Nintendo Playstation truyền kỳ – P.2 - PC/Console

Khi Sony và Nintendo trở mặt, không ai tiếc hận cho họ bởi đằng sau tình bằng hữu giả tạo là những âm mưu đen tối khiến người ta rùng mình.

Nói về bối cảnh giang hồ được tô vẽ qua ngòi bút của nhà văn Cổ Long, các fan kiếm hiệp hẳn sẽ không quên những vị hiệp khách đáng nhớ như Lục Tiểu Phụng, Sở Lưu Hương hay Lý Tầm Hoan… Tất cả bọn họ đều là anh hùng với võ công tuyệt thế cùng trí tuệ siêu đẳng, đỉnh đỉnh đại danh trên giang hồ mà ai nghe tên cũng phải nể sợ. Thế nhưng nếu lùi lại một chút để bàn về kiếm đạo thuần túy có lẽ chỉ có lẽ hải hai cặp đôi Tây Môn Xuy Tuyết – Diệp Cô Thành cùng với Yến Thập Tam – Tạ Hiểu Phong, mới đủ sức đăng đường nhập thất hay nói tiếng người chính là để lại những cảm xúc sâu đậm không thể quên trong lòng độc giả. Trong hai cặp đôi ấy thì trận so tài giữa Tây Môn Xuy Tuyết với Diệp Cô Thành trên đỉnh Tử Cấm lại khiến người ta vừa yêu vừa hận. Yêu cuộc so tài khoáng thế cổ kim, lại hận kiếm ý của Diệp Cô Thành, khi ý một lòng cầu tử tử chứ không cầu thắng, khiến chiến thắng của Tây Môn Xuy Tuyết không có giá trị.

Nothing is true, everything is permitted

Cuộc so tài sau này giữa Nintendo và Sony trong lĩnh vực console thực tế chỉ liên quan đến TIỀN chớ không có nhiều yêu và hận như Tây Môn Xuy Tuyết – Diệp Cô Thành nhưng thực tế nó cũng khoáng thế cổ kim chẳng kém gì trận so kiếm trong lời văn của Cổ tiên sinh. Trở lại vụ hai ông bạn gay cùng thống nhất sẽ góp sức cho ra lò một hệ console mới. Khi nghe phong thanh về tin này, lập tức những tay họa sỹ mê game và khoái vẽ doujinshi đã nhanh chóng phác họa ra các bản vẽ tưởng tượng hệ thống chạy đĩa CD mà Sony làm cho Nintendo trông sẽ như thế nào và đăng chúng lên đầy các trang tạp chí về game cũng như công nghệ. Thông số kỹ thuật của chúng thực sự rất ấn tượng, đủ sức đưa nền tảng game 16-bit lên một tầm mới, vượt mặt Sega Genesis, sản phẩm đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nintendo.

Nintendo Playstation truyền kỳ - P.2

Console war rất khốc liệt nhưng phần tiền truyện càng khốc liệt hơn

Nhưng cuộc đời không bao giờ lý tưởng như một bài ca đi cùng năm tháng. Cũng như Diệp Cô Thành và Tây Môn Xuy Tuyết không vừa mắt nhau vì đều là cao thủ sử dụng kiếm, Sony và Nintendo chưa bao giờ thật sự coi đối phương là bạn chí cốt tâm giao. Ngay từ những ngày đầu, quan hệ đối tác giữa Sony và Nintendo đã có những dấu hiệu cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Khác với vụ SPC-700 khi Nintendo là chủ, còn Sony là thợ, họ có quyền quát tháo khi người trả công không hài lòng. Giờ đây khi cả hai là đối tác và cần những tri thức của nhau, mọi chuyện nó lại ở cái tầm khác hẳn. Một bên là Hiroshi Yamauchi, chủ tịch Nintendo, một gã đàn ông chẳng quan tâm gì tới game ngoài việc biến chúng thành những cỗ máy in tiền, nhưng lại chính là kẻ đưa Nintendo từ một hãng sản xuất đồ chơi nhỏ bé trở thành gã khổng lồ đến cả thế giới phải nể sợ.

Phần còn lại của chiếc bập bênh cũng không phải dạng vừa khi Ken Kutaragi đâu phải là đối tượng dễ trêu chọc. Ngoài ra Sony, thế lực đứng sau Ken có thể là dân ngoại đạo trong làng game nhưng tổng hợp thực lực tại thị trường Nhật Bản và thế giới, họ vẫn là con quái vật với những thương hiệu mà thập niên đó ai cũng biết tên như Walkman, Trinitron hay Betamax. Và động thái hợp tác của hai bên, chỉ có quỷ mới tin là chân tâm thật ý, rõ ràng Nintendo muốn có lợi nhuận từ kinh nghiệm làm việc với đĩa CD từ Sony, đơn giản vì họ chính là những người sáng tạo ra định dạng này. Trong khi Sony lại ấp ủ ý tưởng muốn chiếm tiện nghi khi mượn tay Nintendo để đặt chân vào thị trường game đầy béo bở sau những nỗ lực thất bại sấp mặt trước đó. Vị thế khác so với hồi còn là chủ thợ, đến những ý tưởng kinh doanh đen tối dù vẫn hợp pháp đã chú định cái liên minh lỏng lẻo này không bao giờ có thể giúp nhau sinh lợi nữa.

Vô sự mà ân cần, không gian cũng là tặc

Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai hãng khi ấy, Sony sẽ giúp Nintendo tạo ra một đầu đọc dạng add-on để lắp vào dưới đáy SNES, giống y hệt như cách mà SEGA đã tạo ra SEGA CD để gắn vào chiếc console Sega Genesis của họ. Định dạng CD (Compact Disc) được thống nhất sẽ trở thành phương tiện mới để các NSX tạo ra trò chơi của họ và lưu trữ vào đó. Đúng kiểu Nintendo ra máy SNES, Sony làm thiết bị gắn kèm để đọc đĩa CD còn các NSX bên thứ 3 cứ coi theo đó mà làm game. Trong thỏa thuận này Sony được hưởng lợi từ tiền bản quyền mỗi khi các nhà phát triển làm game dùng định dạng đĩa CD để phát hành. Đương nhiên với vai trò đối tác chiến lược của Nintendo, Sony cũng bị cấm tự tạo ra bất cứ thiết bị console riêng lẻ nào. Đây là động thái của Nintendo sau khi chứng kiến JVC vừa hợp tác với SEGA lại vừa lén tạo ra Wondermega. Thiết bị này đã gom cả Sega Genesis lẫn SEGA CD vào làm một, từ đây người ta không còn phải mua “cục” đọc CD riêng chi cho mệt nữa.

Nintendo Playstation truyền kỳ - P.1
Võ lâm tranh đoạt: Nintendo Playstation truyền kỳ - P.1
Sony và Nintendo, hai kẻ thù lâu năm thật ra từng có thời tình chàng ý thiếp ném cẩu lương ngập mặt như truyện ngôn tình ba xu vậy.

Sony không hài lòng lắm với việc đối tác quá bá đạo như thế nên phủ quyết và vẫn tạo được vài trăm bản mẫu của thứ mà hơn 30 năm sau mới được thiên hạ “khai quật” ra với cái tên SNES PlayStation hay Nintendo Playstation. Một phiên bản trong số đó là vật sưu tầm của ngài Olaf Olafsson – người góp phần thành lập đồng thời là chủ tịch đầu tiên của Sony Computer Entertainment vào năm 1991. Phiên bản này vừa được đem bán với số tiền lên đến 360.000 USD và người thắng cuộc đấu giá chính là Greg McLemore, ông chủ của tên miền nổi tiếng Pets.com. Theo thông tin bên lề, để rước được mẫu Nintendo Playstation quý hiếm này về bộ sưu tập của mình, McLemore đã phải cạnh tranh quyết liệt với Palmer Luckey, một kỹ sư rất nổi tiếng từng sáng tạo ra thiết bị chơi game Oculus Rift cùng với Brendan Iribe, Michael Antonov và Nate Mitchell.

Trở lại vấn đề chính, nhiều game thủ ngày đó có thể cho rằng Nintendo là một công ty với bề ngoài thân thiện, với những tựa game vui nhộn hợp với trẻ em trên toàn thế giới. Thế nhưng nếu đã xét tới vấn đề kinh doanh, Nintendo vẫn phản ánh bộ mặt thật chủ chủ nghĩa tư bản vạn ác khi hiện nguyên hình là một tập đoàn tham lam, sẵn sàng làm mọi thứ chỉ vì đồng tiền. Nếu phải hỏi ai là kẻ “cay” Nintendo nhiều nhất hẳn sau Sony đó chính là những nhà phát triển game bởi tiền bản quyền không ít lần bị cắt cổ để đổi lấy tấm vé đảm bảo sẽ được độc quyền cho hệ máy NES hay SNES. Nên nhớ từ thập niên 80 đến giữa thập niên 90 là thời đại của NES và SNES nên một vé đảm bảo độc quyền sẽ giúp con game có doanh số ổn định. Dù bị Nintendo ăn % rất nhiều nhưng đó là con đường an toàn dành cho các nhà phát triển ít tiếng tăm.

Nintendo Playstation truyền kỳ - P.2

Hiroshi Yamauchi là người làm kinh doanh, không phải nhà từ thiện

Với người mình còn như thế, thử hỏi ý tưởng của Sony khi làm ổ đĩa cho SNES để đổi lấy cơ hội bước chân vào thị trường khác gì bảo hổ lột da đâu? Kim Dung từng viết về một nhân vật rất thú vị khiến mọi người đàn ông đều ao ước cuộc sống như y. Đúng vậy, đó chính là Vi Tiểu Bảo, một tên chăn gái quèn ở Dương Châu, bất học vô thuật, ngũ quan xấu xí, mặt mũi gian xảo, tính tình dâm tiện. Không có một thói hư tật xấu nào của đám dân làng chơi mà người ta không thể tìm thấy trên người Vi tước gia nhưng than ôi ai cũng mong được như y. Họ Vi là sủng thần của hoàng đến Khang Hy, được phong tước Lộc Đỉnh Công khi danh vọng tột cùng, phú khả địch quốc lại có 7 cô vợ sắc nước hương trời mà chỉ cần một cô đã khiến khối anh chảy ke nhễu nhão. Được sủng ái là thế nhưng lén lút tranh ăn với hoàng đế khác nào chơi với lửa, cuối cùng thì Vi tước gia cũng phải bỏ của mà chạy lấy người, biệt tăm biệt tích đó thôi. Vậy thì Sony khi đó tuổi gì mà đòi Nintendo phải giúp bước chân vào thị trường rồi sau đó chia phần miếng bánh?

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Lịch sử chiếc máy Nintendo PlayStation