Mega Man, hay còn gọi là Rock Man, là một trong những series game huyền thoại đối với mỗi game thủ. Là game thủ, có lẽ không ai không biết đến Mega Man trong quãng thời gian tuổi thơ của mình. Nhưng nổi tiếng là vậy, quen thuộc với mỗi thế hệ game thủ là vậy, liệu bạn đọc đã biết hết về series này chưa? Mega Man vẫn còn đó rất nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết.
Blue Bomber chỉ có màu xanh là do phần cứng của NES
Có một lý do cho màu xanh mặc định của nhân vật Blue Bomber của Mega Man. Đó không phải là màu biểu tượng ban đầu, không phải là màu yêu thích của nhà thiết kế, Blue Bomber có màu xanh đơn giản vì đây là màu mà phần cứng của NES thể hiện tốt nhất.
Vào cuối thập niên 80, nhà sản xuất Keiji Inafune đang đau đầu để tìm ra một tông màu thích hợp cho Mega Man. Tuy nhiên, vì phần cứng của NES thời bấy giờ rất hạn chế nên ông không có nhiều lựa chọn. Inafune giải thích: “Chúng tôi đang sử dụng Nintendo, chúng tôi phải làm cho nhân vật có màu xanh. Mặc dù có tới 56 màu sắc để lựa chọn nhưng màu xanh là màu được thể hiện chi tiết nhất.”
Rõ ràng Inafune có sử dụng nhiều màu sắc khác khi Mega Man chuyển đổi vũ khí nhưng màu xanh được sử dụng trong phần lớn thời gian, và gần như đây là màu mặc định thương hiệu của Blue Bomber. Nhưng một điều khá buồn cười là vài năm sau đó, họ lại tạo ra một nhân vật có tên Blues nhưng lại lấy màu đỏ làm màu thương hiệu.
Câu chuyện về box art đầu tiên xấu thậm tệ của Mega Man
Box Art đầu tiên của Mega Man quả thực phải là thứ đáng quên nhất trong lịch sử phát triển của dòng game này. Khi được “chiêm ngưỡng” Box Art của Mega Man phần đầu, người hâm mộ không thể dùng bất cứ 1 từ ngữ nào để diễn tả. Box Art có nhân vật Mega Man được vẽ dưới dạng tả thực chứ không phải hoạt hình. Đó là một anh chàng có màu da sạm già nua cùng các vết nhăn, trái ngược với hình ảnh một cậu bé đầy sức sống và sự gan dạ. Khuôn mặt của Mega Man không thể khó chịu hơn, dường như anh cũng đang thấy khó chịu với Box Art của mình.
Nhưng điều gây khó chịu nhất của Box Art này là sự kết hợp màu sắc không thể chấp nhận nổi của màu vàng và xanh truyền thống. Chưa kể tới việc anh chàng này cầm súng lục, trong khi vũ khí của Mega Man là một khẩu cannon được gắn ở tay. Sau nhiều năm, vẫn chưa có ai lên tiếng chịu trách nhiệm cho bản Box Art này của Mega Man.
Tuy nhiên, tới năm 2012, họa sĩ Mark Ericksen đã lên tiếng thừa nhận mình là người vẽ Box Art xấu kinh điển của Mega Man năm nào, nhưng ông cũng không quên đổ lỗi cho Giám đốc nghệ thuật lúc bấy giờ của Capcom. “Về cơ bản, chúng ta chỉ thấy Mega Man dưới dạng những pixel đang chạy trên màn hình. Vì vậy, tôi đã hỏi Giám đốc nghệ thuật là nên cho Mega Man bắn với cái gì bây giờ. Ông ấy nói: ‘Mega Man phải có súng lục vì tôi không thấy anh ta sử dụng súng trường, nên chắc chắn anh ta bắn bằng súng lục’.” Vì vậy Ericksen đã làm theo và cho Mega Man cầm 1 khẩu súng lục trên Box Art.
Câu chuyện về Mega Man “Béo”
Hình ảnh trên Box Art đầu tiên thực sự là một thảm họa, nhưng đáng nói hơn là Capcom đã thực sự nghiêm túc sử dụng hình ảnh đó vào một trong những game của họ. Hơn thế nữa, bằng một cách thần kỳ nào đó, Capcom đã khiến anh chàng Mega Man này trông còn tệ hại hơn nhiều.
Trong trò chơi Street Fighter X Tekken có hàng tá nhân vật nổi tiếng của cả 2 thương hiệu, nhưng Capcom cũng chưa hài lòng và tiếp tục đưa vào một số nhân vật bổ sung nữa, một trong số đó là Mega Man. Tuy nhiên Mega Man này lại nhìn… hơi lạ, không giống như những gì mà người hâm mộ biết đến trước đó. Anh chàng Mega Man này vừa già, vừa xấu xí, đã thế lại còn béo phì và mặc bộ đồ xanh vàng có trong Box Art đầu tiên. Dĩ nhiên là Mega Man béo cũng sử dụng súng lục. Nhiều người hâm mộ coi đây là một sự xúc phạm thực sự tới tình cảm game thủ dành cho Blue Bomber.
Hóa ra, sự việc này cũng có nguyên nhân đằng sau. Nhà sản xuất Street Fighter X Tekken, Yoshinori Ono, muốn sử dụng hình ảnh nhân vật Mega Man trong trò chơi của mình, nhưng phải được sự đồng ý của Keiji Inafune – nhà sản xuất của Mega Man. Rất tiếc cả 2 người đã không có được sự thống nhất. Nhưng Ono cho rằng Mega Man thuộc sở hữu của Capcom chứ không phải của riêng Inafune. Thay vì một nhân vật nguyên bản, Ono đã tạo ra một Mega Man “Béo”, dựa trên Box Art xấu thậm tệ đầu tiên đó. Đúng là cái gì cũng có thể lách được!
Boss của Mega Man X5 đều là chơi chữ của ban nhạc Gun ‘n’ Roses
Tại Nhật Bản, tên của các boss trong Mega Man X5 đều dựa trên các loài động vật. Tuy nhiên, khi trò chơi mở rộng ra thị trường nói tiếng Anh, tất cả tên của boss bất ngờ được thay đổi. Cụ thể hơn, chúng đều được lấy cảm hứng từ tên của các thành viên trong ban nhạc huyền thoại Gun ‘n’ Roses kết hợp cách chơi chữ hài hước.
Ví dụ như chúng ta có Grizzly Slash được dựa trên người chơi guitar Slash, Axle The Red là cách chơi chữ của Axl Rose, Izzy Grow dựa trên cố thành viên Izzy Stradlin, hay Dark Dizzy được dựa trên tên của thành viên Dizzy Reed.
Trong suốt một thời gian dài, cộng đồng game thủ đã tự hỏi ai đã quyết định thay đổi tên của các nhân vật. Cuối cùng, vào năm 2011, Alyson Court, nữ diễn viên lồng tiếng được biết tới thông qua các dự án như Resident Evil (Claire Redfield), Beetlejuice (Lydia), đã lên Twitter để thú nhận sự việc. Cô chính là người đứng đằng sau việc đổi tên nhân vật trong Mega Man X5. Chồng của cô là người sở hữu công ty có nhiệm vụ địa phương hóa một số trò chơi của Capcom ở những thị trường ngoài Nhật Bản, và anh đã để cho cô ấy “làm việc” với bản dịch Mega Man X5.
Hầu hết các boss đều được thiết kế bởi người hâm mộ
Hóa ra, không phải nhà phát triển làm hết toàn bộ các công đoạn thiết kế nhân vật trong Mega Man. Những boss nổi tiếng của Mega Man thực chất là ý tưởng của chính những người hâm mộ trong cộng đồng.
Trước khi khởi động việc phát triển mỗi trò chơi, bắt đầu từ Mega Man 2 tới khi kết thúc Mega Man 8, Capcom sẽ kêu gọi người hâm mộ đóng góp ý kiến về các boss. 8 ý tưởng hay nhất sẽ trở thành boss chính thức trong game. Cuộc thi này ban đầu chỉ có khoảng hơn 8000 bài dự thi nhưng sang tới Mega Man 3 thì nó đã mở rộng lên 50.000 bài. Đỉnh điểm nhất là ở Mega Man 7, Capcom đã nhận được đến 220.000 bài dự thi. Hầu hết các cuộc thi chỉ có quy mô trong Nhật Bản nhưng Capcom đã đặc biệt mở rộng phạm vi sang cộng đồng ở Bắc Mỹ trong dự án Mega Man 6.
Tuy nhiên sang tới Mega Man 9 và Mega Man 10 thì giai đoạn phát triển được giới hạn chỉ trong nội bộ và truyền thống này cũng gián đoạn từ đó.
Mega Man chịu ảnh hưởng rất nhiều từ âm nhạc
Trong toàn bộ các phần game của series Mega Man, hầu hết tên của mỗi nhân vật đều được gắn liền với âm nhạc. Với người hâm mộ ở Bắc Mỹ, điều này có thể khó hiểu vì “Mega Man” hay “Proto Man” chắc chắn không có ý nghĩa gì liên quan tới âm nhạc. Nhưng tại Nhật, tên của Mega Man có nghĩa là “Rock”, toàn bộ series có tên là Rock Man (đây cũng là cách gọi phổ biến hơn cả của game thủ Việt Nam). Proto Man thì được gọi là “Blues” ở Nhật Bản, anh có tiếng huýt sáo đặc trưng mang rất nhiều ý nghĩa.
Còn với những tên nhân vật khác, chúng ta có Roll – em gái của Mega Man, kết hợp lại sẽ thành Rock’n’Roll. Hay chú chó Rush, được dựa trên tên của một ban nhạc Rock nổi tiếng của Canada. Chú chim tên Beat lại mang ý nghĩa là các nhịp phách trong âm nhạc.
Vậy tại sao Rock Man lại trở thành Mega Man ở thị trường Mỹ? Vì đơn giản là người đứng đầu Capcom lúc đó không hề thích cái tên Rock Man. Cựu phó chủ tịch cấp cao của Capcom, ông Joseph Morici, đã thừa nhận rằng cái title của thương hiệu khi đó nghe thật sự kinh khủng. Vậy nên các nhà phát triển đã phải thay đổi lại tên gọi, nếu không Blue Bomber sẽ không bao giờ đặt chân được tới nước Mỹ.