Ở thời điểm mà next-gen đang cận kề, người có lẽ chú ý nhiều hơn tới hệ máy PS4 và ít để ý tới đối thủ Xbox One. Cũng phải thôi khi mà game độc quyền của Xbox One vốn đã không nhiều và không ít sản phẩm trong số đó thực sự đáng thất vọng.
Sea of Thieves
Rare từng là studio game huyền thoại vô vàn siêu phẩm trên N64. Đến khi Microsoft mua lại Rare, người ta dễ dàng nhận thấy rằng thời vinh quang của studio này đã trôi qua khi Rare quanh năm chỉ làm game cho Kinect. Đó là cho tới khi Rare công bố Sea of Thieves, một dự án vô cùng tham vọng. Lấy đề tài cướp biển, Sea of Thieves hứa hẹn sẽ là dự án trọng điểm của studio, trở thành thương hiệu bom tấn mới của Xbox, đồng thời giúp Rare lấy lại thanh danh của mình. Thế nhưng khi chính thức ra mắt, người ta không ngần ngại so sánh nó với bom xịt No Man’s Sky (dù sau này trò chơi của Hello Games đã cải thiện rất nhiều nhưng khi mắt nó vẫn là một sự thất vọng ghê gớm). Đồ họa và vật lí của game vô cùng ấn tượng, cùng với đó là gameplay cốt lõi hấp dẫn và đầy tiềm năng. Dẫu vậy, game bị chỉ trích vô cùng gay gắt bởi gameplay vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí lặp lại đến nhàm chán, cùng với đó là việc game thiếu nội dung trầm trọng mà vẫn được bán với giá 60$ như một game AAA hoàn chỉnh. Dù sao thì cũng giống như No Man’s Sky, Rare cùng Microsoft đã quyết tâm không rời bỏ mà tiếp tục đầu tư cải thiện Sea of Thieves, khiến nó trở thành một tựa game không thể bỏ qua trên Xbox One.
Bleeding Edge
Bản thân Microsoft cũng hiểu rằng việc Xbox thiếu những sản phẩm độc quyền chất lượng phần lớn là do hãng không sở hữu nhiều studio tài năng như Sony. Cũng bởi thế mà gần đây Microsoft đã mạnh tay mua lại các studio tên tuổi như Obsidian Entertainment, Playground Games, Compulsion Games, Double Fine Productions và tiêu biểu nhất chính Ninja Theory. Với kinh nghiệm dày dặn trong mảng game hành động chặt chém, Microsoft đã kì vọng rằng Ninja Theory sẽ làm được những gì mà Santa Monica Studio của Sony đã và đang thể hiện với dòng game God of War. Có điều màn chào hàng của Ninja Theory dưới tay Microsoft không được tốt đẹp cho lắm. Bleeding Edge chỉ nhận được đánh giá ở mức trung bình. Dù phong cách đồ họa cùng gameplay cận chiến được đánh giá tích cực, game bị chê trách bởi sự thiếu đầu tư trong thiết kế và gameplay tổng quan. Bleeding Edge là một game thuần chơi mạng nên phải dựa dẫm nhiều vào số lượng người chơi, có điều sau cú sụp hố lúc ra mắt giờ có vẻ chả còn ai để mà chơi cùng. Dù sau Bleeding Edge cũng chỉ là một dự án ngoài lề, chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng những thứ thực sự lớn lao như Hellblade II, dự án đang cực kì được trông đợi của Ninja Theory trên Xbox Series X.
Ryse: Son of Rome
Có thể nhiều người đã quên đi tựa game này. Nói đến Crytek, chúng ta hẳn sẽ nghĩ ngay đến studio luôn đi đầu trong lĩnh vực hình ảnh khi mà mỗi tựa game của hãng đều sở hữu nền tảng đồ họa đi trước thời đại. Ryse: Son of Rome cũng không phải là ngoại lệ. Là tựa game mang tính khởi động cho hệ máy Xbox One, người ta đặt rất nhiều kì vọng vào Ryse. Và không có gì ngạc nhiên khi Crytek tiếp tục khiến người ta phải thán phục khi Ryse: Son of Rome trình diễn nền đồ họa đẹp đến khó tin, cho thấy next-gen vào thời điểm đó có thể làm được những gì. Và đó có lẽ đó cũng là thứ duy nhất tích cực mỗi khi nói về Ryse. Gameplay của Ryse bị chỉ trích thậm tệ bởi sự đơn giản, thiếu chiều sâu và lặp lại đến phát ngán của nó. Không những thất bại về mặt chuyên môn, game cũng bị cho là thất bại nốt ở mặt trận doanh thu, khởi đầu chẳng mấy tốt đẹp cho Xbox One. Ryse: Son of Rome là minh chứng cụ thể nhất cho việc đồ họa không quyết định chất lượng của một tựa game.
Crackdown 3
Trong suốt thời gian phát triển 7 năm của hệ máy Xbox One, không có tựa game nào khiến các fan sốt ruột như Crackdown 3. Được công bố lần đầu vào E3 2014, sau n+1 lần trì hoãn rồi dời lịch phát hành, Crackdown 3 mới thực sự được ấn định ngày ra mắt vào năm 2019. Trong suốt thời gian đó, Microsoft hứa hẹn những thứ nghe rất bùi tai như hiệu ứng vật lí chân thực, khả năng phá hủy mọi vật thể ở thời gian thực,… khiến các fan càng có lí do để trông đợi. Thế rồi khi game chính thức ra mắt, đến cả các fan Xbox lạc quan nhất cũng phải ngán ngẩm. Crackdown 3 là tựa game lỗi thời về mọi mặt, từ đồ họa cho tới gameplay, thậm chí là sự thụt lùi đáng kể so với 2 phiên bản trước. Và kết quả là Crackdown 3 nhanh chóng lọt vào danh sách các game đáng thật vọng nhất năm, thậm chí dở nhất năm. Điều tích cực duy nhất về tựa game này đó là Youtuber Crowbcat có video để đăng.
" alt=""
Halo 5: Guardians
Có một sự thật không thể chối cãi, đó là Halo đã qua cái thời vinh quang từ rất lâu rồi, có lẽ là từ sau Halo: Reach. Halo 4 dù là game hay, thế nhưng nó nhận phải nhiều ý kiến trái chiều bởi hướng đi mới của 343 Industrial. Nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới sự kì vọng dành cho phần 5. Trước khi Halo 5: Guardians chính thức ra mắt, Microsoft đã thực hiện chiến dịch marketing vô cùng ấn tượng, hứa hẹn rằng Halo 5 sẽ không như những gì mà các fan từng thấy trước đó. Công bằng mà nói thì Halo 5 không phải là game dở, thế nhưng nó là một nỗi thất vọng vô cùng lớn với những ai yêu thích dòng game này. Phần chơi chiến dịch ngắn ngủi với cốt truyện đáng quên khi mà 80% thời lượng người chơi vào vai Spartan Locke thay vì Master Chief, gameplay và lối thiết kế ngày càng rời xa tinh hoa của những bản game Halo trước, cùng với đó là hệ thống microtransaction gây nhiều tranh cãi. Halo 5: Guardians thực sự khiến không ít người mất niềm tin vào dòng game này dưới tay phát triển của 343 Industrial. Giờ đây hi vọng sẽ đặt cả vào Halo Infinite!