Sự kiện E3: Hào nhoáng chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài - PC/Console

Người hâm mộ tới với E3 với rất nhiều hi vọng vào các dự án tuyệt vời mà hãng game đưa ra. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử của sự kiện này, game thủ sẽ không khỏi thất vọng vì sự thật phũ phàng.

Chúng ta đang sống trong những ngày đầu tháng 6. Đối với game thủ, đây là thời điểm quan trọng và đáng chờ đợi nhất trong năm khi sự kiện E3 đang tới gần. Hàng năm, việc theo dõi E3 để được nghe các hãng nói về các dự án game mới, tung ra những thông tin hay trailer gameplay cho các siêu phẩm sắp ra mắt đã trở thành thói quen không thể thiếu.

Sự kiện E3: Hào nhoáng chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài

Tuy nhiên, bất cứ điều gì đều tồn tại 2 mặt tích cực và tiêu cực. Nhìn bề ngoài, E3 là một sự kiện hoành tráng, hào nhoáng với sự góp mặt của toàn bộ ông lớn trong ngành game, game thủ cảm thấy mình như một ông hoàng khi được các hãng chú trọng phục vụ vào trải nghiệm người dùng.

12 lời nói dối kinh điển nhất trong lịch sử các mùa sự kiện E3 – P.1
Sự kiện E3 là một nơi tuyệt vời để game thủ chào đón những trò chơi mới hay chờ đợi những lời hứa ngọt ngào từ các hãng game. Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng nói được làm được.

Nhưng đó chỉ là vẻ bên ngoài mà thôi. Nếu nhìn vào thực tế các mùa sự kiện E3, bạn đọc có lẽ sẽ nhận ra kha khá sự thật phũ phàng. E3 không tuyệt vời tới vậy.

Downgrade đồ họa trò chơi khi phát hành thực tế

Một trong những tội lỗi lớn nhất của sự kiện E3 chính là nơi cho các hãng game chuyên “hứa lèo” hoặc nói dối một cách trắng trợn. Nếu đã từng xem một buổi họp báo của Ubisoft, bạn đọc chắc chắn sẽ mường tượng ra được những gì tôi đang đề cập tới. Việc hạ cấp đồ họa của game phát hành chính thức so với bản demo giới thiệu không phải là chuyện lạ, tuy nhiên, việc hạ nó xuống quá mức cho phép thì chẳng người hâm mộ nào có thể chấp nhận nổi.

Sự kiện E3: Hào nhoáng chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài

Ubisoft không phải hãng duy nhất gây được sự tai tiếng với Watch Dogs. Microsoft đã từng làm điều tương tự với Halo 2. Hay như chính Sony cũng từng mắc phải sai lầm này với Killzone 2.

Nếu như đồ họa của bản game chính thức bị downgrade một chút so với bản demo, ai cũng đều hiểu rằng chỉ có cách đó mới tối ưu được cho toàn bộ trò chơi. Trải qua quá nhiều sự lừa lọc trong các mùa E3, có lẽ người hâm mộ tới bây giờ cũng đã biết phải trấn tĩnh lại khi được chiêm ngưỡng các bản demo đẹp như mơ. Biết đâu đó lại là một “cú lừa” cực mạnh của vài năm sau thì sao?

Lừa dối trắng trợn khi trình diễn trên sân khấu

Có nhiều hãng mặc dù giới thiệu là trò chơi dành cho hệ console, nhưng cuối cùng trên sân khấu của buổi họp báo, trò chơi đó lại được chơi bằng…PC. Nhưng điều đó vẫn không đáng nói bằng việc người đại diện của hãng đó đứng trên sẩn khấu, tay cầm chiếc controller và thể hiện như mình đang trực tiếp chơi nó. Đó là một sự lừa dối trắng trợn, và tôi đang đề cập tới Microsoft.

Sự kiện E3: Hào nhoáng chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài

Microsoft đã lừa người hâm mộ không phải chỉ một lần. Lần đầu tiên là khi họ show ra bản demo của Ryse: Son of Rome tại E3 2013. Sau đó, họ lại tiếp tục lừa dối một lần nữa trên sân khấu E3 2016 với trò chơi Ghost Recon: Wildlands. Lý do cho việc này là họ muốn có một màn trình diễn “hoàn hảo nhất” cho người hâm mộ. Nhưng nếu hoàn hảo tới mức phải nói dối như vậy thì game thủ biết được cũng đâu có vui.

Khi Microsoft bị phát giác, nhiều người cũng bắt đầu đặt nghi vấn cho các hãng khác, phải chăng họ cũng dùng mánh khóe này để thôi miễn game thủ với hình ảnh đồ họa chân thực? May mắn thay, ngoài Microsoft ra, cho tới giờ không có một hãng nào bị phát giác dùng mánh khóe “hát nhép” như vậy cả.

Những trò chơi “ma” nhằm kiếm danh tiếng ảo

Tôi không ám chỉ tới các game thuộc thể loại kinh dị, trò chơi ma ở đây là những sản phẩm được hãng game giới thiệu trong sự kiện E3 nhưng rồi sau đó lại hoàn toàn mất hút. Không có gì tệ hơn khi đây cũng là một mánh khóe được nhiều hãng sử dụng nhằm tạo ra tiếng vang ảo cho chính mình. Họ vẫn sẽ trình diễn những bản demo gameplay tương đối chi tiết, hoặc nhá hàng một vài hình ảnh có thể khiến toàn bộ khán phòng vỡ òa trong sung sướng. Nhưng sau đó dự án đó lại nhanh chóng mất hút.

Sự kiện E3: Hào nhoáng chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài



Sự mất hút này có thể do dự án đã bị hủy bỏ vĩnh viễn hoặc bị kéo dài thời gian phát triển lên tới 5 năm, hay thậm chí lâu hơn nữa. Tất nhiên chúng ta không thể biết được điều gì xảy ra với nhà phát triển sau khi đã công bố một trò chơi trên sân khấu E3. Nhiều hãng không hề tập trung phát triển dự án đã được công bố. Cứ hàng năm họ lại tung ra một đoạn trailer hay một số thông tin nhằm hướng sự chú ý của công chúng, truyền thông về phía mình rồi lại tiếp tục mất hút.

Và cuối cùng, khi nhận thấy cộng đồng bắt đầu có những phản ứng gay gắt hay không còn quan tâm tới trò chơi đó nữa, họ sẵn sàng hủy bỏ rồi tiếp tục tìm trò chơi khác. Thông thường cách làm này sẽ hiệu nghiệm với những bản remake, hay các phần tiếp theo của một series game nổi tiếng. Nhưng khá may mắn cho cộng đồng là một vài trò chơi đã trở thành hiện thực sau quá nhiều năm chờ đợi.

Lợi dụng E3 như một chiếc loa phóng thanh cho những điều phi thực tế

Sự kiện E3 không chỉ là nơi triển lãm các trò chơi hay các công nghệ mới trong ngành game, đây còn là nơi được ví như một chiếc loa phóng thanh, giúp các hãng có thể phóng đại hoặc nổ tung trời về sản phẩm của mình. Và tất nhiên những lời nói phát ra từ chiếc loa đó thì chẳng đáng tin một trăm phần trăm.

Sự kiện E3: Hào nhoáng chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài

Bạn còn nhớ Mircosoft khi công bố Xbox One không? Họ tuyên bố rằng họ biết điều gì là tốt nhất cho người dùng của mình, “luôn trực tuyến” và “Kinect 2.0” là cách thức của tương lai. Và kết quả cuối cùng ra sao, Xbox One trở thành một trong những cú tát đau điếng, khiến cho Microsoft phải nhìn lại mình, rút ra hàng tá bài học cho thế hệ console tiếp theo.

Việc hãng phát hành game nổ hơi quá trong lời quảng bá của mình không phải là điều lạ. Tuy nhiên, đứng trên sân khấu E3, có những người sẵn sàng phóng đại những điều không hề có thật. Họ nói những lời hoa mỹ nhất, cho rằng bản thân hiểu và hướng tới người dùng nhất, nhằm mục đích thuyết phục, thôi miên game thủ, biến họ trở thành những con cừu có thể bị chăn bất cứ lúc nào.

Vấn đề an ninh rất đáng lo ngại

Mỗi năm khi mùa E3 tới, dòng người đổ về nơi tổ chức sự kiện vô cùng đông đảo. Điều này vừa khiến cho ngành game trong những ngày này sôi động hơn, nhưng nó cũng kéo một vấn đề khác, đó là an ninh trật tự và sự an toàn của những người tham gia.

Sự kiện E3: Hào nhoáng chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài

Sự kiện E3 2017 có thể coi là năm đáng báo động nhất. Lực lượng an ninh bỏ mặc những người bị thương trong sự kiện, người tham gia bị cướp tài sản. Thậm chí ban tổ chức còn không đặt máy dò kim loại, không có bất cứ hình thức kiểm tra nào để kiểm soát dòng người tham dự sự kiện. Trong khi đó, năm 2017 là năm đầu tiên ban tổ chức quyết định tăng thêm 15 ngàn vé, số người tham dự lên tới gần 70 ngàn người (năm 2016 là hơn 50 ngàn người).

Khi quyết định mở rộng, E3 cũng thay đổi cấu trúc sao cho phù hợp hơn với số đông người tham dự. Tuy nhiên, lượng người càng đông, vấn đề an ninh tại đây càng lỏng lẻo. Mặc dù ban tổ chức đã khẳng định tăng cường an ninh nhưng những người tham gia và tài sản của họ vẫn gặp nguy hiểm ở mức đáng báo động. Với quy mô khổng lồ như vậy, chẳng ai trong ban tổ chức có thể sát sao được hết, bao quát được hết những gì xảy ra bên trong dòng người đông đúc kia cả.

E3 vẫn là sự kiện có ảnh hưởng lớn tới ngành game

Dù thế nào thì E3 vẫn là sự kiện game lớn nhất hàng năm, có ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ ngành game. Đây là nơi đã giúp cho Sony đánh bại hoàn toàn được đối thủ Microsoft trong cuộc chiến console. Trên sân khấu E3 năm 2013, ngay sau khi đối thủ Microsoft gây thất vọng cho người hâm mộ, Sony đã xuất hiện cùng thông điệp “chúng tôi sẽ đối xử với game thủ một cách đúng đắn” bằng một màn đá xoáy cực kỳ kinh điển và sâu cay.

Sự kiện E3: Hào nhoáng chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài

Tiếp đến là Watch Dogs, trò chơi bị coi là lời nói dối trắng trợn nhất lịch sử E3. Sau khi có màn trình diễn đẹp như mơ trên sân khấu E3, trò chơi đã trở thành một trong những thương hiệu game bán chạy nhất của Ubisoft. Mặc dù sau đó Watch Dogs đã gây nên rất nhiều tranh cãi, nhưng best-selling đã là một thành công lớn của game sau khi ra mắt tại E3 rồi.

Nếu một trò chơi nào đó nằm trong danh sách tệ nhất E3, chắc chắn nó sẽ thất bại thảm hại. Sự kiện này có thể quyết định số phận của một tựa game, xa hơn là cả một thế hệ máy console hay thậm chí là danh tiếng của cả một hãng game. Đó là lý do tại sao nhiều người lại bất chấp, sẵn sàng nói dối để trưng bày ra một bộ mặt ‘hoàn hảo nhất” cho game thủ và truyền thông tới vậy.