Ark: Survival Evolved có đáng chơi không? Mọt xin trả lời ngay rằng có. Dù còn rất nhiều thiếu sót (ngay cả sau khi đã phát hành chính thức), trò chơi có thể đem lại cho game thủ vô số giờ giải trí vui nhộn với gameplay độc đáo của mình. Mọt xin đảm bảo cho điều này: trong bài đánh giá của mình (và cũng là bài viết đầu tiên của tác giả trên Kênh Tin Game), Mọt đã chia sẻ với các bạn về trải nghiệm của mình với trò chơi. Đại đa số các thông tin mà Mọt tui cung cấp trong bài đánh giá này đến nay vẫn còn chuẩn xác, chỉ trừ việc game đã có nhiều cập nhật đem lại cho game thủ các bản đồ mới (cả free lẫn thu phí) và một số tinh chỉnh nhỏ giúp game chạy mượt mà hơn chút đỉnh trên PC.
Trailer giới thiệu gói DLC Genesis của Ark: Survival Evolved.
Ark: Survival Evolved là game thuần hóa khủng long
Khi nói đến Ark, ai cũng gọi nó là một tựa game sinh tồn và vì thế có thể bạn sẽ liên hệ nó với Minecraft, Terraria hay Don’t Starve, những tựa game có phần chơi sinh tồn khá đơn giản, nhẹ nhàng và không đòi hỏi nhiều công sức cày cuốc. Tuy nhiên Mọt phải nhấn mạnh rằng ấn tượng này là hoàn toàn sai lầm: dù Ark cũng là game sinh tồn, nhà phát triển Studio Wildcard định hướng nó gần như một game MMORPG cày cuốc. Trò chơi có các server chính thức riêng của mình và cơ ngơi cũng như nhân vật của bạn sẽ nằm lại trong server ngay cả khi bạn thoát game.
Dù vào thời buổi ban đầu, game thủ cần phải làm mọi việc bằng đôi tay của mình nhưng khi đến giai đoạn giữa game, bạn không cần (và cũng không thể) tự làm mọi việc. “Nhân vật chính” của game không phải là lũ người trần mắt thịt mà bạn điều khiển, mà là những con khủng long và các loài quái vật lảng vảng khắp nơi trong game. Mỗi loài trong số này có những kỹ năng riêng giúp việc thu thập tài nguyên, khai thác vật liệu, vận chuyển hàng hóa… đơn giản hơn rất nhiều, và vì thế nếu muốn thành công trong Ark: Survival Evolved, bạn sẽ cần một binh đoàn khủng long đủ chủng loại, từ bay trên trời, chạy trên đất, bơi trong nước.
Tuy nhiên, Mọt tui không khuyên bạn chơi các server dùng luật chính thức của Ark: Survival Evolved, bởi tựa game này có mức độ cày cuốc kinh hoàng. Một ví dụ đơn giản: để thuần hóa một con khủng long loại tầm tầm trong game, bạn sẽ phải bỏ ra từ 2 đến 10 giờ (ngoài đời) để canh chừng và liên tục nhét đồ ăn, thuốc ngủ cho con khủng long. Do sức chứa của inventory khủng long có hạn, có thể bạn (hoặc các đồng bọn trong bộ tộc) sẽ phải liên tục đăng nhập vào game tiếp tế thực phẩm cho con vật, và nếu lỡ quên thì con khủng long sẽ tỉnh dậy bỏ đi, khiến nỗ lực thuần hóa nó thất bại hoàn toàn. Tăng rate thuần hóa sẽ rút ngắn khoảng thời gian này một cách đáng kể, giúp cuộc chơi của bạn mượt mà và thú vị hơn.
Bên cạnh đó, một hạn chế đáng kể khác của Ark: Survival Evolved là về lượng người chơi. Nếu không thích chơi kiểu “luật rừng” của các server chính thức mà chỉ muốn co-op vui vẻ cùng bạn bè, game thủ sẽ phải tự host qua mục Multiplayer của game nhưng nó chỉ cho phép 4 người kết nối cùng lúc. Nếu có nhiều bạn bè cùng muốn chơi tựa game này, có thể bạn sẽ muốn thuê server và tạo host riêng qua các dịch vụ cho thuê server đầy rẫy trên internet. Nhóm bạn của Mọt tui thuê server của Nitrado với giá khoảng 311.000 đồng / tháng hỗ trợ tối đa 10 người, và khi chia đều thì số tiền mỗi người trong nhóm phải trả chỉ bằng hai dĩa cơm.
Việc tạo server riêng để chơi cùng người khác là phương thức chuẩn nhất, tốt nhất để chiến Ark. Khi chọn phương pháp này, bạn không những có thể co-op cùng bạn bè để khám phá một thế giới rộng lớn và nhiều tầng lớp (hang động, núi non, đáy biển…) mà còn có thể thỏa sức xây dựng theo trí tưởng tượng của mình nhờ sự phong phú của tài nguyên. Chỉ cần nâng rate tài nguyên lên vài chục lần, một cái cây nay có thể đem lại cho bạn đủ gỗ làm tường, vỏ cây lợp nhà – nếu không nâng rate, có thể bạn sẽ phải dọn cả một cánh rừng và đi đi lại lại hàng chục lần chỉ để dựng bốn bức tường mà thôi!
Những vấn đề của Ark: Survival Evolved
Vào thời điểm viết bài review Ark: Survival Evolved cuối năm 2017, Mọt tui đang thử nghiệm một card đồ họa NVIDIA GTX 1080Ti 11GB nên tự tin đẩy toàn bộ tùy chọn đồ họa của game lên cao nhất (Epic) ở độ phân giải 1920×1080. Kết quả Mọt nhận được là số khung hình trung bình 45,3 do game tối ưu kém, cộng thêm các vấn đề kỹ thuật như texture (vân bề mặt) của game load rất chậm, tràn RAM… May mắn là đến lúc này, hiệu năng của Ark: Survival Evolved đã được cải thiện khá nhiều: trên card RTX 2070 và độ phân giải 2560×1440, Mọt có khoảng 50-60 FPS ở các thiết lập cao nhất và gần cao nhất.
Về mặt gameplay, thế giới tươi đẹp và đầy màu sắc của Ark: Survival Evolved ẩn chứa khá nhiều vấn đề. Ngoài sự gian khổ trong việc cày nguyên liệu và thuần hóa khủng long mà Mọt đã nhắc đến bên trên. Địa hình là một ví dụ, do bản đồ của Ark: Survival Evolved rất rộng lớn và nhiều tầng lớp, các bug có liên quan đến địa hình như rơi xuyên bản đồ hoặc các khu vực “chỉ vào không ra” tồn tại ở khá nhiều nơi trong game. Túi đồ của game thủ cũng hay bị lag khiến món này mang hình dạng món kia, các loài động vật cỡ lớn trong game cứ bị glitch xuyên tường, game thỉnh thoảng bị crash sau khi chơi lâu…
Nhưng vấn đề khó chịu nhất của Ark nằm ở hệ thống xây dựng của nó. Nếu tìm xem các video xây dựng công trình trong Ark trên YouTube, bạn có thể sẽ tìm thấy những video thể hiện cảnh các YouTuber xây những công trình đủ mọi góc cạnh vuông tròn xiên xéo, nhưng để làm được điều đó, bạn sẽ phải vật lộn với hệ thống xây dựng của trò chơi. Studio Wildcard cho các mảnh tường, sàn, mái… có thể tự bắt dính vào các phần đã được đặt sẵn với mục đích giúp việc xây dựng dễ dàng hơn, nhưng vấn đề là tính năng này hoạt động một cách “tùy tâm sở dục” nên để đặt được các mảnh vào đúng chỗ cần thiết, bạn sẽ phải làm đủ trò bay nhảy, xoay trở, nhào lộn như thể một vận động viên aerobic chuyên nghiệp.
Vui nổ trời
Bạn có nhớ Mọt nói rằng nhân vật của game thủ vẫn nằm lại trong game dù đã log out? Thiết lập đặc biệt này đem lại cho Mọt tui những cuộc vui nổ trời khi cả đám thay phiên nhau làm troll và nạn nhân của troll. Một game thủ nào đó có hẹn với bồ và vắng mặt trong buổi cày đêm của cả lũ FA? Lần kế tiếp đăng nhập vào game, anh ta sẽ thấy nhân vật của mình bị còng tay trong một căn phòng tối như mực, phải kêu gào đòi được thả trong khi cả đám cười tắt thở trên Discord của team.
Những tương tác giữa game thủ với lũ khủng long hoang dã cũng hết sức vui nhộn. Trò chơi sẽ dạy cho bạn biết rằng thiên nhiên hoang dã xung quanh luôn vô cùng nguy hiểm nếu bạn không có khủng long đã được thuần hóa đi cùng. Những kẻ địch nguy hiểm nhất trong game thường là những thứ bạn không ngờ nhất, chẳng hạn lũ hải ly tưởng chừng hiền lành sẵn sàng đánh chết người chơi nếu bạn động vào tổ của chúng, trong khi những con khủng long chả to hơn con mèo là bao có thể đưa bạn vào giấc ngủ ngàn thu bằng khả năng gây mê của mình.
Bên cạnh yếu tố multiplayer vui nhộn, một trong những điểm sáng của Ark: Survival Evolved là các nhân vật chính của nó – ý Mọt muốn nói tới các sinh vật hoang dã chứ không phải người chơi. Dù là khủng long “bình thường,” lũ robot lạ lùng hay những con côn trùng khổng lồ, những sinh vật lang thang trong thế giới của game luôn khiến người chơi phải dè chừng nhưng lại không thể cưỡng lại tham vọng thuần hóa và khám phá năng lực đặc biệt của chúng. Phương thức thuần hóa từng loại sinh vật cũng có nhiều khác biệt nên game thủ sẽ luôn có những điều mới mẻ để khám phá khi chơi game.
Lời kết
Với kinh nghiệm “chiến” Ark: Survival Evolved cùng các DLC trong Season Pass của game, Mọt xin được đảm bảo rằng đây là một trò chơi rất thú vị nếu bạn có thể tìm được chiến hữu cùng chơi. Vấn đề nghiêm trọng nhất của game hiện tại là cày cuốc nặng nề nhưng có thể được khắc phục bằng cách tăng rate trong phần cài đặt server. Những gì không vượt qua được bằng phương thức này như lỗi địa hình, kho đồ, tối ưu kém thì bạn có thể… cắn răng chấp nhận, bởi dù phần nào ảnh hưởng đến trải nghiệm của game thủ, những lỗi này không đến mức phá nát trò chơi.