thì nó vẫn là một con chó, những thằng cục súc thậm chí chẳng cần dùng súng mà tay không cũng có thể bẻ gãy cổ con thú cưng của bạn. Thành ra Cerberus chỉ hợp để giữ nhà thôi, chứ đem ra đường nghêng ngang bố láo ăn cắp là thành giả cầy luôn đấy.
Xenomorph – Alien: Isolation
Riêng con quái vật này thì cũng quá nổi tiếng từ phim tới game rồi, nhất là ai chơi Alien: Isolation chắc chắn sẽ biết Xenomorph kinh hoàng ra sao đúng không. Xét theo lý thuyết thì Xenomorp không thích hợp để làm thú cưng cho lắm, vì nó hung dữ một cách quá đà và chỉ tập trung vào việc giết chóc, chưa nói gần như toàn bộ cơ thể là vũ khí còn máu thì là acid nên bản thân một con Xenomorph chẳng khác một quả bom di động cả. Nhưng ngoài những điểm bất lợi đó ra, thì chủng loài này cũng có những nét đáng yêu nhất định.
Đầu tiên cấu tạo cơ thể của Xenomorph là tuyệt đẹp, chúng đạt tới độ hoàn mỹ về bố cục cơ thể với tứ chi dài đi cùng cái đuôi cực kỳ linh hoạt, cho phép loài này có thể leo và đu bám ở bất kì địa hình nào. Cộng thêm khả năng thích ứng tốt khiến cho Xenomorph có thể sống khỏe gần như mọi kiểu thời tiết, điều này rất quan trọng cho những ai có sở thích xê dịch hoặc đi làm cả ngày, vì bạn sẽ đỡ phải chăm sóc con thú cưng của mình thường xuyên, cũng như không lo việc nó sẽ chết đói như mấy thể loại chó cảnh.
Bản tính của Xenomorph là giết chóc để tạo ra môi trường sống tối đa cho loài của mình, tức là nó vô cùng thích hợp cho những người thích tự kỉ trong nhà, chỉ cần cắm một con Xenomorph trước cửa là toàn bộ các thể loại khách không mời sẽ không bao giờ có thể làm phiền bạn được nữa. Xenomorph tuyệt đối nghe lời Queen (trong trường hợp này là chính là bạn), nên nó sẽ đặc biệt quấn chủ và luôn luôn quanh quẩn gần bạn, thính giác của Xenomorph cũng cực nhạy nên dù ở bất kì xó xỉnh nào chỉ cần gọi một phát là nó sẽ bay tới ngay.
Tất nhiên một con quái vật sinh ra để giết chóc làm thú cưng cũng có nhiều vấn đề, đầu tiên là chúng ta không thể ngủ chung với Xenomorph được vì cơ thể của nó toàn là cạnh sắc, tiếp theo thì máu của Xenomorph là acid nên trong một số trường hợp con pet của bạn bị thương là thấy cảnh ngay. Cuối cùng do cách sinh sản của Xenomorph là cấy trứng vào động vật sống, nên chúng ta cũng cần phải chuẩn bị trước cho pet khi nó tới kì để cấy vào vật chủ, khá là phiền phức đấy chứ không đùa.
Deathclaw – Fallout
Như tôi đã nói trong một bài viết trước thì vốn Fallout phải là game kinh dị, mà nói thực thì bạn cứ thử gặp một con Deathclaw giữ đồng trống mà xem, rồi lại không bảo nó không kinh dị nữa đi. Thực tế thì Deathclaw có thể cao tới 6 mét và nặng tới hơn 300 kg, biến nó thành một loại pet trong game chắc chỉ dành cho dân có tiền, vì chỉ riêng việc xây cái chuồng cho nó ở đã là cả một vấn đề rồi… cơ mà vui lên đi, nếu bạn đủ tài chính để biến Deathclaw thành thú cưng, thì bảo đảm nhà của bạn sẽ sáng nhất đêm nay luôn.
Tại sao tôi lại nói vậy thì Deathclaw là động vật theo đàn, chúng không sống riêng lẻ mà sẽ tập trung theo một con đực Alpha làm chủ đạo, đồng nghĩa người thuần phục được Deathclaw cũng phải có cá tính mạnh, khả năng lãnh đạo và sức mạnh tuyệt đối (tất nhiên là nhiều tiền nữa để feed từng đó con). Nuôi Deathclaw cũng giống như các anh Nga ngố nuôi gấu hay các đại gia dầu mỏ nuôi hổ vậy, chỉ cần nhìn thôi là đã thấy độ giàu có của bạn rồi, chất chơi đừng hỏi.
Ít người biết Deathclaw là một loài động vật cực kỳ thông minh, hơn nữa chúng cũng rất đằm tính và không chủ động tấn công người nếu không bị xâm phạm lãnh thổ, trong một vài trường hợp đã ghi lại Deathclaw sống khá tình cảm nhất trong việc ấp trứng và chăm sóc con non. Do đó bạn có thể yên tâm là mình đang sở hữu một trong những cá thể hoàn hảo nhất từng xuất hiện trên Trái Đất, nhất là khi sở hữu chúng là bạn đã chứng tỏ mình giống như một con đực Alpha đầu đàn, tán gái cứ gọi là đổ còn hơn cả đi Lamborghini.
Cuối cùng nuôi Deathclaw cũng kiêm luôn cả việc giữ nhà và vệ sĩ, không một thằng ngu nào dám nói chuyện bố láo trước mặt bạn, nhất là khi có một con thằn lằn đột biến cao hơn 6 mét nặng gần 4 tạ đang đứng sau lưng. Súng đạn và vũ khí lạnh hoàn toàn vô dụng trước Deathclaw, biến nó trở nên vô địch tuyệt đối trong các trường hợp chủ cần lấy le, chỉ có vấn đề nhỏ là Deathclaw không phải kiểu thú cưng mà chúng ta có thể dẫn ra đường thường xuyên được đâu.
Rat King – The Last of Us 2
Mặc dù chỉ xuất hiện có đúng một phân cảnh trong The Last of Us 2 nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với Rat King, nhất là cách nó tập hợp nhiều cá thể và phân tách thành nhiều mảnh nhỏ. Đầu tiên phải nói là mặc dù làm nên từ nhiều cơ thể người (hoặc thú vật) nhưng Rat King không phải người chết, vì nó giống như kiểu các bộ não bị nấm điều khiển chứ không phải kiểu sinh vật thông thường, nên bạn cứ yên tâm mua con này làm Pet trong game nhé.
Cấu tạo cơ thể của Rat King vô cùng đặc biệt, nó gần như không cầm ăn uống và hoạt động liên tục không ngừng nghỉ 24/24. Mặc dù trông rất to nhưng con pet này chưa tới mức ngoại cỡ, thành ra bạn có thể dắt nó đi dạo hoặc để lên ghế sofa mà không sợ choán chỗ. Cơ thể đặc biệt của Rat King giống như một ụ nấm khổng lồ, thành ra là nó sẽ thường xuyên phóng ra bào tử nên không khuyến khích nuôi trong nhà lắm, tới lúc đấy thì tha hồ mà lau dọn.
Rat King có rất nhiều điểm lợi nhưng đặc biệt nhất là yếu tố bất ngờ, bạn sẽ không bao giờ biết con Rat King được tạo thành từ bao nhiêu cá thể, nhất là khi nó có thể tự tách bản thân thành nhiều phần. Điều này đồng nghĩa chúng ta sẽ sở hữu từ nhiều con pet trong cùng một Rat King, mức độ kinh tế thì khỏi phải bàn, chưa nói tới chuyện mỗi cá thể khi tách ra đều có thể hoạt động độc lập. Cảm giác dắt pet đi khoe xong nó tự “đẻ” ra vài con nữa, thì bạn bè của chủ cứ gọi là trố hết cả mắt.
Điểm phiền phức duy nhất của Rat King là số lượng có hạn, để có thể “ấp” ra một con đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị, đi kèm thời gian ủ trứng có thể lên tới cả chục năm, cho nên bạn sẽ phải đặt trước rất lâu trước khi sở hữu được một cá thể Rat King. Đây cũng là thứ sẽ khiến Rat King thực sự có giá cho những ai muốn sưu tầm, vì chúng ta có thể tùy chỉnh cơ thể của nó theo sở thích, nói chung nuôi con này gần giống như một môn nghệ thuật luôn rồi.