Những source game “mất tích” được giải cứu bởi người hâm mộ – P.2 - PC/Console

Có những tựa game bị hủy bỏ trong quá trình sản xuất do chủ xị hết tiền nhưng cũng có những game được làm ra xong chỉ còn cách để đó hay mang source quăng lên mạng cho ai thích thì vọc bởi không cách nào qua nổi ải kiểm duyệt bởi nội dung quá sức phản nhân loại.

Thrill Kill

Là một trong các trường hợp game có bộ source bị “mất tích” nhưng sau đó được hồi sinh dưới bàn tay của người hâm mộ nhưng sau khi trải nghiệm Thrill Kill, rất nhiều người chơi bao gồm Mọt tui lại cho rằng cái game này đáng ra nên bị chôn vùi vĩnh viễn và ai lại có nhã hứng mặn đến vậy khi cố mang nó ra ngoài ánh sáng?

Về cơ bản Thrill Kill là một tựa game đáng ra sẽ xuất hiện trên PS1 vào năm 1998 nếu như không bị hủy bỏ giữa chừng bởi EA sau khi thẩm định lại toàn bộ nội dung. Điều đáng nói ở đây là vụ thẩm định nội bộ này diễn ra khi thời gian phát hành ấn định của Thrill Kill chỉ còn đếm ngược khoảng vài tuần. Điều kinh khủng gì trong nội dung của trò chơi khiến các quan chức EA buộc phải trảm tựa game ngay khi ngày ra mắt đã gần kề như vậy? Đầu tiên phải công nhận đội ngũ thực hiện Thrill Kill đã có những sáng ý đi trước thời đại của họ khi tựa game đối kháng này cho phép đến 4 nhân vật cùng chiến đấu trong một bản đồ, điều mà phải mất vài năm sau Nintendo mới thực hiện được trong Super Smash Bros. Là một game đối kháng đi theo hướng máu me, mức độ mỹ học về bạo lực của trò chơi cũng khiến Mortal Kombat cảm thấy ngượng ngùng mặc cảm, tất nhiên là chỉ so sánh với các bản MK cùng thời hoặc sau đó vài năm.

Những source game “mất tích” được giải cứu bởi người hâm mộ – P.2

Tuy nhiên điểm yếu chí mạng mà Thrill Kill mắc phải chính là nội dung cốt truyện phản xã hội, có xu hướng chống lại loài người cùng thiết kế và định dạng nhân vật hết sức bệnh hoạn. Lấy bối cảnh tại vô gián địa ngục, Thrill Kill là cuộc chiến giữa những linh hồn mắc đọa và chỉ kẻ nào chiến thắng cuối cùng mới có tư cách nhận lấy tấm vé hồi sinh để trở về dương gian. Kẻ điều hành cuộc đấu sống còn này chính là Marukka the Goddess of Secrets, chẳng ai biết mục đích của vị thần này là gì, nhân sinh của ả ra sao nhưng có một điều ai cũng khẳng định, đó là mụ thần này điên cmnr. Hãy nhìn lại danh sách các đấu sĩ trong Thrill Kill để biết vì sao Mọt tui lại nói như vậy. Còn nhớ ở phần trên tui từng đề cập đây là cuộc chiến giữa những linh hồn mắc đọa hay không? Bởi vì các linh hồn này lúc còn sinh thời chẳng phải loại lương thiện gì cho cam.

Một ả vũ nữ mắc chứng ác dâm thích hành hạ bạn tình sau khi ân ái bằng cách cho sốc điện đến chết; một tên tâm thần có tiền sử bạo hành trẻ em cùng sở thích tra tấn người khác; một gã bác sĩ có ám ảnh với những hàm răng giả bằng kim loại và thích phẩu thuật không dùng thuốc gây tê bất chấp thân chủ có muốn hay không. Đó là một vài gương mặt đấu sĩ tiêu biểu trong Thrill Kill, đám nhân vật còn lại thì xin lỗi Mọt tui không có như cầu cũng chẳng hứng thú muốn tìm hiểu thêm nữa. Bên cạnh đó nội dung game cũng chẳng lành mạnh gì cho cam khi chứa đựng nhiều tình tiết gợi mở về BDSM, khẩu dâm, lệch lạc tình dục hay sự biến thái tâm lý. Các nhân vật được tạo hình hết sức bệnh hoạn khi tay chân bị cắt cụt cùng những động tác chiến đấu chẳng khác gì một phim khiêu dâm với các đòn tấn công với tên gọi đại khái như “Bitch Slap”, “Swallow This”, và “RUG Muncher”.

Những source game “mất tích” được giải cứu bởi người hâm mộ – P.1
Những source game “mất tích” được giải cứu bởi người hâm mộ – P.1
Có những tựa game cũ bị quên lãng nhiều năm, nay nhờ bộ source game thất lạc được tìm thấy hay bị rò rỉ trên mạng, game thủ lại được trải nghiệm nó lần nữa.

Như thiết lập ban đầu của Marukka, kẻ thắng sẽ có vé để sống lại lần nữa và cái thể loại thần quái đản nào lại có thú như vậy nhỉ? Đám này chết còn chưa hết tội, đáng lý chúng phải bị nướng lửa địa ngục một vạn năm để trả giá cho nhưng sai trái khi còn sống mới đúng. Chung quy EA cũng nghĩ như vậy nên dù còn vài tuần nữa sẽ chính thức ra mắt, Thrill Kill vẫn phải đình chỉ dự án và source game bị ném vào kho không thương tiếc. Tuy nhiên đội ngũ sản xuất không phục với kết quả đó nên họ lén lút tuồn source game chưa hoàn chỉnh lên mạng internet và rất nhanh chóng nó đã được hoàn thiện bởi đội ngũ những tay game thủ có vấn đề về tâm lý. Cuối cùng thì khát vọng của nhóm sản xuất cũng được thực hiện khi Thrill Kill được mọi người biết đến nhưng trò chơi cũng nhận về vô số những chỉ trích vì nội dung hết sức bệnh hoạn của nó. Nhiều game thủ cho rằng đáng ra source game phải bị chôn vùi vĩnh viễn dưới tầng sâu nhất của địa ngục mới đúng.

Live A Live

Square Enix từng phát hành rất nhiều game cho hệ máy SNES, tất cả chúng đều khá hay ho ngoại trừ một điểm đáng ghét là chẳng có phiên bản nào dành cho thị trường quốc tế cả. Một trong những cái tên xuất sắc nhưng lại khiến cho người ta tiếc nuối theo cách như vậy chính là Live A Live, một trong những tựa game nhập vai sở hữu nội dung phong phú nhất từng xuất hiện trên nền tảng SNES.

Những source game “mất tích” được giải cứu bởi người hâm mộ – P.2

Tương tự như Chrono Cross, Live A Live cũng sở hữu cho bản thân một khái niệm thú vị về thời gian. Trong game người chơi sẽ được chọn lựa những vai trò khác nhau trong những thời điểm khác nhau của lịch sử. Cổ xưa nhất đó có thể là một người tiền sử đang cố gắng chiến đấu chống lại khủng long, phổ thông hơn có thể là một tay đô vật nghiệp dư đang phấn đấu để giành vô địch đô vật của giải đấu chuyên nghiệp hay viễn tưởng hơn là một robot có trí tuệ đang tìm cách giải cứu phi hành đoàn khỏi cuộc truy sát của cỗ máy giết người do bọn ngoài hành tinh điều khiển. Sau khi mỗi nhân vật hoàn thành nhiệm vụ của riêng bản thân, tất cả sẽ phải tập hợp tại cùng một thời không xác định nhằm ngăn cản đại ma vương Odio, kẻ đang muốn hủy diệt loại người cùng toàn bộ nền văn minh.

Mặc dù chưa bao giờ được chính thức phát hành ngoài đất nước Nhật Bản, bằng cách nào đó các fan hâm mộ của trò chơi cũng xoay sở được mã nguồn để chuyển thể nó sang một phiên bản mà mọi người có thể chơi được vào năm 2001. Sức sống của game là miễn bàn cãi khi mãi đến 8 năm sau đó, một phiên bản khác được tinh chỉnh lại để đồ họa trông bắt mắt hơn được trình làng trong cộng đồng fan hâm mộ Live A Live. Gần đây Live A Live tiếp tục được nhắc đến nhưng theo một trường hợp hơi quái lạ khi bản nhạc nền Megalomania trong game, được cho là nguồn cảm hứng chủ đạo để các NSX của tựa game indie Undertale tạo ra OST Megalovania.

Steven Seagal is the Final Option

Ngày xưa khi diễn viên phim hành động Steven Seagal còn nổi như cồn, từng có dự án làm game cho Sega Genesis & Super Nintendo với nhân vật chính không ai khác ngoài tay võ sư thích dùng Hiệp Khí Đạo này. Theo dự tính của các NSX, Steven Seagal is the Final Option sẽ là tựa game mang phong cách beat ‘em up như Double Dragon với tạo hình của toàn bộ nhân vật được số hóa hình ảnh (theo kiểu Mortal Kombat đời đầu). Kế hoạch nghe có vẻ hoàn hảo ngoại trừ việc Steven Seagal vì lý do nào đó mà chỉ có ông ta mới biết, đã cự tuyệt cung cấp hình ảnh cá nhân để nhà sản xuất sử dụng cho việc số hóa. Cực chẳng đã công việc này cuối cùng được giao cho Greg Gorsholl đảm nhận bởi vẻ ngoài khá tương đồng của hai diễn viên.

Những source game “mất tích” được giải cứu bởi người hâm mộ – P.2

Trò chơi gặp nhiều rắc rối trong quá trình phát triển và mặc dù được quảng cáo cực kỳ rầm rộ trên các tạp chí game vào thời đó cuối cùng chẳng có cái lịch ra mắt nào được chốt sổ cả. Công cuộc trì hoãn kéo dài đến mức Sega Genesis & Super Nintendo cuối cùng bị đào thải để nhường chỗ cho hai đối thủ thế hệ tiếp theo là PlayStation & Nintendo 64. Steven Seagal is the Final Option tiếp tục được hứa hẹn sẽ ra mắt trên hai hệ máy này dưới tên gọi Deadly Honor. Cuối cùng mãi cho đến khi Steven Seagal bước qua thời kỳ đỉnh cao danh vọng cũng như đã quá già để đóng phim hành động thì trò chơi cũng không bao giờ có thể ra mắt được.

Về cơ bản nội dung của trò chơi không dựa trên bất cứ nguyên tác nào mà tay diễn viên người Mỹ từng thủ vai, nhiều game thủ cho rằng nó bẩn bựa như một bức thư tình của tay chơi nào đó từng đá đít Seagal ngoài đời thật. Vào năm 2008, một phiên bản gần như hoàn chỉnh của trò chơi đã được tung ra trên mạng bởi một cá nhân giấu tên, có tin rằng gã này đã mua lại toàn bộ source game từ một cuộc đấu giá trước đó, sau thời gian ngâm cứu chỉnh sửa, hắn tung ra cho bàn dân thiên hạ chơi chùa vì hồi trẻ từng mê Seagal như điếu đổ. Ít nhất thì bây giờ những người từng hâm mô Seagal có thể trải nghiệm một ngày phổ thông của gã cựu siêu sao hành động khi lang thang khắp các khu ở chuột trong bộ áo da blouson bóng lộn cùng đôi giày mọi để đá đít bất cứ thằng ngu nào dám xuất hiện phía trước.

Bahamut Lagoon

Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, thương hiệu Final Fantasy đã kịp phát tán nhiều ngoại truyện xoay quanh nó thế nhưng vẫn có một vài tựa game tuy không thuộc nhánh FF nhưng vẫn được người ta xem là anh em khác họ của Final Fantasy. Có một điểm chung về các game FF-like này chính là hầu hết trong số chúng đều được sản xuất bởi Square Enix và theo nhiều cách khác nhau, tất cả các tựa game đó đều mang ít nhất một đặc trưng không lầm lẫn vào đâu được của dòng FF. Không cần suy nghĩ lâu lắc chỉ cần thuận miệng gọi tên chúng ta cũng có thể kể ra một danh sách không ngắn về các game kiểu này như Chrono Trigger, Vagrant Story và Secret of Mana. Một vài trò trong số đó còn có mã sản phẩm là Final Fantasy nữa kia nhưng cuối cùng vì lý do bất khả kháng chúng phải đổi sang cái tên khác dù chất chất FF thì đặc sệt không lẫn vào đâu được.

Những source game “mất tích” được giải cứu bởi người hâm mộ – P.2

Bahamut Lagoon là một tựa game như vậy khi giống FF quá nhiều và chỉ khác ở mỗi tên gọi. Nội dung của trò chơi nhập vai chiến thuật này xoay quanh công việc nhân giống lũ rồng để tạo ra nhiều binh đoàn hùng mạnh để các thế lực bản địa có đủ quân số chinh phạt lẫn nhau, ân oán tình thù cứ theo cốt truyện đó mà tiếp diễn đúng phong cách cổ điển mà các game FF theo đuổi. Ban đầu các NSX tại Square Soft dự tính đây là sẽ là một bản ngoại truyện của Final Fantasy, họ thậm chí còn gọi tên nó là Final Fantasy Tactics nhưng trong quá trình sản xuất có những thay đổi nhất định và cuối cùng người người ta quyết định nó sẽ là Bahamut Lagoon trong khi cái tên Final Fantasy Tactics được để dành lại cho một sản phẩm sẽ ra mắt vào năm sau. Phần còn lại đã trở thành lịch sử mà bất cứ fan hâm mộ nào của FFT cũng đều có thể kể vanh vách.

Bahamut Lagoon chưa bao giờ được chính thức phát hành ngoài lãnh thổ Nhật Bản và thậm chí có thời gian source game còn bị cho là đã thất lạc vĩnh viễn. Tuy nhiên đầu năm 2000, một bản game hoàn chỉnh với ngôn ngữ đã được dịch sang tiếng Anh bất ngờ được phát tán trên các diễn đàn của nhóm game thủ mê nhập vai chiến thuật kiểu cổ điển, không ai rõ quý nhân nào đã thực hiện việc này nhưng ít nhất người đó đã giúp Bahamut Lagoon sống mãi trong lòng cộng đồng game thủ.