Mọt tui hoàn toàn tránh việc spoil nội dung của trò chơi trong bài viết này nên bạn có thể yên tâm theo dõi tiếp.
Điều không bất ngờ đã xảy ra khi The Last of Us Part 2 bị “đánh bom” trên Metacritic. Đây là điều mà Mọt Nghiêm Túc đã dự đoán trước ngày game ra mắt sau khi nghe ngóng trên các diễn đàn, MXH có liên quan, bởi dù bản thân Mọt né tránh hoàn toàn các thông tin spoil trò chơi, game thủ đã cho thấy rõ rằng mình không hài lòng với những tình tiết xảy ra trong The Last of Us Part 2, đặc biệt là sự kiện đóng vai trò bước ngoặt có liên quan đến một trong các nhân vật chính và cây gậy đánh golf của một nhân vật khác.
Khác với trường hợp bị “bom review” gần đây là Warcraft 3: Reforged khi cả giới chuyên môn lẫn game thủ đều đồng ý rằng đó là game rác (59 điểm và 0,6 điểm), các điểm số Metacritic của The Last of Us Part 2 có một sự khác biệt hết sức rõ ràng. Vào thời điểm mà Mọt tui thực hiện bài viết này, điểm số do game thủ cho (User Score) của The Last of Us Part 2 trên Metacritic là 3,4, với khoảng gần 24.000 người tham gia vào việc đánh giá trò chơi, trong khi điểm số của báo giới là 95, biến The Last of Us Part 2 thành một trong những tựa game được đánh giá cao nhất trong thế hệ console hiện tại cũng như trong lịch sử.
Và Kênh Tin Game nhận thấy rằng không ít game thủ – ở nước ngoài lẫn trong nước, đã phát biểu rằng Sony trả tiền cho các nhà báo trên khắp thế giới để có được điểm số review này. Số khác nhẹ nhàng hơn khi nói rằng các đánh giá của người review chuyên nghiệp là chẳng đáng tin, họ không phải game thủ và chẳng biết game thủ thích gì, muốn gì và cần gì nên tốt nhất là tin tưởng vào điểm User Score. Nhưng sự thật thì sao? Hãy để Mọt Nghiêm Túc, một kẻ không có nhiều hứng thú với thương hiệu TLOU nên dễ dàng đặt mình ngoài cuộc để trải lòng một chút về những gì đã và đang xảy ra hay tâm lý chung của game thủ khi chấm điểm để bạn có thể hiểu hơn về khái niệm “bom review” lẫn những gì mà chúng phản ánh.
Quả bom mà The Last of Us Part 2 đang nhận
Vào thời điểm Mọt tui thực hiện bài viết này, game đã ra mắt được khoảng 36 tiếng trên một số vùng của thế giới, khoảng thời gian đủ để game thủ hoàn tất nội dung của trò chơi nếu cày không ngủ không nghỉ. Tuy nhiên, hiện tượng “bom review” đã xuất hiện ngay sau khi Metacritic mở điểm số User Score cho game thủ đánh giá, và chỉ sau khoảng 7 tiếng ra mắt, game có điểm số 3,5/10 do khoảng 3.000 game thủ đóng góp. Trong đó không thiếu người cho trò chơi những điểm 0 tròn trĩnh – những người chỉ mới chơi game được vài giờ, hoặc chỉ được xác nhận rằng các thông tin leak trước đó về số phận của một trong các nhân vật chính trong series là đúng.
Điểm số này tụt dần xuống 3,4 rồi 3,3 nhưng trồi lên lại 3,4 vào thời điểm Mọt thực hiện bài viết này. Trong khi đó, trên các diễn đàn và trang tin, những bài viết đánh giá game tiếp tục xuất hiện với điểm số cao ngất ngưởng, còn game thủ tiếp tục chê bai trò chơi lẫn những bài review. Có hai luồng lý do chính dẫn đến việc The Last of Us Part 2 bị đánh bom review: một là sự kém cỏi trong cốt truyện mà tác giả kịch bản Neil Druckmann thực hiện, khi không ít game thủ tin rằng tình huống dẫn đến bước ngoặt trong The Last of Us Part 2 quá khiên cưỡng, thậm chí rất phi lý. Vô số game thủ đã chơi qua The Last of Us gốc tin rằng game đã sai lầm khi cố gắng tạo ra cái cớ cho cuộc hành trình mới của Ellie một cách vội vã, thiếu logic và xung đột với hình tượng nhân vật mà phiên bản gốc tạo ra.
Sau đó, The Last of Us Part 2 lại ép buộc game thủ phải nhập vai một nhân vật mới toanh trong khi bản thân người chơi đa phần đã căm ghét Abby ngay từ đầu game. Trong suốt hành trình của TLOU2 là những hành vi tìm đường “tẩy trắng” lộ liễu cho nhân vật này nhằm phục vụ cho cái kết mong muốn của NSX. Một cái kết chơi vơi thiếu logic khiến toàn bộ những gì mà Ellie trải qua đều trở nên nhảm nhí. Với một tựa game mà điểm mạnh chính là cốt truyện thì các tình tiết kịch bản kiểu The Last of Us Part 2 chắc chắn sẽ khiến game thủ thất vọng với trò chơi. Đúng kiểu đã không xây thì thôi lại còn đi phá hoại.
Luồng ý kiến thứ hai dẫn đến việc game thủ “đánh bom” The Last of Us Part 2 là những nội dung LGBT như sự xuất hiện của yếu tố tình yêu đồng giới và hình tượng lực lưỡng của một nhân vật nữ khác. Mọt tui cho rằng game thủ chẳng mấy quan tâm đến những yếu tố này nếu chúng được làm một cách khéo léo và đóng góp cho cốt truyện của trò chơi. Sự thành công của những tựa game có nhân vật chính là nữ như Tomb Raider, Horizon: Zero Dawn, những tựa game có yếu tố đồng giới như Life is Strange, Mass Effect, Assassin’s Creed Odyssey là những ví dụ cụ thể cho việc game thủ sẵn sàng chấp nhận những yếu tố tưởng chừng gây tranh cãi này.
Trong những tựa game này, tính cách của nhân vật không phải chỉ bao gồm một cái nhãn “đồng tính” để thể hiện “ta đây tiến bộ, đầu óc mở mang” mà là tổng thể của nhiều yếu tố khác nhau, khiến game thủ yêu thích họ. Trong khi đó, những tựa game bị ghét thường rơi vào tình trạng giả vờ “tiến bộ, thấu hiểu” nhằm mục đích lấy lòng một số đối tượng nhất định (ngay cả khi những đối tượng đó chẳng phải là gamer) và khiến game thủ – những người lẽ ra phải được trò chơi phục vụ – cảm thấy bị chơi xỏ. The Last of Us Part 2 bị một số game thủ căm ghét vì họ tin rằng Neil Druckmann đã thực hiện kịch bản The Last of Us Part 2 với mục đích thỏa mãn dục vọng của mình chứ không phải tạo ra một trò chơi hấp dẫn nhằm phục vụ khách hàng.
Điểm nào mới đúng với chất lượng của game?
Với hai mức điểm số chênh lệch nhau quá xa (9,5/10 và 3,4/10) trên Metacritic, chúng ta tin vào điểm số nào? Có thể bạn cảm thấy điểm của các reviewer dành cho The Last of Us Part 2 không đáng tin, nhưng Mọt tui cũng muốn nói rằng điểm số do người dùng đưa ra cũng càng không đáng tin trong trường hợp này. Trong khi điểm số do reviewer đưa ra vẫn luôn phụ thuộc vào cảm tính của từng người (thể loại họ thích, game họ từng chơi, hiểu biết về các game khác,…), chúng vẫn đòi hỏi sự cân nhắc của nhiều yếu tố khác nhau, vì thế ngay cả khi reviewer thuộc hạng gà, những con số mà họ đưa ra vẫn có một giá trị tham khảo nhất định.
Trong khi đó, đặc điểm chung của những điểm số tạo thành một quả bom review là con số “0” chỉ đại diện cho sự tức giận của game thủ. Với phương thức lấy điểm trung bình làm User Score, Metacritic khiến game thủ cố tình hạ điểm game theo ý thích chủ quan của mình. Nếu một game đang được điểm 8 nhưng game thủ tức giận vì yếu tố nào đó và cảm thấy nó chỉ đáng điểm 6, họ sẽ cho game điểm… 0 để cố gắng kéo con số mà Metacritic hiển thị xuống gần mức mình mong muốn và hoàn toàn bỏ qua những mặt tích cực của trò chơi. Những người thấy điểm 8 quá thấp sẽ rộng tay cho game điểm 10 để kéo nó lên, và cứ thế, điểm User Review chung thực sự không đáng tin cậy. Bởi ngay cả khi đã nguôi giận và bình tĩnh nhìn nhận lại chất lượng của trò chơi, chẳng mấy ai bận tâm đến việc sửa lại điểm review của mình cho đúng với cảm nhận khách quan cả!
Vậy nên tin vào điểm số nào? Đáp án của Mọt là… chẳng cần tin vào điểm số nào cả, bởi mỗi game thủ có sở thích riêng và không một con số nào có thể bao quát tất cả mọi thứ – đến những siêu phẩm như The Witcher 3 hay GTA V còn có anti-fan thì cũng đủ hiểu rồi. Thay vào đó, chúng ta nên có những tiêu chí riêng của mình. Mọt tui xin chia sẻ với các bạn phương thức tìm hiểu về game của bản thân. Khi tìm hiểu về chất lượng của một trò chơi qua đánh giá của game thủ, Mọt tui “ngắt đầu, bỏ đuôi, ăn khúc giữa” – bỏ hết những điểm số cực thấp và cực cao, chỉ đọc những bài đánh giá có tâm (tức có chiều dài) và so sánh những gì được nhắc đến trong bài đánh giá đó với thang điểm được Mọt tự xây dựng dựa trên sở thích của mình.
Mọt sẽ đưa ra một ví dụ đơn giản cho trường hợp này. Game D có đồ họa đẹp? Là một “sinh vật thị giác,” Mọt sẽ nâng nó lên trong danh sách “game đáng chơi.” Đã thế lại còn có nhân vật nữ sexy? Quá đã, điểm số của trò chơi tiếp tục leo thang. Bộ ngực của họ biết lúc lắc? Ôi chu choa, sắp đụng nóc, và Mọt chuẩn bị mua/tải game về máy. Á à, lại còn có loot box? Là một tù trưởng châu Phi giàu kinh nghiệm, Mọt tui sẽ quên hết các yếu tố ở trên để cho tựa game này đến vị trí mới nhất của nó trong… thùng rác nhưng vẫn phải thừa nhận rằng nó không đáng bị điểm 0 và sẵn sàng đề cử nó cho những ông bạn “không có gì ngoài điều kiện” của mình.
Lời kết
Bài viết này không có nghĩa Mọt Nghiêm Túc nói The Last of Us Part 2 phải được 10/10 hay 9,5/10 giống như các bài review khác chấm điểm – đó là ý kiến cá nhân cũng như công việc chuyên môn của ông bạn đồng nghiệp Mọt Biến Thái a.k.a vuhoang trong bài review đã ra mắt. Mọt tui – một kẻ ủng hộ bom review văn minh và nhìn thấy được tác dụng tích cực của nó – chỉ muốn nói rằng game thủ không nên mù quáng ghét “reviewer chuyên nghiệp” và chỉ tin tưởng vào “điểm của người chơi” bởi bên nào cũng có sự thiếu khách quan riêng của mình, chẳng ai trong số họ có thể thay thế bạn để quyết định xem bản thân nên chơi hay không chơi một tựa game nào đó!