Đây cũng là lý do mà vì sao có những series đã kết thúc mười mươi rồi, nhưng nhà phát hành vẫn khẳng định là nó chưa hết, tiếp tục ra mắt phần tiếp theo bất kể chất lượng có như thế nào.
Dù thế nào đi chăng nữa thì rõ ràng là nhà phát triển không hề tính đến chuyện sẽ có tiếp hậu bản cho tựa game mà mình đang làm. Do đó, khi nhà phát hành yêu cầu làm thêm phần tiếp theo thì họ phải căng não ra suy nghĩ để mọi thứ không có cảm giác bị kệch cỡm. Và có hậu bản thì chấp nhận được, có cái thì không.
Sau đây là danh sách 10 series tưởng chừng như đã kết thúc nhưng vẫn tiếp tục có hậu bản.
Resident Evil 5Resident Evil 5 có một kết thúc rất là buồn cười, cụ thể là nhân vật phản diện trứ danh Albert Wesker bị bắn nổ tung bởi 2 phát đạn RPG, và phần "còn sót lại" của hắn thì được cho là bị nham thạch thiêu rụi luôn.
Wesker chết, tập đoàn Tricell đổ vỡ, virus Uroboros bị tiêu diệt, hết truyện. Nhưng đến phần 6 thì lại lòi ra thêm một tổ chức xấu xa khác là Neo-Umbrella cũng đang sử dụng một loại virus để thống trị thế giới.
Resident Evil 6 cũng cho thấy là series này đang cạn kiệt ý tưởng thông qua việc sử dụng lại một số nhân vật chính trong các phần trước như Leon và Chris. Cũng may mà Capcom đã gỡ gạc lại với Resident Evil 7 với gameplay góc nhìn thứ nhất.
Final Fantasy XMặc dù các phần Final Fantasy thường là phần riêng biệt, nhưng ở những phần sau này thì Square Enix lại giới thiệu thêm các hậu bản spin-off, bắt đầu với phần 10.
FFX kết thúc khá là vẹn toàn: Yu Yevon bị đánh bại và Sin bị tiêu diệt mãi mãi, còn Tidus vì là một hồn ma nên cũng dần tan biến và Yuna bắt đầu xây dựng lại Spira. Nôm na thì đây là một cái happy ending pha chút đắng cay… cho đến khi FFX-2 xuất hiện 2 năm sau đó.
Khi không còn Yevon nữa thì nhiều tổ chức thừa cơ lộng hành, gây ra căng thẳng giữa Youth League và New Yevon, trong khi Yuna thì cứ loay hoay tìm cách hồi sinh Tidus.
Đây là một pha "undo" kinh điển của một cái kết vẹn toàn với mục đích là để kiếm thêm tiền. Và mặc dù FFX-2 chơi vẫn khá hay, về mặt cốt truyện thì nó lại trở nên vô cùng thừa thãi và không cần thiết.
Max Payne 2: The Fall Of Max Payne
Max Payne 2 là một trong những hậu bản hay nhất từng được sản xuất, với cái kết là Max Payne xả đạn tiêu diệt tất cả những ai dám đối đầu với anh ta, và người yêu Mona Sax cũng chịu cảnh hy sinh giữa làn lửa đạn.
Quan trọng hơn hết là cảnh Max Payne cuối cùng cũng học được cách chấp nhận, đối mặt với quá khứ (khi gia đình Max Payne bị sát hại), coi như là mọi chuyện đã ổn thỏa.
Ngay cả người sáng tạo ra Max Payne là Sam Lake cũng nói rằng anh muốn kết thúc với phần 2, nhưng Rockstar Games vẫn quyết định hồi sinh series này với phần 3 mà không có sự tham gia của Lake.
Max Payne 3 không còn cái cảm giác u ám kinh điển như 2 phần trước nữa mà thay vào đó là những ánh nắng vàng ươm tại São Paulo và xây dựng hình tượng Max Payne là một gã nghiện rượu và hút chích bị dính vào một đường dây bắt cóc.
Về mặt gameplay thì Max Payne 3 đã làm rất tốt, nhưng vì ra mắt sau gần 10 năm kể từ phần 2 và không có gì trông giống phiên bản trước đó nên đây có thể xem như là một tựa game mới hoàn toàn được dán nhãn Max Payne.
Dead Space 3
Kết thúc của Dead Space 3 đã chắc như đinh đóng cột rồi, nhưng bản mở rộng Awakened lại nạy cây đinh đó ra không một chút do dự.
Cụ thể, Dead Space 3 kết thúc với Isaac và Carver hi sinh vì mục đích cao cả để tiêu diệt Marker và xóa sổ lũ Necromorphs.
Nhưng tất nhiên là Visceral Games đã chuẩn bị sẵn hậu bản rồi, nên trong phần after credit thì game hé lộ rằng cả 2 nhân vật này thực chất vẫn còn sống.
Thật vậy, trong DLC Awakened thì Isaac và Carver vẫn sống sót, và tệ hơn nữa là cả Marker lẫn Necromorphs vẫn chưa bị diệt tận gốc. Thậm chí Trái đất còn bị lũ Necromorphs xâm chiếm nữa cơ.
Buồn cười ở chỗ cái kết của bản DLC này khá là mờ nhạt, ám chỉ sẽ có thêm phần 4 (mà đến giờ này vẫn chưa thấy đâu). Lẽ ra Awakened không nên tồn tại mới phải.
Gears Of War 3
Cũng giống series Resident Evil, Gears of War cũng có "sở thích" là reset lại series với mỗi phần mới. Mặc dù mỗi phần đều kết thúc với kẻ địch bị tiêu diệt ráo rọi, nhưng kiểu gì thì cũng có thế lực thù địch khác đang dòm ngó ngoài kia.
Gears of War 3 như là một nồi lẩu thập cẩm, gói gọn tất cả mọi thứ trong các phần trước vào trong 1 tựa game: lũ Locust, Lambent, và Imulsion đều bị tiêu diệt, còn Marcus thì trầm tư về sự hi sinh của Adam và Dom khi anh ta đặt niềm hy vọng vào tương lai của trái đất.
Việc Gears of War 4 mất thêm 5 năm để ra mắt dường như chứng tỏ một điều rằng phần 3 là đã xong xuôi hết rồi, nên muốn viết tiếp cốt truyện là điều cực kỳ khó khăn. Đây cũng có thể là lý do vì sao phần 4 lấy bối cảnh 25 năm sau sự kiện trong phần 3, với chủng tộc mới gọi là Swarm (hậu duệ của lũ Locust).
Mặc dù có thêm phần 4 thì không mấy ngạc nhiên cho lắm, nhưng nó lại gạt bỏ tất cả những gì tốt đẹp nhất trong đoạn cuối của Gears of War 3 mà không một chút do dự.
Tomb Raider: The Last RevelationThe Last Revelation được tạo ra và quảng bá là phần cuối của series Tomb Raider vì nhà phát triển Core Design thấy rằng nhiêu đây là đủ rồi.
Và vì thế nên phần này có một cái kết thúc vô cùng bất ngờ và "tối tăm", với Lara Croft dường như bị chôn sống trong ngôi mộ đang sụp đổ, sau khi từ chối nhận sự trợ giúp từ Von Croy – trước đây là ‘mentor’ của Lara.
Game nhận được rất nhiều đánh giá tích cực và nhiều game thủ chấp nhận đây là cái kết hợp lý cho series này… cho đến khi Eidos "bật đèn xanh" cho phần Tomb Raider Chronicles ra mắt vào 1 năm sau đó.
Mặc dù Chronicles là phần tiền truyện, nó lại có đoạn kết thúc cho thấy Lara vẫn còn sống, trước khi phần tiếp theo là The Angel of Darkness ra mắt với bối cảnh sau phần The Last Revelation, đem Lara trở lại với game thủ.
Cả phần Chronicles lẫn The Angel of Darkness đều bị chê thậm tệ và doanh số cũng chả khá khẩm gì mấy. Kết quả là Tomb Raider được trao tay Crystal Dynamics, trong khi Core Design thì bị chỉ trích và sau đó là đóng cửa.
Halo 3
Sau kết thúc không-thể-chấp-nhận trong phần 2 thì Microsoft mạnh dạn quảng bá Halo 3 với dòng tagline "Finish the fight" ("Kết thúc cuộc chiến"), ám chỉ rằng họ đã biết lỗi và hứa sẽ sửa lỗi trong phần này.
Và phần 3 này cũng được xem như là phần cuối cùng của series nên câu tagline kia cũng có phần đáng tin chứ không phải là không. Hơn nữa, trong cảnh cuối của Halo 3 thì cả Master Chief và Cortana đều đồng ý rằng Prophet of Truth, lũ Covenant, và cả bọn Flood đều đã bị diệt trừ, nhiệm vụ tới đây là hoàn thành.
Cho dù khúc cuối Master Chief bắt đầu ngủ đông, và phần ending bí mật còn ám chỉ rằng cuộc phiêu lưu vẫn còn tiếp diễn, thì cái kết của Halo 3 vẫn có thể xem là dấu chấm hết cho series này. Tuy nhiên, vì Halo quá thành công về mặt thương mại nên kiểu gì cũng sẽ có… phần 4.
Đúng vậy, Halo 4 ra mắt vào năm 2012, khởi đầu bằng một cuộc chạm trán với chủng tộc ngoài hành tinh mới tên là Prometheans. Và đây cũng là nền móng giúp tạo ra bộ ba phần Halo tiếp theo, với chương cuối là Halo Infinite dự kiến ra mắt vào năm 2020.
Mặc dù game thủ vẫn đón nhận những phần Halo sau này, nhưng nếu series Halo kết thúc ngay tại phần 3 thì cũng đã thỏa mãn lắm rồi.
Mass Effect 3
Mặc dù bị fan "dội bom" rất nhiều nhưng không thể phủ nhận rằng Mass Effect 3 là một hồi kết khá là "epic", khép lại hành trình du hành vũ trụ qua 3 phần game của Commander Shepard, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến với lũ Reapers.
Nhưng thay vì tạo ra một tựa game mới hoàn toàn thì EA lại nằng nặc muốn làm một bản "reboot nhẹ" của Mass Effect với tên gọi Andromeda. Game lấy bối cảnh 600 năm sau sự kiện trong Mass Effect 3 với dàn nhân vật mới toanh.
Mặc dù ta có thể cảm ơn EA và BioWare đã không hồi sinh Shepard thêm lần nữa như trong phần 2, Mass Effect 3 vẫn xứng đáng là một chương kết của series 3 phần Mass Effect, còn Andromeda thì hay bị xem như là một phiên bản "con rơi" của series này vì game nhận khá nhiều phản hồi trái chiều và doanh số cũng không được như kỳ vọng.
Metal Gear Solid 4: Guns Of The PatriotsMetal Gear Solid 4 là một cái kết chắc nịch cho câu chuyện của Solid Snake. Phần này chấm dứt mọi câu chuyện còn đang dang dở, và bằng cách cho Old Snake sống phần đời còn lại trong yên bình, game thủ cảm thấy cực kỳ hài lòng với cái kết này.
Hầu hết fan đã không nghĩ rằng MGS V sẽ tồn tại. Sau MGS IV thì có Metal Gear Rising: Revengeance nhưng được xem như là một phần "phụ lục" vậy thôi chứ cũng không hẳn là hậu bản của MGS IV.
Nhưng sau đó, MGS V: The Phantom Pain được tung ra vào năm 2015. Đây là tiền truyện để tái thiết lập bối cảnh cho các sự kiện đã diễn ra trong series, cụ thể là thân phận của Big Boss. Phần này cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều từ fan.
Tuy cả 2 game trên đều có gameplay rất cuốn hút và thú vị, chúng đều không khẳng định được lý do vì sao lại tồn tại (xét về mặt cốt truyện), đặc biệt là khi MGS IV đã đóng sập tất cả các cánh cửa lại rồi.
Portal
Portal là một tựa game giải đố vô cùng "trí tuệ" của Valve với kết thúc là cảnh nhân vật chính Chell tiêu diệt GLaDOS, cả căn phòng bị xé toạc, và Chell tỉnh dậy khi đang nằm bên ngoài Enrichment Center của Aperture Science.
Mặc dù bài nhạc cuối game mang tên "Still Alive", ám chỉ rằng cuộc phiêu lưu vẫn còn do GLaDOS vẫn còn sống, chúng ta có thể xem như là Valve làm vậy cho vui là chính.
Nhưng sau đó khoảng 2 năm rưỡi, tức năm 2010, thì Valve lại cập nhật Portal với một đoạn kết mở rộng, cho thấy Chell bị lôi đi bởi một con rôbốt, và Portal 2 được thông báo vài ngày sau đó.
Mặc dù việc tung ra bản cập nhật thay đổi đoạn kết game là một ý tưởng mới lạ, Portal lại được xem như là một tựa game riêng biệt, chơi một lần rồi xong luôn, trong lúc chờ… Half-Life 3. Nôm na là nó không nhất thiết phải có phần 2.
May mắn là Portal 2 vẫn tuyệt cú mèo, thậm chí có phần hay hơn cả người tiền nhiệm của mình. Do đó, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà cốt truyện của game được thay đổi để làm tiền đề cho phần tiếp theo hoành tráng hơn.
Nguồn What Culture biên dịch Gearvn