Review “Luyện Ngục”: Game indie khó như quỷ đến từ VN

Hôm nay chúng ta sẽ đổi gió một chút bằng tựa game do người Việt sản xuất mang tên Luyện Ngục. Hãy cùng xem con game nhiều thử thách này có gì thú vị nào.

Ngày xửa ngày xưa, xưa ơi là xưa, sau khi vũ trụ hình thành, sau các vua Hùng khai hoang lập nước, mà cụ thể là tầm 5 năm trước. Khi đó có một chàng trai ngày đêm vắt chân lên trán suy nghĩ về việc tạo ra một tựa game Việt. Chàng ta cũng cho rằng ý tưởng về một quyển tiểu thuyết tồn tại trong hệ thống thần kinh trung ương là rất hay ho nên quyết định biến nó thành một trò chơi khám phá hầm ngục.

Trải qua một thời gian dài phát triển, cụ thể là 5 năm sau đó, chàng trai năm ấy chúng ta cùng xua đuổi đã cụ thể hóa được ý tưởng ngày nào và “Luyện Ngục” cũng chính thức ra đời.

Ý tưởng hình thành game Luyện Ngục

Không được tạo nên từ những quyển tiểu thuyết hào hùng hay những câu chuyện drama ngôn tình đầy máu chó, “Luyện Ngục” được hình thành từ một quyển tiểu thuyết mang tên “Huyết Sử” từ trong chính tâm trí của tác giả.

Thiết kế chưa có tên (43).jpg

Theo chia sẻ của tác giả, “Huyết Sử” là một thế giới song song được lấy cảm hứng, tôi xin nhấn mạnh là lấy cảm hứng nhé, từ giai đoạn lịch sử Trịnh Nguyễn phân tranh. Tại thế giới đó, vua Lê đóng vai trò là một trong những vị thần của thế giới, Chúa Trịnh là đại diện cho triều đình đế quốc, còn Chúa Nguyễn lại là lãnh đạo của Liên Minh Phương Nam Tự Do, hay nói đơn giản là những con người sẵn sàng đứng lên chống lại đế quốc để giải thoát cho Thần.

Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện từ thời ngày xửa ngày xưa, còn ngày nảy ngày nay, Liên Minh Phương Nam Tự Do đã gần như quên mất sứ mệnh thiêng liêng của mình. Về phần họ Mạc từng ép vua Lê nhường ngôi rồi bị hai nhà Trịnh - Nguyễn đuổi đánh trong lịch sử thì trở thành một thế giới phi nhân loại do Chúa Quỷ lãnh đạo trong thế giới “Huyết Sử” của “Luyện Ngục”.

Lại nói tiếp, sau 400 năm trị vì, Đức Long Quân từ giã cõi trần, để lại cho con cháu một di sản nho nhỏ, đó là phá hủy Phong ấn Bàn cờ, giải thoát cho Ác ma Thịnh Nộ và Di sản Mộc Tinh. Nếu bạn đang định hỏi vậy là để lại di sản hay báo sản thì… tôi cũng không hiểu tư duy của người có quyền lắm.

Cốt truyện chính của Luyện Ngục sẽ bắt đầu khi làng của nhân vật chính bị Chằn Tinh hủy diệt. Nhìn thấy làng mất nhà tan, nhân vật chính lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Vì thương học trò, Nguyên Quân - thầy của nhân vật chính kiêm vị thần mới của thế giới đã quyết định… nhốt nhân vật chính dưới Luyện Ngục.

Thiết kế chưa có tên (44).jpg

Theo thầy của nhân vật chính chia sẻ thì đây là cách thức yêu cho roi cho vọt của ông bà ta, nhân vật chính bị nhốt dưới Luyện Ngục sẽ được trải qua trăm đắng ngàn cay, được huấn luyện bài bản, đồng thời làm nguội cái đầu đang khao khát báo thù cho bà con lối xóm. Nên về cơ bản, những gì bạn trải qua trong “Luyện Ngục” là hành trình diệt quái của nhân vật chính dưới tầng hầm.

Đồ họa ảnh hưởng bởi MapleStory

Một tựa game đồ họa 3D, nhân vật xinh lung linh, có nhiều biểu cảm phong phú… là thứ mà “Luyện Ngục” không có. Dễ thấy rằng, tựa game này được xây dựng theo đồ họa 2D pixel cơ bản. 

Và nếu là một người đã quá quen với tựa game chibi nấm lùn thì ta sẽ thấy đồ họa trong “Luyện Ngục” giống với “MapleStory” hơn 90%. Anh Phạm Nhật Khang, người phát triển tựa game cũng không hề che giấu khi thẳng thắn thừa nhận đồ họa game, đặc biệt là dàn nhân vật được lấy cảm hứng phần lớn từ “MapleStory”, nên dù chưa biết game thế nào, tôi vẫn sẽ cho “Luyện Ngục” 10 điểm về độ trung thực.

Như các bạn thấy trên màn ảnh thì “Luyện Ngục” được xây dựng theo kiểu màn hình dọc với bản đồ giống với những game RPG Maker chứ không phải kiểu đi ngang 2D mà ta hay thấy trong MapleStory với Soul Saver. Về tổng quan, tôi cảm thấy đồ họa của “Luyện Ngục” trông có vẻ hơi chắp vá, nhưng cũng miễn cưỡng xem là được.

Thiết kế chưa có tên (45).jpg

Phía nhà sản xuất có chia sẻ rằng không phải không muốn làm cho thật chỉn chu nhưng sức người có hạn, còn khối lượng công việc thì vô biên, nên thôi cũng có thể thông cảm. Nếu là một người không yêu cầu cao về mặt đồ họa và không hay soi mói như tôi, bạn sẽ thấy đồ họa của “Luyện Ngục” được xem ở mức ổn, dù sao chơi game cũng không chỉ nhìn mỗi đồ họa, mà còn phải xem gameplay và cốt truyện của trò chơi thế nào đã.

Lối chơi vượt tầng đánh quái

Vừa vào game, trò chơi sẽ cho bạn 4 class nhân vật là Thợ săn máu chiến, Chiến binh Xuân tóc đỏ, Thuật sư bơm đểu từ xa và Ngoại đạo - truyền nhân của Ninja Lead, riêng class Ngoại đạo sẽ chỉ được mở khi bạn hoàn thành 10 cuộc tấn công trong một lần chơi.

Sau khi chọn nhân vật để isekai xong, bạn sẽ được đưa xuống luyện ngục gồm 26 tầng thuộc 5 khu vực khác nhau, lần lượt là Phế Tích, Rừng Xanh, Hang Động, Sa Mạc và Vùng đất Tử thần. Công việc của  chúng ta ở nơi này là thăm ngàn, kẹp ngân, dọn quái để làm giàu, thu thập vật liệu để nâng cấp trang bị, và cố gắng giữ mạng để không phải isekai lần nữa.

Và thú thật nhé, từ sau khi thấy đồ họa thì tôi cũng chẳng hy vọng mấy về mặt gameplay đâu, nhưng ngạc nhiên là, lối chơi của game được xây dựng ổn hơn tôi nghĩ. Cũng giống với những game đánh quái cày map bình thường thôi, nhưng anh Khang cũng khá đầu tư khi chịu cho mỗi map một câu chuyện riêng với những con quái riêng, kèm theo đó là một kho vũ khí với nhiều vật phẩm hỗ trợ khá là khổng lồ so với một tựa game nhỏ.

Thiết kế chưa có tên (46).jpg

Nhưng mà, khổng lồ là một việc, còn lối chơi đối với tôi thì chỉ hơn mức ổn một tí chứ vẫn chưa xuất sắc lắm, những kỹ năng trong trò chơi gần như được thêm vào cho có chứ không có nhiều tác dụng. Tôi nghĩ tác dụng chủ yếu giúp game thủ qua màn nằm phần lớn ở mấy bình thuốc và những cuộn giấy hơn.

À đấy, nói đến đây thì lại tức. Game này đúng kiểu một bầu trời nhân phẩm, mà với một đứa nhân phẩm âm vô cực như tôi thì chơi game chẳng khác gì cực hình. Không chết vì nhân phẩm kém dính tù tì 3-4 lời nguyền thì cũng tạch vì uống nhầm thuốc độc, tôi có tức không? Có. Tôi có làm được gì không? Không, vì do lỗi ăn ở cả, nên tôi trừ điểm lối chơi vì tôi chơi không qua màn cho đỡ tức.

Thêm một điều nữa làm tôi phải khóc ra máu là cơ chế của “Luyện Ngục”, giả sử bạn vẫn còn sống trong game thì bạn có tung tăng đi uống nước, nấu cháo, đưa vợ hàng xóm đi đẻ thì khi quay lại bạn vẫn có thể chơi game tiếp được. NHƯNG, nếu bạn lỡ tèo trong game thì xin là xin vĩnh biệt cụ. 

Bởi vì một khi nhân vật của bạn tạch, trò chơi sẽ tự động reset lại từ bản đồ cho đến hiệu ứng và kỹ năng bạn nhận được, mọi thứ bạn có sẽ rớt hết trên bản đồ, bạn chỉ còn lại hai bàn tay trắng, bộ quần áo mỏng manh để che thân và một cây vũ khí coi như an ủi tinh thần, đúng kiểu cái nịt cũng chẳng còn.

Thiết kế chưa có tên (47).jpg

Vậy nên xin lỗi vì không thể review tới nơi tới chốn, vì tôi chơi tới màn 2 là tôi tuyệt vọng nghỉ game rồi. Đồ họa game thì không tính là đẹp, hiệu ứng cũng chẳng thể gọi là màu mè, nhưng tôi cam đoan “Luyện Ngục” là game cho người chơi hệ xài não, vì càng lên game thì game càng khó và không hề dễ xơi tí nào.

Anh em nào thích try hard, chứng tỏ bản lĩnh đàn ông đích thực thì mời tải game về trải nghiệm, còn tôi thì tự nhận mình gà, nên tôi xin phép làm đàn ông thích đực.

Cơ chế điều khiển chưa hợp lý

Để mà nói thì cơ chế game khá là đơn giản, muốn đi đến đâu hay đánh quái nào thì chỉ cần nhấn nút là được, còn lại game sẽ lo từ A đến Z. Nếu chơi game trên điện thoại mà không quen với game màn hình dọc thì bạn có thể xoay màn hình ngang để trải nghiệm game được mượt hơn, ngoài ra game cũng có cơ chế dùng vật phẩm nhanh bằng cách nhấn giữ vào ô bên dưới.

Và nếu có điều gì làm tôi thấy ức chế với “Luyện Ngục” ngoài vụ nhân phẩm thì chắc là nút di chuyển vì tôi không quen với kiểu di chuyển thụ động bằng cách kéo màn hình rồi nhấn nút trong game cho lắm. Tôi quen với cách di chuyển trực quan bằng D-pad hơn và yeah yeah có vẻ không phải một mình tôi nghĩ thế.

Thiết kế chưa có tên (48).jpg

Giải đáp cho điều này, nhà phát triển cũng nói rằng trước mắt sẽ không thêm tính năng di chuyển analog vào giao diện trò chơi. Bởi vì muốn game thủ có cơ hội tìm hiểu bản đồ từng tầng, động não nghĩ cách di chuyển khi đánh quái và cũng có nhiều thời gian để suy ngẫm về nhân tình thế thái, những vấn đề vi mô của xã hội hơn.

Ngoài ra, tôi cộng cho nhà phát triển 10 điểm tận tâm, vì đã tâm lý trang bị thêm một cái kính lúp tìm kiếm, đóng vai trò như công cụ hướng dẫn tình hình cho nhân vật, kèm theo đó là nút chờ hồi máu, à lên tới mấy tầng trên cao mà không hồi máu kịp thì đúng kiểu bị mấy con quái quật như con ghẻ luôn anh em ạ.

Rồi, chốt điểm cuối cùng, tôi đánh giá “Luyện Ngục” là một game coi trọng lối chơi hơn đồ họa, nên nếu anh em nào muốn tìm một tựa game đồ họa xinh lung linh thì “Luyện Ngục” chắc chắn không đáp ứng nổi. Nhưng, nếu cần tìm một game vượt map rèn luyện trí tuệ thì anh em nên tải về chơi thử vì những thứ còn ẩn giấu trong game khá lớn. Có lẽ tôi gà nên chưa khám phá được hết cái hệ thống này nếu ai đã giải mã hết thì để lại bình luận bên dưới nhé.

Ngoài ra, nói về cốt truyện thì tôi cảm thấy cốt truyện của game khá mơ hồ, hoặc do tôi chưa nhìn ra hết dụng ý thâm sâu của tác giả. Nói chung nó không được rõ ràng như ý tưởng hình thành game mà tôi kể ở trên. Những gì liên quan đến cốt truyện nằm chủ yếu ở những mảnh giấy bạn vô tình nhặt được trong bản đồ. 

Thiết kế chưa có tên (49).jpg

Có lẽ sẽ khá vất vả để liên kết chúng lại với nhau nhưng thôi, game chú trọng về lối chơi thì tôi sẽ không đặt nặng về cốt truyện, à góp ý nho nhỏ là cách dùng từ của nhà phát triển đôi lúc hơi thử thách khả năng đọc hiểu của tôi, hy vọng lỗi nhỏ này có thể được sửa trong tương lai.

Cuối cùng, nếu để chấm điểm “Luyện Ngục” thì tôi sẽ cho hữu nghị 5 trên 10 trong số những game tôi từng trải nghiệm, nhưng nếu đánh giá một cách công tâm về game do một người tự học tự làm, tôi nghĩ mình sẽ cho tựa game này 7 trên 10, chủ yếu là lối chơi về cơ chế tốt ngoài mong đợi của tôi.

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé