Những bí quyết nào đã giúp PopCap trở thành ông hoàng mini game ngày trước? – P.1 - PC/Console

Từ một dự án được lập nên trong nhà để xe, PopCap đã trở thành ông hoàng của thể loại game casual với rất nhiều thương hiệu game kinh điển nhất ngành công nghiệp trò chơi.

Bằng cách nào đó, mọi người dường như đều yêu thích PopCap. Từ một dự án trong nhà để xe, 3 chuyên viên lập trình máy tính đã tạo nên một tượng đài trong ngành công nghiệp game, ông hoàng của thể loại game casual. Mặc dù John Vechey, Brian Fiete và Jason Kapalka có những ý tưởng rất khác nhau về việc chơi game, nhưng cuối cùng họ cũng tìm được tiếng nói chung.

10 bí quyết đã đưa PopCap trở thành ông hoàng của game casual

Ban đầu, họ gọi công ty là Sexy Action Cool và bắt đầu phát triển một trò chơi bài. Về sau họ mới nhận ra tiềm năng và bắt đầu nhắm vào thị trường game casual khi đó vẫn còn đang non trẻ. Giờ đây, PopCap chịu trách nhiệm cho một số thương hiệu game casual phổ biến và thành công nhất mọi thời đại. PopCap cũng là ví dụ về cách thành công trong ngành game đầy cạnh tranh mà không tạo ra vô số kẻ thù. Ngay cả sau khi EA mua lại và phải chịu cảnh những người sáng lập dần dần rời bỏ, hãng vẫn nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ cộng đồng người hâm mộ cũng như các hãng phát triển khác.

Trong bài viết lần này, bạn đọc hãy cùng Mọt tui đi tìm hiểu về những lý do, bí quyết đã giúp cho PopCap trở nên thành công được như vậy.

1/ Bỏ qua khía cạnh cạnh tranh

Những bí quyết nào đã giúp PopCap trở thành ông hoàng mini game ngày trước? - P.1

Mặc dù PopCap thường làm việc với những game casual quen thuộc, một thể loại có rất nhiều hãng phát triển khác cùng cạnh tranh, tuy nhiên họ tuyên bố rằng chưa bao giờ nhìn vào những thành công từ nhà phát triển khác.

Không phải chúng tôi cố tình không học hỏi từ các đối thủ cạnh tranh,” Matthew Lee Johnson nói. “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận bất cứ bài học nào. Tôi nghĩ rằng thật dễ dàng để thấy những gì thành công hay thất bại trên thị trường, nhưng điều quan trọng là chúng tôi biết lắng nghe trái tim mình và làm những gì phù hợp với khả năng của mình. Đó không hẳn là những gì phổ biến hay những gì mà các đối thủ khác đang thành công, chúng tôi đưa ra quyết định có lợi cho game thủ và khiến trò chơi trở nên hấp dẫn.”

Có thể thấy rằng một trong những bí quyết dẫn tới thành công của PopCap chính là việc hãng tự xác định được mình phải làm gì trong các trò chơi của mình. Họ dường như không mấy bận tâm tới áp lực từ những hãng phát triển khác hay những gì được coi là phổ biến trong thị trường. Họ thậm chí còn chẳng mấy quan tâm tới việc phải tạo ra một thứ gì đó lớn lao hơn, họ cũng chẳng muốn mình là người dẫn đầu xu thế.

Thực tế cho thấy PopCap dường như luôn đi chậm hơn so với các đối thủ, nhưng cuối cùng thành công của họ lại được duy trì trong một thời gian dài. Cái tên PopCap chẳng cần là người dẫn đầu xu thế nhưng lại để lại được ấn tượng mạnh với đông đảo game thủ.

2/ Làm game cho tất cả mọi người

Những bí quyết nào đã giúp PopCap trở thành ông hoàng mini game ngày trước? - P.1

Một điều quan trọng nữa trong cách thiết kế game của PopCap là hãng cũng chẳng cần phân tích hay nhắm mục tiêu nhân khẩu học cụ thể nào. Bởi lẽ, họ dự định làm game cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, ngành nghề,…

Theo thống kê, các trò chơi của PopCap luôn có tỷ lệ người chơi nữ giới cao hơn nam giới, nhưng dường như điều này cùng với các kết quả khảo sát chưa bao giờ trở thành định hướng cho quá trình thiết kế game của hãng cả. Từng yếu tố được thêm vào mỗi trò chơi là những câu hỏi mà PopCap trăn trở. Họ lo sợ tính năng mới được thêm vào đó không được đông đảo người chơi đón nhận, hay khiến cho một bộ phận người không muốn chơi game.

Nhìn lại thời điểm phát triển Plants vs Zombies. Khi nhà thiết kế George Fan lần đầu tiên đưa ra ý tưởng trò chơi, nó vốn được lên kế hoạch là các loài cây chống lại cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên quá vô lý khi các sinh vật ngoài vũ trụ (nếu có) quá thông minh để trở thành nạn nhân của một khu vườn, do đó anh đã chuyển sang thiết kế zombie.

Khi chuyển sang các nhân vật thây ma, đội ngũ thiết kế của PopCap buộc phải loại bỏ đi yếu tố kinh dị, thay vào đó là những hình ảnh con zombie dễ thương để trẻ em nhìn vào không hề thấy sợ hãi. Cuối cùng, như chúng ta đã biết, Plant vs Zombies mặc dù là game nói về cuộc chiến bảo vệ khỏi lũ xác sống, nhưng chẳng ai thấy sợ. Trái lại, trò chơi đã trở thành ấn tượng khó phai trong tâm trí bất cứ game thủ nào.

3/ Kiếm tiền dựa trên niềm tin

Những bí quyết nào đã giúp PopCap trở thành ông hoàng mini game ngày trước? - P.1

Cũng như nhiều nhà phát triển game casual khác, hầu hết game của PopCap là miễn phí. Doanh thu của hãng tới từ việc mua hàng trong ứng dụng, bao gồm cả các hàng hóa ảo. Cho tới ngày nay, mô hình kinh doanh này vẫn rất gây tranh cãi, nó bị lạm dụng tới mức rất nhiều game thủ cảm thấy mình bị lợi dụng. Vậy trước đó, PopCap đã làm thế nào để không khiến game thủ cảm thấy ghét với mô hình này?

Chúng tôi nói tới điều đó gần như mỗi ngày,” Johnston nói. “Đó là một triết lý phát triển. Chúng tôi muốn tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời bất kể bạn là khách hàng nào. Nhưng rõ ràng việc phát triển game không miễn phí, vì vậy chúng tôi cần phải bảo đảm rằng mình có mối quan hệ cùng có lợi với game thủ.”

Từ quan điểm thiết kế, những người làm việc với các trò chơi ở PopCap cảm thấy có sự kết nối mạnh mẽ với game thủ, bởi chính họ cũng là một người chơi,” Johnston tiếp tục. “Một trong những phép ẩn dụ mà tôi thường xuyên sử dụng chính là, hãy tưởng tượng việc thiết kế game giống như một cuộc đối thoại trực tiếp. Nếu chúng ta đang nói chuyện và tiền xuất hiện trong cuộc đối thoại đó, nó phải là sự hiện diện thân thiện. Tiền để đổi lấy giá trị hoặc tôi mỉm cười với bạn và rút tiền ra đưa cho bạn. Thời điểm giao dịch có lẽ là phần quan trọng nhất, cũng là lúc mọi người nhớ nhất và cũng là thời điểm nhạy cảm nhất. Chúng tôi cực kỳ trân trọng điều đó ở game thủ và tôi nghĩ mọi người cũng tin tưởng PopCap.”

Trong bất cứ loại hình phát triển trò chơi nào, những nhà phát triển game có rất nhiều cách để tiếp cận và thao túng hành vi của game thủ. PopCap đã thực hiện cách tiếp cận nhằm đem lại giá trị cho người chơi. Họ tôn trọng khách hàng của mình và không cố bắt người chơi rút thẻ tín dụng ra thanh toán cho những điều vô lý. Điều đó đã khiến cho khách hàng trung thành chịu trả tiền của PopCap ngày một tăng lên dù trò chơi của họ gần như là miễn phí.

4/ Mọi người đều là nhà thiết kế game

Những bí quyết nào đã giúp PopCap trở thành ông hoàng mini game ngày trước? - P.1

Những studio thiết kế trò chơi thực sự sáng tạo đều tổ chức sự kiện đặc biệt, nơi các nhân viên tập hợp thành những nhóm nhỏ để đưa ra những ý tưởng mới về trò chơi của họ. Đó là cách mà hãng phim Double Fine của Mỹ tôn trọng chất xám trong công ty của mình. Và PopCap cũng có sơ đồ hoạt động tương tự.

Chúng tôi có một quy trình được gọi là Popcamp, nơi chúng tôi duy trì thời gian hoạt động trong suốt cả năm và bất cứ ai trong studio đều có thể đăng ký tham gia,” Ed Allard từ PopCap chia sẻ. “Một trong những nguyên tắc cơ bản là bạn không thể làm việc một mình, bạn phải có một nhóm người hỗ trợ ở đằng sau. PopCap bắt đầu với 3 chàng trai làm việc trong nhà để xe, đó không phải là 1 mà là 3 người. Nhìn rộng ra việc phát triển game là một nỗ lực đa ngành. Vì vậy, tôi có dự án và có một nhóm người cùng nhau làm việc trong một tuần. Sau đó, chúng tôi thực hiện một buổi họp mặt, nơi chúng tôi trình bày toàn bộ tất cả những gì có trong dự án đó và tất cả mọi người, từ nhóm tiếp thị tới phát hành, đều có mặt và có thể đóng góp ý kiến. Đó là một quá trình thực sự tuyệt vời.”

5/ Truyền miệng là một cách marketing quan trọng và cần thiết nhất

Những bí quyết nào đã giúp PopCap trở thành ông hoàng mini game ngày trước? - P.1

PopCap cho rằng cách marketing tốt nhất cho các trò chơi của họ là chính những trò chơi đó. Trên thực tế, PopCap không hề quảng bá trò chơi của họ trong khoảng 5 năm đầu tiên. Do đó, hãng có xu hướng công bố từng sản phẩm của mình trên một nền tảng nào đó trước, sau đó xem thử xem mức độ lan tỏa và truyền miệng giữa những game thủ trong cộng đồng đó, rồi cuối cùng mới tính tới việc sửa đổi.

Đối với một hãng game, việc phát hành trò chơi trên nhiều nền tảng cũng là một cách mở rộng cộng đồng của mình, làm cho nhiều người chơi trên các nền tảng khác biết tới trò chơi hơn. Tuy nhiên, đối với PopCap, họ xem điều đó không quan trọng bằng việc liệu một ý tưởng có tạo ra được tiếng vang hay không. Khi ý tưởng đó bắt đầu được một nhóm người đón nhận, họ sẽ có đà để phát triển theo đúng hướng để từ một nhóm người đón nhận sẽ nhân rộng lên thành một cộng đồng to lớn thông qua việc người chơi chia sẻ lẫn nhau.

Minecraft và những điều thú vị có thể bạn chưa biết
Minecraft và những điều thú vị có thể bạn chưa biết
Ít ai biết rằng cha đẻ của Minecraft, Markus “Notch” Persson chưa từng có ý định phát triển trò chơi thành một thứ gì đó to lớn hoặc đại loại vậy.

Cho dù bạn có cố gắng thực hiện các chiến dịch marketing hào nhoáng và lớn tới nhường nào cũng không đủ sức mạnh với những lời truyền miệng hay những chia sẻ trong một cộng đồng với nhau.

(Còn tiếp)

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Những bí quyết thành công của PopCap
  1. Những bí quyết nào đã giúp PopCap trở thành ông hoàng mini game ngày trước? – P.1