Và với game thủ chúng ta, là fan game hành động, chúng ta đã có series dài hơi Dynasty Warriors, cho ta vào vai các vị văn quan, võ tướng nơi sa trường. Với fan game chiến thuật muốn đào sâu về chiều sâu chiến lược của thời kì này, đã có Romance of Three Kingdoms theo dạng game chiến thuật… cả hai đều là những đứa con tinh thần của hãng KOEI với các phiên bản mới ra mắt gần như đều đặn hàng năm, mỗi series lại khai thác một khía cạnh khác nhau của thời đại này.
Romance of Three Kingdoms, một tượng đài game chiến thuật kinh điển về đề tài Tam Quốc
Nhưng nay, với Total War: Three Kingdoms; bạn sẽ bừa được tận tay dẫn dắt các vị hổ tướng như Hứa Chử, Quan Vũ, Trương Phi… vào tham chiến nơi trận tiền. Vừa được dẫn dắt thiên binh vạn mã hành quân đánh chiếm, cùng với đó là cả cuộc chiến chính trị đầy mưu sâu kế hiểm của thời đại này. Tóm lại, chúng ta sẽ được tham gia Chiến tranh Tổng lực, điều mà các fan ao ước từ bao lâu, một cuộc chiến tranh Tổng lực lấy đề tài Tam Quốc đã trở thành hiện thực và sẽ sớm đến tay game thủ chúng ta.
I/ BỐI CẢNH TAM QUỐC GIÀU TIỀM NĂNG
Dựa vào đoạn trailer mới ra mắt của studio Creative Assembly thì chúng ta sẽ bắt đầu cuộc Chiến tranh Tổng lực lần này vào năm 190 trước Công Nguyên, lúc này triều đại nhà Hán, sau 400 năm cai trị trong thịnh vượng và hùng mạnh đã bắt đầu suy tàn. Sau khi Hán Linh Đế qua đời, Đổng Trác vào kinh tàn sát triều thần, bức hiếp Hoàng Đế, nắm giữ quyền lực. Bởi lẽ vậy nên chư hầu các phương lũ lượt nổi dậy thành lập Liên Minh Quan Đông dưới sự chỉ huy của minh chủ Viên Thiệu để lật đổ Đổng Trác.
Dynasty Warriors, tựa game đã quá quen thuộc với game thủ Việt Nam
Đây có lẽ chính lẽ mốc thời gian khởi đầu của cuộc Chiến tranh Tổng lực lần này. Với một bên là Đổng Trác là thế lực lớn nhất, nắm giữ Hoàng Đế trong tay và cai trị từ Lạc Dương, nằm cách Bắc Kinh, thủ đô hiện giờ của Trung Hoa, 750km về phía Tây Nam. Và một bên là 17 đạo chư hầu bao gồm các vị tướng lãnh, anh hùng trứ danh đương thời như Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi… Từ đó, mầm móng cho cuộc phân tách “Chia ba thiên hạ” sẽ được hình thành nên sau khi Đổng Trác bị đánh bại.
Sau khi Đổng Trác bị đánh bại, các chư hầu, tướng quân phiệt khắp nơi sẽ tự diệt trừ lẫn nhau. Để rồi sau cùng chỉ còn lại ba quốc gia lớn nhất lần lượt là:
Tạo hình của Tào Tháo trong Total War: Three Kingdoms
Tào Ngụy: Thiết lập nên bởi Tào Tháo và con trai Tào Phi, có kinh đô nằm tại cố đô Lạc Dương, kiểm soát vùng đất rộng lớn nhất tại phía Bắc Trung Hoa.
Tôn Ngô (Hay thường được gọi là Đông Ngô): Cai trị bởi dòng họ nhà Tôn về phía Đông Nam Trung Hoa, ở tại Vũ Xương ngày nay.
Tạo hình của ba anh em Lưu, Quan, Trương trong Total War: Three Kingdoms
Thục Hán: Nằm ở phía Tây Nam Trung Hoa, có kinh đô đặt tại Thành Đô (Thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), thành lập nên bởi Lưu Bị, một trong ba vị anh hùng trong trailer; người đã cùng hai người anh em Quan Vũ, Trương Phi thề lời thề vườn đào nổi tiếng. Ngoài ra Lưu Bị cũng là hậu duệ Hoàng Tộc, được xếp vào hàng chú của Hoàng Đế nên Thục Hán cũng thường được miêu tả là phe chính nghĩa, nhằm khôi phục lại nhà Hán trước sự thao túng lạm quyền của Tào Tháo, hay sự cát cứ quân phiệt của gia tộc họ Tôn ở Đông Ngô. Hoặc có lẽ mốc thời gian khởi đầu muộn lắm là lui lại một chút vào cuộc Khởi nghĩa Khăn vàng của nông dân từ trước đó mà thôi.
Tóm tắt lại đơn giản, thì cốt truyện chính của phiên bản này sẽ xoay quanh một đám thủ lĩnh quân phiệt địa phương đứng lên chống lại gian thần Đổng Trác vì không muốn một kẻ ác độc như vậy nắm quyền, và cũng để khuếch trương thanh thế quyền lực của bản thân nữa. Thế nên một khi Đổng Trác bị hạ bệ, quân phiệt các nơi sẽ quay sang giao chiến, thâu tóm lẫn nhau, bao gồm cả một số thuộc hạ từng một thời trung thành với Đổng Trác nữa (Như Lữ Bố chẳng hạn). Để rồi cuối cùng sẽ dẫn đến một thời kì hơn 40 năm của ba quốc gia riêng biệt, độc lập, ổn định là Tào Ngụy, Tôn Ngô và Thục Hán như đã nói ở trên, ba phe ở thế gườm nhau, không ai chịu ai và ai cũng nhăm nhe lên làm hoàng đế. Hoặc cũng có thể chẳng ai làm nên đại nghiệp cả ngoài Viên Thiệu, Lữ Bố hay thậm chí là chính… Đổng Trác cũng nên?
II/ SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA BỐI CẢNH LÊN TOTAL WAR
Dù bạn chọn phe nào, Ngụy, Thục, Ngô hay một thế lực cát cứ riêng biệt nào đó, mục tiêu cuối cùng cũng là trở thành Hoàng Đế trong cái thời đại nhiễu nhương này. Thành thử nhiều khả năng phần chơi chiến dịch sẽ mang nhiều nét tương đồng với bản Shogun 2: Total War, phiên bản được đánh giá là hay, cân bằng nhất cả series. Cũng có nghĩa là một cơ chế tương tự như Realm Divide sẽ xuất hiện, đẩy vị Hoàng Đế tương lai vào một cuộc đại chiến lớn cuối cùng để thiết lập vĩnh viễn triều đại của mình lên đất nước Trung Hoa.
Hình ảnh của một bản Mod Tam Quốc trong Medieval Total War
Và thực ra thì đó cũng là cái hiện thực của thời đại này, khi Đổng Trác nắm quyền lực và binh lực lớn nhất thì sẽ bị chư hầu khắp nơi đả phạt và tương tự là tới Tào Tháo sau này cũng vậy. Còn ngòi bút của người viết sử nhiều khả năng chỉ là một sự thêm ghét để logic hóa những tính toán hết sức thực dụng đó mà thôi.
Bởi sự tự do của bản chất một tựa game chiến thuật sandbox, tính vô bất biến của bối cảnh cùng một quãng thời gian dài gần 40 năm để “trui rèn” nên các quốc gia. nên không có gì có thể đảm bảo được rằng Chiến tranh Tổng lực: Tam Quốc sẽ chỉ dừng ở ba quốc gia hết. Mà có thể có tới ba, bốn, bẩy quốc gia phân tranh lẫn nhau như thời Chiến Quốc, Xuân Thu. Hay thậm chí như đã nói, có thể là chính Đổng Trác cho y tùy thích hưởng lạc, vui vầy với Điêu Thuyền, làm bao điều bạo tàn như ý muốn.
Một câu hỏi lớn nữa đặt lên phiên bản Total War lần này đó là liệu Nhà phát triển sẽ đi theo hướng sát thực với lịch sử hơn của Tam Quốc Chí. Hay chọn cách tiếp cận “Bảy thực ba hư” của La Quán Trung trong bộ tiểu thuyết trứ danh Tam Quốc Diễn Nghĩa? Từ những gì chúng ta đã được thấy qua đoạn trailer, Lã Bố đánh tan cả một đội hình quân địch; Quan Vũ, Trương Phi tả xung hữu đột giữa đám quân trăm vạn như nơi không người, thì có vẻ như gameplay sẽ đi theo hơi hướng của vế sau nhiều hơn.
Đặc biệt là với tiền lệ của hai bản Total War: Warhammer mới gần đây, nơi chúng ta được thực mục sở thị những vị tướng đơn độc với sức mạnh như thần thánh ngang bằng cả một đạo quan, có thể chặn đứng quân địch, khuynh đảo chiến trường. Nếu như vậy thì Total War: Three Kingdoms sẽ là bản game đầu tiên lột tả một giai đoạn lịch sử có thật theo lối thần thoại như vậy. Với các fan lịch sử đích thực, điều này có thể khiến một số thất vọng. Nhưng với đại đa số game thủ Việt Nam, có lẽ một chút hơi thở quen thuộc của Dynasty Warriors được thổi vào một tựa game mang nặng tính lịch sử chân thực như Total War thì còn gì tuyệt vời hơn nữa nào?
Dù có nhiều thứ được vay mượn từ văn chương, bản thân người viết vẫn mong muốn phần game này có một nền tảng lịch sử thật tốt. Bởi lẽ lịch sử Trung Hoa là một câu truyện thú vị, có nền tảng sâu và rộng lớn nhưng lại hầu như chưa được chạm tay đến bởi các hãng game phương Tây, ít nhất là với mức độ một tựa game bom tấn hạng AAA như thế này. Không chỉ là một thời đại của đao kiếm cùng những vị minh quân, hổ tướng, quân sư đại tài. Thời đại này cũng đánh dấu sự đột phá trong công nghệ khi hỏa khí bắt đầu được sử dụng, công nghệ bắn liên tên được hoàn thiện; hàng thế kỉ trước khi những chiếc nỏ bắt “phát một” xuất hiện tại Châu Âu.
Dù là trong lịch sử lẫn trong văn học, thời đại đáng nhớ này cũng ghi nhận hàng loạt chiến thuật công kích không chính quy, các chiêu trò đánh lạc hướng đáng nhớ và các pha bội phản ngoạn mục mà chưa tựa game Total War nào từng chứng kiến trước đây cả. Theo đó cũng hứa hẹn theo các cách hạ gục đối phương ranh mãnh hơn các phương pháp “chính thống” như cũ. Dẫu sao thì Total War đã vẫn luôn giữ form được khá lâu rồi phải không nào.
Một điều cuối cùng nữa, sự khốc liệt của thời đại này không chỉ nằm ở các trận đánh long trời lở đất diễn ra liên tục mà còn nằm ở đói kém, dịch bệnh, tà giáo, sự xâm lấn của Man tộc như rợ Khương, rợ Hung Nô, Nam Man… Dẫn tới việc Trung Hoa mất gần 2/3 dân số chỉ trong vài thập kỉ ngắn ngủi từ lúc nhà Hán sụp đổ cho đến khi nhà Tần được dựng thành. Thế nên thay vì sự “ổn định” như các bản Total War khác, phiên bản này sẽ có bối cảnh hỗn loạn, bạo tàn giống Total War: Attila hơn.
Dù đã có không ít tựa game lấy bối cảnh Tam Quốc, khai thác các khía cạnh khác nhau từ nhập vai, hành động, chiến thuật theo lượt… nhưng có thể khẳng định rằng. Chưa có một tựa game nào có tiềm năng lột tả trọn vẹn nét đẹp của thời đại này như một tựa game thuộc series Total War, mạnh cả về chiều sâu chiến thuật lẫn đẹp tuyệt vời trên trận địa nơi sa trường cả.
Vậy nên các bạn game thủ thân yêu ơi, hãy chờ tới Mùa Thu năm 2018 để thưởng thức và tận tay chỉ huy cuộc Chiến tranh Tổng lực lần này nhé.