Trải nghiệm Code Vein Beta: Bloodborne phiên bản Anime - PC/Console

Code Vein lấy rất nhiều ý tưởng từ huyền thoại Bloodborne, với việc thêm thắt các yếu tố nhập vai và đồ họa đậm chất anime đậm chất Nhật Bản.

Tựa game hành động chặt chém Code Vein cuối cùng cũng đã cho phép người chơi được tham gia Network Test (alpha test), sau rất nhiều lần trì hoãn cũng như dời ngày ra mắt chính thức. Một điều quái lạ là mặc dù sẽ ấn định sẽ phát hành trong năm 2019, nhưng kể cả trong đợt Network Test này thì Code Vein vẫn không nói rõ là chính xác thời điểm nào.

Thời lượng của phần Network Test này về cơ bản là vừa đủ để người chơi có thể tiếp cận và làm quen với Code Vein, nó sẽ bao gồm vài màn chơi ngắn và một con trùm giữ cửa. Chúng ta đã nói rất nhiều về việc Code Vein sẽ đi theo phong cách “cực khó” của Dark Souls, nhưng sau khi Kênh Tin Game chơi thử thì thấy nó theo hơi hướng giống như Bloodborne nhiều hơn – hay nói chính xác là game là một dạng lai giữa hành động chặt chém và cày cuốc luyện cấp kiểu nhập vai truyền thống.

Điểm quen thuộc nhất mà chúng ta có thể nhận thấy là Code Vein vẫn có thanh thể lực quen thuộc, 2 kiểu đánh gồm trung bình và mạnh với các mức tiêu tốn thể lực khác nhau. Người chơi sẽ được tự tạo nhân vật như bình thường, bất kể bạn chọn nam hay nữ thì cũng không có gì khác biệt trong lối chơi cả. Mỗi nhân vật như vậy sẽ được ban cho một loại quyền năng gọi là Blood Code, nói đơn giản đây là thứ sẽ quyết định xem phong cách chơi của bạn ra sao.

Mỗi loại Blood Code sẽ chuyên về một món vũ khí nhất định, thí dụ như kiếm, búa hay súng có gắn lưỡi lê… chúng quyết định mọi thứ từ sát thương, chỉ số và quan trọng nhất là tốc độ của nhân vật. Giả dụ như bạn chọn một Blood Code chuyên về búa có sát thương và máu nhiều, thì đổi lại nhân vật sẽ khó lòng né đòn hơn, ngược lại tốc độ nhanh thì sát thương yếu cùng máu ít.

CODE VEIN

Các Blood Code ngoài việc hỗ trợ về chỉ số cơ bản, thì nó cũng còn cho nhân vật học được những kỹ năng riêng theo từng nhánh. Đây là điểm khiến Code Vein khác với những “Souls Game” trên thị trường, nhân vật có thể trang bị 4 ô kỹ năng chủ động có thể kích hoạt khi chiến đấu (tốn năng lượng). Bạn càng có nhiều Blood Code thì cách tùy biến càng nhiều, tức là không nhất thiết cứ phải đi theo công thức Blood Code dùng cho vũ khí nặng hay nhẹ, mà có thể thông qua đống kỹ năng phụ trợ để thay đổi nó.

Trong Code Vein, kẻ địch sẽ rớt ra một điểm gọi là Haze khi bị hạ gục, thứ này dùng để lên cấp và mua đồ trong game. Mỗi khi bạn chết thì Haze sẽ mất tạm thời và phải đi lại chỗ đó để lấy lại, nếu trong quá trình này bị giết lần nữa thì toàn bộ Haze sẽ tiêu biến hết. Việc lên cấp trong Code Vein là tự động, tức là game sẽ không cho bạn tùy chỉnh các chỉ số, có lẽ cái này để người chơi tập trung hơn vào Blood Code.

Vì sao Mọt tui chờ đợi Octopath Traveler trên PC?
Là một game thủ không sở hữu Switch, tác giả hết sức vui mừng khi được tin Octopath Traveler sẽ lên PC. Hãy để Mọt chia sẻ lý do của niềm vui này cùng bạn.


Cũng giống như Bloodborne, Code Vein cho phép người chơi được quyền phản đòn kẻ địch bằng cách nhấn đúng lúc chúng vừa ra chiêu (tương tự Visceral Attack). Code Vein cũng có stealth kill nếu bạn lẻn ra sau lưng đối thủ mà không bị phát hiện, nhưng một điểm hay là bạn thậm chí có thể stealth kill ngay trong khi chiến đấu, với điều kiện phải di chuyển đủ nhanh để vòng ra sau lưng đối thủ. Đây là điểm phân cách giữa các lối chơi của Code Vein, chọn sức mạnh hay tốc độ thông qua Blood Code và sử dụng chúng ra sao khi chiến đấu.

CODE VEIN Network Test

Có một điều mà Kênh Tin Game cảm nhận thấy trong quá trình test Code Vein là có vẻ như nó vẫn chưa tối ưu như Bloodborne, hay nói đúng hơn là cái “nhịp” tấn công trong game này khá là loạn. Bạn có thể ra nhiều đòn hơn với một mức thể lực như Bloodborne, nhưng kẻ kịch cũng vậy và tốc độ của chúng phải nói là rất nhanh. Hit box trong cái game này cực kỳ ảo, vì có những con quái to xác có thể tung một đòn AOE hất từ đằng trước ra đằng sau mà rõ ràng bạn có cảm giác mình đã né được rồi.

Việc né đòn trong Code Vein cũng phải làm quen rất nhiều, như đã nói ở trên là vì có sự xuất hiện của Blood Code mà game phân cực rất mạnh. Với các Blood Code hạng nặng thì nhân vật sẽ lộn vòng dưới đất, nhưng nếu trang bị loại nhẹ hơn thì bạn lại có thể “lướt” được trên không (né đòn nhanh và mượt hơn). Mỗi dạng né như vậy sẽ có nhịp riêng của chúng, vì lướt thì nhanh hơn nhưng I-Frame (thời gian bất tử) ngắn hơn bình thường, thành ra khi test Kênh Tin Game đã ăn đòn ngu người mà không hiểu vì sao.

Tin vui là độ khó của Code Vein không dã man tàn bạo như Bloodboren, quái đánh bạn sẽ mất khoảng từ 1/4 tới 1/3 máu, quá lắm là nửa bình chứ không có chuyện nhất kích tất sát đâu. Code Vein cũng cho phép nhiều người chơi cùng tham gia một nhiệm vụ, bạn có thể hi sinh máu của mình để cứu đồng đội đã bị hạ gục, điều này càng khiến game dễ thở hơn nhiều. Một điểm nữa là sau mỗi màn chơi bạn sẽ được chuyển về căn cứ để mua đồ, rèn vũ khí hay chỉnh lại diện mạo nhân vật… đây là điểm khác biệt chính, vì xem ra Code Vein sẽ là một game cày cuốc rất nhiều đấy.

Trải nghiệm Code Vein Beta: Bloodborne phiên bản Anime

Nhìn chung thì với quãng thời gian test thì chúng ta vẫn chưa thể rõ hết các tính năng cũng như lối chơi của Code Vein, nhưng mà xem ra nó vẫn là một game khá hay đặc biệt cho những ai yêu thích phong cách Anime của Nhật.