Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.Cuối

Không phải nhà văn nào từng đoạt Nobel cũng có tác phẩm đầu tay được hưởng ứng và không phải cứ là game bom tấn thì chắc chắn sẽ có khởi đầu như mơ.

Đó là một nhận định tương đối chính xác bởi trong những ngày này, ngành công nghiệp game có quá nhiều yếu tố có thể khiến một trò chơi điện tử được kỳ vọng bất ngờ “sụp hố” ngay khi ra mắt. Ngày xưa khi các phương tiện đáp ứng nhu cầu giải trí còn chưa phong phú, một trò chơi bom tấn chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của đám đông cũng như những nhà phê bình.

Xét một cách công tâm có thể tựa game đó không hay như kỳ vọng nhưng ít nhất với tần suất ra mắt hạn chế của các sản phẩm cùng loại sẽ khiến cho trò chơi tồn tại trên kệ đĩa của những cửa hàng thêm một một thời gian nữa.

Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.Cuối

Tuy nhiên ngày nay điều đó hoàn toàn không thể xảy ra bởi nếu bạn phạm lỗi, dù chỉ là một tí tẹo thôi cũng sẽ có hàng ngàn hàng vạn trò chơi khác nhao nhao lao vào thế chỗ. Tất nhiên không NSX nào chủ tâm tung ra một tựa game vớ vẩn, nhất là khi nó ngốn hàng tá tiền đầu tư của họ.

Nhưng ở đời mấy bai biết được chữ ngờ, bằng cách này hay cách khác, thậm chí có những nguyên nhân hết sức trời ơi đất hỡi thì một tựa game bom tấn vẫn có thể bắt đầu cuộc đời của nó với độ khó nằm ở mức “Địa Ngục”!

Về sau có những cái tên nỗ lực vượt lên chính mình hoàn thành phó bản mức độ siêu khó để giành lại tình cảm của người chơi như FFXIV, No Man’s Sky cũng có trò chơi tự chấp nhận thân phận của kẻ bị ghét bỏ và hoàn toàn mặc kệ khách hàng như như WWE 2K20.

Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.1
Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.1
Phàm đã làm game ai chẳng muốn được khách hàng đón nhận, đó không chỉ đơn thuần là danh tiếng mà là bài toán thu hồi chi phí sản xuất lẫn tạo ra lợi nhuận.

Tóm lại qua bài viết này chúng ta đã biết những trò chơi sau này rất hot hoặc chìm nghỉm trong dòng chảy lịch sử của ngành công nghiệp game nhưng chúng đều sở hữu điểm chung là có màn ra mắt tệ hại chưa từng thấy.

Final Fantasy 14

Nói một cách nhẹ nhàng thì có thể xem bản gốc của Final Fantasy XIV, dù rất được mong đợi từ cộng đồng game thủ, chỉ đơn giản là một sự sỉ nhục không hơn không kém. Những kẻ khó tính ngày ấy còn gọi trò chơi của Square Enix là một mớ hổ lốn giữa lỗi game, sự lừa đảo và các quyết định ngu xuẩn trong khâu thiết kế.

Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.Cuối

Trong khi đó đám đông game thủ lại tập trung chỉ trích việc trò chơi có một hệ thống máy chủ hết sức khủng khiếp, giao diện người dùng kém thân thiện cùng với chuỗi nhiệm vụ cực kỳ quái đản. Nếu là một game offline, FFXIV có lẽ không bị chửi bới nhiều đến vậy nhưng đây lại là một game online thu phí mỗi tháng nên của đau con xót, người ta bỏ tiền, không hài lòng nên chỉ trích là chuyện dĩ nhiên thôi.

Đáp lại sự phản ứng dữ dội của người hâm mộ, Square Enix đã đăng lời xin lỗi chính thức về những vấn đề bất cập trong game cũng như cam kết… giảm tiền thu phí hàng tháng cho đến khi trò chơi hoàn tất sửa lỗi.

Sau một thời gian làm việc, cuối cùng phiên bản Final Fantasy XIV: A Realm Reborn chính thức ra mắt để thay thế người tiền nhiệm. Kết quả thì ai cũng biết rồi bởi đến giờ A Realm Reborn vẫn hoạt động mạnh mẽ và thu phí đều đặn.

Halo: The Master Chief Collection

Nhìn lại cái cách mà Halo: The Master Chief Collection được cải thiện sau nhiều năm, chúng ta càng thấm thía hơn câu nói bất hủ “không bao giờ là quá muộn để học cách sửa chữa sai lầm”. Hiện tại tựa game của Microsoft thường được đánh giá là chịu khó cập nhật tính năng mới thường xuyên, tìm trận đấu nhanh, đồ họa không quá lỗi thời.

Nhìn lại những tựa game có màn ra mắt tệ hại mà chúng ta từng biết – P.Cuối

Nhìn chung đều là những đánh giá tích cực và hầu hết những người chơi qua đều khuyến nghị rằng đừng lăn tăn về việc nó ra mắt từ năm 2014 bởi đây là một trò chơi cực kỳ thú vị, kể cả đối với những người không biết Master Chief là ai.

Tuy nhiên nếu quay ngược thời gian trở lại năm 2014, khi trò chơi vừa mới ra mắt, đây là một chuyện hoàn toàn khác biệt. Vấn đề lớn nhất của Halo: The Master Chief Collection nằm ở việc chế độ chơi mạng gần như không thể hoạt động một cách bình thường bởi hàng tá lỗi phát sinh như tìm trận cực lâu, mất cân bằng trong MMR hay thường xuyên mất kết nối máy chủ.

Sau đó các vấn đề được chỉnh sửa dần và NSX cũng đã chuộc lỗi với game thủ bằng một số quà tặng nho nhỏ ví dụ như bản remastered của Halo: Reach được đưa vào Halo: The Master Chief Collection chẳng hạn.

No Man’s Sky

Trước khi ra mắt No Man’s Sky, Hello Games đã “nổ” banh nhà lồng khi quảng cáo rằng đây là một bom tấn chưa từng có trong lịch sử. Quả thật khi mới ra mắt trên thị trường, trò chơi ngay lập tức đã tạo nên một cơn sốt trên khắp thế giới.

Với sức nóng của mình, No Man’s Sky dễ dàng vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng những tựa game đang hot nhất trên Steam. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, bộ mặt thật của No Man’s Sky đã nhanh chóng bị lật tẩy. Trò chơi này phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng cho đến những nhà chuyên môn.

Với lối chơi vô hồn, nhạt nhòa và lập đi lập lại, No Man’s Sky đã bị nhiều người ví như quả bom xịt lố bịch nhất của năm 2016. Với thất bại tủi hổ đó, tưởng chừng như sản phẩm này sẽ nhanh chóng lụi tàn và lùi vào dĩ vãng.

Tuy nhiên, trong muôn trùng khó khăn, nhà sản xuất của No Man’s Sky vẫn biết cách đứng dậy từ chính những sai lầm trong quá khứ. Lần lượt các bản cập nhật lớn hoàn toàn miễn phí như Next và Beyond ra đời, đã tạo ra một sản phẩm bình cũ rượu mới, một bom tấn đích thực mà người ta vẫn luôn mong đợi.

Rốt cục thì No Man’s Buy đã vượt qua phó bản địa ngục, giành lại sự tin yêu của cộng đồng game thủ thủ và trở thành No Man’s Sky nhờ vào thái độ cầu thị cũng như sự chăm chút cho sản phẩm trong giai đoạn hậu mãi của đội ngũ sản xuất.

SimCity (2013)

SimCity chỉ gặp một vấn đề nhỏ khi ra mắt lần đầu đó là nó không cho phép người ta chơi nếu khổ chủ không có hoặc không chịu kết nối mạng internet. Người hâm mộ của dòng game quản lý thành phố do Maxis phát triển không hài lòng với sự thật là họ không thể chơi phiên bản 2013 mà không kết nối internet, ngay cả khi chỉ muốn chơi một mình.

Điều này đặc biệt khó chịu khi chế độ multiplayers lại không thể kết nối trực tiếp với những người chơi khác. Tất nhiên, vụ án này chỉ là bước dạo đầu bởi sau đó người ta nhận ra máy chủ của EA yếu đuối đến nỗi thường xuyên sập mà không có lý do giải thích cụ thể.

Chung quy những ai mua bản SimCity năm ấy gần như không thể chơi tựa game mình yêu thích ngay hôm nó ra mắt, ngày tiếp theo cũng không, thậm chí là trong cả tuần sau đó. Mãi đến khi EA thực hiện một vài chỉnh sửa cũng như vô hiệu hóa số tính năng, game thủ mới có thể kết nối ổn định vào máy chủ.

Một vấn đề mới lại nảy sinh khi các thành phố bị giới hạn về kích thước và AI không thật sự thông minh như EA đã quảng cáo. Nhìn chung cảm giác của những người đã mua SimCity vào năm 2013 chính là họ tốn 60$ để mua lấy sự bực mình không hề nhẹ vì một sản phẩm fail toàn tập.

Trong vài năm sau đó cùng với nhiều bản vá, EA đã dần chỉnh sửa lại hết những vấn đề bất cập trong trò chơi và hiện nay có thể xem nó như một sản phẩm thú vị. Nhìn chung số điểm tổng hợp tại MetaCritic vào năm 2013 đã không còn phù hợp ở hiện tại nhưng lại… không oan chút nào bởi lúc ra mắt trò chơi này thật sự là một thảm họa.

WWE 2K20

Từ ngày 2K Games tiếp quản thương hiệu WWE, không có năm nào mà trò chơi này không bị chỉ trích nhưng 2020 là một ngoại lệ. Ngoại lệ bởi vì WWE2K20 là sản phẩm hoàn toàn bị ghét bỏ từ giới phê bình cho đến những fan hâm mộ lâu năm. Trước đây dù có bị chê bai thế nào thì những người trót mê bộ môn đấu vật biểu diễn cũng sẽ cắn răng hoặc tặc lưỡi cho qua để rước về phiên bản game mới mà mình yêu.

Nhưng năm nay có lẽ 2K đã đi quá xa (và đi lạc luôn) hoặc cũng có thể sức chịu đựng của người hâm mộ là có giới hạn nên doanh số thê thảm của WWE2K20 đã chỉ rõ một điều. Sự tồi tệ của 2K Sports chưa bao giờ có điểm cuối hay văn vẻ một tí là không có tệ nhất, chỉ có tệ hơn.

Trước ngày game ra mắt chính thức, như một thói quen, người ta lại nghĩ năm nay WWE2K20 lại bị những anti-fan chỉ trích vì lý do gì. Nhưng các trang thống kê như Metacritic đã cho thấy một cơn bão cấp 12 đang manh nha hình thành ngoài khơi Đại Tây Dương với số điểm tổng hợp là 44 trên PlayStation và còn kinh khủng hơn là 39 trên hệ máy Xbox One.

Nên biết dân châu Á khoái chơi PS4 và dân Mẽo thì chuyên trị Xbox. Trong khi đó đô vật biểu diễn WWE lại là hình thức giải trí quốc hồn quốc túy của người Mỹ và ngay cả dân bổn quốc còn không ưa được cái game này thì thiên hạ ai chấp nhận cho nổi?

Tại sao nó lại thảm hại đến như vậy? Nhiều người cho rằng con game này “flop” là vì quá quá nhiều lỗi kinh dị kể từ ngày ra mắt đến giờ vẫn chưa được sửa. Số khác cho rằng sự cẩu thả trong nhiều năm của 2K Sports đã khiến sức chịu đựng của game thủ đạt đến giới hạn.

Tất cả đều đúng nhưng thực tế thứ khiến WWE2K20 bị ghét nhất chính là sự tụt hậu kinh khủng so với phiên bản trước đó. Hãy cùng nhìn lại vấn đề này và hy vọng Visual Concept cùng 2K sẽ rút kinh nghiệm để trở lại mạnh mẽ với WWE 2K21 vào năm tới, trong trường hợp họ còn muốn làm tiếp thương hiệu game này.

Nội dung