Game thế giới mở đang được coi là xu hướng làm game hợp thời thượng trong giai đoạn hiện nay, đã có không ít những thương hiệu trò chơi lâu đời đã nhanh chóng bắt kịp trào lưu khi chuyển mình từ tuyến tính sang thể loại này.
Xét về mặt tích cực, rõ ràng game thế giới mở cũng mang lại những sự hấp dẫn riêng biệt, đặc biệt là việc cho người chơi sự tự do khám phá tất cả những gì mà nhà phát triển đưa vào. Cũng có những nhận định cho rằng Open World chính là mục đích, là tham vọng của các hãng game ngay từ khi video game xuất hiện trên thế giới này. Và chúng ta hãy cùng đến với những tựa game thế giới mở thú vị đã ra mta81 trong thời gian qua.
Phụ lục
Subnautica
Không biết đã có ai từng đọc cuốn tiểu thuyết ‘Hai vạn dặm dưới đáy biển’ của nhà văn Pháp, Jules Verne chưa. Được đánh giá là một trong những tiểu thuyết mạo hiểm xuất sắc nhất, cũng như là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của ông. Cuốn sách kể về những câu chuyện phiêu lưu dưới đáy biển mà tiến sĩ Pierre Aronnax đã trải qua.
Về bản thân ông Jules Verne, được xem là một nhà văn có ‘tầm nhìn đi trước thời đại’. Đặc trưng nhất là những đặc điểm về chiếc tàu ngầm Nautilus của thuyền trưởng Nemo, được nhà văn mô tả có rất nhiều nét tương đồng với một chiếc tàu ngầm hiện đại, trong một thời kỳ chưa có sự tồn tại của bất kỳ loại phương tiện nào có thể lặn xuống dưới mặt nước.
Đến với Subnautica, có thể xem là một game được dựa trên ý tưởng mà cuốn tiểu thuyết ‘Hai vạn dặm dưới đáy biển’ đem lại. Chính vì vậy, đây là tựa game dành cho những ai có sở thích khám phá những bí mật của đại dương sâu thăm, cũng như đã từng đọc qua tác phẩm đi trước thời đại này.
Tuy ra đời cùng thời điểm với FarSky (một tựa game sinh tồn dưới đáy đại dương), nhưng Subnautica đã chứng minh sự thành công của mình qua rất nhiều bản cập nhật, thêm nội dung mới cho gameplay và bỏ xa đối thủ của mình trong suốt một quãng thời gian dài, rất dài là đằng khác.
Đối với Mọt, ngoài việc là một fan ‘cực kỳ cứng’ của thể loại game thế giới mở, thì Mọt còn có một sở thích đó là tìm hiểu về những bí ẩn dưới đáy biển. Mọt cực thích cảm giác được quan sát các loài sinh vật đại dương thi nhau bơi lội, hay chứng kiến những trận chiến đấu ác liệt giữa những con thuỷ quái khổng lồ. Sau khi đến với Subnautica, Mọt đã thực sự bị ‘cuốn’ theo những luồng nước và xuống sâu dưới lòng đại dương.
Subnautica đã tạo nên một điểm nhấn cho thể loại sinh tồn nói riêng và game thế giới mở nói chung. Đồng thời, mang lại một sức sống mới cho khái niệm ‘bí mật của biển cả’. Không chỉ dừng lại ở đó, tựa game này còn hỗ trợ VR cho các máy thực tế ảo như HTC Vive và Oculus Rift, giúp cho game thủ có thể trải nghiệm được nỗi sợ của đại dương sâu thẳm một cách trọn vẹn nhất.
Death Stranding
Đến với Death Stranding, đây là tựa game đầu tiên mà Hideo Kojima cho ra mắt ngay sau khi rời khỏi Konami. Trò chơi này từng được các game thủ ví là trò chơi giả lập vận động di chuyển bằng 2 chân hay nói trắng ra là “đi bộ”
Mục tiêu của nhân vật chính Sam Porter Bridges là xây dựng lại nước Mỹ, bằng việc liên kết các thành phố và những người sống sót với một mạng lưới gọi là Chiral Network. Điều đặc biệt hơn, người chơi buộc phải ‘đi bộ’ hàng ngàn dặm, vượt qua không biết bao nhiêu hiểm nguy, để có thể thực hiện nhiệm vụ được giao.
Một trong những cảnh tượng trông khá thú vị mà Mọt nhớ lại, là những chuyến ‘đi bộ giao hàng’ vừa xa vừa cồng kềnh như thế này thường trông rất hài hước. Cả cơ thể của nhân vật phải vác cả tấn hàng trên lưng, lỡ trượt chân hay va đập nhẹ là coi như đổ sạp xuống hết. Những lúc đó, Mọt tự hỏi ‘bây giờ làm thế nào để đi tiếp đây?’ Sau đó, bước đi từng bước một, chậm mà chắc, cuối cùng cũng đến được điểm đến.
Không dừng lại ở đó, những hiểm nguy còn rình rập game thủ dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trong số đó là các băng cướp, chúng sẽ tấn công và cướp lấy hàng hoá của bạn, khiến bạn phải ‘mò’ vào trại của chúng để lấy lại những món hàng của mình.
Đấy là một trong những trải nghiệm mà Mọt phải nói là ‘khá kì cục’ nhưng rất vui và cực kỳ thú vị. Đem lại cảm giác thoả mãn vì mình thực sự đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình, cho dù gian nan hay phải ‘đi bộ’ xa như thế nào đi nữa.
Elite: Dangerous
Thực sự mà nói, rất ít game open world làm về đề tài vũ trụ khoa học viễn tưởng mà thành công như Elite: Dangerous. Đến với tựa game ‘du ngoạn’ vũ trụ này, game thủ có thể bay phi thuyền của mình qua Dải Ngân hà rộng lớn, chiến đấu với bọn ‘cướp biển không gian’. Hoặc nếu muốn, các bạn cũng có thể tự trở thành những tên cướp ấy luôn.
Chưa hết đâu, tựa game này còn sở hữu tính năng khai thác tài nguyên, một điều gần như không thể thiếu trong các tựa game thế giới mở. Không những thế, người chơi còn được phép vận chuyển và buôn bán hàng hóa hoặc đơn giản nhất, là du ngoạn khám phá các ngôi sao, hành tinh và các hệ mặt trời chưa được phát hiện.
Với hơn 400 tỷ hệ hành tinh đầy bí ẩn, Elite: Dangerous đã tạo ra được một tựa game du hành không gian cực kỳ xuất sắc. Những cú nhảy ‘xuyên không gian’ được thực hiện rất tuyệt vời, mang lại cảm giác choáng ngộp như khi xem bộ phim Interstella vậy. Mọt đã nhắc đến việc game này còn có lỗ đen chưa nhỉ? Game này còn có lỗ đen nữa nghen, một trong những bí ẩn lớn nhất của nhân loại với câu hỏi chưa có lời giải đáp: ‘Bên trong lỗ đen là gì?’ Nhìn thôi đã thấy sợ rồi, chứ đừng nói đến việc bay phi thuyền lại gần.
Bên cạnh không gian vũ trụ tối tăm và mênh mông đến đáng sợ, là hệ thống giao tranh giữa các tàu phi thuyền với nhau. Nói cho dễ hiểu, đó chính là chiến đấu giữa các phi thuyền vũ trụ, như Stars War vậy. Bên trong phi thuyền của bạn, tất cả những bộ phận đều có thể tháo ra, ráp lại hoặc thậm chí là sửa chữa và nâng cấp được. Mọi thứ đều phục vụ cho nhu cầu của game thủ, cho dù đó là một chiếc phi thuyền chiến đấu, hay là một chiếc tàu thồ hàng.
Starbound
Nhắc đến Starbound, chắc có lẽ Mọt nên giới thiệu sơ về tựa game này một tí, đây là một game phiêu lưu hành động được phát triển trên giao diện 2D, xuất bản bởi Chucklefish. Tựa game này sở hữu một thế giới được tạo ra nhờ những thuật toán ngẫu nhiên, giống như Terraria hoặc Minecraft vậy.
Trong thế giới của tựa game 2D này, người chơi có thể tự do du ngoạn và khám phá để có được vũ khí, áo giáp và những vật phẩm mới. Người chơi còn có thể tìm được các thị trấn, làng mạc cùng với những cư dân ngoài hành tinh, đa chủng tộc khác nhau.
Starbound mang đến cho người chơi một hệ thống những hoạt động đa dạng, từ việc chiến đấu, đánh boss, đến khám phá, khai thác tài nguyên và sinh tồn. Không những thế, các bạn còn có thể chế tạo, xây dựng căn cứ cho riêng mình.
Đó là những yếu tố khiến cho thế giới 2D này trở nên quyến rũ. Bất kể bạn làm gì, ở đâu, có những dự tính như thế nào, bạn cũng sẽ nhận thấy được Starbound là một thế giới hấp dẫn, rất xứng đáng để dành ra hàng trăm giờ trải nghiệm.
The Elder Scrolls 3: Morrowind
Đã 18 năm trôi qua, The Elder Scrolls 3: Morrowind vẫn mang lại cho Mọt cảm giác tuy xa lạ mà rất thân quen, gợi nhớ một cái nhìn thoáng qua của một thế giới đã bị quên lãng trong năm tháng.
Morrowind như mô phỏng lại những con phố từ thời Victoria, tuy lâu đời và lỗi thời nhưng vì một lí do nào đó vẫn rất cuốn hút người chơi. Tựa game này còn được xem là ’cầu nối’ giữa các game bom tấn 3D hiện đại và các trò chơi RPG đặc sắc đã từng tồn tại trong quá khứ.
Tính năng tạo nhân vật lúc bấy giờ được thiết kế khá chi tiết. Game thủ có thể tự do chọn tên, tuổi, chủng tộc, giới tính và những thuộc tính cần thiết cho nhân vật của mình. Không những thế, những sự lựa chọn đó cũng sẽ ảnh hưởng đến thông số nền, kỹ năng khi bắt đầu trò chơi.
Trải nghiệm tựa game Morrowind, cũng giống như chơi một tựa game cờ bàn vậy. Bạn bị hạn chế hơn bởi những gì bạn chọn cho nhân vật của mình, từ chủng tộc đến các chỉ số thuộc tính và kỹ năng.
Hệ thống phép thuật cũng rất chi tiết, có rất nhiều thứ bạn có thể làm được. Chỉ trong vài giờ chơi mà Mọt đã có thể tạo ra một cuộn giấy phép thuật, cho phép thực hiện những cú nhảy cực cao lên trời, khá tiện cho việc di chuyển.
Nếu Mọt nhớ chính xác, thì tựa game này không có giới hạn cấp độ, vì vậy các bạn hãy chuẩn bị tinh thần ‘ngủm’ dài dài nhé.
Còn tiếp…